HÃY TRUYỀN LẠI – Vai Trò Của Gia Đình Trong Việc Nuôi Dưỡng Những Thế Hệ Đức Tin Cho Chúa
Hiện Tượng “Thế Hệ Thứ Ba”
Giangluankinhthanh.net – Trong một đại hội của hệ phái Giám Lý tại Birmingham (Anh quốc) vào năm 2019, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu xem có nên thông qua đề xuất cho phép các cặp đồng tính làm lễ cưới tại các hội thánh Giám Lý hay không. Lường trước sự chống đối, những người viết báo cáo trên thậm chí đã trích lời của John Wesley, người thành lập phái Giám Lý, nhằm kêu gọi mọi người hiệp “một lòng, mặc dù không phải là một ý.”(1) Nhưng có lẽ họ đã lo hơi xa, vì kết quả bỏ phiếu cho thấy 247 phiếu thuận, 48 phiếu chống(2). Đối với những Cơ đốc nhân duy trì quan điểm truyền thống của Cơ đốc giáo về hôn nhân, diễn tiến này thật chua xót, đặc biệt là khi điều ấy lại xảy ra giữa các “hậu duệ” của John Wesley, người đã thành lập các câu lạc bộ khi còn là sinh viên tại đại học Oxford, bị người ngoài chế nhạo gọi là “câu lạc bộ thánh” (holy club), nơi các sinh viên gặp nhau để cùng cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và thực hành các kỷ luật thuộc linh.
Các nhà sử học và xã hội học đã quan sát thấy một xu hướng xảy ra với các phong trào, các nhóm người và các gia đình – nó được gọi là hiện tượng của thế hệ thứ ba. Theo đó, thế hệ đầu tiên được nhận biết bằng tầm nhìn, nhiệt huyết, kỷ luật, nỗ lực và tăng trưởng; thế hệ thứ hai được nhận biết bằng sự “giảm nhiệt”, chỉ cố gắng duy trì và cố thủ, còn thế hệ thứ ba được nhận biết bằng sự sa sút trầm trọng (phải chăng đây cũng là quan sát của người Việt xưa, khi các cụ nói “không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời?)(3). Một phân tích về các tỷ phú theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2014 cho thấy trong số 483 tỷ phú quốc tế, có 321 tỷ phú (chiếm 66,5%) thuộc thế hệ thứ nhất; khoảng 20% thuộc thế hệ thứ hai; và dưới 10% là thế hệ thứ ba. Chỉ có 13 gia đình tiến được tới thế hệ thứ tư, và bảy gia đình tiến được tới thế hệ thứ năm(4). Có thể phân tích này chưa hoàn toàn khách quan, kết quả của nó vẫn là một điều đáng suy nghĩ.
Đáng lo ngại hơn là hiện tượng ấy có vẻ cũng đúng trong khía cạnh đức tin của khá nhiều trường hợp trong Kinh thánh. Thế hệ Giô-suê đã thành công trong việc chiếm xứ hứa, sau khi Giô-suê qua đời, sách Các Quan Xét cho biết dân Israel tiếp tục phụng sự Chúa “suốt thời gian các trưởng lão còn sống sau Giô-suê”, nhưng sau đó, “một thế hệ khác tiếp nối” “chẳng nhìn biết Đức Giê-hô-va cũng chẳng biết các công việc mà Ngài đã làm” và đã sa vào thờ thần tượng (Quan xét 2:7;10-11). Đồ thị lòng trung thành với Chúa của ba thế hệ Đa-vít, Sa-lô-môn và Rô-bô-am rõ ràng là diễn ra theo hướng giảm dần. Chúng ta có thể thấy điều tương tự khi quan sát lịch sử hội thánh hoặc một hệ phái, một phong trào phấn hưng khác. Câu hỏi là liệu có thể đảo ngược hiện tượng này? Làm thế nào để con cháu chúng ta sẽ tiếp tục yêu mến và phục vụ Chúa, thậm chí còn hơn cả chúng ta?
