5 Cách Để Hủy Hoại Một Bài Giảng
Kể từ lần đầu đọc cuốn Giảng luận Kinh Thánh (Giảng Giải kinh) của Haddon Robinson năm 12 tuổi, tôi đã đeo đuổi việc trở thành nhà giảng đạo tốt nhất có thể để Chúa được vinh hiển. Bởi ân điển Ngài, tôi đã có thể giảng hàng ngàn bài giảng cho hàng triệu thiếu niên và người trưởng thành trên khắp Hoa Kỳ và nhiều khu vực trên thế giới.
Nhưng tôi còn nghe nhiều bài giảng hơn thế. Tôi yêu thích sự giảng luận hay và những nhà giảng đạo vĩ đại! Tony Evans, Chuck Swindoll, Erwin Lutzer, Craig Groeschel và Louie Giglio là những người mà tôi thích nhất. Tôi sẽ không liệt kê những người mình cho là không nên nghe, nhưng tôi sẽ cho bạn biết rằng những nhà giảng đạo tuy nổi tiếng nhưng lại không vĩ đại lắm lại có một số thói quen xấu giống nhau. Tôi đã nghe họ hủy hoại những phân đoạn tuyệt vời bằng sự giảng luận không đâu vào đâu.
Trên nền tảng đó, tôi xin kể ra năm cách để hủy hoại một bài giảng:
Giảng về bạn chứ không giảng về Chúa Giê-su
“Hãy nhớ rằng Đức Chúa Giê-su Christ thuộc dòng dõi Đa-vít, Ngài đã sống lại từ cõi chết theo như Tin Lành mà ta rao giảng.” 2 Ti-mô-thê 2:8
Người hùng của câu chuyện Kinh thánh là Chúa Giê-su. Người hùng của những câu chuyện trong bài giảng của chúng ta phải là Chúa Giê-su. Chúng ta có thể chia sẻ những câu chuyện cá nhân (tôi chia sẻ rất nhiều), nhưng suy cho cùng và đến cuối bài giảng, mọi người phải tán dương Chúa Giê-su chứ không phải bạn.
Cả Kinh thánh đều chỉ về Chúa Giê-su. Cựu Ước chỉ về thân vị của Chúa Giê-su. Các sách Tin lành kể câu chuyện về Chúa Giê-su. Sách Công vụ cho thấy sự tác động của Thần Chúa Giê-su trên dân sự Ngài. Các thư tín giải thích sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Và sách Khải huyền cho thấy chiến thắng của Chúa Giê-su.
Tất cả đều là về Chúa Giê-su.
Bài giảng của bạn có vậy không?
Giảng những câu chuyện chứ không giảng Kinh thánh
“Trước mặt Đức Chúa Trời và Đấng Christ Giê-su, là Đấng sẽ phán xét người sống và kẻ chết, và vì sự hiện đến của Ngài và vương quốc Ngài, ta khuyến cáo con: Hãy truyền giảng lời Chúa, hãy kiên trì dù trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, hãy thuyết phục, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nhục và tinh thần dạy dỗ.” 2 Ti-mô-thê 4:1,2
Công việc của người giảng đạo là giảng Lời Chúa. Khi Phao-lô đưa ra lời khuyến cáo trên cho người học trò trẻ tuổi Ti-mô-thê, ông làm vậy một cách rất tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ mà cũng đáng sợ. Ông nhắc nhở Ti-mô-thê rằng vị khán giả chính của cậu, vị khán giả quan trọng bậc nhất, là chính Đức Chúa Trời “sẽ phán xét người sống và kẻ chết.”
Thật đáng sợ!
Là một người thạo kể chuyện bẩm sinh và là một người giảng đạo theo ân tứ thuộc linh, đây là một thực tế mà tôi phải vật lộn với nó từ hồi đầu. Làm sao để dùng các câu chuyện mà không để chúng chỉ huy bài giảng của mình? Làm sao để tạo ra một câu chuyện và đặt nó đúng chỗ để minh họa một ý trong Kinh thánh mà không biến nó thành điểm chính yếu? Làm sao để dùng các câu chuyện nhằm thu hút và duy trì sự chú ý, nhưng phải luôn đưa khán giả của mình đến với Kinh thánh.
