TẠI SAO BẠN KHÔNG NÊN VỘI GỌI MỘT DẠY DỖ SAI TRẬT NÀO ĐÓ LÀ TÀ GIÁO
Cách nhận biết những sai sót nào đáng bị dán nhãn cảnh báo cuối cùng.
Gần đây, một nhóm blogger theo đuổi sự cải cách trong các nhóm Báp-tít Nam Phương (Southern Baptist) đã chỉ trích mục sư Rick Warren vì dạy rằng Đức Chúa Trời giao tiếp với các tín đồ qua những giấc mơ. Các blogger đã gọi Warren và các diễn giả khác tại một hội nghị Hillsong năm 2015 là “những người giảng đạo tà giáo tuyên bố sự mặc khải ngoài Kinh thánh từ Đức Chúa Trời”. Tất nhiên, người ta đã tranh luận về bản chất sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong suốt lịch sử hội thánh và nhấn mạnh quá mức vào việc giải mộng có thể gây nguy hiểm về mặt thần học.
Ở một nơi khác, một lãnh đạo Cơ Đốc ở Anh đã dành phần lớn bài viết và bài giảng của mình để chỉ trích Chủ nghĩa phục quốc Do Thái Cơ Đốc – niềm tin rằng sự thành lập của Nhà nước Y-sơ-ra-ên được báo trước trong Kinh thánh. Ông và những người khác đã bắt đầu gọi Chủ nghĩa phục quốc Do Thái và các hàm ý chính trị của nó là “tà giáo” trong các chuyên mục trực tuyến. Và quan điểm của họ không phải là duy nhất: Nhiều Cơ Đốc nhân tin rằng Chủ nghĩa phục quốc Do Thái hiểu sai lời hứa của Chúa trong suốt Cựu Ước.
Nhưng đây có phải là những vấn đề của tà giáo không? Cả những nhà lãnh đạo theo quan điểm nam nữ bổ sung (complementarian, chống lại việc phong chức mục sư cho nữ giới) hoặc nam nữ bình quyền (egalitarian, ủng hộ việc phong chức mục sư cho nữ giới) đều lên mạng để gọi quan điểm của nhau về giới tính và lãnh đạo là tà giáo, dù các phong trào tương ứng của họ đã chính thức tồn tại trong khoảng 30 năm.
Một số người nói rằng mạng Internet đã dân chủ hóa kiến thức. Rõ ràng là nó cũng đã dân chủ hóa thần học. Bất kỳ ai có máy tính và quyền truy cập Wifi đều có thể công bố suy nghĩ và tuyên bố của mình trên một sân chơi pixel công bằng. Một số blog và tài khoản Twitter chỉ tồn tại để chỉ trích bất cứ khi nào một nhà giảng đạo nổi tiếng đưa ra một tuyên bố gây tranh cãi.
Tuy nhiên, tần suất và khối lượng tuyên bố từ những nguồn này—và từ những người chia sẻ và đăng lại chúng—cho thấy rằng một số Cơ Đốc nhân không hiểu được tầm quan trọng của giáo lý đúng đắn hoặc mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc tà giáo. Tệ hơn nữa, những tranh chấp này khiến một số người tin rằng giáo lý không đáng để nỗ lực, vì điều đó dường như chỉ gây ra chia rẽ hơn là thúc đẩy người ta trở nên giống Đấng Christ.
Với bầu không khí trực tuyến bất ổn của chúng ta, Cơ Đốc nhân nói chung và người Tin lành nói riêng cần một định nghĩa rõ ràng hơn về tà giáo. Chúng ta cần biết cách phân biệt sự khác biệt giữa các lẽ thật căn bản của đức tin Cơ Đốc và các giáo lý mà chúng ta có thể không đồng tình và vẫn trung thành với dạy dỗ Cơ Đốc. Ngay cả khi có một định nghĩa tốt thì cũng cần có sự khôn ngoan và sáng suốt để đánh giá giáo lý. Điều này thường liên quan đến hai mục đích khác nhau: thứ nhất, tránh lạm dụng cáo buộc tà giáo, làm mất đi tính hữu ích của lời Chúa; và thứ hai, sửa trị những Cơ Đốc nhân có niềm tin sai lầm và có thể làm suy yếu tính toàn vẹn của hội thánh.
