Những chủ đề giảng đầy quyền năng trong bài viết này là các chủ đề đơn giản ra từ những câu Kinh thánh sau:
“Vì vậy, ta nhắc con hãy nhen lại ân tứ của Đức Chúa Trời mà con đã nhận lãnh…(2 Ti-mô-thê 1:6). “Hãy nhắc nhở họ những điều nầy…” (2 Ti-mô-thê 2:14).
Một số bài học phải được lặp đi lặp lại mãi.
“Tôi muốn nhắc lại cho anh em…” là một cụm từ xuất hiện rất nhiều trong các thư tín của Sứ đồ Phao-lô.
Những lẽ thật thuộc linh quan trọng nhất cần được nhấn mạnh nhiều lần nếu người nghe thực sự muốn học được chúng và được ích lợi từ chúng.
7 Chủ Đề Giảng Chạm Đến Tấm Lòng Cần Được Nhắc Đi Nhắc Lại
(Đây không phải là một danh sách đầy đủ. Bạn sẽ nghĩ đến những lẽ thật căn bản khác cần được nhấn mạnh liên tục).
Chủ đề giảng thứ nhất: Chúa Giê-su Christ là Cứu Chúa của thế gian và là Cứu Chúa duy nhất.
Đó cũng là chủ đề của nhiều phần trong Kinh thánh đúng không? Sao chúng ta lại không thể tập trung vào Chúa Giê-su – nhân dạng của Ngài, đời sống và chức vụ của Ngài, những dạy dỗ của Ngài, việc Ngài làm đầu hội thánh, và vị trí của Ngài trong đời sống chúng ta – nếu chúng ta trung thành với Lời Chúa đây?
Hỡi các mục sư, hãy cứ nói với họ tại sao chúng ta lại coi trọng Chúa Giê-su đến vậy– nói đi nói lại; chủ đề này không bao giờ cạn kiệt. Mới tối qua thôi, một người nam tại Bắc Carolina này kể về việc cơ quan lập pháp tiểu bang bỏ phiếu để bổ nhiệm một nhà giảng đạo Báp-tít làm mục sư tuyên úy của họ, sau đó sa thải ông khi ông từ chối đưa “nhân danh Chúa Giê-su” ra khỏi lời cầu nguyện của mình. Và họ gọi sự xuyên tạc này là “để hàm chứa tất cả mọi người”. Hãy tưởng tượng xem. (Lưu ý: Nhiều lời cầu nguyện trong Tân Ước thực ra không dùng cụm “nhân danh Chúa Giê-su” và chúng ta không nên cảm thấy lời cầu nguyện của mình cũng phải luôn như vậy. Tuy nhiên, nếu các anh bảo tôi tôi phải loại Chúa Giê-su ra khỏi lời cầu nguyện của mình thì tôi sẽ rời đi.)
Chúa Giê-su Christ là Chúa, từ nay cho đến đời đời, và ngoài Ngài ra không có Chúa nào khác.
Hãy luôn tập trung vào Chúa Giê-su với dân sự của mình.
Chủ đề giảng thứ hai: Hội thánh là một phần không thể thiếu trong kế hoạch của Chúa, từ nay cho đến đời đời.
Và tất nhiên là chúng ta không chỉ đề cập đến hội chúng địa phương của bạn. Tuy đó là điều quan trọng — điều này sẽ khiến nhiều mục sư thiển cận và đơn độc ngạc nhiên — Vương quốc Đức Chúa Trời không chỉ là hội thánh của bạn.
Khi Chúa Giê-su cứu bạn, Ngài biết điều mà bạn sắp khám phá ra: “Bạn không thể sống đời sống mới này trong sự đơn độc. Bạn cần gia đình của Chúa.” Họ bám vào bạn, bạn bám vào họ. Họ hướng dẫn và nuôi dưỡng bạn; bạn cũng quay lại làm như vậy. Sự cộng sinh này đã là kế hoạch của Đức Chúa Trời từ ban đầu.
“Ta sẽ xây dựng Hội thánh Ta,” Chúa đã phán trong Ma-thi-ơ 16:18. Hội thánh thuộc về Ngài và Ngài xây dựng Hội thánh. Những người theo Đấng Christ đi tuyên bố mình có thể sống tốt hơn cho Đấng Christ mà không cần hội thánh là đang xúc phạm Chúa của mình. Người lãnh đạo hội thánh muốn điều hành hội thánh của Chúa “cho Ngài” là đang nhanh chóng chuốc lấy rắc rối lớn.
Chủ đề giảng thứ ba: Sự cứu rỗi hoàn toàn bởi thập tự giá.
Sự cứu rỗi không phải bởi những việc làm công chính, mà là sự khiêm nhường, ăn năn, đức tin nơi Chúa Giê-su Christ và những gì Ngài đã làm trên đồi Calvary.
