CÁCH SUY NIỆM ĐÚNG ĐẮN VỀ SỰ KHỔ NẠN CỦA CHÚA CỨU THẾ – Bài Giảng Của Martin Luther
Giangluankinhthanh.net – Đây không chỉ là một trong những bài giảng được xuất bản nhiều nhất của Luther, mà còn là một trong những bài viết nổi tiếng nhất của ông trong những năm hình thành Cuộc Cải Chánh. Bài giảng được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1519 và được tái bản trong các tập sách tiếp theo cho đến năm 1524. Nghe bài giảng này tại đây
Phần Một: Những Quan Điểm Sai Lầm Về Sự Thương Khó Của Chúa Cứu Thế
1. Một số người suy ngẫm về sự thương khó của Chúa Cứu Thế theo cách họ trở nên tức giận với người Do Thái, ca hát hay than vãn về kẻ phản Chúa, là Giu-đa khốn nạn, rồi lấy đó làm hài lòng, giống hệt theo thói quen họ vốn hay phàn nàn về người khác, rồi lên án người khác và dành thời gian của họ cho những người mà họ coi là kẻ thù. Thói quen ấy thực tế vẫn có thể gọi là sự chiêm niệm, nhưng không phải là chiêm niệm về sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế, mà là về sự gian ác của Giu-đa Ich-ca-ri-ốt và người Do Thái. Đó là một quan điểm sai lầm về sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế.
2. Lại có những kẻ khác đã chỉ ra các lợi ích và kết quả khác nhau nảy sinh từ việc chiêm niệm về sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Trong vấn đề này, có một câu nói dễ gây hiểu lầm được quy cho thánh Albertô Cả, theo đó “Thà suy nghĩ hời hợt dù chỉ một lần về những khổ nạn của Chúa Cứu Thế vẫn tốt hơn là kiêng ăn cả năm hoặc cầu nguyện thi thiên mỗi ngày v.v.”
Do đó nhiều người đã mù quáng nghe theo ông ta và hành động trái ngược với bông trái thật sự của sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế, bởi vì họ chỉ chăm chăm tìm kiếm trong sự khổ nạn của Chúa nhữn lợi lộc ích kỷ của riêng mình. Vì thế họ trang sức cho bản thân những tranh ảnh và sách vở có những câu từ hay hình thập giá. Một số người đi xa đến mức tưởng tượng rằng làm thế là họ có thể bảo vệ bản thân trước những hiểm nguy của nước, của lửa, của gươm và mọi mối hiểm nguy khác. Theo cách đó, sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế chỉ có tác dụng giải thoát họ khỏi mọi đau khổ, là điều ngược lại với bản chất và tính chất của sự khổ nạn.
3. Quan điểm sai lầm thứ ba là cảm thương Chúa, thổn thức và than khóc Chúa, vì Ngài vô tội đến vậy. Họ giống như những người phụ nữ đã theo Chúa Cứu Thế từ Giê-ru-sa-lem, là những người đã bị Chúa khiển trách rằng tốt hơn họ nên khóc than cho chính họ và cho con cái của họ.
Đó là những người đã theo Chúa đủ xa trong kỳ Thương khó và đã được hưởng lợi lớn nhờ việc Chúa Cứu Thế rời khỏi làng Bethany, cũng được ích lợi bởi đồng cảm với nỗi đau đớn và buồn rầu của trinh nữ Maria, nhưng họ chưa bao giờ đi xa hơn thế. Vì thế họ đã cố gắng níu kéo sự khổ nạn thêm nhiều giờ, nhưng chỉ có Chúa mới biết được là mấy giờ ấy có phải là để ngủ mê hay là để canh thức?
Trong số những kẻ sùng kính này có những người đã dạy dỗ các phước lành lớn lao nhất đến từ Thánh Lễ Mi-sa, và họ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần tham dự Thánh lễ là đủ rồi. Chúng ta bị dẫn dụ đến điều này bởi những câu nói của một số thầy giảng nào đó, trong tiếng La tinh là opere operati, non opere operantis, nghĩa là lễ bí tích thánh thể được chấp nhận tự thân nó, ngay cả khi chúng ta không có công lao hay không xứng đáng; như thể chỉ cần tham gia là đủ.
Tuy nhiên thánh lễ không được thiết lập chỉ vì tính xứng đáng của bản thân thánh lễ, nhưng còn để thử nghiệm chúng ta, đặc biệt là cho mục đích suy niệm về sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Vì ở đâu mà điều đó không được thực hiện, thì ở đó chúng ta đang biến thánh lễ thành một công việc tạm thời, không kết quả, dù tự thân thánh lễ có tốt đến đâu đi nữa.
