CHÚNG TA CÓ BIẾT CHÚA GIÊ-SU GIÁNG SINH KHI NÀO VÀ VÀO NĂM NÀO KHÔNG?
Đúng vậy, câu Chúa Giê-su sinh ra khi nào là một câu hỏi khách quan và quan trọng. Nhưng câu hỏi này không quan trọng bằng câu hỏi mà tôi sẽ đặt ra ở cuối bài viết này, một câu hỏi chủ quan. Nghiên cứu về sự giáng sinh của Chúa Giê-su đã để lại cho tôi cảm giác mê mẩn với câu hỏi này— nhưng để có được câu trả lời thì cần phải chấp nhận có sự tương đối. Tôi thấy rất thú vị khi biết rằng con người chúng ta đã phải chật vật biết bao năm để tính đếm thời gian và tạo ra lịch để có được câu trả lời đúng về thời điểm Chúa Giê-su sinh ra và củng cố kỳ vọng của người Cơ Đốc.
Chúa Giê-Su Có Sinh Ra Vào Năm 0 B.C. (Trước Công Nguyên) Không?
Đầu tiên, Chúa Giê-su không sinh ra vào Năm 0. Lý do là không có năm nào là năm 0 cả. Xét về mặt logic thì không thể có năm 0. Hãy xét đến ngày và tháng sinh của bạn. Trong trường hợp của tôi là ngày 30 tháng 10. Nếu tôi cực kỳ quan trọng đến mức niên đại của thế giới xoay quanh ngày 30 tháng 10, thì 365 ngày TRƯỚC KHI tôi sinh ra sẽ được gọi là 1 B.D. (before Dikkon – năm cuối cùng trước Dikkon, Dikkon là tên tôi) và 365 ngày SAU KHI tôi sinh ra sẽ được gọi là năm 1 S.D. (năm đầu tiên sau Dikkon – after Dikkon). Không có chỗ cho Năm Z.D. (không Dikkon –zero Dikkon). Và trong kỷ nguyên B.D., tất cả chúng ta đều đếm lùi lại; trong kỷ nguyên S.D., tất cả chúng ta đều sẽ đếm tiến lên.
Chúa Giê-su là Đấng Christ, là Chúa Cứu thế. Ngài quan trọng đến mức việc xác định niên đại của thế giới phụ thuộc vào ngày sinh của Ngài — vào năm B.C. (Before Christ – trước Đấng Christ) hoặc vào năm A.D. (anno domini – “vào năm của Chúa chúng ta”) (Lưu ý của người dịch: Để diễn đạt được dụng ý của tác giả, người dịch sẽ giữ nguyên các cụm viết tắt A.D. – trước Công nguyên và B.C. – sau Công nguyên trong bài viết)
Rất khó xác định năm mà Chúa Giê-su thực sự sinh ra, thậm chí người ta còn đặt câu hỏi rằng không biết có nên xác định điều đó hay không. Tuy nhiên, năm này được coi là quan trọng vì đây là năm mà Đức Chúa Trời Ba Ngôi bắt đầu giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch cứu chuộc những con người sa ngã và khôi phục thiên đàng tại Giê-ru-sa-lem Mới. Trình tự là thế này. Một năm nọ, Chúa Giê-su được sinh ra. Khoảng ba mươi năm sau khi Ngài giáng sinh, Ngài—Đức Chúa Trời nhập thể—đã hy sinh trên Thập Tự Giá. Ba ngày sau đó, Sự Phục Sinh Ngài đã bảo đảm sự cứu chuộc cho những ai tin vào vinh quang của Ngài. Vì thế năm Chúa Giê-su giáng sinh là một năm then chốt; lịch sử cứu rỗi hướng về năm đó. Sự sống đời đời phụ thuộc vào nó.
Nhưng còn một năm nữa còn tuyệt vời hơn thế. Năm sinh của Chúa Giê-su chỉ mở đầu một chuỗi các sự kiện mà chúng ta gọi là cuộc khổ nạn của Đấng Christ và sự cứu chuộc của chúng ta. Lịch sử cứu rỗi đạt đến đỉnh điểm nhờ sự Phục Sinh của Đấng Christ, chứ không phải bởi sự giáng sinh của Ngài. Đối với những Cơ Đốc nhân thời đầu, vì mục đích thờ phượng, thông tin quan trọng nhất đối với họ khi nghiên cứu lịch là tìm hiểu xem họ sẽ tổ chức lễ Phục sinh vào ngày nào hằng năm.
Cơ Đốc Nhân Xác Định Ngày Sinh Của Chúa Giê-Su Vào Dịp Giáng Sinh Từ Khi Nào?
