Lãnh đạo trong khủng hoảng: Sự lãnh đạo Cơ Đốc và Đại dịch Covid-19
Cái khó của việc lãnh đạo là bạn cũng có mọi cảm xúc như những người khác trong cơn khủng hoảng: Bạn nghĩ tới sức khỏe của mình, của gia đình mình, sự tự do và những nỗi sợ của bản thân. Hơn nữa, bạn còn phải chịu sức nặng của toàn bộ hội thánh hoặc tổ chức của mình – lại thêm một gánh nặng khó diễn tả nữa. Là lãnh đạo, bạn phải phản ứng như thế nào đây?
Đôi khi trong sự lãnh đạo, bạn phải trải qua những tình huống khiến bạn nghĩ rằng “Mình chưa từng gặp phải chuyện này”. Đại dịch Covid-19 hiện tại là một trong số đó. Tôi đồ rằng trong quá khứ, bạn chưa bao giờ phải lãnh đạo qua một thời kỳ nào như thế này. Tôi đã lãnh đạo qua dịch SARS năm 2003, nhưng hoàn cảnh này đã lấn át mọi thứ từng xảy ra khi đó: Biên giới các quốc gia bị khóa chặt, sự đi lại bị ảnh hưởng, những sân vận động trống không, các mùa giải bị hủy và cuộc sống thường ngày thay đổi nhanh chóng.
Điều này đặt ra một câu hỏi: Là lãnh đạo, bạn phải phản ứng như thế nào đây? Khi hoàn cảnh đang thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ thì sau đây là một số nguyên tắc phổ quát hơn. Hy vọng là chúng hữu ích cho bạn trong cương vị một người lãnh đạo.
1. ĐỪNG CHỈ ĐỐI PHÓ VỚI HOÀN CẢNH, HÃY THỰC HÀNH SỰ LÃNH ĐẠO
Cái khó của việc lãnh đạo là bạn cũng có mọi cảm xúc như những người khác trong cơn khủng hoảng: Bạn nghĩ tới sức khỏe của mình, của gia đình mình, sự tự do và những nỗi sợ của bản thân. Hơn nữa, bạn còn phải chịu sức nặng của toàn bộ hội thánh hoặc tổ chức của mình – lại thêm một gánh nặng khó diễn tả nữa.
Bạn thấy đấy, thị trường chứng khoán trồi sụt và việc tích trữ nhu yếu phẩm một cách phi lý đến điên cuồng tạo nên sự hoảng loạn, sợ hãi, tham lam và ích kỷ tột độ, tất cả hiệp nhau tàn phá cuộc sống của chúng ta. Việc của bạn không chỉ là đối phó với những gì đang diễn ra mà là lãnh đạo người ta trong hoàn cảnh đó.
Có nghĩa là bạn cần nhìn lại những cảm xúc của mình, làm những điều tốt nhất cho người khác chứ không chỉ cho bản thân. Tin tôi đi, nếu hội thánh bạn thấy sự hoảng loạn hay sự huyễn hoặc trong mắt bạn thì họ sẽ càng hoảng loạn thêm. Nếu bạn cứ bông đùa rằng mình đã tích trữ được bao nhiêu bịch giấy vệ sinh, hay huyễn hoặc rằng Covid-19 chẳng có gì nghiêm trọng hơn cúm mùa, hay rêu rao đủ loại tin rác trên mạng xã hội thì họ sẽ dần mất lòng tin nơi bạn.
2. HY SINH CHỨ ĐỪNG VỊ KỶ
Có lẽ điều khiến tôi thất vọng nhất về chính mình cũng như những gì tôi thấy trong xã hội chính là sự vị kỷ mà Cơ Đốc nhân đang thể hiện giữa cơn khủng khoảng. Tôi cũng cảm thấy tất cả những bản năng đó, và tôi nhận ra rằng chúng không đúng đắn.