Vì việc Thiên Chúa là Thiên Chúa có ích gì cho bạn, nếu Ngài không phải là Thiên Chúa đối với chính bạn? Cũng như dù tự thân việc ăn uống là tốt và lợi cho sức khỏe, nhưng chúng có ích gì nếu chúng không lợi cho sức khỏe của bạn? Vì có một nỗi sợ thích đáng rằng chúng ta chẳng hề tăng trưởng tốt hơn nhờ tham dự nhiều thánh lễ, nếu chúng ta không chịu tìm kiếm bông trái thực sự trong những thánh lễ ấy?
Vừa rồi là tất cả những sai lầm dễ phạm phải khi suy niệm về những khổ nạn của Chúa Cứu Thế.
Phần 2: Cái Nhìn Đúng Đắn Về Sự Khổ Nạn Của Chúa Cứu Thế.
4. Những người suy ngẫm về sự thương khó của Chúa Cứu Thế cách đúng đắn, là những người đã chăm chú nhìn xem Chúa Cứu Thế, đến nỗi cảm thấy kinh hoàng trong lòng khi thấy cảnh tượng đó, và lương tâm họ lập tức chìm vào tuyệt vọng. Cảm giác kinh hoàng này sẽ phải trổi lên, để bạn thấy được cơn thịnh nộ dữ dội và sự nghiêm túc không đổi thay của Thiên Chúa đối với tội lỗi và tội nhân, đến mức Ngài không muốn để Con Một và yêu dấu của Ngài giải phóng các tội nhân trừ trường hợp Con ấy phải trả giá chuộc rất đắt như được nói đến trong Ê-sai 53, 8: “Vì sự vi phạm của dân ta mà Ngài bị đánh phạt.” Điều gì xảy ra với tội nhân, khi Con yêu dấu của Ngài bị đánh phạt như vậy? Hẳn phải có một sự nghiêm trọng đến mức không thể diễn tả được và không thể chịu đựng nổi, để vì thế mà một Người vô cùng vĩ đại đã đến, chịu khổ và chịu chết; và nếu bạn thực sự suy ngẫm sâu sắc về điều đó, rằng Con của Đức Chúa Trời – sự khôn ngoan vĩnh cửu của Đức Chúa Cha, chính mình Ngài chịu khổ, bạn sẽ thực sự cảm thấy kinh hoàng; và bạn càng suy ngẫm thì ấn tượng đó sẽ càng sâu sắc hơn.
5. Thứ năm, bạn tin tưởng sâu sắc và không bao giờ mảy may nghi ngờ, rằng chính bạn là người đã đóng đinh Chúa Cứu Thế. Thực chất thì tội lỗi của bạn chắc chắn đã làm điều đó. Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ đã nói những lời đanh thép khiến cho người Do Thái khiếp sợ như thể nghe lời sấm truyền trong Công vụ 2: 36-37, khi ông nói chung với tất cả họ: “Các người đã đóng đinh Ngài vào thập tự giá,” đến nỗi trong cùng một ngày ba ngàn người khiếp sợ và run rẩy, họ kêu lên với các sứ đồ: “Các ông ơi, chúng tôi phải làm gì đây?”
Do đó, khi bạn nhìn vào những chiếc đinh trên thập tự, hãy tin chắc rằng chính bạn đã làm việc đó. Khi nhìn thấy mão gai đội trên đầu Ngài, hãy tin rằng những chiếc gai nhọn chính là những ý nghĩ xấu xa ác độc của bạn, v.v.
6. Thứ sáu, khi một chiếc gai đâm vào Chúa Cứu Thế, hãy coi như có hơn một ngàn chiếc gai lẽ ra phải đâm vào bạn, phải, chúng lẽ ra sẽ đâm vào bạn suốt cõi đời đời và thậm chí lẽ ra phải đau đớn bội phần hơn. Khi một cây đinh đóng xuyên qua tay và chân Ngài, thì bạn lẽ ra phải chịu đựng những chiếc đinh đó và thậm chí chịu đựng đau đớn hơn; như cách những người để sự thương khó của Chúa Cứu Thế trở nên vô ích và không kết quả sẽ phải chịu. Bởi vì (sự thương khó) của Chúa Cứu Thế, Đấng không nói dối và không nhạo báng, là sự phản chiếu chân thật; bất cứ điều gì Ngài phán sẽ phải được làm trọn.