TẠI SAO GIÁO LÝ LẠI QUAN TRỌNG ĐẾN VẬY
Chúng ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng vì thần học dễ chia rẽ như vậy, nên tốt nhất là chúng ta chỉ nên chấp nhận rằng các bên không cùng quan điểm. Suy cho cùng, Chúa Giê-su đã nói rằng nếu chúng ta yêu Đức Chúa Trời và yêu những người khác, thì chúng ta đang làm trọn luật pháp. Một số người hỏi: “Tin những điều đúng đắn về Đức Chúa Trời thì có quan trọng không nếu như chúng ta yêu Ngài?”
Chắc chắn là yêu Đức Chúa Trời và những người khác là trọng tâm của Tin lành. Nhưng Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta yêu Đức Chúa Trời hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết cả tâm trí nữa. Yêu Đức Chúa Trời gồm cả việc suy nghĩ đúng đắn về Ngài, cũng giống như yêu một người bạn hoặc một người quan trọng khác gồm cả việc biết đúng sở thích, niềm tin, thói quen và lai lịch của họ.
Khi người Y-sơ-ra-ên dạy cho con cái họ về Đức Chúa Trời, họ đã nhớ lại tất cả những gì Ngài đã làm cho họ và tổ tiên họ. Họ thờ phượng Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Đấng đã giải cứu họ khỏi Ai Cập. Và họ sử dụng những cụm từ cụ thể để mô tả Ngài và những gì Ngài đã làm. Những cụm từ cụ thể này phân biệt Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên với các vị thần của các nước láng giềng ngoại giáo của họ.
Những tuyên bố chính thống về Thiên Chúa Ba Ngôi và Chúa Giê-su Christ có chức năng tương tự nhau. Chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng và mô tả mối quan hệ cứu rỗi của Ngài với chúng ta. Do đó, để yêu Đức Chúa Trời đúng cách và được đảm bảo về sự cứu rỗi mà Ngài ban tặng, chúng ta phải biết Đức Chúa Trời là ai và Ngài đã làm gì cho chúng ta trong và thông qua Chúa Giê-su Christ.
Kinh thánh dùng những từ ngữ mạnh mẽ với các giáo sư giả khuyến khích những niềm tin làm suy yếu hoặc mâu thuẫn với Tin lành. Bruce Demarest, một nhà thần học tại Chủng viện Denver, viết rằng Tân Ước “bày tỏ mối lo ngại nghiêm trọng đối với ‘các giáo lý sai trật’ và đặt ưu tiên cao nhất vào việc duy trì ‘mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích’. Kinh thánh thúc giục Cơ Đốc nhân cảnh giác với sự lừa dối về giáo lý và tránh tà giáo bằng cách cẩn thận bảo vệ nội dung thuần túy của Tin lành”. Một lần nữa, tính chính thống không chỉ là vấn đề chính xác về mặt thần học, mà còn đảm bảo rằng hội thánh hiểu đúng về Đức Chúa Trời và công việc của Ngài dành cho chúng ta trong Đấng Christ.
Đó là lý do tại sao Phao-lô lại viết mạnh với người Ga-la-ti đến vậy: “nếu ai truyền cho anh em một tin lành khác với Tin Lành mà anh em đã nhận thì người ấy đáng bị nguyền rủa!” (1:9, sử dụng xuyên suốt). Đó là lý do tại sao Phi-e-rơ cảnh báo về “các giáo sư giả trong anh em; họ sẽ bí mật truyền bá các tà giáo nguy hại, lại chối bỏ Chúa là Đấng đã chuộc mình, nhanh chóng chuốc lấy cho mình sự diệt vong.” (2 Phi-e-rơ 2:1). Đó cũng là lý do tại sao các Cơ Đốc nhân thời đầu đã đấu tranh trong nhiều thế kỷ về bổn tính và danh tính của Đấng Christ. Hội thánh đã tổ chức các buổi lễ và buổi cầu nguyện để thờ phượng Chúa Giê-su. Nhưng chẳng phải trong chức vụ trên đất của mình, Ngài là một con người sao? Nếu vậy tức là họ đang thực hành việc thờ thần tượng bằng cách thờ phượng một con người bình thường sao? Hay Chúa Giê-su là thần theo một cách nào đó? Ngài là thần nhưng chỉ trông giống con người ư? Hay Ngài là con người nhưng đã trở nên thần, khi chịu phép báp-têm chẳng hạn? Nếu Ngài không hoàn toàn là con người và hoàn toàn là Đức Chúa Trời thì Ngài có thể thực hiện sự cứu rỗi cho chúng ta không?