Trên thực tế, nhiều giáo phụ Cơ Đốc thời kỳ đầu đã phản đối việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Ngày Giáng sinh không được đưa ra cho đến năm mà chúng ta gọi là năm 221 AD bởi Sextus Julius Africanus (khoảng năm 180 đến khoảng năm 250 AD). Dùng Kinh thánh như một trong những cơ sở chính, Sextus đã viết một bộ niên đại gồm 5 tập đồ sộ về thời gian thánh và thế tục tính từ lúc sáng tạo thế giới, sự kiện được ông đặt vào năm 5499 B.C., cho đến ngày xuất bản cuốn sách của ông vào năm 221. Trong đó, ông kết luận rằng Chúa Giê-su sinh vào ngày 25 tháng 12. Nhiều nhà thần học đương thời đã đáp lại, về căn bản, rằng: vậy thì sao? Người ngoại giáo mới kỷ niệm ngày những người anh hùng của họ ra đời. Chúng ta thì không. Cơ Đốc nhân không quan tâm đến sự ra đời của các vị thánh và đặc biệt là của Chúa Giê-su. Chúng ta quan tâm đến sự chết của họ. Tuy ai cũng được sinh ra nhưng không phải ai cũng tử vì đạo – và chưa có ai từng tử đạo như Đức Chúa Trời nhập thể đã tử đạo. Sự tử đạo của Ngài đã đem đến sự Phục Sinh và Thăng Thiên! Điều đó tiết lộ toàn bộ kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời, tiết lộ về thiên cung và đem lại sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại có đức tin.
Cơ Đốc nhân chúng ta tin rằng – và theo nhiều giáo phụ – cuộc sống của con người chúng ta là một khoảng thời gian chuyển tiếp trước khi đến với ngôi nhà cuối cùng và vĩnh cửu của mình trên thiên đàng. Chúng ta trải qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống và chúng ta được biết đến ân điển. Nếu có cơ hội tử vì đạo thì có lẽ ngày chết của chúng ta sẽ được ghi nhớ rất lâu sau đó. Ngày sinh của chúng ta kém quan trọng hơn nhiều.
Tính Năm Sinh Của Chúa Giê-Su
Là người sống trong thời đại công nghệ hiện đại, tôi đã quen với việc đo thời gian bằng những công cụ mà chúng ta coi là hoàn toàn khách quan – chẳng hạn như đồng hồ nguyên tử. Nhưng đó không phải là cách người xưa đo đếm thời gian. Ngày xưa, thời gian được đo bằng các loại lịch cạnh tranh nhau, mỗi lịch được xây dựng dựa trên việc quan sát chu kỳ mặt trời và mặt trăng trên bầu trời, đồng thời liên quan đến các huyền thoại cũng như những sự thực về chính trị hoặc tôn giáo. Ví dụ, thành Rô-ma theo dõi niên đại bằng cách nhìn lại sự ra đời của mình vào năm 753 B.C. (cụ thể là vào ngày 1 tháng 4), khi nó được thành lập bởi Romulus và Remus theo thần thoại. Năm La Mã (sử dụng chữ viết tắt AUC—từ ngày thành lập Rô-ma, “ab urbe condita”) được tính từ sự kiện huyền thoại đó—và lưu ý rằng B.C. tôi dùng trong câu này để định hướng cho chúng ta về thời kỳ hiện đại mà bấy giờ người ta chưa có khái niệm. Tiếp theo, vào năm 46 B.C. (hoặc 708 AUC) một loại lịch mới được áp dụng – lịch Julian theo sắc lệnh của Julius Caesar, từ đó tồn tại hai hệ thống xác định niên đại. Hơn nữa, sau khi Julius buộc Cộng hòa La Mã trở thành Đế quốc, niên đại cũng được tính kể từ ngày hoàng đế thời bấy giờ lên nắm quyền tuyệt đối, chẳng hạn như báo cáo rằng một sự kiện nào đó đã xảy ra “vào năm thứ 16 dưới triều đại của Caesar Augustus.”
