VÌ SAO CẦN ĐỂ Ý TỚI THẦN HỌC CỦA CÁC BÀI HÁT THỜ PHƯỢNG(*)
Lời kêu gọi thờ phượng Chúa vì chính Ngài từ Matt Redman
Trong Công vụ 17, sứ đồ Phao-lô đến A-then và phát hiện ra một điều khác lạ – một bàn thờ khắc chữ “Thờ thần không biết.”
Tất nhiên, ông đã khéo léo biến khoảnh khắc này thành cơ hội để kể câu chuyện về Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật. Nhưng tôi luôn cảm thấy dòng chữ này thật vô ích với những người thờ lạy cái vị được cho là thần này— một vị thần không ai biết mà cũng không thể biết.
Chúng ta không biết gì về bản chất, tính cách và thuộc tính của vị thần này. Chúng ta không biết vị thần này đã thực hiện bất kỳ hành động vĩ đại nào, làm bất kỳ phép lạ nào hay giành được chiến thắng nào. Chúng ta cũng không biết gì về vẻ ngoài của vị này. Thậm chí chúng ta còn không biết cả tên vị thần ấy. Chính xác thì những người thờ phượng vị này cần có hay phải có điều gì? Chúng ta thực sự không có bất cứ cơ sở nào.
Với những người thờ phượng Chúa Giê-su thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính Ngài, Đấng muốn được nhìn thấy và biết đến. Mọi trang trong cuốn sách Ngài viết đều bày tỏ về Ngài – không chỉ là những gợi ý, manh mối và tiếng đồn mà là những mô tả tường tận về Ngài là ai, Ngài đã làm gì và tại sao Ngài thật sự xứng đáng được chúng ta thờ phượng.
Chúng ta biết chắc rằng Ngài oai nghi và nhân từ, quyền năng và bình an, thánh khiết và khiêm nhường, vinh hiển và bao dung. Kinh thánh cũng cho chúng ta biết cách nào là tốt nhất để đến gần Chúa và dạng của dâng nào sẽ làm đẹp lòng Ngài.
Khi nói đến việc thờ phượng, chúng ta luôn hiểu rõ rằng mình không cần phải tự tạo ra những điều này.
Một buổi lễ thờ phượng có thể không chứa đựng mọi khía cạnh trong lẽ thật của Đức Chúa Trời, nhưng, như Marva J. Dawn quá cố đã từng nhắc nhở chúng ta, “đừng bao giờ để sự thờ phượng mang đến cho chúng ta điều không phải là lẽ thật.” Chúng ta cũng phải cố gắng hết sức để không bỏ lỡ những yếu tố then chốt về Đấng mà chúng ta đang gặp gỡ.
Hai mươi năm trước, tôi đã viết cho những mục sư, người giảng đạo và nhà thần học chủ chốt và đặt một câu hỏi giản đơn cho họ: “Đâu là một số chủ đề Kinh thánh cốt yếu còn thiếu trong cách thờ phượng hiện tại của chúng ta?”
Nhiều câu trả lời nhắc đến Đức Chúa Trời trong vai trò là Đấng Sáng tạo, là Quan án, là Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy họ đưa ra những bình luận tích cực về âm nhạc thờ phượng đương đại nhưng có vẻ như vẫn còn thách thức: Vì lợi ích của hội thánh và vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta phải làm tốt hơn.
Hai mươi năm sau, tôi tự hỏi chúng ta đã tiến xa đến đâu rồi. Âm nhạc thờ phượng đã phát triển và tiến triển một cách sáng tạo, xuất hiện trong nhiều thể loại hơn bao giờ hết. Các khía cạnh sản xuất của chúng ta cũng đã có tiến triển. Nhưng liệu chúng ta có thể nói vậy về nội dung ca từ và thần học hay không?
Một số bài hát dạng thánh ca hiện đại vẫn vững vàng trong lĩnh vực này: Chẳng hạn, bài “King of Kings” (Vua Muôn Vua) của Hillsong kể được nhiều điều về câu chuyện của Đức Chúa Trời và đề cập đến 15 trong số 25 chủ đề được tìm thấy trong Bản Tín điều Các Sứ đồ. Bài “Living Hope” (Đấng Sống Muôn Đời) của Phil Wickham có 11 chủ đề trong số đó. Đây là những bài dễ hát, hay và có tầm ảnh hưởng. Nhưng nhìn chung là chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tôi nhận thấy một điều, ấy là chúng ta có vẻ thích hát về sự giúp đỡ của Thiên Chúa hơn là sự thánh khiết của Ngài. Chúng ta hướng đến những khía cạnh của Thiên Chúa có lợi ích trực tiếp và rõ ràng cho chúng ta—Thiên Chúa là Đấng Chăn chiên, Đấng An ủi, nơi nương náu hoặc Đấng Giải cứu.
Có thể nói đây là những bài hát về sự giúp đỡ. Nhưng chúng ta thật sự cần có nhiều bài thánh ca về cả sự thánh khiết của Ngài – những bài hát ca ngợi Thiên Chúa vì Ngài xứng đáng, dù chúng ta có ở trong câu chuyện hay không. Những bài hát hướng đến các chủ đề như sự vĩ đại, sự công chính và oai nghi. Giống với sách Thi Thiên quân bình giữa sự thánh khiết và sự giúp đỡ, chúng ta cũng phải làm như vậy.