Đó là những vấn đề giáo lý sớm nhất cần giải quyết, và vì những lý do rất thực tế: Chúng ảnh hưởng đến cách hội thánh thờ phượng Đức Chúa Trời và hiểu về sự cứu rỗi. Cũng có những mối quan tâm của mục vụ, để đảm bảo rằng những tín đồ sống trong thế giới ngoại giáo hiểu được những gì họ cùng nhau xưng nhận như một thân thể. Các vấn đề giáo lý có thể cần ngôn ngữ trừu tượng để giải thích, nhưng chúng không mang tính học thuật là chính. Chúng có ý nghĩa hệ trọng đối với cách chúng ta sống và nói về đức tin của mình.
MỘT TỪ ĐÁNG ĐƯỢC BẢO TỒN
Tà giáo là gì? Theo nghĩa đen, từ này có nghĩa là “lựa chọn”—tức là lựa chọn đi chệch khỏi giáo lý truyền thống để ủng hộ những hiểu biết của riêng mình. Từ này cũng có thể có nghĩa là “trường phái tư tưởng”. Có vẻ như đó là cách sử dụng của Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 11:19, khi ông sử dụng từ tiếng Hy Lạp haireseis (“bè phái”). Dần dần, thuật ngữ này có nghĩa là “đảng phái hoặc giáo phái”, và theo thời gian, nó mang hàm ý tiêu cực.
Một số người ngày nay coi từ kẻ theo tà giáo theo nghĩa tích cực: một kẻ nổi loạn dũng cảm, suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ và đứng lên chống lại hội thánh “thể chế”. Chắc chắn, một số người mà hội thánh gọi là tà giáo đã trở thành anh hùng; hãy nghĩ đến cách Hội thánh Công giáo phản ứng với Galileo khi ông khẳng định rằng Trái đất quay quanh mặt trời.
Lại có cách sử dụng từ này gần như hời hợt, như khi những người khác sử dụng nó để chỉ bất kỳ ai không đồng ý với các đặc điểm riêng biệt về hệ phái hoặc thần học của họ.
Nhưng chỉ vì một từ bị sử dụng sai không có nghĩa là nó không còn hữu ích nữa.
Theo truyền thống, một kẻ tà giáo là người đã thỏa hiệp về một giáo lý cốt lõi, thường là do quá đơn giản hóa, và do đó không thấy được Đức Chúa Trời thực sự là ai hoặc Ngài đã làm gì cho chúng ta. Tuy hầu hết những kẻ theo tà giáo trong suốt lịch sử đều đặt ra những câu hỏi chính đáng nhưng họ không bị gọi là kẻ theo tà giáo chỉ vì đặt ra những câu hỏi. Câu trả lời của họ chính là vấn đề, việc họ không chịu chấp nhận sự hiệu chỉnh rõ ràng và chi tiết. Trong nhiều trường hợp, những kẻ tà giáo đã đi quá xa, cố gắng định hình đức tin theo hình dạng của những ý tưởng phi Kinh thánh mà họ thấy hấp dẫn, đặc biệt là những ý tưởng của triết học Hy Lạp ngoại giáo. Hoặc họ bắt đầu nhấn mạnh một số ý tưởng trong Kinh thánh mà loại trừ những ý tưởng khác.
Để sử dụng từ tà giáo một cách đúng đắn, chúng ta phải hiểu rằng không phải tất cả các sai lầm thần học đều như nhau hoặc mang lại những hậu quả giống nhau.
Truyền thống của riêng chúng ta – Tin lành, đã phác thảo ba loại sai lầm về giáo lý: (1) một sai lầm trực tiếp mâu thuẫn với một niềm tin căn bản (tà giáo thực sự, giống như thuyết Arius—hãy đọc tiếp); (2) một sai lầm gián tiếp mâu thuẫn với một niềm tin căn bản (ví dụ, dạy rằng Đức Chúa Trời gây ra đau khổ ngụ ý rằng Đức Chúa Trời không tốt); và (3) một sai lầm vượt ngoài một tín điều căn bản (ví dụ, giáo lý rằng Cơ Đốc nhân phải nói tiếng lạ thì mới là có Đức Thánh Linh).