7. Thứ bảy, Thánh Bernard đã kinh hoàng trước sự thương khó của Chúa Cứu Thế đến nỗi ông thốt lên: Tôi tưởng rằng mình đã được an toàn và tôi chẳng biết gì về sự phán xét đời đời đã định sẵn cho tôi, cho đến khi tôi thấy Con Đức Chúa Trời đời đời đã thương xót tôi, tiến lên phía trước và phó thân Ngài để nhận lấy với bản án đó thay tôi. Thế nên, tôi không thể giả vờ rằng mình có thể an ninh trong khi Chúa nghiêm túc đến vậy đằng sau những khổ nạn đó. Vì vậy, Ngài phán với những người phụ nữ: ” “Hỡi con gái Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về Ta, mà hãy khóc về chính các ngươi và con cái các ngươi.” Lu-ca 23, 28 và đưa ra lý do ở câu thứ 31: “Vì nếu người ta làm những sự ấy cho cây xanh, thì cây khô sẽ xảy ra sao?” Như thể Ngài muốn nói: Hãy rút ra bài học từ việc Ta chịu khổ và chiu đóng đinh, để biết là các người đáng được trả công như thế nào, đáng phải chịu hậu quả ra sao. Vì ở đây đúng như người xưa nói: Phạt để làm gương. Tương tự như vậy, nhà tiên tri cũng đã nói: “Tất cả các thế hệ sẽ than thở và chính họ sẽ khóc than hơn Ngài”; ở đây không nói họ sẽ than khóc vì Ngài, nhưng cho chính họ hơn là cho Ngài. Tương tự như vậy, đám đông cũng kinh hoàng ở Công vụ 2: 27, như đã đề cập, nên họ nói với các sứ đồ: “Hỡi anh em, chúng tôi phải làm gì?” Vì vậy, hội thánh cũng cất tiếng hát: Con sẽ chuyên cần suy niệm ở đó, cho đến lúc linh hồn trong tôi cạn kiệt sức lực.
8. Thứ tám, một người phải khéo léo tự bản thân thực hành ở điểm này, vì lợi ích từ sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào việc họ hiểu biết thực sự về bản thân mình, và cảm thấy kinh hoàng đến mức như bản thân mình phải bị giết chết. Và nếu không đạt đến độ đó, thì những khổ nạn của Chúa Cứu Thế trở nên không có ích lợi gì cho anh ta. Vì công việc tự nhiên và đặc trưng trong sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế là khiến cho tất cả mọi người trở nên bình đẳng và như nhau, vì vậy, khi Chúa Cứu Thế đã tử đạo cách đau đớn, khủng khiếp cả trong thể xác lẫn linh hồn vì tội lỗi chúng ta, chúng ta cũng phải giống như Ngài: chịu tử đạo trong lương tâm của chúng ta bởi tội lỗi của mình.
Điều này không diễn ra bởi nói nhiều lời, nhưng bởi những suy nghĩ sâu sắc và nhận thức thấu đáo về tội lỗi của chúng ta. Ví như, nếu một kẻ ác bị phán xét vì đã giết con của hoàng tử hoặc vua, và còn bạn thì đang an toàn, hát hò và vui chơi như thể bạn hoàn toàn vô tội, cho đến khi người ta ập đến bắt giữ bạn và thuyết phục rằng chính bạn đã giúp cho kẻ ác thực hiện hành động kia; và như vậy, bạn sẽ đối mặt với hoàn cảnh đầy khó khăn, đặc biệt nếu lương tâm của bạn cũng lên tiếng phản đối bạn. Bạn cần phải bồn chồn cắn rứt hơn thế khi suy niệm về những khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Bởi những kẻ làm ác, tức người Do Thái xưa kia, dù bây giờ họ đã lên án và khước từ Đức Chúa Trời, họ chẳng qua là tôi tớ cho tội lỗi của bạn, và bạn mới thực sự là người đã xiết cổ và đóng đinh Con Đức Chúa Trời qua những tội lỗi của bạn, như đã nói trên kia.