Vai Trò Then Chốt Của Gia Đình
Theo Kinh thánh, việc dạy dỗ và hướng dẫn con cái trong đức tin và đường lối của Chúa phải là ưu tiên hàng đầu trong đời sống của chúng ta. Thật thế, một việc quan trọng mà Áp-ra-ham phải làm là “truyền dạy con cái và dòng dõi người sau này gìn giữ đường lối của Đức Giê-hô-va bằng cách làm điều công chính và ngay thẳng, để Đức Giê-hô-va thực hiện điều Ngài đã hứa với Áp-ra-ham” (Sáng thế ký 18:19). “Áp-ra-ham chắc chắn sẽ thành một dân lớn và hùng mạnh” (câu 18), nhưng đó là việc Chúa sẽ làm, còn về phần ông, ông phải truyền lại và dạy dỗ đức tin cho con cháu mình. Tai vạ giáng xuống thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ không chỉ nhằm thực thi công lý đối với hai thành phố này mà hẳn còn là một bài học “trực quan” sống động và khó quên đối với Áp-ra-ham, để ông dạy dỗ con cháu mình về Đức Chúa Trời công chính và hay thương xót.
Shema là tuyên bố niềm tin, được coi là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Do Thái giáo mà người Israel chính thống ngày nay vẫn trích đọc ngày hai lần: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Anh em phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực mà kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Phục truyền 6:4-5). Tuy nhiên, trong những câu kế tiếp, Chúa lại ra lệnh: “Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em ngày nay. Hãy ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái anh em và phải nhắc đến, khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em ngủ cũng như khi thức dậy. Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, đeo lên trán làm hiệu, và viết các lời đó lên khung cửa nhà và trước cổng” (các câu 7-10). Qua đó, có thể thấy sự dạy dỗ đức tin cho con cái bắt đầu từ chính đời sống làm gương của chúng ta (chính chúng ta cần “ghi lòng tạc dạ” mạng lệnh Chúa), đồng thời cần dạy dỗ con cái có chủ đích, tận dụng mọi cơ hội (“ân cần dạy dỗ,” ở nhà cũng như ngoài đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy). Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần tạo ra hoặc đưa con đến những môi trường trong đó Lời Chúa được coi trọng (buộc vào tay, đeo lên trán, treo lên khung nhà và trước cổng).
Vì vậy, một trong những trong những mục đích của những kỳ lễ hội (mà người Do thái có rất nhiều lễ hội!) là để dạy dỗ về Chúa cho các thế hệ kế tiếp. Chẳng hạn, sách Lê-vi cho biết, vào lễ Lều Tạm, toàn dân Israel phải ở trong lều bảy ngày, “để mọi thế hệ các con biết rằng khi Ta đem dân Israel ra khỏi Ai-cập, Ta đã cho họ ở trong các lều trại. Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các con” (Lê-vi 23:42). Trong sách hướng dẫn nghi thức cử hành bữa ăn lễ Vượt Qua trong gia đình Do Thái truyền thống, đứa con út trong bàn ăn sẽ hỏi rằng: “Vì sao đêm này khác với mọi đêm?” và người cha sẽ đưa ra câu trả lời để giải thích ý nghĩa của kỳ lễ (5). Bổn phận của một ông bố Do Thái là phải làm phép cắt bì cho con, làm lễ chuộc cho con (nếu đó là con cả), dạy luật pháp Môi-se cho con, cưới vợ cho con, dạy nghề cho con và dạy con biết bơi (6). Như thế, một ông bố cần chăm lo cho đời sống đức tin của con cũng như dạy con kiếm sống và cách sống sót trong thế giới có quá lắm rủi ro.
Gia Đình Lễ Bái
Bắt đầu có lẽ từ thời Tin lành cải chính, sau đó được hoàn thiện hơn bởi những người Thanh giáo ở Anh và Scotland, gia đình lễ bái thật là một thực hành tốt mà các Cơ đốc nhân có thể bắt đầu, duy trì và phát triển để thực hiện sứ mệnh dạy dỗ đức tin cho thế hệ kế tiếp. Trong thì giờ này, cả nhà dành thời gian bên nhau để cùng đọc Kinh thánh, cầu nguyện, hát thánh ca (và có thể cùng chơi trò chơi, đặc biệt khi có con nhỏ). Một tài liệu đơn giản về thì giờ gia đình lễ bái được giới thiệu tại đây
Tại đây cũng có tài liệu giáo lý vấn đáp thích hợp để dùng trong gia đình.