Nói một cách đơn giản hơn, nhiều nhà thần học Cơ Đốc phân biệt tà giáo với dị giáo. Theo nhà sử học David Christie-Murray giải thích, tà giáo là một niềm tin phủ nhận một giáo lý “được định nghĩa chính thức” là chính thống. Tuy nhiên, dị giáo là một niềm tin Cơ Đốc khác với “sự dạy dỗ được chấp nhận rộng rãi”. Tà giáo phủ nhận tính chính thống, trong khi dị giáo thêm một giáo lý đáng ngờ hoặc có vấn đề vào chính thống.
Chẳng hạn, theo người Tin lành, giáo lý Công giáo cho rằng Ma-ri được sinh ra vô nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh là dị giáo. Đó không phải là tà giáo, vì người Công giáo khẳng định Cơ Đốc học chính thống. Nhưng nó là dị giáo vì chúng ta, những người Tin lành, tin rằng chỉ có Chúa Giê-su—Ngôi Lời đã trở nên xác thịt—mới vô nhiễm nguyên tội, và giáo lý Công giáo thêm vào một điều không được dạy trong Kinh thánh. Tuy nhiên, Ngũ tuần Nhất thể là một ví dụ về tà giáo, vì nó bác bỏ thần học Ba Ngôi chính thống trong lịch sử.
Ranh giới giữa dị giáo và tà giáo có thể rất mờ nhạt, vì vậy chúng ta cần sự khôn ngoan, sáng suốt và khiêm nhường trước khi dán nhãn một người là theo tà giáo. Ngoài ra, chúng ta phải nhớ rằng tất cả những gì Cơ Đốc nhân nên tin không giống hệt với những điều cốt yếu mà chúng ta phải tin để được cứu rỗi. Chúng ta cần để các tín đồ có không gian để phát triển hiểu biết của họ về đức tin. Chúng ta tin vào sự xưng công chính bởi đức tin nơi Đấng Christ, không phải sự xưng công chính bởi tính chính xác của giáo lý. Không ai bước vào gia đình của Đức Chúa Trời mà sẵn sàng viết một cuốn sách về thần học hệ thống. Chúng ta được cứu bởi ân điển, không phải bởi sự chính xác về trí tuệ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng đức tin không phải là sự thiếu hiểu biết hay ngây thơ. Đức tin biết nhiều điều, dựa trên sự hiểu biết vững chắc về Tin Mừng. Niềm tin chân chính đòi hỏi phải có kiến thức hợp lý rằng tôi đang tin vào điều gì—và quan trọng hơn là tin ai. Và việc phát triển kiến thức về lẽ thật Kinh thánh là một thành phần thiết yếu của đời sống Cơ Đốc.
TÀ GIÁO TRÔNG NHƯ THẾ NÀO
Các sứ đồ không sợ lên án tà giáo. Nếu một giáo lý hoặc thực hành nào đó đe dọa đến tính toàn vẹn của Tin lành thì họ lên án nó mạnh mẽ—như khi Phao-lô lên án Phi-e-rơ và nhóm cắt bì trong Ga-la-ti 2. Tuy nhiên, những cáo buộc tà giáo không được đưa ra một cách tùy tiện. Họ cũng không nhắm vào sự thiếu chính xác về mặt thần học.
Chẳng hạn, một cặp vợ chồng tên là Pê-rít-sin và A-qui-la đã kéo một giáo sư Kinh thánh thông minh, có năng lực tên A-pô-lô sang một bên và “giải nghĩa đạo Đức Chúa Trời cho ông kỹ càng hơn” (Công vụ 18:26). Chúng ta không đọc thấy họ gọi ông là kẻ theo tà giáo. Thay vào đó, chúng ta thấy họ sửa đổi một sai lầm thần học một cách yêu thương. Họ muốn ông biết lẽ thật và sự vui mừng cặp theo, chứ không phải để lên án ông hoặc gây chia rẽ.