9. Thứ chín, bất cứ ai tự coi mình là cứng rắn và vô tình đến mức không cảm thấy kinh hoàng trước những khổ nạn của Chúa Cứu Thế và không được cảm động để đến với sự nhận biết Ngài, thì người ấy cần phải sợ hãi và run rẩy. Vì không thể nào khác đi được; bạn phải trở nên giống như hình ảnh và sự thương khó của Chúa Cứu Thế, dù điều đó trở nên hiện thực hoặc trong đời này hay trong địa ngục; đến lúc chết, nếu không sớm hơn, bạn sẽ phải rơi vào nỗi kinh hoàng, khiếp sợ, run rẩy và trải nghiệm tất cả những gì Chúa Cứu Thế đã chịu trên thập tự giá. Thật khủng khiếp vô cùng khi nằm trên giường bệnh và biết rằng đó là điều đang chờ đợi bạn; vì vậy, bạn phải cầu xin Đức Chúa Trời làm mềm lòng bạn và cho phép bạn suy niệm về sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế một cách kết quả. Vì chúng ta không thể nào suy gẫm sâu xa về sự thương khó của Chúa Cứu Thế đối với chính chúng ta, trừ khi Đức Chúa Trời khiến những điều ấy chìm ngập vào lòng chúng ta. Hơn nữa, việc suy niệm này hay bất kỳ giáo lý nào khác đều không được trao cho bạn với mục đích để bạn tự làm mình mới mẻ và đạt được kết quả tương tự; nhưng trước hết bạn phải là người tìm kiếm và khao khát ân điển Chúa, để từ đó bạn có thể đạt đến chỗ suy ngẫm sâu nhiệm về sự thương khó của Chúa Cứu Thế nhờ ân điển của Đức Chúa Trời chứ không phải nhờ sức riêng của bạn. Chính vì vậy mà những người được đề cập ở trên chưa bao giờ đối xử cách đúng đắn với sự thương khó của Chúa Cứu Thế; vì họ chưa từng kêu cầu Đức Chúa Trời giúp đỡ cho mục đích ấy mà cố nghĩ ra cách riêng theo khả năng của họ, và vì thế họ đối xử với sự thương khó của Chúa hoàn toàn theo cách con người và không hề kết quả.
10. Thứ mười, bất cứ ai suy niệm về sự khổ nạn của Đức Chúa Trời theo cách đó trong một ngày, một giờ, vâng, trong một phần tư giờ, tôi muốn nói một cách tự do và công khai rằng, thế thì còn tốt hơn là nếu người đó kiêng ăn cả năm, cầu nguyện Thi Thiên mỗi ngày, vâng, hơn cả việc anh ta dự cả một trăm thánh lễ. Việc suy niệm như vậy sẽ thay đổi tính cách của một con người và gần giống như trong phép báp-têm, anh ta được sinh lại cách mới mẻ một lần nữa. Khi đó, sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế hoàn thành công việc đích thực, tự nhiên và cao cả của mình, giết chết A-đam con người cũ, trục xuất mọi dục vọng, khoái lạc và sự an ninh mà con người có thể nhận được từ các tạo vật; giống như Chúa Cứu Thế đã bị tất cả mọi người, thậm chí cả Đức Chúa Trời từ bỏ.
11. Thứ mười một, bởi vì công việc đó không nằm trong tay chúng ta, nên thỉnh thoảng chúng ta cầu nguyện mà không được nhậm ngay vào thời điểm đó; Dẫu vậy, chúng ta không nên tuyệt vọng và thôi cầu nguyện. Đôi khi điều đó lại xảy đến khi chúng ta không cầu nguyện cho điều đó, như cách Đức Chúa Trời biết và muốn; vì điều đó là tự do và không ràng buộc: vậy thì con người khốn khổ trong lương tâm và bất mãn cách xác thịt với đời sống mình, và hoàn toàn có thể anh ta không hề biết rằng Sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế đang làm việc và hành động chính điều này trong anh ta, dù có lẽ anh ta đã không ý thức được, cũng giống như những người khác chỉ tập trung suy niệm về sự Khổ nạn của Chúa Cứu Thế đến nỗi trong sự hiểu biết về bản thân, họ không thể thoát ra khỏi trạng thái suy niệm đó.
Trong nhóm người đầu tiên, sự khổ nạn của Chúa Cứu Thế là chắc chắn và chân thật, trong nhóm khác thì đó là sự phô trương và giả dối, và tùy theo bản chất của nó, Chúa thường đảo ngược sự vật, nên những ai không hề suy niệm về sự khổ nạn, lại thực sự suy niệm về nó; và có những người nghe thánh lễ lại không thực sự nghe; và những người không nghe, lại thực sự nghe.