Mối đe dọa biến sự cứu rỗi thành vấn đề việc làm sẽ không bao giờ biến mất. Nó bắt nguồn từ cách suy nghĩ của con người, lý luận của con người (và do đó là việc tự cho mình là trung tâm) của họ. Theo hiểu biết của tôi, hầu hết các tôn giáo trên thế giới đều dạy những biến thể của “làm điều này và bạn sẽ được cứu” hoặc “không làm điều này và bạn sẽ được cứu”. Chỉ có một tôn giáo mà tôi biết tuyên bố rằng mọi thứ cần thiết đã được thực hiện và nhiệm vụ của chúng ta là ăn năn và tiếp nhận điều đó (“Ngài”).
Khi mọi người bảo tôi rằng họ tin những việc lành của họ sẽ đưa họ lên Thiên đàng, tôi hỏi, “Vậy thì mục đích của thập tự giá là gì? Nếu tất cả những gì Đức Chúa Trời phải làm là nói với chúng ta ‘Bây giờ tất cả các người hãy sống tốt, nghe chưa?’ thì chắc chắn Ngài đã phải chịu rất nhiều rắc rối vô cớ khi sai Chúa Giê-su đến thế gian này để chết trên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta.” (Họ không có câu trả lời vì họ chưa từng nghĩ đến những điều này. Nếu bạn cần thêm bằng chứng về lòng dạ tội lỗi của con ngườ, thì đó chính là bằng chứng.)
Hãy ca tụng ân điển của Chúa, hỡi người giảng đạo, với dân sự của bạn. Hãy giữ họ ở thập tự giá.
Chủ đề giảng thứ tư: Chúng ta không được cứu bởi những việc lành, nhưng được cứu “để” làm công việc của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:10).
Những việc lành có một vị trí nhất định trong kế hoạch của Chúa dành cho dân sự Ngài. Nhưng chúng là kết quả — bông trái, bằng chứng — của sự cứu rỗi của chúng ta, chứ không phải là phương tiện. Một người muốn trở thành thành viên trong quân đội không làm vậy bằng cách mặc quân phục và chào các sĩ quan. Nhưng một khi chính thức được nhập ngũ, anh ta mặc quân phục, tuân theo mệnh lệnh và chào các sĩ quan.
Chúa muốn thấy những việc lành nào trong đời sống chúng ta? Kinh thánh trả lời câu hỏi đó hết lần này đến lần khác ở những địa chỉ như Mi-chê 6:8, Giê-rê-mi 22:16 và tất nhiên là Ma-thi-ơ 25:35-36. Tôi thích kể câu chuyện của Harold Bales về thời điểm hội thánh ông ở khu phố Charlotte, Bắc Carolina, Hoa Kỳ đưa những người vô gia cư từ công viên bên kia đường vào và cho họ ăn sáng trước buổi lễ thờ phượng buổi sáng. Một người phụ nữ đã ở trong hội thánh đó qua nhiều thế hệ và phẫn nộ vì sự hiện diện của những người không được tắm rửa trong các buổi lễ của họ, đã đến gặp Mục sư Harold vào một ngày Chủ Nhật và nói, “Mục sư ơi, tại sao chúng ta phải có những người như vậy trong hội thánh của mình?” Ông ấy nói, “Bởi vì tôi không muốn thấy bất kỳ ai phải xuống địa ngục.” Bà ấy nói, “Vâng, tôi cũng không muốn họ phải xuống địa ngục.” Ông ấy nói, “Tôi không nói về họ. Tôi đang nói về bà đó.”
Chủ đề giảng thứ năm: Nếu bạn có đức tin thì bạn sẽ cầu nguyện.
Trên thực tế, không có điều gì kể câu chuyện đức tin của bạn bằng đời sống cầu nguyện của bạn. Không có điều gì như thế cả.
Hãy suy nghĩ đến việc bạn đang cầu nguyện với một vị Chúa mà bạn chưa từng thấy và không thể chứng minh. Bạn nói với Ngài những điều mà bạn không muốn nói với bất kỳ ai khác và tin rằng Ngài nghe thấy. Hơn nữa — và đây là điểm then chốt — 90 phần trăm những yêu cầu bạn đưa ra, bạn sẽ không bao giờ biết liệu Ngài có trả lời chúng hay không vì Ngài có thể chọn làm như vậy theo những cách tinh tế hoặc vào thời điểm khác. Nhưng bạn cứ cầu nguyện với Ngài ngày qua ngày, như thể Ngài đang ngồi trên chiếc ghế bên cạnh bạn và mọi thứ bạn làm hôm nay đều phụ thuộc vào sự hiện diện và hướng dẫn của Ngài.