Hội thánh thời đầu đã chống lại tà giáo bằng cách củng cố giáo lý Kinh thánh bằng các tín điều. Có thể lập luận rằng các tín điều đầu tiên xuất hiện trong Kinh thánh. Nhiều học giả tin rằng Phao-lô đang đọc một tín điều khi ông tóm tắt những lẽ thật “quan trọng nhất”: rằng Đấng Christ đã chết vì tội lỗi chúng ta, được chôn cất, sống lại vào ngày thứ ba và hiện ra với các sứ đồ và nhiều người khác (1 Cô-rinh-tô 15:3–7).
Sau thời đại các sứ đồ, hội thánh thời đầu sở hữu cái được gọi là “quy tắc của đức tin”, mà Bruce Demarest mô tả là “tóm tắt ngắn gọn những lẽ thật Cơ Đốc thiết yếu”. Tuy nhiên, một số giáo viên bắt đầu lãnh đạo các phong trào công khai phản đối lời dạy của các sứ đồ, và hội thánh buộc phải diễn đạt rõ ràng hơn những điều thiết yếu của Cơ Đốc giáo. Các giáo lý cốt lõi như Thiên Chúa Ba Ngôi và thân vị của Đấng Christ đã được phát triển thông qua cuộc đấu tranh của hội thánh thời đầu chống lại tà giáo. Và quy tắc của đức tin đã sinh ra những tuyên bố chính xác hơn như Bản Tín điều các sứ đồ và Bản Tín điều Nicea. Do đó, tà giáo buộc các Cơ Đốc nhân phải suy nghĩ chính xác và dứt khoát hơn về lẽ thật của Tin lành.
Có ba tà giáo quan trọng nổi bật.
Nhị nguyên luận (Marcionism)
Marcion là con trai của giám mục Sinope, Pontus (ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Khoảng năm 140, ông đã đến Rô-ma, nơi ông được hội thánh chào đón, nhưng đến năm 144, quan điểm của ông đã khiến ông gặp rắc rối và ông đã bị dứt phép thông công.
Trong số những niềm tin đáng lo ngại khác, Marcion dạy rằng Đức Chúa Trời của Cựu Ước là người theo kinh luật và hay nổi giận, về cơ bản là một đấng khác với Đức Chúa Trời nhân từ và yêu thương của Tân Ước. Ông đã bác bỏ thẩm quyền của Cựu Ước và cũng cố gắng giải phóng hội thánh khỏi mọi luật lệ. Ông tin rằng cách duy nhất để làm điều này là xóa bỏ mọi dấu vết của Do Thái giáo khỏi Cơ Đốc giáo. Cuối cùng, Marcion đã tạo ra Kinh thánh của riêng mình, chỉ bao gồm một phiên bản ngắn hơn và cũ hơn của Tin lành theo Lu-ca và mười thư tín của Phao-lô. Marcion cũng đã biên tập những cuốn sách này. Ví dụ, ông đã cắt bỏ tất cả các trích dẫn Cựu Ước khỏi các thư tín của Phao-lô.
Hội thánh thời đầu kết luận rằng sự phân tách của Marcion giữa luật pháp và Tin lành, Cựu Ước và Tân Ước, là xa lạ với lời dạy của các sứ đồ. Nhà thần học và giám mục thế kỷ thứ hai Irenaeus đã lên tiếng phản đối Marcion. Ông viết rằng Marcion đã “làm méo mó Tin lành theo Lu-ca, loại bỏ mọi câu chuyện về sự ra đời của Chúa, và cũng loại bỏ nhiều lời dạy trong các bài giảng của Chúa, trong đó Ngài được mô tả rõ ràng nhất là thừa nhận Đấng tạo ra vũ trụ này là cha Ngài”.
Giáo thuyết Sabellius (Sabellianism)
Trong thế kỷ thứ hai và thứ ba, các Cơ Đốc nhân đã đấu tranh để nhất trí về tính nhất thể của Đức Chúa Trời—“Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác” (Ê-sai 45:5)—với ba danh xưng thiêng liêng xuất hiện ở cuối sách Ma-thi-ơ: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ” (28:19).
Nếu không có Đức Chúa Trời nào ngoài Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, thì Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là ai? Họ có phải là những vị thần mới vừa được tiết lộ không? Họ có kém thiêng hơn Đức Chúa Cha không? Một linh mục thế kỷ thứ ba tên Sabellius đã kết luận rằng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là những nhãn hiệu cho ba cách khác nhau mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình.