Phần Ba: Niềm An Ủi Về Những Khổ Nạn Của Chúa Cứu Thế.
12. Cho đến giờ, chúng ta đang ở trong tuần Thương Khó và đã cử hành Thứ Sáu Tốt Lành trong cách đúng đắn: bây giờ chúng ta đến với Lễ Phục sinh và sự sống lại của Chúa Cứu Thế. Khi con người nhận thức tội lỗi của mình dưới ánh sáng Chúa và kinh hãi tột độ trong lương tâm mình, anh ta phải cẩn trọng để tội lỗi của anh không còn trong lương tâm anh ta, và chỉ có những nghi ngờ bị trục xuất khỏi lương tâm; nhưng cũng giống như khi tội lỗi tuôn ra từ Chúa Cứu Thế và chúng ta bắt đầu ý thức về chúng, thì chúng ta cũng nên một lần nữa trút hết tội lỗi lên chính mình Chúa và giải thoát cho lương tâm chúng ta được tự do. Vì vậy, hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn hành động không giống như những kẻ bại hoại, những kẻ cắn xé và nuốt chửng tội lỗi trong lòng, và chạy khắp đó với công đức hoặc sự tự mãn của họ, hoặc thậm chí tự rũ bỏ tình trạng này bằng cách mua bùa xá tội và tưởng rằng họ đã thoát khỏi tội lỗi mình; điều đó là không thể, thế mà, than ôi, nơi ẩn náu giả tạo của lòng tự mãn và những cuộc hành hương đã trở nên phổ biến rộng rãi khắp nơi!
13. Thứ mười ba. Sau đó hãy trao hết tội lỗi của bạn cho Chúa Giê-su Christ, với tinh thần hân hoan tin rằng tội lỗi của bạn là vết thương và sự thương khó của Ngài, để Ngài gánh vác chúng và khiến con người nên hòa thuận với Đức Chúa Trời, như trong Ê-sai 53:6 đã nói: “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của tất cả chúng ta đều chất trên Người.” và Sứ đồ Phi-e-rơ trong Thư tín thứ nhất 2:24 nói: “Chính Ngài đã gánh tội lỗi của chúng ta trong thân thể Ngài trên cây thập tự giá; và Sứ đồ Phao-lô ở 2 Cô-rinh-tô 5:21: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời.”, Bạn phải hết sức tin cậy những đoạn Kinh thánh thế này và những đoạn tương tự, và càng tin cậy xác quyết thì lương tâm của bạn càng thêm sắc bén. Vì nếu bạn không bước vào con đường này, mà bỏ lỡ cơ hội suy niệm trong lòng mình, thì bạn sẽ không bao giờ có được sự bình an chắc chắn, và rốt cuộc sẽ tuyệt vọng vì nghi ngờ. Vì nếu chúng ta tranh chiến với tội lỗi mình trong lương tâm nhưng lại để chúng tiếp tục ở trong chúng ta và ấp ủ chúng trong lòng, chúng sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ đến mức vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và chúng sẽ sống trong chúng ta mãi mãi. Nhưng khi chúng ta thấy rằng tất cả chúng đã được chất lên trên mình Chúa Cứu Thế và Ngài đã chiến thắng chúng bằng sự phục sinh khi chúng ta tin vào điều đó không chút sợ hãi thì tội lỗi sẽ chết đi và trở nên hư không. Vì trên Chúa Cứu Thế, tội lỗi không thể yên nghỉ, ở đó chúng bị nuốt chửng bởi sự phục sinh của Ngài, và bạn thấy bây giờ không còn có những thương tổn, không còn có đau đớn nào trong Ngài, tức là không có dấu hiệu của tội lỗi nữa. Vì vậy, sứ đồ Phaolô đã nói trong Rô-ma 4, 25, rằng “Ngài đã bị nộp để chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để chúng ta được xưng công chính.”; nghĩa là, trong những khổ nạn của mình, Ngài đã bày ra tỏ tường tội lỗi của chúng ta và cũng đã đóng đinh chúng vào thập tự giá; nhưng qua sự phục sinh của mình, Ngài làm cho chúng ta trở nên công chính và tự do khỏi mọi tội lỗi, cả khi chúng ta tin khác nhau về hai điều cùng là một ấy.
14. Thứ mười bốn. Bây giờ nếu bạn không thể tin được, thì, như tôi đã nói trước đây, bạn nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời để có đức tin. Vì đây là một vấn đề nằm trong tay Đức Chúa Trời, Đấng hoàn toàn ban cho cách nhưng không, và cũng được ban cho đôi khi ta biết được, đôi khi cách mầu nhiệm, như đã nói về chủ đề khổ nạn.
