LÀM SAO ĐỂ TRÁNH NHỮNG NGUY HIỂM KHI GIẢNG THEO CHỦ ĐỀ?
Có một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa vòng những người giảng đạo: Giảng giải kinh và Giảng theo chủ đề. Người theo phe đầu sẽ lên án việc giảng theo chủ đề và nói: “Giảng vậy là hời hợt, khiến người giảng đạo đưa ra quan điểm trước rồi mới tìm đến lời Chúa để chứng minh.” Những người theo phe giảng theo chủ đề nói “Người nghe ngày nay không thể ngồi nghe cả loạt bài về cả một sách trong Kinh thánh và họ cần sự giảng luận liên hệ trực tiếp đến nhiều chủ đề trong cuộc sống mình”. Vấn đề là không lối giảng nào trong đây là lối giảng chuẩn cả. Thực ra thì giảng giải kinh có thể trở thành giảng theo chủ đề và giảng theo chủ đề có thể trở thành giảng giải kinh. Tôi không tin là phải liệt hai lối giảng này vào các thể loại riêng.
Chẳng hạn: tôi hiện đang giảng dọc theo sách Châm ngôn. Sách này tuyệt vời ở chỗ, tôi vừa có thể giảng Châm ngôn vừa đề cập đến một số nhu cầu của hội chúng mình theo các chủ đề trong cuộc sống. Đây là cách tốt nhất cho cả hai thế giới (thế giới của Kinh thánh và thế giới thời nay – ND).
Bây giờ, tôi muốn xét đến cách để tránh những mối nguy của việc giảng theo chủ đề. Trong một bài khác, chúng ta sẽ xét đến những mối nguy của việc chỉ giảng giải kinh.
Mục đích của việc giảng giải kinh là nghiên cứu kỹ một phân đoạn rồi tìm ra ý nghĩa ban đầu mà trước giả Kinh thánh đã nêu.
Câu hỏi tôi dành cho bạn là: Tại sao việc giảng theo chủ đề lại không thể làm điều tương tự? Lối giảng theo chủ đề hoàn toàn có thể làm được điều đó nếu chúng ta biết tránh những điều sau:
1. Cố bám lấy những quan niệm cố hữu của mình dù có tìm ra điều gì
Là một người giảng đạo, tôi biết là nếu tìm thấy một chủ đề mà mình cảm thấy cần phải đề cập trong một bài giảng thì tôi thường đã có sẵn quan điểm về chủ đề đó rồi. Nhưng điều này có thể rất nguy hiểm vì bấy giờ, tôi chỉ cần tìm ra chủ đề mình muốn giảng, Google “các câu Kinh thánh về sự tin cậy” hoặc tra một cuốn Thánh Kinh phù dẫn hoặc từ điển Kinh thánh để tìm phân đoạn chứng minh rõ nhất quan điểm của mình rồi xây dựng bài giảng từ đó. Tôi có thể làm tất cả những điều này mà không nghiên cứu cẩn thận, theo cách giải kinh về chính phân đoạn hoặc các phân đoạn mà mình đang sử dụng.
Thậm chí điều này còn khiến người ta đưa ra một ý tưởng hoặc quan điểm mới mà họ tìm thấy trong bản văn, chỉ vì họ không muốn làm thêm việc và nghiên cứu.
2. Lặp đi lặp lại các nghiên cứu thuộc cùng chủ đề
Tiếc là tôi thấy điều này rất nhiều trong các hội thánh và ở các nhà giảng đạo. Họ thích nói đi nói lại về “những chủ đề thiết thực với cuộc sống” (life topics) giống nhau. Tôi hiểu sự cám dỗ đó. Nhưng Kinh thánh rất rộng và đề cập đến nhiều chủ đề, vấn đề và con người. Hãy mở rộng phạm vi hiểu biết của bạn.
3. Bỏ qua những phần khó nhằn hơn trong Kinh thánh
Khi chúng ta giảng theo chủ đề, những phân đoạn Kinh thánh (có những nhân vật) lộn xộn, và không sạch sẽ như “những chủ đề thiết thực với cuộc sống” nhiều khi bị bỏ qua. Nhưng Kinh thánh đầy những câu chuyện và con người không hoàn hảo. Chúng ta hãy nỗ lực và giảng cả những điều này nữa.
Lối giảng theo chủ đề rất hiệu quả và có thể trở nên rất hiệu quả. Chúng ta chỉ cần cẩn trọng với lối giảng này như với bất cứ điều gì khác mà thôi.
Tác giả bài viết, Joe Hoagland là mục sư tại Hội thánh Rise Church, Marion, Ohio, Hoa Kỳ. Anh rất thích dẫn dắt mọi người đến với Chúa Giê-su và giảng Lời Chúa.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: How to Avoid the Dangers of Topical Preaching
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!