Rất dễ để phát hiện ra sự ích kỷ nơi những người khác. Khủng hoảng chỉ bày lộ và khuếch đại những gì vốn có mà thôi. Với nhiều người trong chúng ta thì đó là sự vị kỷ và tự xưng công bình. Tôi cần nhắc nhở chính mình rằng hội thánh đầu tiên không nổi tiếng vì tích trữ đồ ăn và nhu yếu phẩm cho bản thân và lan truyền nỗi sợ trên mạng xã hội. Di sản của Mẹ Teresa không được xây dựng trên việc tích trữ nhu yếu phẩm đủ dùng trong vài tháng và thắc mắc tại sao những người nghèo ở thành Calcutta lại không khôn ngoan và thông minh như mình.
Bạn biết rõ điều này, rằng những người lãnh đạo giỏi nhất sẽ thể hiện sự hy sinh trong cơn khủng hoảng, chứ không phải là tính vị kỷ. Sự hy sinh mà bạn thể hiện trong cương vị người lãnh đạo sẽ khơi dậy sự hy sinh nơi những người khác. Rất tiếc là điều này cũng đúng với tính vị kỷ. Ý tôi không phải là bạn không cần phải chăm sóc cho gia đình mình và rửa tay cho sạch, cho thường xuyên; bản thân tôi thực hiện cả hai điều đó. Nhưng đó không thể là phản ứng duy nhất của bạn. Thế giới đôi khi hiểu Phúc âm hơn các mục sư. Họ ca ngợi những người xả thân phục vụ người khác. Và trong lịch sử, Cơ Đốc giáo cũng vậy. Tự vệ có thể là đặc điểm của một tôn giáo nào đó, chứ không phải của Cơ Đốc giáo.
3. TẬP HỢP MỘT ĐỘI CỐ VẤN KHÔN NGOAN ĐỂ KIỂM TRA LẠI BẢN NĂNG TỰ NHIÊN CỦA BẠN
Nghe có vẻ hiển nhiên khi nói rằng bạn không nên phản ứng thái quá hoặc chậm phản ứng, nhưng gần như không ai tự nhiên mà có khả năng này: về bản chất, bạn vốn đã thiên về phản ứng thái quá hoặc chậm phản ứng rồi. Quan trọng là phải biết mình thiên về cái nào. Tôi đoán rằng bạn phản ứng thái quá với những kích thích nhất định và chậm phản ứng với những người khác.
Về bản chất, tôi không bị lèo lái bởi nỗi sợ, cho nên khi cơn khủng hoảng như thế này xảy ra, rõ ràng là tôi nghiêng về chậm phản ứng. Nói thật là tôi bị sốc với tốc độ lây lan của dịch bệnh và mức độ gián đoạn mà nó gây ra chỉ trong thời gian ngắn. Đúng vậy, vào tuần đầu tiên mà truyền thông đưa tin về loại virus corona mới, một chuyên gia y tế cấp cao mà tôi tin cậy đã kéo tôi ra một góc và bảo rằng đại dịch này sẽ lớn hơn cả SARS và có thể ảnh hưởng tới hàng chục triệu người. Anh ấy được tiếp cận với những nguồn tin trên các kênh y tế và chính phủ mà tôi không biết. Tôi đã hy vọng rằng anh nói sai. Nhưng giờ đây thì có vẻ như anh nói rất đúng.
Có thể thấy rằng mạng xã hội không thể đưa ra những thông tin đáng tin cậy về đại dịch, còn các phương tiện truyền thông chính thống (mà tôi nhìn chung không phê bình vì thế giới sẽ ra sao nếu thiếu chúng) lại bị tác động bởi việc làm sao có thêm được lượt xem. Thật trớ trêu khi trong thời đại tiếp cận thông tin dễ dàng chưa từng có như thế này, vì cớ mạng xã hội mà hầu hết những gì bạn nhận được là thông tin sai lệch, gây kích động và đánh lạc hướng trong cơn khủng hoảng. Tôi cho rằng điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Người ta luôn nói rằng sự thật là chiến sĩ đầu tiên bị thương vong trong chiến tranh. Vậy bạn cần phải làm gì đây?
