CHÚA GIÊ-SU ĐÃ GIẢNG NHƯ THẾ NÀO?
Tất cả chúng ta nên quan tâm đến tuyên đạo pháp vì những gì được giảng cho chúng ta đều rất quan trọng và cách thức giảng ảnh hưởng đến cách thức chúng ta hiểu những gì mình nghe.
Trong bài viết trước, tôi đã đánh giá rất ngắn gọn về ba phong cách giảng chính hiện đang phổ biến – tường thuật, giải kinh và chủ đề. Tuy nhiên, tôi đã không đề cập đến cách mà Chúa Giê-su đã giảng. Ngài là hình mẫu của chúng ta trong mọi việc và vì vậy, khi nhìn nhận việc giảng luận, chúng ta cần được dẫn dắt bởi các phương pháp và thực hành của Ngài.
Chúng ta đều biết rằng Chúa Giê-su thường sử dụng các ẩn dụ và về bản chất, ẩn dụ là một câu chuyện, cho nên chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giê-su chỉ đơn giản là một người giảng theo lối tường thuật. Nhưng Ngài không chỉ kể chuyện, Ngài còn đặt câu hỏi để dẫn dắt vào chủ đề của mình, đôi khi Ngài giải thích các câu Kinh thánh Cựu Ước và đôi khi Ngài chỉ trực tiếp đề cập đến một chủ đề. Chúa Giê-su là một người giảng theo lối tường thuật, một nhà giảng giải kinh và một người giảng theo chủ đề. Nhưng vấn đề ở đây là, mỗi lần Ngài giảng, Ngài đều chọn phương pháp có thể đáp ứng tốt nhất các mục tiêu của mình. Ví dụ, trong Bài giảng trên núi nổi tiếng (Ma-thi-ơ 5-7), Ngài đã đề cập đến các chủ đề và cũng giải thích về các câu trong Cựu Ước. (Những ví dụ khác về lối giảng theo chủ đề và giải kinh có trong Ma-thi-ơ chương 11, 12, 23 và 24). Hơn nữa, khi Chúa Giê-su giảng/dạy theo một phong cách khác ngoài các ẩn dụ, Ngài đã làm vậy với thẩm quyền và sự rõ ràng. Ma-thi-ơ 7:29 lưu ý rằng Ngài đã dạy “cách có thẩm quyền, chứ không như các thầy thông giáo”. Người Pha-ri-si lấy thẩm quyền từ những dạy dỗ của các nhà thần học trước đó và Chúa Giê-su đã chỉ trích họ vì điều này khi Ngài trích dẫn Ê-sai 29:13: “Giáo lý chúng dạy chỉ là những luật lệ của loài người’. (Ma-thi-ơ 15:9). Nhưng khi Chúa Giê-su phán, Ngài đã sử dụng những từ như “Ta bảo các ngươi” và những lời giải thích, tuyên bố của Ngài đều dứt khoát.
Vậy tại sao Chúa Giê-su lại hay nói bằng ẩn dụ đến vậy?