Quan điểm của ông được gọi Giáo thuyết Sabellius (Sabellianism), ngày nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Thuyết hình thức (Modalism). Tà thuyết này dạy rằng Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh không phải những ngôi vị riêng biệt mà chỉ đơn giản là những hình thức hoặc dạng thức khác nhau của Đức Chúa Trời. Những người theo Sabellius cho rằng bất kỳ đoạn Kinh thánh nào ám chỉ rằng Đức Chúa Trời nhiều hơn một ngôi đều phải được diễn giải theo nghĩa ẩn dụ.
Nhưng một nhà thần học người Phi tên là Tertullian lập luận rằng cách diễn giải theo nghĩa ẩn dụ đã bóp méo các thuật ngữ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, vốn được mặc khải cho chúng ta để truyền tải điều gì đó có thật về Đức Chúa Trời. Tertullian đã viết: “Để trở thành một người chồng, tôi phải có một người vợ. Tôi không bao giờ có thể tự mình trở thành vợ của chính mình. Tương tự như vậy, để trở thành một người cha, tôi phải có một người con trai, vì tôi không bao giờ có thể trở thành con trai của chính mình; và để trở thành một người con trai, tôi phải có một người cha, vì tôi không bao giờ có thể trở thành cha của chính mình”. Hơn nữa, ông cho thấy rằng Đấng Christ đã tiết lộ thần tính của mình với các sứ đồ bằng cách mang lấy các thuộc tính của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên (ví dụ khi Ngài phán “Ta hằng hữu” trong Giăng 8:58, gợi nhớ lại “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” trong Xuất Ai Cập Ký 3:14), và bằng cách kêu cầu Đức Chúa Cha như một nhân chứng rõ ràng cho danh tính của chính Ngài.
Thuyết Arius (Arianism)
Thần học không hay gây ra các cuộc nổi loạn ở thành thị, nhưng nó đã xảy ra ở Alexandria, Ai Cập, vào năm 318. Năm đó, mọi người đổ ra đường hô vang, “Đã có thời Chúa Con không tồn tại!” Khẩu hiệu này diễn đạt một ý tưởng đã trở nên phổ biến: rằng Đấng Christ là một tạo vật. Nhưng ý tưởng đó đã bị một nhóm Cơ Đốc nhân khác phản đối, do Giám mục Alexander thành Alexandria và người học trò của ông, Athanasius, lãnh đạo. Họ nhấn mạnh rằng Đấng Christ là Đức Chúa Trời đời đời cùng với Đức Chúa Cha.
Cuộc tranh cãi này có những hậu quả chính trị, và cuối cùng lan rộng khắp Đế chế La Mã và đe dọa làm tan vỡ hội thánh. Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này là gì? Là những dạy dỗ của một linh mục người Libya tên là Arius ở Alexandria.
Arius không cố gắng gây chia rẽ. Ông nghĩ rằng mối quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su rất đơn giản và cần được giải phóng khỏi những lời giải thích quá phức tạp. Kể từ thời các sứ đồ, Chúa Giê-su luôn được coi là thần theo một nghĩa nào đó. Nhưng mối quan hệ chính xác của ngài với Chúa Cha vẫn chưa được giải quyết.
Arius lập luận rằng Chúa Con được tạo ra trước phần còn lại của tạo vật. Như Arius đã nói, “Trước khi được sinh ra, được tạo dựng, được lập nên hay được kiến lập, Ngài không tồn tại.” Hơn nữa, Arius tin rằng, Chúa Con không phải là một bản thể thiên thượng với Chúa Cha. Ngài có bản thể tương tự (homoiousios trong tiếng Hy Lạp) với Chúa Cha. Những bổn tính thiên thượng của Chúa Con là phái sinh—tùy thuộc, không phải bản chất—và được Chúa Cha ban cho Chúa Con.
