“Vết Xe Đổ” Của Các Mục Sư Sa Ngã
Giáo sư Howard Hendricks – Chủng Viện Thần Học Dallas đã thực hiện một cuộc nghiên cứu với 246 người phục vụ Chúa nhưng lại sa vào tội lỗi nghiêm trọng trong vòng hai năm và rút ra những đặc điểm chung của đời sống họ. Bài viết dưới đây bởi người học trò của ông đã nhắc lại một số chi tiết của cuộc nghiên cứu và nêu lên bốn bài học không chỉ cho các mục sư, mà cho bất cứ ai muốn trung tín bước theo Chúa Giê-su.
Thời còn ở chủng viện, tôi đã học một khóa lãnh đạo do Giáo sư Howard Hendricks quá cố dạy. Khi chúng tôi học về cuộc đời của Đa-vít, Hendricks đã chia sẻ một nghiên cứu mà ông tiến hành với một nhóm người làm chức vụ trọn thời gian nhưng lại sa vào một tội lỗi không xứng hợp về đạo đức.
Lúc bấy giờ tôi mới tin Chúa được vài năm, nhưng rất tiếc là chủ đề đó quá xác đáng. Thời gian đầu, tôi đã chứng kiến một số người mà mình yêu thương, tôn trọng rơi vào sự thỏa hiệp nghiêm trọng với tội lỗi. Trong những ngày đó, có thời điểm mà sự sa ngã xảy ra thường xuyên tới mức tôi cảm thấy mình như đang trong một trận chiến thuộc linh khốc liệt và chứng kiến những người thân thiết phải chết tung xác quanh mình.
Những người lính sa ngã của Đấng Christ
Nghiên cứu đó khảo sát 246 người nam có chức vụ trọn thời gian đã nếm trải thất bại về mặt đạo đức trong khoảng thời gian hai năm. Theo những gì Hendricks có thể thấy thì họ là những người theo Chúa Giê-su và đã được tái sinh. Tuy có cùng một sự cứu rỗi nhưng họ cũng có cùng một “chiến tích” mang đến sự hủy hoại: Tất cả đều dính dáng vào một mối quan hệ ngoại tình trong vòng 24 tháng.
Sau khi phỏng vấn từng người, Hendricks đã tổng hợp bốn đặc điểm chung của đời sống họ:
• Không ai tham gia vào bất kỳ hoạt động khai trình cá nhân thực chất nào.
• Tất cả đều không còn dành thời gian cầu nguyện, đọc Kinh thánh và thờ phượng cá nhân hằng ngày nữa.
• Hơn 80% có quan hệ tình dục với người nữ khác sau khi dành lượng thời gian đáng kể với người đó, thường là trong những tình huống tâm vấn.
• Từng người trong 246 người này – không trừ một ai – đều tin rằng kiểu sa ngã đó “sẽ không bao giờ xảy đến với mình”.
Khi suy ngẫm lại nghiên cứu này, bốn bài học đã đến trên tâm trí tôi. Những điều này có thể áp dụng với các mục sư, thợ sửa ống nước, những bà nội trợ và bất cứ ai đang bước theo Đấng Christ.
1. Tội lỗi phát triển trong sự đơn độc.
Sa-tan sống trong nơi tối tăm và hắn khao khát kìm giữ chúng ta tại đó. Sự lừa dối dễ cư ngụ nhất trong nơi tối tăm. Đó là lý do tại sao khi Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với chính Ngài, Ngài lại kêu gọi chúng ta vào trong hội thánh.
Chúa đã tạo nên hội thánh để trở thành nhiều điều, bao gồm cả một cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau chống lại tội lỗi và yêu mến Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta vào những mối quan hệ, nơi chúng ta nói sự thật với nhau (Ê-phê-sô 4:15, 25), xưng nhận tội lỗi với nhau (Gia-cơ 5:16) và yêu thương nhau đủ để đuổi theo nhau nếu chúng ta đi lạc (Ma-thi-ơ 18:10-20; Ga-la-ti 6:1-2, Gia-cơ 5:19-20).
Ai là người biết bạn? Ý tôi là những ai thật sự biết bạn? Những ai không chỉ được bạn cho phép mà còn đang thực hiện sự cho phép đó bằng cách đặt ra cho bạn những câu hỏi thấu suốt? Bạn có đang thành thật trả lời những câu hỏi đó không, hay bạn đang giấu giếm sự tình và tô vẽ tội lỗi để bảo vệ hình ảnh của bản thân? Đừng giấu mình khỏi những mối quan hệ yêu thương là sự giúp đỡ đầy ân điển từ Chúa.
2. Nếu đùa giỡn với tội lỗi thì bạn sẽ rơi vào tội lỗi.
Tội lỗi là con dốc trơn trượt. Càng đi lâu trên bờ vực thì chân bạn càng dễ trượt xuống. Những người trong cuộc nghiên cứu kia đã đặt mình vào tình huống nguy hiểm hết lần này đến lần khác. Họ bỏ ngoài tai lời vua Sa-lô-môn cảnh báo các con trai mình “hãy giữ đường lối con cách xa nó, đừng đến gần lối vào nhà nó” (Châm ngôn 5:8).