Ngoài ra, theo tinh thần của Phục truyền 6:5-9, các bậc cha mẹ nên để ý những “thời điểm dễ dạy” có thể phát sinh hằng ngày để dạy dỗ về Chúa cho các con. Người viết bài này có tham dự một chương trình về hôn nhân và nuôi dạy con. Người giáo viên có kể câu chuyện về lần cậu con trai của ông mắc lỗi và đáng bị phạt, nhưng thay vì phạt con như “nội quy gia đình” đã nêu, ông bố chợt nảy ra ý tưởng là sao không tận dụng cơ hội này để dạy con về Chúa. Thế là thay vì vụt 3 roi vào mông con, người bố đã vụt 3 roi vào chính mình, rồi nói với con là mình đã phạt xong. Cậu con trai ngạc nhiên lắm và hỏi bố tại sao lại vậy. Người bố giải thích rằng đó chính là điều Chúa đã làm cho chúng ta trên thập tự, khi Ngài chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Không biết cậu con trai có hiểu hoặc nhớ điều người bố làm không, chỉ biết rằng người viết bài này dù đã quên phần lớn nội dung của hội thảo nhưng lại nhớ mãi câu chuyện ấy, và thi thoảng vẫn tìm cách áp dụng nó trong đời sống của chính mình!
Có một hiện tượng “thế hệ thứ ba” khác được nhắc tới trong 2 Ti-mô-thê 1:5. Theo đó, Phao-lô nói rằng ông “nhớ đến đức tin chân thành” của Ti-mô-thê, “là đức tin trước đã sống trong Lô-ít,” bà ngoại của Ti-mô-thê, và “trong Ơ-nít,” mẹ Ti-mô-thê. Phao-lô chắc chắn rằng “đức tin ấy nay đang sống” trong Ti-mô-thê. Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở nên những Lô-ít và Ơ-nít, để đức tin vào Chúa sẽ tiếp tục sống mãi trong các thế hệ tương lai!
Đội Ngũ Ba-rúc
[1] God in love unites us – the report of the marriage & relationships task group 2019, trang 119 https://www.methodist.org.uk/media/11672/conf-2019-10-marriage-and-relationships-task-group-2019.pdf, truy cập 23/7/2020
[2] Ed Thornton, Methodists move towards conducting same-sex marriages, https://www.churchtimes.co.uk/articles/2019/5-july/news/uk/methodists-move-towards-conducting-same-sex-marriages. Truy cập 23/7/2020.
[3] Dennis Brathcher, The Third Generation: Nehemiah and The Question of Identity, http://www.crivoice.org/thirdgen.html. Truy cập 23/7/2020.
[4] Robert Frank, How to stay rich for three generations; https://www.cnbc.com/2014/07/16/how-to-stay-rich-for-three-generations-.html. Truy cập 23/7/2020.
[5] Yosef Marcus, The Four Questions Explained: An anthology of classic and Kabbalistic teachings, https://www.chabad.org/holidays/passover/pesach_cdo/aid/1486798/jewish/The-Four-Questions-Explained.htm. Truy cập 24/7/2020.
[6] Kiddushin 29 a. http://www.talmudology.com/jeremybrownmdgmailcom/2016/3/23/kiddushin-29a-swimming-and-drowning
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Loi Chua co chep rang hay day con tre con duong no phai di hau khi ve gia no cung khong lia bo con duong do. Chung ta la bac cha me Co Doc hay lam tron Loi Chua day de tiep tuc duy tri dong doi thanh, dan sot cho Chua o moi thoi dai.
Cảm ơn chúa vì bài học
xin Chúa ban phước cho bạn!
Cảm ơn ad. Xin Chúa ban phước trên ban biên tập.