Thuyết Arius đã thu hút sự chú ý của Hoàng đế Constantine. Lo sợ rằng sự bất hòa của hội thánh có thể làm tan vỡ đế chế, ông đã triệu tập Công đồng Nicaea (năm 325), có sự tham dự của 318 giám mục, để giải quyết tình hình. Sau những cuộc tranh luận đầy kịch tính, phần lớn đứng về phía Alexander và lên án chủ nghĩa Arius. (Chỉ có hai người đàn ông khác bị lưu đày cùng Arius. Do đó, kết quả hầu như là nhất trí.) Các giám mục đã đưa ra một bản tóm tắt về đức tin Cơ Đốc sử dụng từ ngữ chính xác để lên án chủ nghĩa Arius: “Chúng tôi tin rằng . . . trong một Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, được sinh ra từ Đức Chúa Cha, Sự sáng của Sự sáng, Đức Chúa Trời thật của Đức Chúa Trời thật, được sinh ra mà không phải được tạo ra, đồng bản thể [homoousious] với Đức Chúa Cha.”
Tại sao lại dùng từ ngữ chính xác như vậy? Bởi vì, như Athanasius đã lập luận trong On the Incarnation (Về sự Nhập thể), bản thân sự cứu rỗi bị treo lơ lửng trên cán cân. Lời dạy của Kinh thánh về sự chuộc tội của Đấng Christ đòi hỏi một Đấng trung gian hoàn toàn là Đức Chúa Trời, với sự thánh khiết để dâng lễ vật toàn hảo cho tội lỗi, và cũng hoàn toàn là con người, một người thực sự đại diện cho những người được hòa giải với Đức Chúa Trời.
Như nhà thần học thế kỷ thứ tư Gregory thành Nazianzus đã nói rất hay: “Ngài mà không trở thành người thì không chữa lành được cho con người, Ngài mà không hiệp nhất với Đức Chúa Trời thì không cứu được con người” (That which was not assumed is not healed, but that which is united to God is saved). Gregory hiểu rằng những gì chúng ta tin về Đấng Christ có liên hệ trực tiếp với những gì chúng ta tin về sự cứu rỗi.
Các giám mục chính thống tại công đồng đã đấu tranh để giành được sự chấp thuận của dân chúng. Trên thực tế, công đồng đã khiến cho thuyết Arius phát triển nhanh hơn. Nó phát triển đến mức Constantine—người không quan tâm đến sự trung thành với cách diễn đạt chính xác của Bản Tín điều Nicea—đã phục hồi Arius. Ông yêu cầu Arius phải thuận theo Bản Tín điều này về nguyên tắc. Arius đã làm vậy, nhưng Athanasius, người kế nhiệm Alexander, và các giám mục khác tin rằng ông đang nói dối.
Athanasius đã bị lưu đày năm lần vì bảo vệ tính chính thống của Nicea. Trong 46 năm làm giám mục, ông chỉ dành 17 năm ở Alexandria. Nhưng ông vẫn trung thành, dù dường như ông phải chống lại cả thế giới. Ngày nay, ông được công nhận là người bảo vệ lỗi lạc nhất cho tính chính thống của Nicea và là người viết nhiều nhất về thần học Ba Ngôi vào thế kỷ thứ tư.
Vài năm sau khi Athanasius qua đời, các Giáo phụ Cappadocian—Basil Cả, Gregory thành Nyssa và Gregory thành Nazianzus—đã cầm đuốc để khuất phục thuyết Arius và bán Arius tại Công đồng Constantinople năm 381.
CÁCH NHẬN DẠNG TÀ GIÁO
Bản phác thảo ngắn gọn này cho thấy định nghĩa hoàn chỉnh về tà giáo dựa trên những lời dạy phong phú về Kinh thánh, thần học và lịch sử của Cơ Đốc giáo. Vì vậy, chúng ta phải nhận ra những vị trí và cấp độ khác nhau của thẩm quyền thần học.
Tất nhiên, Kinh thánh là thẩm quyền cao nhất, tiếp theo là các bản tín điều đại kết lớn (Các sứ đồ và Nicea), và sau đó là các bài tín điều theo hệ phái. Những bài tín điều đó bao gồm Ba mươi chín điều khoản của Anh giáo, Bản Tín điều Augsburg của phái Luther, Bản Tín điều Westminster và Hai mươi lăm điều khoản tôn giáo của Giám Lý. Nhiều tổ chức Tin lành sử dụng các tuyên bố đức tin để mô tả niềm tin thần học của họ. Các bản tín điều, bài tín điều và tuyên bố đức tin có thể giúp chúng ta hiểu Kinh thánh, nhưng chúng không bao giờ được đặt lên trên Kinh thánh.