Là tôi thì tôi sẽ tập hợp những người thông minh và thức thời nhất, những người có kinh nghiệm thật sự về y tế và để họ tư vấn cho bạn. Hãy để họ cho bạn biết những nguồn nào là đáng tin cậy nhất. Trong đội cố vấn nhỏ của bạn, tôi muốn tập hợp một vài người khôn ngoan và thông minh hơn bạn trong cả lĩnh vực lãnh đạo cũng như truyền thông và cùng làm truyền thông với bạn.
Để làm điều này, có thể bạn sẽ phải tìm ngoài vòng nhân sự và đội ngũ của mình, tuy bạn cũng có thể chọn ra một hai người giúp đỡ từ nhóm đó. Hãy nghĩ về điều này như một ban nội các chiến tranh hoặc một ủy ban đặc biệt gồm những người đặc biệt khôn ngoan, sẵn sàng thông tin cho bạn trong khủng hoảng. Đội ngũ này sẽ giúp bạn vừa thu thập những thông tin chính xác, vừa đưa ra những quyết định thức thời. Thậm chí bạn có thể muốn nhờ một chính trị gia trong vùng hoặc một công chức cố vấn cho mình.
Đồng thời, hãy bỏ theo dõi những người cực đoan thuộc cả hai phe trên mạng. Tiếng ồn ào vô nghĩa sẽ khiến bạn còn khó suy nghĩ, khó cầu nguyện và định hình quan điểm hơn. Để tập hợp một đội cố vấn ngoài vòng quan hệ trực tiếp của mình, hãy theo dõi và để ý những con người trong cộng đồng và trong chức vụ mà có thể bạn không quen nhưng lại tôn trọng, theo dõi và tin tưởng họ, những người đã dẫn dắt một cách khôn ngoan trong các tình huống đã qua. Điều này sẽ giúp bạn tập trung và tỉnh táo trong tâm trí và tấm lòng.
4. TRUYỀN THÔNG/TRUYỀN ĐẠT MỘT CÁCH RÕ RÀNG
Sau khi gặp đội cố vấn, hãy lên kế hoạch truyền đạt và hành động. Một lần nữa, phần đa các lãnh đạo nghiêng về việc nói quá ít hoặc quá nhiều. Dưới đây là khuôn mẫu đã giúp tôi truyền thông trong khủng hoảng:
a) Nhìn nhận vấn đề. Dân sự muốn biết rằng bạn nhận thức được vấn đề, cho nên bạn có thể nói rằng: “Anh chị em cũng biết là chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh mà chưa ai trong đây từng phải đối mặt và mọi thứ đang thay đổi theo từng ngày.”
b) Nhìn nhận cả hai phía. Chắc chắn rằng trong những tuần kế tiếp, kể cả khi không có chỉ thị của chính phủ, nhiều hội thánh vẫn sẽ quyết định đóng cửa hoặc nhóm lại trực tuyến. Các hội thánh khác sẽ tiếp tục nhóm lại trong khuôn khổ cho phép. Hãy nhìn nhận rằng cả hai phương án đều khiến bạn được tín nhiệm thêm hơn chứ không bị giảm đi. Hãy nói kiểu như thế này: “Chúng ta đã thấy một số tổ chức đóng cửa. Số khác thì vẫn mở. Đó là hai phương án hợp lý.” Bạn rất dễ bị cám dỗ làm ra vẻ rằng phương án của mình là phương án duy nhất. Thực ra điều đó chỉ khiến bạn trông ngu ngốc hơn thôi. Tất nhiên là có hơn một phương án, và dân sự của bạn biết điều đó.
c) Nói rõ quyết định của bạn. Hãy nêu phương án mà bạn đã chọn, chẳng hạn như: “Chúng ta quyết định mở cửa vào cuối tuần này…chúng ta sẽ làm như sau.”