Sau vài chục năm vật lộn với điều này, tôi đưa ra triết lý như sau. Hãy nghĩ về sự giảng luận như một trận đấu quyền Anh với tấm lòng, linh hồn và tâm trí của khán giả. Cú thọc của võ sĩ quyền Anh thường không hạ gục đối thủ, nhưng nó có thu hút sự chú ý của người đó. Cũng vậy, các câu chuyện (cả câu chuyện cá nhân và những câu chuyện khác) giống như một cú thọc hay của võ sĩ quyền Anh. Chúng thu hút và duy trì sự chú ý của khán giả. Nhưng đòn nốc-ao là Kinh thánh.
Tôi giảng theo cách nào? Thọc, thọc, nốc-ao!
Hãy thu hút và duy trì sự chú ý của họ vào những câu chuyện bạn kể, nhưng hãy luôn đưa ra “cú móc” lẽ thật ngay dưới cằm họ cho tới khi tội lỗi và tư duy không theo Kinh thánh bị nốc-ao khỏi họ (xin lỗi vì đã dùng minh họa bạo lực như vậy nhưng tôi xuất thân từ một gia đình võ sĩ nhà nghề theo đúng nghĩa đen và đã xuất bản một cuốn sách vào tháng 11/2021 mang tên Võ sĩ không triển vọng…Câu chuyện về một đứa trẻ đường phố không cha vượt qua bạo lực, rối ren và bối rối để trở thành một tín đồ triệt để của Đấng Christ – Unlikely Fighter…The Story of How a Fatherless Street Kid Overcame Violence, Chaos and Confusion to Become a Radical Christ Follower).
Đạo văn bài giảng mà không dẫn nguồn
“Kẻ quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa…” Ê-phê-sô 4:28
Không có gì sai khi thi thoảng dùng những bài giảng và sườn bài giảng của nhà giảng đạo khác, nhưng hãy dẫn nguồn cho thích đáng; đồng thời hãy đảm bảo rằng bạn tự giải nghĩa phân đoạn đó và sườn bài giảng của họ phải chắc chắn, đúng Kinh thánh!
Quá nhiều người giảng đạo nghĩ rằng mình sẽ có tấm thẻ “thông hành tự do” trong việc trích dẫn, lên sườn và minh họa bài giảng vì họ là những người được Chúa xức dầu. Nhưng, chính bởi vì chúng ta là những người được Chúa xức dầu (thực ra thì mọi tín đồ đều là người được Chúa xức dầu theo 1 Giăng 2:20) nên chúng ta cần làm những điều đúng đắn theo đúng cách.
Đạo văn là trộm cắp.
Đừng trộm cắp nữa. Hãy dẫn nguồn cho thích đáng. Nếu không làm như vậy thì bạn sẽ đánh mất quyền năng của Thánh Linh trong các bài giảng của mình.
Giảng quan điểm của mình chứ không giảng quan điểm của Chúa
“Hãy chuyên tâm để được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không có gì đáng thẹn, thẳng thắn giảng dạy lời chân lý.” 2 Ti-mô-thê 2:15
Vị mục sư của tôi (với biệt danh “Yankee” vì nhiều lý do) từng giơ Kinh thánh của mình lên và nói: “Đây là lẽ thật của Đức Chúa Trời. Hãy giảng nó chứ đừng giảng những ý kiến cá nhân. Ý kiến cá nhân giống như những cái nách vậy, ai cũng có nách và nách nào chẳng bốc mùi. Dù cổ xưa nhưng ý kiến của Đức Chúa Trời mới là hệ trọng.”
Để “thẳng thắn dạy lời chân lý”, chúng ta phải dành thời gian mổ xẻ, giải nghĩa và vật lộn với phân đoạn Kinh thánh. Quá dễ để áp đặt ý kiến của mình lên trên đó. Nhưng chúng ta phải để Lời Chúa đặt “ý kiến” lên trên chúng ta và sườn bài giảng của chúng ta.