Nói như vậy, các bản tín điều nói riêng là những bản tóm tắt tuyệt vời về lẽ thật Kinh thánh và là điều không thể thiếu để xác định tà giáo. Được các Cơ Đốc nhân Chính thống giáo, Công giáo và Tin lành chấp nhận, Tín điều Nicea—nên được gọi là Tín điều Nicea-Constantinople, vì các cuộc tranh luận sau đó đã dẫn đến việc mở rộng công thức của Nicea tại Công đồng Constantinople (381)— tóm tắt những giáo lý cơ bản của Cơ Đốc giáo lịch sử một cách tuyệt vời. Nếu một tín đồ thực sự tiếp nhận Tín điều Nicea thì họ không nên bị coi là theo tà giáo.
Điều đáng để hỏi là: “Họ có thể đọc Tín điều Nicea mà chẳng hiểu gì không?” Nếu có, họ vẫn có thể sai hoặc không chính thống về các vấn đề khác, nhưng chúng ta không thể gọi họ là kẻ theo tà giáo. Các bản tín điều là những cấu trúc cốt lõi, là những nét chính của bản phác thảo. Những bài tín điều và tuyên bố đức tin tô màu cho bức tranh. Chúng gắn kết thần học với cuộc sống hằng ngày và làm nổi bật những đặc điểm riêng biệt của hệ phái—cách một truyền thống Cơ Đốc khác với truyền thống khác. Những bài tín điều và tuyên bố đức tin thường xác định niềm tin của một nhóm cụ thể về các vấn đề thứ yếu như phép báp-têm, Tiệc Thánh, sự tiền định và thời kỳ cuối cùng. Chúng phát sinh khi các vấn đề thần học cụ thể được tranh luận. Ví dụ, nhiều tuyên bố đức tin Tin lành bao gồm các lời khẳng định về thẩm quyền và độ tin cậy của Kinh thánh. Đó là vì những người Tin lành muốn phân biệt mình với Cơ Đốc giáo tự do, vốn thường phủ nhận những lời dạy này.
Ngày nay, chúng ta hiếm khi đối đầu với tà giáo như vậy, một phần vì những người theo quan điểm tà giáo thường rời bỏ hội thánh khi họ làm vậy. Nhưng tà giáo vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Một ví dụ thực tế: Lý do chúng ta không coi Nhân chứng Giê-hô-va là những Cơ Đốc nhân như mình là vì họ theo thuyết Arius.
Tuy tà giáo rất hiếm (bên trong hội thánh – ND) nhưng dị giáo và những dạy dỗ sai trật thì không.
Trong một thế giới đa nguyên, một số giáo lý phi Cơ Đốc hoặc ngoài Kinh thánh—như Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, rằng bản dịch Kinh thánh duy nhất phù hợp là Bản dịch King James, hoặc luật Do Thái là bắt buộc đối với Cơ Đốc nhân—tìm đường vào các hội thánh chính thống. Hầu hết sẽ không được coi là tà giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua chúng.
Tuy nhiên, chúng ta được kêu gọi đối chất với tình yêu thương, giống như hội thánh đầu tiên đã đối chất với A-pô-lô, kiên nhẫn hướng dẫn mọi người hiểu đầy đủ hơn về đức tin. Ngay cả điều này cũng đòi hỏi sự phân biệt, vì chúng ta thường không giải quyết sai lầm thần học nhiều bằng các cách giải thích khác nhau về Kinh thánh. Đặc biệt trong những trường hợp đó, chúng ta nên tránh từ tà giáo. Và trong mọi trường hợp, chúng ta nên nhớ lại câu nói này: “Trong sự hiệp nhất cốt lõi, trong sự tự do không cốt lõi, và trong mọi điều có tình yêu thương”.
Justin S. Holcomb, tác giả bài viết là một linh mục trong Giáo phận Episcopal của Trung Florida, là giáo sư thần học tại Chủng viện Thần học Gordon-Conwell và Chủng viện Thần học Cải cách. Ông là tác giả của tác phẩm Know the Heretics – Biết các Tà giáo (Zondervan).
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.christianitytoday.com/2015/10/truth-about-heresy/