d) Cho họ biết lý do. Đây là điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm. Lựa chọn mở hay đóng cửa không quan trọng bằng lý do mở hay đóng. Suy cho cùng thì “người ta không mua thứ bạn làm ra. Họ mua cái lý do khiến bạn làm ra nó” (Cảm ơn, Simon Sinek).
e) Hướng đến hy vọng. Vì đây là một cơn khủng hoảng nên rất có thể bạn sẽ phải báo những tin mà mình không muốn báo. Hãy nhớ rằng nhiệm vụ của bạn là thấy được tương lai và dẫn dắt dân sự vào đó. Sẽ có một thời điểm khi khủng hoảng qua đi, các bạn sẽ nhóm lại và nhìn lại mọi thứ, và bạn cần phải hướng đến hy vọng.
5. ĐỪNG CỐ XOAY CHUYỂN MỌI THỨ SANG HƯỚNG CÓ LỢI CHO BẠN
Bạn sẽ thực sự bị cám dỗ xoay chuyển sự thật về phía mình. Đừng có làm như vậy. Đây là một hoàn cảnh phức tạp và sự thật là hầu hết chúng ta đều không biết điều này sẽ kéo dài bao lâu, tổn thất sẽ ở mức nào và chuyện gì sẽ xảy ra. Hơn nữa là bạn cũng có mong muốn riêng trong điều này. Các hội thánh không muốn bị cạn kiệt về con người và tiền bạc. Các doanh nghiệp không muốn phá sản. Người ta không muốn mất khoản tiền dành dụm cả đời.
Cho nên, bạn sẽ bị cám dỗ xoay chuyển tình thế sao cho mọi thứ đều có lợi cho bản thân. Tôi cũng đã thấy những người cố gắng lợi dụng khủng hoảng để biện minh cho khuynh hướng chính trị thiên hữu hoặc thiên tả. Không nên! Tất cả những điều đó thực sự là dạng lãnh đạo tệ hại. Hãy để tâm đến con người chứ không phải là đảng phái trong khủng hoảng.
Một trong những cách tốt nhất để chống lại điều này là làm những điều tốt nhất cho người khác. Nếu bạn yêu những người mà mình phục vụ, giúp những người mà mình phục vụ, lãnh đạo những người mà mình phục vụ thì họ sẽ tụ họp lại xung quanh bạn. Thật sự là như vậy. Nếu bạn cố gắng thao túng họ, điều khiển họ hoặc lợi dụng họ, những người thông minh sẽ phát hiện ra và bỏ đi. Thao túng và tội lỗi có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hãy nhớ điều đó. Ân điển và lẽ thật sẽ đưa bạn vượt qua hoàn cảnh này. Hãy bám chặt lấy chúng
6. TÌM RA CƠ HỘI GIỮA MỌI TRỞ NGẠI
Người lãnh đạo sẽ biết tìm cơ hội nơi những người khác chỉ thấy trở ngại. Có những cơ hội ở đây. Tôi để điều này ở cuối vì một số người trong các bạn (và cả tôi nữa) sẽ bị cám dỗ né tránh khủng hoảng và không thấy được cơ hội, nhưng có đấy!
Năm năm trước, tôi nhận ra rằng mình cần một tấm visa để thực hiện công việc mà tôi muốn làm tại Hoa Kỳ. Điều này không hề dễ dàng chút nào. Nó khiến tôi nghĩ đến việc làm sao để truyền đạt nội dung mà không phải lúc nào cũng nhảy lên máy bay. Tôi cũng muốn viết một cuốn sách nhưng lịch trình lại kín mít, và với hai trở ngại đó (không biết có được xin visa đi lại không và thiếu thời gian viết sách), tôi đã lập ra khóa học online đầu tiên của mình.