Bạn đang đùa giỡn với tội lỗi theo những cách nào? Bạn đang cho xác thịt mình những điều gì để thỏa mãn dục vọng của nó (Rô-ma 13:14)? Bạn đã vượt qua những hàng rào bảo vệ nào? Bạn đang giấu giếm những chi tiết gì? Bạn đang xóa những email nào? Bạn đang xóa đi những lịch sử tìm kiếm nào?
Tội lỗi đang rình rập trước cửa nhà bạn (Sáng thế kỷ 4:7), và kẻ cám dỗ đang chờ thời cơ để cắn nuốt (1 Phi-e-rơ 5:8). Bạn đang khiến nó dễ nhắm vào mục tiêu hơn như thế nào?
Hãy chạy khỏi tội lỗi, đừng đùa giỡn với nó (Sáng thế ký 39:6-12; Châm ngôn 5-7, Rô-ma 6:12-13; 2 Ti-mô-thê 2:22; 1 Phi-e-rơ 2:11).
3. Sự kiêu ngạo trói chặt chúng ta với sự yếu đuối mình.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng dạng tội lỗi nghiêm trọng này sẽ không xảy đến với mình, những mục sư sa ngã kia cũng nghĩ vậy. Nhưng 1 Cô-rinh-tô 10:12 cảnh báo rằng “Vậy nên, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” Chúng ta chớ quên rằng Sam-sôn, người mạnh mẽ nhất trong Kinh thánh; Sa-lô-môn, người khôn ngoan nhất trong Kinh thánh; và Đa-vít, một người đẹp lòng Đức Chúa Trời đều bị những cám dỗ về tội lỗi tình dục lấn lướt (Các quan xét 14-16; 1 Các vua 11:1-8; 2 Sa-mu-ên 11-12; Thi thiên 51). Không ai là không bị cám dỗ phạm tội theo những cách trầm trọng. Nếu nghi ngờ điều đó thì bạn đang trên đường đến với sự sa ngã nghiêm trọng.
Hãy cẩn thận! Châm ngôn 16:18 nói rằng “Sự kiêu ngạo đi trước sự hủy diệt, và tính tự cao đi trước sự sa ngã.”
4. Sự thánh khiết được vun đắp nhờ yêu mến Chúa Giê-su.
Ở một thời điểm nào đó, mỗi người trong cuộc nghiên cứu bắt đầu thả trôi. Những lời cầu nguyện trở nên thiếu nồng nhiệt. Những lời hứa của Chúa trong Lời Ngài bắt đầu phai mờ. Tình yêu dành cho Chúa Giê-su đã lui vào dĩ vãng. Sự quyến dụ của tội lỗi và cám dỗ hy sinh tất cả để thỏa mãn những khao khát bên trong đã trở nên quá mạnh mẽ và không thể cưỡng lại.
Nhưng Đấng Christ mạnh mẽ hơn. Hãy nghe lại những lời hứa sau đây:
Do đó, vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại đã vượt qua các tầng trời là Đức Chúa Giê-su, Con Đức Chúa Trời, nên hãy giữ vững những điều chúng ta xưng nhận. Vì chúng ta không có một thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, nhưng có một thầy tế lễ bị cám dỗ đủ mọi cách như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời. (Hê-bơ-rơ 4:14-16)
Không có nguồn giúp đỡ nào chắc chắn và ngọt ngào hơn Chúa Giê-su Christ. Ngài đứng sẵn ở bên hữu Đức Chúa Trời để chu cấp ân điển và sự thương xót mà chúng ta cần.
Đừng để tấm lòng bạn dần nguội lạnh trước Chúa là Đấng yêu bạn dường ấy. Hãy đến gần với Ngài mỗi ngày, trong từng khoảnh khắc, trông đợi trong hy vọng rằng Ngài quý hơn mọi sự khoái lạc chóng qua có thể lôi kéo tấm lòng bạn. Đừng chỉ tìm kiếm Ngài trong những ngày tuyệt vọng mà hãy tìm kiếm Ngài mỗi ngày. Hãy bước đi với Ngài. Hãy nhen lại lòng nhiệt huyết. Hãy cầu xin Ngài giúp bạn. Ngài có thể làm điều đó, và Ngài vui thích khi làm điều đó:
Cầu xin Đấng có quyền năng giữ anh em khỏi vấp ngã và khiến anh em đứng trước vinh quang Ngài một cách không tì vết và vui mừng, là Đức Chúa Trời duy nhất, Cứu Chúa chúng ta, nhờ Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta, được tôn vinh, uy nghiêm, năng lực và thẩm quyền từ muôn đời trước, hiện nay và cho đến đời đời! A-men. (Giu-đe 24-25)
Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến!
Tác giả bài viết, Garrett Kell (Thạc sĩ Thần học, Chủng viện Thần học Dallas) là mục sư lãnh đạo Hội thánh Báp-tít Del Ray tại Alexandria, Virginia, Hoa Kỳ; đồng thời là thành viên trong Hội đồng của trang The Gospel Coalition.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.thegospelcoalition.org/article/the-pattern-among-fallen-pastors/