TẠI SAO TÔI KHÔNG THEO CÔNG GIÁO
Gần đây, khi diễn thuyết tại Diễn đàn Leonine tại Washington D.C., Hoa Kỳ, tôi được đặt cho một câu hỏi thân thiện nhưng sắc lẹm: “Tại sao giáo sư không phải người Công giáo?” Người đặt câu hỏi đã để ý thấy rằng trong bài nói chuyện, tôi đã thể hiện tình yêu với các Giáo phụ thời đầu, sự ngưỡng mộ với tiến sỹ giáo hội Công giáo Thomas Aquinas, và cách tiếp cận đạo đức tương tự với thần học về thân thể của giáo hoàng John Paul II.
Thật khó để trả lời một câu hỏi như vậy trong khoảng thời gian ngắn ngủi sau bài giảng. Nhiều vấn đề đóng vai trò quan trọng trong cam kết của tôi với Tin lành Cải chánh: thẩm quyền, sự cứu rỗi, bản chất của chức vụ, và tầm quan trọng của các thánh lễ – đó chỉ là một vài trong số những điều rõ ràng hơn. Và tuy tôi cởi mở với lời chỉ trích rằng Tin lành không cho Ma-ri những gì bà đáng được hưởng nhưng tôi tin rằng Giáo hội Công giáo đã cho bà tầm quan trọng vượt quá xa bất cứ điều gì Kinh thánh cho phép. Nhưng hơn hết, ở thời điểm hiện tại, Công giáo không hấp dẫn với tôi vì cớ người đứng đầu: Giáo hoàng Francis. Khi trả lời, tôi đã cố gắng tôn trọng những người nghe mình, nhưng tôi không thể không nhận thấy giáo hoàng hiện tại có vẻ không hơn gì một người Tin lành theo khuynh hướng thần học tự do choàng trên người chiếc áo trắng giáo hoàng. Là một người Tin lành, tôi thật sự nhận thức rõ mối nguy hại mà những người như vậy gây nên.
J. Gresham Machen, nhà tranh luận bên Trưởng lão nổi lên trong cuộc tranh luận giữa Căn bản thuyết và Chủ nghĩa duy tâm, lập luận rằng Tin lành nhấn mạnh tín điều (confessional Protestantism) và Công giáo La Mã tách biệt với Cơ Đốc giáo phái tự do bởi lẽ ngoài những điều khác, hai bên này cam kết với thuyết duy siêu nhiên (supernaturalism). (Cả hai đều đồng tình rằng hầm mộ thật sự trống không vào ngày thứ ba.) Nói cách khác, hai cái đầu đều là các dạng thức của Cơ Đốc giáo còn cái sau là một tôn giáo hoàn toàn khác. Tôi có thể cập nhật bài phê bình của ông với thời nay bằng cách nói rằng Cơ Đốc giáo tự do không nhất thiết phải phủ nhận những điều siêu nhiên. Nó có thể cam kết với những điều siêu nhiên nhưng vẫn bị lu mờ bởi những điều tự nhiên. Nó chỉ quan tâm đến những điều nội tại và không thực sự dùng đến những điều siêu việt. Joel Osteen là một ví dụ Tin lành điển hình về điều này: Tôi không thấy có lý do gì để nghi ngờ rằng ông tin vào sự Phục sinh, nhưng giáo lý này cùng lắm chỉ là công cụ cho tầm nhìn của ông về Cơ Đốc giáo, một phương tiện để đạt được hạnh phúc cá nhân và thành công về vật chất. Điều tương tự cũng áp dụng cho những người – cả bên cánh tả và cánh hữu – mà đối với họ, chính trị đảng phái và tầm ảnh hưởng tại Washington D.C. có vẻ quan trọng hơn nhiều so với thực tế kém thú vị hơn của việc thờ phượng, của giáo lý và việc làm môn đồ Cơ Đốc hằng ngày.
