LÝ THUYẾT GIẢNG KINH THÁNH CỦA TÔI – Ba Ý Tưởng Định Hình Các Tiếp Cận Của Tôi Với Việc Giảng Kinh Thánh
Giảng Kinh Thánh là truyền đạt một khái niệm từ Kinh thánh, bắt nguồn từ và được truyền tải qua việc nghiên cứu lịch sử, ngữ pháp và văn phong của một phân đoạn Kinh Thánh trong ngữ cảnh của nó, được Đức Thánh Linh trước tiên áp dụng cho con người và kinh nghiệm của người giảng, sau đó qua người giảng, áp dụng cho người nghe.
Cách tiếp cận của tôi đối với việc giảng Kinh Thánh được phản ánh trong các tiên đề trong định nghĩa này.
1. Người Giảng Truyền Đạt Các Ý Tưởng
Mặc dù các nhà giảng đạo có thể nghiên cứu câu từ và ngữ pháp của bản văn Kinh Thánh và thậm chí trình bày một số điều mình đã nghiên cứu trong bài giảng, nhưng bản thân các từ và cụm từ ấy không phải là mục đích của bài giảng. Các nhà giảng đạo cần coi các bài giảng của mình là các ý tưởng. Các nhà nghiên cứu và thực hành diễn thuyết trước đám đông hơn 2.500 năm qua đều đồng ý rằng cách hiệu quả nhất để lập cấu trúc cho một bài phát biểu là xây dựng nó xung quanh một khái niệm duy nhất. Tôi dựa trên điều này và áp dụng nó cho việc nghiên cứu Kinh Thánh cũng như truyền đạt lẽ thật của Kinh Thánh. Cả Kinh Thánh và bài giảng đều là những hình thức văn học và cả hai đều truyền đạt ý tưởng.
Vì thế, tôi dành một chương trong cuốn sách giáo khoa Giảng Kinh thánh (Biblical Preaching) của mình để “giải phẫu” một ý tưởng. Nó đến từ việc đặt ra hai câu hỏi thiết yếu: “Chính xác thì tác giả đang nói về cái gì vậy?” Câu trả lời đầy đủ, trọn vẹn cho câu hỏi này là “chủ từ” (subject) của một đoạn văn hoặc của một bài giảng. Câu hỏi thứ hai là “Tác giả đang nói gì về điều đang được nói tới?” và câu trả lời cho câu hỏi này dẫn đến phần “bổ ngữ” (complement) của ý tưởng vì nó hoàn thiện chủ từ. Chủ từ và bổ ngữ kết hợp với nhau tạo thành ý tưởng của bản văn và của bài giảng.
2. Ý Tưởng Của Phân Đoạn Kinh Thánh Cần Chi Phối Ý Tưởng Của Bài Giảng Dựa Trên Phân Đoạn Kinh Thánh Ấy
Lý tưởng nhất là thẩm quyền cho bài giảng không nằm ở người giảng mà nằm ở bản văn Kinh Thánh. Trong cốt lõi, giảng Kinh Thánh là một triết lý hơn là một phương pháp. Việc một mục sư có rao giảng Kinh Thánh hay không bắt đầu việc trả lời trung thực cho câu hỏi: “Tôi, với tư cách là người giảng, có cố gắng bắt những suy nghĩ của mình thuận theo Kinh Thánh, hay tôi sử dụng Kinh Thánh để ủng hộ cho tư tưởng của mình?”
Toàn bộ việc suy xét đến lịch sử, ngữ pháp, hình thức văn học và bối cảnh của một đoạn văn cũng là để người giảng giải nghĩa suy nghĩ xem tác giả Kinh thánh muốn truyền đạt điều gì cho đối tượng độc giả ban đầu.
3. Giảng Kinh Thánh Phải Có Áp Dụng
Sau khi khám phá ra ý tưởng của tác giả Kinh Thánh trong bối cảnh của họ, người giảng Kinh Thánh phải phân biệt điều mà Đức Thánh Linh muốn nói với những người nam và nữ trong thế giới ngày nay. Những người giảng Kinh Thánh hiệu quả không chỉ cốt thuyết giảng Kinh Thánh cho người ta nghe. Thay vào đó, họ đang nói với người nghe của họ về những người nghe trong Kinh thánh. Do đó, việc đưa ra áp dụng không phải là việc tuỳ hứng trong công tác giảng Kinh Thánh mà là việc nhất thiết phải có.
Một bài giảng Kinh Thánh có thể có nhiều hình thức. Giống như các tác giả Kinh Thánh đã sử dụng nhiều thể loại văn học khác nhau để truyền đạt ý tưởng của họ, các nhà giảng đạo được tự do sử dụng những hình thức khác nhau để trình bày đầy đủ những gì Kinh Thánh dạy. Khi xây dựng bài giảng, hai câu hỏi tương tự cũng có thể được sử dụng để xác định ý tưởng của bài giảng. Các nhà giảng đạo cũng phải biết chủ đề bài giảng của họ và biết chính xác những gì họ muốn nói về chủ đề ấy.
Các bài giảng Kinh Thánh tốt cần có “hai mặt”. Chúng phản ánh cả ý tưởng và sự phát triển của văn bản Kinh Thánh, đồng thời chúng cũng phản ánh những băn khoăn, thắc mắc của người nghe ngày nay. Chỉ thông qua việc rao giảng vừa có tính Kinh thánh vừa có tính liên quan, người ta mới có thể hiểu và trải nghiệm những gì Đức Chúa Trời vĩnh cửu muốn nói với họ ngày nay.
Haddon Robinson
Sách Nghệ Thuật và Kỹ Năng Giảng Kinh Thánh – Chương 11.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!