Nói thật là thời gian chuẩn bị bài giảng của tôi luôn có quá trình ăn năn. Từ Hy Lạp để chỉ sự ăn năn có nghĩa là “thay đổi tâm trí.” Sườn bài giảng, thần học và thực hành của tôi luôn được điều chỉnh và biến đổi bởi Lời Đức Chúa Trời.
Quan điểm của chúng ta không quan trọng. Quan điểm của Chúa mới quan trọng. Hãy đảm bảo rằng chúng ta đang giảng lẽ thật không thể sai lầm, chứ không phải những quan điểm rất dễ sai của mình trong bài giảng.
Đưa ra cách áp dụng chứ không chỉ ra Tin lành
“Điều con nghe ta giảng dạy trước mặt nhiều nhân chứng, hãy truyền lại cho những người trung tín để họ dạy dỗ người khác.” 1 Cô-rinh-tô 2:2
Có quá nhiều bài giảng tôi nghe và muốn gọi là “vĩ đại” nhưng không dám gọi như vậy, vì Tin lành không được chỉ ra cách rõ ràng. Một người giảng đạo không chỉ ra Tin lành giống như một ca sĩ không chịu hát, một nghệ sĩ hài không nói câu gây cười, và một nhân viên cứu hộ không chịu bơi.
Như một người từng nói “Hãy lấy phân đoạn của mình làm đường dẫn thẳng đến thập tự giá”.
Quá nhiều bài giảng rất giàu sự áp dụng nhưng lại nghèo Tin lành. Chúng có nhiều thứ cho tín đồ và không có gì dành cho người chưa tin. Chúng đưa ra 5 bước để thay đổi cuộc đời nhưng không có bước thiết yếu nào để cứu lấy linh hồn.
Thật là lãng phí!
Khi còn làm mục sư, tuần nào tôi cũng nói Tin lành bằng mọi giá. Và mỗi tuần đều có người đến với Đấng Christ.
Khi có những người khách đến giảng, tôi sẽ cảnh báo họ rằng: “Nếu anh không chỉ ra Tin lành một cách rõ ràng thì tôi sẽ phải đứng dậy và làm điều đó sau anh.” Và có những lần tôi đã làm như vậy.
Họ có thấy bị xúc phạm hay không thì đó cũng KHÔNG phải mối quan tâm hàng đầu của tôi. Tôi để tâm hơn đến việc Chúa có được đẹp lòng hay không, người hư mất có được chạm đến hay không.
Tôi mới đến thăm hội thánh cũ của mình (tôi từ chức năm 1999 để làm mục vụ Dare 2 Share trọn thời gian). Kể từ đó, người bạn lâu năm từng cùng tôi thiết lập hội thánh vào năm 1989 – Rick Long – đã giữ chức mục sư trưởng. Bạn có đoán được không? Nhiều người đã biểu lộ đức tin của mình nơi Chúa Giê-su trong buổi nhóm vì cậu ấy chỉ ra Tin lành một cách rõ ràng…giống như mọi tuần. Giờ đây, hội thánh đã lên đến con số nhiều ngàn người và phần nhiều những người tham dự đã đến với Đấng Christ nhờ sự rao giảng Tin lành không nao sờn. Mọi bài giảng – dù sao đi chăng nữa – cũng đều dẫn thẳng đến thập tự giá!
Hỡi những người giảng đạo, nếu bạn không nói rõ Tin lành vào mỗi tuần thì hãy cam kết bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu bạn không sẵn sàng cam kết như vậy thì hãy hỏi chính mình là “Tại sao?”
Nguyện những sự nhắc nhở về giảng đạo này giúp tất cả chúng ta giảng Lời Chúa với tầm ảnh hưởng tối đa vì vinh hiển của Đức Chúa Trời!
Tác giả bài viết, Greg Stier là một nhà truyền đạo, một tác giả, diễn giả và là người sáng lập Mục vụ Dare 2 Share vào năm 1991 để huấn luyện các thiếu niên chia sẻ niềm tin của mình.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://gregstier.org/5-ways-to-ruin-a-sermon/