Sự thật là vậy.
Các mục sư giúp dân sự coi trọng sự cầu nguyện bằng cách khuyến khích họ cầu nguyện trong các buổi nhóm, lập phòng cầu nguyện tại hội thánh, và khuyến khích cầu nguyện cho những con người, những nhu cầu, sự kiện và mối quan tâm cụ thể.
Chủ đề giảng thứ sáu: Một hội thánh tồn tại nhờ truyền bá Tin lành và công tác truyền giáo giống như lửa vậy, phải cháy mới có thể tồn tại
Chia sẻ đức tin của chúng ta không phải là một lựa chọn, không chỉ dành cho những người có năng khiếu (tuy phải thừa nhận rằng một số người trôi chảy và hiệu quả hơn những người khác trong việc này), và không được thực hiện một cách rời rạc. “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” là mạng lệnh của Chúa chúng ta trong Ma-thi-ơ 28:18 và các trang sau.
Một ngày nọ, tôi đứng ở tiền sảnh của một hội thánh thuộc hệ phái khác, đọc áp phích của họ về truyền giáo. (Bạn không cần tôi phải giúp xác định hệ phái khi đọc những dòng sau.) Tấm áp phích có nội dung đại loại như, “Hãy lan truyền sứ điệp. Hãy nói với mọi người về John Wesley.” Tôi nghĩ, “Wesley ư? Nói với người ta về Wesley ư? Đó không phải là truyền bá Tin lành!” Đó là kiểu hướng dẫn nội bộ mà người ta có thể muốn thực hiện với những người đã cải đạo sang Giáo hội Giám lý Liên hiệp. Nhưng đó không phải là cách để tiếp cận những người không đi hội thánh, không cam kết hoặc không quan tâm.
Các hội thánh phải sáng tạo trong việc tìm cách huy động các thành viên của mình rao truyền đức tin, phải tích cực hỗ trợ những người đang làm đúng và làm tốt, và phải cảnh giác với những xao nhãng có thể đẩy công tác truyền bá phúc âm xuống dưới danh sách các ưu tiên trong các mục vụ của hội thánh.
Chủ đề giảng thứ bảy: Kinh thánh là lời được thần cảm của Đức Chúa Trời và là nguồn thức ăn thuộc linh của các tín đồ.
Nếu bạn nghĩ rằng các chương trình khác của hội thánh sẽ đẩy công tác truyền bá Tin lành ra khỏi nghị trình thì hãy biết rằng cuộc sống có cách đẩy Lời Chúa ra khỏi tâm trí của các tín đồ. Quá trình này có vẻ giống nhau đối với mọi người và hoạt động như thế này…
Bạn không đọc Kinh thánh trong vài ngày, và chẳng mấy chốc, bạn thấy mình chống lại sự thôi thúc bên trong muốn đọc lại. Bạn càng khuất phục trước sự lười biếng không muốn cầm Lời Chúa lên và mở nó ra, bạn càng thấy mình nói (hoặc nghĩ, hoặc cả hai): “Tôi đã đọc Kinh thánh. Tôi đã biết Kinh thánh rồi. Trong đó không có gì mới cả. Kinh thánh thật nhàm chán.”
Tất cả những điều đó đều là lời nói dối từ địa ngục. Bạn không biết Kinh thánh. Bạn chưa đọc Kinh thánh. (Có thể bạn đã đọc “trong” đó, nhưng có cả một trời nội dung ở đó mà bạn vẫn chưa khai thác.) Kinh thánh không nhàm chán. Bạn mới là người nhàm chán, chứ không phải Lời Chúa.
Gióp đã nói, “Tôi… luôn giữ kín trong lòng mình lời từ miệng Ngài.” Chúa Giê-su đã nói, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời.” Đa-vít đã nói rằng người tin kính “vui thích về Lời của Đức Giê-hô-va và suy ngẫm Lời (luật pháp) ấy ngày và đêm.”
Hãy tiếp tục nói với dân sự, hỡi các mục sư. Hãy tiếp tục rao giảng những hiểu biết sâu sắc và vui thích với những kho tàng trong Kinh thánh, và đến cuối cùng, họ sẽ hiểu. Đây là những chủ đề giảng luận đơn giản nhưng quan trọng.
Nhắc lại là một người thầy vĩ đại. Trên thực tế, nó có thể là người thầy giỏi nhất trên hành tinh này. Tác giả bài viết, Joe McKeever đã là một nhà giảng đạo trong gần 60 năm, là một mục sư trong 42 năm và là một họa sĩ truyện tranh/nhà văn cho các ấn phẩm Cơ Đốc trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
– *Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: 7 Heart Touching Sermon Topics You Should Repeat Often