Tôi không hề biết rằng mình đang mở ra một trong những cách tốt nhất để phục vụ những người lãnh đạo. Nhu cầu về các khóa học online lớn hơn tôi tưởng rất nhiều, và tôi có thể giúp hàng ngàn người lãnh đạo, từ đó cải thiện đáng kể mọi điều mà tôi thực hiện cho những người lãnh đạo. Tôi sẽ không làm được như vậy nếu không có các khóa học online.
Nhưng đó không phải điều gì hoành tráng lắm, tôi chỉ đang phản ứng với một vấn đề mà mình thật sự không biết cách giải quyết mà thôi. (Cũng xin nói thêm là tôi cũng xin được visa rồi và giờ đây có thể làm cả hai… quả là một bất ngờ thú vị!)
Vậy đâu là một số cơ hội đang mở ra trước chúng ta? Tôi chỉ liệt kê vài điều mình thấy như sau:
Cải thiện trải nghiệm về trực tuyến/online
Từ lâu bạn đã biết rằng trải nghiệm online của bạn cần phải cải thiện. Đây là lúc để hành động. Hãy dành nhiều thời gian và chú ý tới việc kết nối với mọi người qua không gian mạng, từ đó bạn có thể lãnh đạo họ dù có gặp họ trực tiếp hay không. Dù đây có phải là không gian duy nhất của bạn trong những tháng tới đây hay không thì hoạt động trực tuyến vẫn sẽ trở nên phổ biến. Khi dân sự có thể nhóm lại, nhiều người sẽ chạy lại với hội thánh. Không gì bằng gặp gỡ mặt đối mặt, đặc biệt là khi điều đó bị đe dọa và lấy đi.
Giúp thành phố của bạn
Trong thời điểm mà mọi người đều bận tâm tới chính mình thì hãy tìm những cách mới để phục vụ những người khác. Khi dân chúng trong thành phố thấy bạn quan tâm đến họ, họ sẽ được nhắc nhở rằng Chúa cũng vậy.
Mang đến hy vọng
Bản năng và những thắc mắc về thuộc linh của người ta sẽ được kích hoạt trong những thời khắc như thế này. Hãy cho họ biết Tin lành của Phúc âm. Một thế giới đang vật lộn với sự chết sẽ cần cả hy vọng về sự phục sinh và quyền năng của một Đức Chúa Trời cùng chịu khổ với họ. Khao khát Phúc âm của con người đang được khơi dậy hơn bao giờ hết. Một thế hệ chán ghét sự tô vẽ đã sẵn sàng cho hy vọng.
Gia tăng sự tin cậy
Bằng cách này hay cách khác, cơn khủng hoảng này sẽ qua đi. Nếu cứ lãnh đạo cách khiêm nhường, khôn ngoan và tin kính thì bạn sẽ được những người mà mình lãnh đạo tin cậy thật nhiều, rồi tương lai sẽ thực sự lớn lao hơn so với quá khứ. Khi cùng nhau vượt qua khủng hoảng, các bạn sẽ có thể cùng nhau giải quyết rất nhiều điều nữa trong tương lai.
Bạn cũng sẽ phát hiện ra nhiều cơ hội khác nữa, tôi hứa với bạn là có đấy!
Tác giả bài viết, Carey Nieuwhof là mục sư sáng lập Hội thánh Connexus tại Canada. Ông phục vụ Chúa trong vai trò mục sư đến năm 2015 rồi chuyển giao công việc cho thế hệ mới. Carey là tác giả của một số cuốn sách, cuốn mới đây nhất là “Điều không ngờ tới” (Didn’t See It Coming). Ông dành nhiều thời gian để trang bị cho các hội thánh và lãnh đạo trên toàn thế giới. Carey viết bài trên trang www.CareyNieuwhof.com và là chủ kênh Podcast Lãnh đạo Carey Nieuwhof. Hằng tháng, các nội dung về lãnh đạo của ông có hàng triệu lượt truy cập.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://careynieuwhof.com/crisis-leadership-christian-leadership-and-the-corona-virus-epidemic/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!