Phần lớn trách nhiệm với những gì chúng ta hát trong hội thánh thuộc về những người dẫn thờ phượng và sáng tác nhạc trong thời đại mình. Những người dẫn thờ phượng và các phong trào thờ phượng được nhiều người biết đến phải thực hiện nhiệm vụ của mình trong sự kính sợ thánh. Cho ra đời một bản thu âm mới có giai điệu hấp dẫn hoặc lấp đầy một phòng nhóm lớn là chưa đủ. Những điều đó có thể tuyệt vời—nhưng chúng thực sự trở nên đáng buồn nếu chúng ta không cẩn thận trong cách tiếp cận của chúng ta với những chủ đề thiêng liêng.
Lời kêu gọi tương tự cũng được gửi đến tất cả những người dẫn thờ phượng tại hội thánh địa phương. Chúng ta có chọn những bài hát tôn vinh Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn nhất có thể không? Hay đôi khi chúng ta cứ thế thông qua các bài hát, không đưa chúng qua bất kỳ bộ lọc thần học nào, vì đơn giản là giai điệu âm nhạc quá hấp dẫn, không thể bỏ qua? Tôi cũng thích cách trình bày mới mẻ, sáng tạo, đổi mới như bất kỳ ai, nhưng chúng ta có thể có, và phải có, cả hai.
Hỡi các mục sư, quý vị cũng mang lấy thẩm quyền trong lĩnh vực này. Quý vị là “người giữ cửa” trong các buổi nhóm của mình. Hãy chỉ mặt đặt tên, hãy giục giã những người dẫn thờ phượng cần làm tốt hơn. Hãy cấm những bài hát mà quý vị cho rằng không có mấy nội dung, thậm chí là trái ngược với Kinh thánh. Hãy chỉ ra những chủ đề còn thiếu mà quý vị muốn chúng tôi tìm (thậm chí là sáng tác) những bài hát về chúng. Đừng cho qua khi chúng tôi đưa vào đó thứ thần học lờ mờ để đổi lấy trải nghiệm âm nhạc dễ chịu.
Không phải bài hát nào cũng có sức mạnh ca từ như “Crown Him with Many Crowns” (“Nguyện Tụng Ngợi Chiên Con”), nhưng nếu quá nhiều bài hát của chúng tôi đang tụt lại quá xa so với tiêu chuẩn cần có thì xin hãy giúp chúng tôi nhận ra điều đó và dần tăng trưởng thêm. Quý vị có thể không cần cho chúng tôi quá nhiều lời khuyên về âm nhạc, nhưng xin đừng để chúng tôi toàn quyền định đoạt mọi ca từ thần học của mình.
Nhiều người trong chúng tôi, trong đó có chính tôi, thừa nhận rằng chúng tôi cần được giúp đỡ trong lĩnh vực đó. Rất có thể là chúng tôi không đến với điều này qua chủng viện hay chương trình đào tạo thần học chuyên sâu; mà chúng tôi đến thông qua tình yêu âm nhạc và khả năng chơi nhạc cụ hoặc ca hát.
Chúng tôi khiêm tốn thừa nhận rằng chúng tôi không thể tự mình làm điều này. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các nhà tư tưởng, nhà thần học và mục sư. Chúng tôi cũng cần được những người cùng sáng tác nhạc và dẫn thờ phượng mài giũa thêm nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà bản dịch Kinh thánh King James bảo chúng ta “behold” – “chiêm ngưỡng” đến hơn 1200 lần. Chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhận biết bổn tính của Ngài. Tôi cầu nguyện rằng Hội thánh sẽ tăng trưởng trong lĩnh vực này – thấy những bài hát sâu sắc và chân thực hơn nữa – và dẫn các buổi thờ phượng giúp chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giê-su hơn bao giờ hết.
(*) Tên bài viết gốc: Why Worship Leaders Need Theologians
(Vì Sao Những Người Dẫn Thờ Phượng Cần Các Nhà Thần Học)
Tác giả bài viết: Matt Redman là một người dẫn thờ phượng và sáng tác nhạc với những bài hát như “The Heart of Worship” (Tấm lòng Chúc tụng), “Blessed Be Your Name” (Luôn Ca ngợi Chúa) và bài hát giành hai giải Grammy “10,000 Reasons” (Ngàn lời Chúc tán). Ông lập nên WOR/TH (WORship and THeology – Thờ phượng và Thần học), một chuỗi hội thảo nhằm trang bị kiến thức cho các nhạc sĩ, người dẫn thờ phượng và nhạc công, với hai sự kiện sắp diễn ra tại Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.christianitytoday.com/ct/2024/august-web-only/matt-redman-worship-leader-songwriter-theology-music-worth.html?utm_source=CT%20Daily%20Briefing%20Newsletter&utm_medium=Newsletter&utm_term=696859&utm_content=17460&utm_campaign=email
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!