Ba hệ thống xác định niên đại có vẻ phức tạp, nhưng rồi điều gì đó khác biệt đã xảy ra vào năm 1278 AUC. Một tu sĩ có đầu óc toán học và là thành viên của Giáo triều La Mã, Dionysius Exiguus, đã phát minh ra khái niệm A.D. hay SCN. Như đã nêu trên, người này quan tâm đến việc đưa ra những dự đoán chính xác về thời điểm lễ Phục sinh nên được tổ chức hàng năm. Tôi chắc chắn rằng đối với ông, thời gian Cơ Đốc phải chiếm ưu thế trên thời gian của Romulus-và-Remus, nên ông đã đếm ngược 525 năm kể từ năm ông tính toán đến “sự nhập thể của Chúa chúng ta là Chúa Giê-su Christ”…hoặc vào năm Chúa của chúng ta, năm 1 A.D. Các học giả cảm thấy khó hiểu tại sao Dionysius lại chọn 525 năm cho phép tính của mình (và những gì tôi đã đọc là quá dài và phức tạp để có thể kể đến ở đây)—nhưng đây là chỗ ta có thể nhận thấy tính tính nhân văn hấp dẫn và sự linh hoạt của quá trình này. Có vẻ như Dionysius nêu rõ rằng ông tránh mọi manh mối mà mình có thể tìm thấy trong một số lịch nếu chúng đề cập đến một vị hoàng đế cụ thể đã bắt bớ Cơ Đốc nhân và Dionysius muốn xóa khỏi hồ sơ. Ngoài ra, tôi hiểu rằng có những gợi ý trong tài liệu của ông cho thấy ông đã chọn 525 năm bởi lẽ, vào thời của ông, hiểu biết Cơ Đốc chung về niên đại của Thời kỳ Cuối cùng là chúng sẽ bắt đầu 500 năm sau sự giáng sinh của Đấng Christ. Có thể Dionysius đã cố tình đặt năm của chính mình sau Eschaton (Ngày tận thế) 25 năm. Có lẽ ông làm vậy để công chúng đỡ hoang mang. Và dù sao thì điều ông muốn mọi người chú ý đến cũng là lễ Phục sinh.
Vì vậy, Dionysius Exiguus đã phát minh ra A.D., và ông ấy đã đặt năm 1 A.D. vào vị trí mà ông đặt nó. Kể từ đó, chúng ta đã sống với bản lề chủ đạo này. Nhưng lưu ý rằng—linh hoạt hơn nữa—ngay cả bản lề chủ đạo này cũng không được sử dụng rộng rãi trên khắp châu Âu cho đến năm 731 A.D., khi được Bêđa Khả kính chấp nhận và xuất hiện trong tác phẩm chính của ông – Lịch sử Hội thánh của Người Anh.
Kết Luận Cho Câu Trả Lời Chúa Giê-Su Sinh Năm Nào
Từ năm 731 trở đi, rõ ràng là đã tồn tại một năm mà chúng ta có thể gọi là năm 1 A.D. Vì vậy, đó là câu trả lời cho câu hỏi của chúng ta – đương nhiên là như vậy. Chúa Giê-su sinh ra vào năm 1 A.D.—năm đầu tiên của Giê-su Christ – Chúa chúng ta. Nhưng vẫn còn vấn đề nữa cần giải quyết.
Có một cách khác để tiếp cận sự thật. Hãy xem lại những gì Kinh Thánh và lịch sử La Mã cho chúng ta biết. Ma-thi-ơ 2:1 cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su được sinh ra “vào thời trị vì của vua Hê-rốt” Đại đế. Vào “khoảng thời gian đó,” các nhà thông thái đến Giê-ru-sa-lem và báo rằng họ đã nhìn thấy Ngôi sao bên đông phương và đã đi đến để thờ phượng bé trai mới sinh ra để làm vua. Hê-rốt, con người tàn độc đến mức đã sát hại hai vợ và ba con trai của mình khi nghĩ rằng họ âm mưu soán ngôi, đã ra lệnh giết tất cả trẻ nhỏ quanh Bết-lê-hem “từ hai tuổi trở xuống” (Ma-thi-ơ 2:16). Theo lịch sử, chúng ta tin rằng Hê-rốt qua đời vào năm 4 B.C. Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giê-su phải sinh vào khoảng một hai năm trước ngày Hê-rốt qua đời, để các nhà thông thái có thời gian đi đường và mô tả cho Hê-rốt biết đứa trẻ sinh ra cùng lúc ngôi sao xuất hiện được bao nhiêu tuổi. (Lưu ý rằng tất cả những niên đại này đều mang tính suy đoán và có tính tương đối – kể cả ngày mất của Hê-rốt: ông qua đời vào tháng một hay tháng người hai, và 12 tháng đó rơi vào năm nào?) Lại tương đối nữa rồi! Vì vậy, có thể Đấng Christ được sinh ra vào năm 4 hoặc 5 B.C.
Nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Lu-ca 3:1 xác định rằng Giăng Báp-tít rao giảng “vào năm thứ mười lăm dưới triều đại Sê-sa Ti-be-rơ” chúng ta biết sẽ là năm 29 B.C. (mặc dù cũng có sự tương đối trong đó, vì các sử gia La Mã thường—nhưng có lẽ không phải lúc nào cũng vậy —xác định ngày hoàng đế lên nắm quyền tuyệt đối kể từ ngày 1 tháng 1 đầu tiên sau khi ông có được quyền lực). Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng không lâu sau khi được Giăng báp-tem. Nhưng sau bao lâu? Một tháng? Một năm? Sau này, trong Lu-ca 3:23, chúng ta được biết rằng “Chúa Giê-su bắt đầu chức vụ khi Ngài độ ba mươi tuổi”. Liệu điều đó có xảy ra vào năm 29 B.C. không? Và “độ ba mươi tuổi” thực sự có nghĩa là gì, khi chúng ta đang cần đếm ngược cho đến năm sinh chính xác? Vì vậy, bằng cách sử dụng những gợi ý mà chúng ta có trong Lu-ca, việc tính toán có thể đưa chúng ta đến khả năng này: có thể Đấng Christ sinh ra vào bất kỳ năm nào giữa năm 2 B.C. (trước Công nguyên) và năm 3 hoặc 4 A.D. (sau Công nguyên).
Để cho đơn giản và vì không nên viết dài dòng, tôi đã bỏ qua những dòng suy đoán khác, nhưng sự đồng thuận giữa các học giả ngày nay (trong đó có hầu hết các giáo phụ) dường như chỉ ở mức trung bình về điều này: Đấng Christ có lẽ sinh vào năm 2 hoặc 3 B.C. (trước Công nguyên).
Cũng lưu ý rằng thời nay người ta giảm thiểu việc sử dụng các chữ viết tắt A.D. và B.C. Có những học giả từ nhiều truyền thống tôn giáo khác ngoài Cơ đốc giáo—bao gồm cả tôn giáo vô thần—phản đối việc xác định niên đại cho toàn thế giới dựa trên sự xuất hiện của Chúa chúng ta là Chúa Giê-su Christ. Thay vào đó, xu hướng hiện nay là sử dụng các chữ viết tắt C.E.—Common Era (Kỷ nguyên chung)—và B.C.E.—Before Common Era (trước Kỷ nguyên chung). Tuy chữ viết tắt có chung chung hơn nhưng thời gian bản lề vẫn như nhau, đó là sự giáng sinh của Chúa Giê-su Christ.
Chúng ta không thể trả lời câu hỏi khách quan. Chúng ta có thể tiến gần đến một câu trả lời chắc chắn nhưng chưa đến hẳn. Có lẽ đây là chủ tâm của Đức Chúa Trời. Có lẽ Ngài muốn chúng ta chú tâm đến điều gì đó khác hơn là ngày tháng chính xác. Ngài tìm cách cứu chuộc linh hồn chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta đến với Ngài. Ngài đã và đang kêu gọi chúng ta đến với Ngài kể từ khi Chúa Giê-su Phục Sinh. Vậy Chúa Giê-su sinh vào năm nào?
Chủ quan mà nói, vào Mùa Vọng 2023, trong khi chờ đợi sự giáng sinh của Ngài vào ngày 25 tháng 12 năm 2023 theo lịch lễ nghi —tôi hy vọng với sự kiên nhẫn và niềm vui sắp đến, chúng ta có thể nói rằng Ngài sẽ giáng sinh, rất sớm thôi, như Ngài đã giáng sinh hằng năm trong hơn hai ngàn năm nay.
Nguyện Ngài—sau sự chết của Ngài vào Lễ Phục sinh—cứu rỗi chúng ta và cứu chuộc chúng ta mãi mãi. Amen.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Dikkon Eberhart và vợ ông là Channa sống ở khu vực Blue Ridge thuộc Tây Nam Virginia, Hoa Kỳ. Họ có bốn người con đã trưởng thành và năm đứa cháu. Eberhart là tác giả của cuốn hồi ký nổi tiếng Thời Mẹ Gặp Hitler, Frost Đến Ăn Tối và Tôi Nghe Câu Chuyện Vĩ Đại Nhất Từng Được Kể (The Time Mom Met Hitler, Frost Came to Dinner, and I Heard the Greatest Story Ever Told – Nhà xuất bản Tyndale House). Eberhart viết hồi ký để giúp đỡ những người khao khát được đến gần Chúa hơn. Truy cập blog và trang web của ông tại địa chỉ www.dikkoneberhart.com
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.biblestudytools.com/bible-study/topical-studies/what-year-was-jesus-born.html