Trớ trêu thay, Giáo hoàng Francis dường như cũng phù hợp với mô hình tự do Tin lành này. Nhiều người bạn của tôi đã bơi qua sông Tiber trong những thập kỷ qua, chủ yếu vì lý do trí tuệ hoặc thẩm mỹ. Trớ trêu thay, sức nặng về mặt trí tuệ của Công giáo lịch sử và những thành tựu thẩm mỹ đáng ghen tị của Công giáo dường như chính là những điều mà giáo hoàng coi thường. Và cả hai điều này dường như đều liên quan đến dấu hiệu mách bảo luôn báo trước rắc rối trong các nhóm Cơ Đốc: mất đi những điều siêu việt để ủng hộ những điều nội tại.
Những dấu hiệu của điều này xuất hiện trong sự rối rắm xoay quanh vấn đề ban phước cho những cá nhân trong mối quan hệ đồng giới. Một nhà lãnh đạo vừa nắm vững dạy dỗ Cơ Đốc vừa tin chắc rằng dạy dỗ đó là đúng sẽ không bao giờ chủ trì một mớ hỗn độn như vậy. Một người như vậy, đâm rễ trong sự siêu việt, sẽ luôn sợ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời hơn những bài xã luận của con người. Ví dụ mới nhất cho thấy rõ giáo hoàng chiều theo con người trong những vấn đề có tầm quan trọng cấp thiết là ông quyết định tổ chức một cuộc hành hương đặc biệt cho cộng đồng LGBTQ trong Năm Thánh 2025 với cái tên “Giáo hội: Ngôi nhà cho tất cả mọi người, những Cơ Đốc nhân LGBT+ và các ranh giới hiện sinh khác”. Sự kiện này sẽ bao gồm một lễ canh thức cầu nguyện cho những người Công giáo LGBTQ vào ngày 5 tháng 9 tại Nhà thờ Church of Gesù ở Rome. Sau đó, họ sẽ đi qua Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Peter vào ngày 6 tháng 9.
Là người ngoài cuộc, tôi không tài nào biết được động thái này có liên quan thế nào đến chính trị nội bộ của Vatican và Giáo hội Công giáo. Nhưng có một điều rõ ràng: Ở đây chúng ta thấy Giáo hội cho phép các phạm trù trong khuôn khổ nội tại của chúng ta—các phạm trù dường như trái ngược với giáo lý Công giáo về tình dục và thân thể con người—thúc đẩy lễ kỷ niệm Năm Thánh. Cho dù động cơ mục vụ có thiện chí đến đâu, ấn tượng để lại vẫn là sự thiếu hiểu biết hoặc coi thường không chỉ đối với Công giáo truyền thống nói riêng mà còn đối với Cơ Đốc giáo chính thống nói chung.
Những người Tin lành tự do luôn chậm chân trong sự dạy dỗ về xã hội của họ. Vào những năm 1960, họ đã đối thoại với những người theo chủ nghĩa Marx khi chủ nghĩa Marx bắt đầu sụp đổ dưới sức nặng của những mâu thuẫn trong chính nó. Ngày nay, Giáo hội Anh giáo chuyển sang ban phước cho các cặp đôi đồng tính sau khi thế giới rộng lớn hơn khẳng định hôn nhân đồng tính đã lâu. Giáo hoàng Francis duy trì truyền thống đó, cho cộng đồng LGBTQ một cuộc hành hương ngay khi L (Người đồng tính nữ), G (Người đồng tính nam) và B (Người lưỡng tính) nhận ra rằng, ngoài một kẻ thù chung trong chuẩn mực dị tính da trắng, họ hoàn toàn không phải là một “cộng đồng” thống nhất.
Những người Tin Lành chính thống, coi trọng tín điều không nên hài lòng khi Rô-ma ngày càng giống với kẻ thù cũ của Tin Lành tự do. Rô-ma vẫn có tiền bạc và sức nặng của thể chế để tạo ra khác biệt trong những cuộc vật lộn to lớn về ý nghĩa của việc làm người này. Nếu Rô-ma lấp lửng và sa vào những vấn đề này, thế giới sẽ trở nên lạnh lùng và khắc nghiệt hơn đối với tất cả chúng ta. Trích lời Elrond thì danh sách đồng minh của chúng ta ngày càng ngắn lại. Và Giáo hoàng Francis không đảo ngược quá trình đó.
Carl Trueman, tác giả bài viết là giáo sư nghiên cứu Kinh thánh và tôn giáo tại Grove City College và là thành viên tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công tại Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: Why I Am Not Catholic | Carl R. Trueman | First Things
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!