Câu hỏi này rõ ràng có trong tâm trí các môn đồ Ngài vì họ đã hỏi Ngài: “Sao thầy dùng ẩn dụ để nói với họ?” (Ma-thi-ơ 13:10-17). Câu trả lời của Ngài thật bất ngờ và thậm chí gây sốc: “Các con đã được ban cho sự hiểu biết về những mầu nhiệm của vương quốc thiên đàng, còn họ thì không được ban cho.” Và sau đó Chúa Giê-su đã diễn giải lại Ê-sai 6:9-10: “Các ngươi lắng nghe, nhưng không hiểu; Đưa mắt nhìn mà chẳng thấy gì”. Ẩn dụ là một câu chuyện có thể được hiểu ở nhiều cấp độ. Ví dụ, ở cấp độ bề mặt, đó có thể là câu chuyện về một người nông dân gieo giống trên cánh đồng của mình, nhưng ở cấp độ sâu hơn, ẩn dụ đó dạy về lẽ thật quan trọng của vương quốc. Những người đối kháng với Ngài và các lời dạy của Ngài sẽ hiểu câu chuyện nhưng không hiểu được lẽ thật cơ bản, nhưng các môn đồ Ngài sẽ hiểu được lẽ thật. Ẩn dụ về các loại đất là một ví dụ điển hình về điều này. Sau khi Chúa Giê-su kể ẩn dụ này cho đám đông, các môn đồ đến gặp Ngài và hỏi Ngài tại sao Ngài lại dùng ẩn dụ để nói với họ. Tôi đã trích dẫn câu trả lời của Ngài ở trên, nhưng sau đó Ngài nói thêm: “Nhưng phước cho mắt các con vì thấy được; phước cho tai các con vì nghe được! Thật, Ta bảo các con, có nhiều nhà tiên tri, nhiều người công chính mơ ước thấy điều các con thấy nhưng không được thấy; ao ước nghe điều các con nghe mà chẳng được nghe. Vậy, các con hãy nghe giải thích ẩn dụ về người gieo giống.” (Ma-thi-ơ 13:16-18). Sau đó, Chúa Giê-su tiếp tục giải thích cho các môn đồ Ngài về lẽ thật thuộc linh chứa đựng trong ẩn dụ đó.
Mục đích của các ẩn dụ không chỉ là giấu lẽ thật khỏi những kẻ chống đối Tin lành, mà còn trình bày lẽ thật cho các môn đồ và những người thực sự muốn tìm hiểu.
Đối với các môn đồ, các ẩn dụ tạo nên mảnh đất màu mỡ cho những hạt giống của lẽ thật được bày tỏ, và đối với những người không được học hành và không am hiểu, chúng cho người ta một cách để dần hiểu và tiến bộ thêm. Chúa Giê-su thường kết luận một ẩn dụ bằng một phát biểu rõ ràng về ý chính (ví dụ như Lu-ca 12:40) nhưng trong những dịp khác, Ngài sẽ kể các ẩn dụ tương tự nhau mà khi kết hợp lại, chúng sẽ giúp một linh hồn đang tìm hiểu về Chúa dễ dàng hiểu được sự thật ẩn sâu bên dưới hơn. Khía cạnh mặc khải này của các ẩn dụ được ghi lại trong Mác 4:33-34: ‘Ngài dùng nhiều ẩn dụ tương tự để giảng đạo, tùy theo khả năng tiếp thu của họ. Ngài không bao giờ giảng cho họ mà không dùng ẩn dụ; nhưng khi ở riêng với các môn đồ, Ngài giải thích tất cả cho họ’.
Những người giảng đạo và các giáo sư trong hội thánh ngày nay không thường xuyên phải đối phó với đám đông vô tín thù địch, nhưng chúng ta phải tính đến những người tìm hiểu và những tín đồ ít học hoặc ít tiếp xúc với các phương pháp giảng dạy điển hình của phương Tây. Giảng theo lối tường thuật (kể chuyện) có lợi nhất cho những người như vậy; tuy mặt khác, khi truyền đạt cho các tín đồ trưởng thành hoặc những người có học thức cao, có lẽ tốt hơn là sử dụng lối giải kinh và dành phần tường thuật cho những minh họa sống động trong cấu trúc bài giảng. Cách tiếp cận kép này có vẻ là cách chúng ta có thể tiến gần đến tấm gương của Chúa Giê-su nhất.
Tác giả bài viết, Christopher Peppler được trao bằng Tiến sĩ Thần học về Thần học Hệ thống của Đại học Zululand vào năm 2000. Ông đã thành lập Chủng viện Thần học Nam Phi (South African Theological Seminary – SATS), với đại diện tại hơn 70 quốc gia và có hơn 2.500 sinh viên đang theo học. Hiện tại, ông đang đóng vai trò giám sát các sinh viên học Thạc sĩ và Tiến sĩ. Christopher đã rút khỏi vai trò lãnh đạo hội thánh và chủng viện để dành thời gian cho việc viết lách, môn đồ hóa và chơi guitar cổ điển.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://truthistheword.com/how-jesus-preached/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!