15. Nhưng bây giờ hãy tự đánh thức bản thân đến kết cục này: trước tiên, đừng chăm xem những thương khó của Chúa Cứu Thế mãi; vì chúng đã làm xong việc và làm cho bạn kinh hoàng; nhưng hãy nỗ lực vượt qua mọi thức thách và nhìn thấy tấm lòng trìu mến rộng mở của Ngài, tràn đầy tình yêu thương đối với bạn, là tình yêu thương đã buộc Ngài phải mang lấy gánh nặng của lương tâm và tội lỗi của bạn. Nhờ vậy, tấm lòng bạn sẽ tràn đầy yêu thương và trở nên ngọt ngào đối với Ngài, và sự bảo đảm cho đức tin của bạn sẽ thêm vững chắc. Sau đó, hãy tiến lên một bước cao hơn, qua trái tim của Chúa Cứu Thế đến trái tim của Đức Chúa Trời, và thấy rằng Chúa Cứu Thế đã không thể yêu thương bạn nếu Đức Chúa Trời không dự định điều đó trong tình yêu vĩnh cửu, và Chúa Cứu Thế vâng phục điều đó trong tình yêu của Ngài đối với bạn; ở đó, bạn sẽ tìm thấy tấm lòng thiêng liêng, của người cha nhân lành, và như Chúa Cứu Thế đã phán, được kéo đến với Cha qua Chúa Cứu Thế. Rồi bạn sẽ hiểu câu nói của Chúa ở Giăng 3:16: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài,” v.v … Điều đó có nghĩa là khi nhận biết Đức Chúa Trời cách đúng đắn, nếu chúng ta hiểu rõ Ngài không phải chỉ qua quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài, là điều làm chúng ta khiếp sợ, mà qua sự tốt lành và tình yêu thương của Ngài; ở đó đức tin và sự tự tin của chúng ta có thể đứng vững vàng không chuyển lay và con người chúng ta sẽ thực sự được sinh ra một lần nữa trong Đức Chúa Trời.
16. Thứ mười sáu. Như vậy, khi lòng bạn được vững lập trong Chúa Cứu Thế, bạn trở nên kẻ thù đối với tội lỗi, vì yêu thương chứ không phải vì sợ hình phạt, thì những khổ nạn của Chúa Cứu Thế cũng phải là tấm gương cho cả cuộc đời bạn, và bạn nên suy ngẫm về cùng một điều đó theo một cách khác nữa. Vì cho đến giờ, chúng ta đã coi cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế như một bí tích hoạt động trong chúng ta và chúng ta chịu khổ; Bây giờ chúng ta cần lưu ý, để chúng ta cũng làm việc, cụ thể là: nếu một ngày đau khổ hoặc bệnh tật đè nặng trên bạn, hãy nghĩ xem, điều đó thật nhỏ bé so với những mũi gai và đinh nhọn đâm xuyên qua mình Chúa Cứu Thế. Nếu bạn phải làm một điều không ưa, hoặc để mặc việc đó: hãy nghĩ cách Chúa Giê-su Christ bị dẫn đi hết chỗ này đến chỗ khác, bị trói và dẫn đi như một tên tử tù. Khi lòng kiêu hãnh tấn công bạn: kìa, Chúa của bạn đã bị chế giễu và miệt thị cùng hàng với những kẻ giết người thể nào. Khi sự bất khiết và dục vọng cai trị thân thể bạn: hãy nghĩ xem, Chúa Cứu Thế đã chịu đớn đau cay đắng biết bao khi da thịt Ngài bị xé toạc, đâm thủng và đánh đập hết lần này đến lần khác. Khi hận thù và đố kỵ nổi lên tranh chiến chống lại bạn, hay khi bạn muốn báo thù người khác: thì hãy nhớ lại thể nào Chúa Cứu Thế với nhiều giọt nước mắt tuôn rơi và tiếng kêu khóc đã cầu nguyện cho bạn và tất cả những kẻ thù Ngài, dù thực sự Ngài có nhiều lý do để trả thù họ hơn. Khi khó khăn hay bất cứ nghịch cảnh nào dù trong thể xác hay linh hồn làm bạn đau khổ, hãy vững lòng và nói: Này, tại sao tôi không thể chịu khổ đau một chút trong khi Chúa tôi đổ những giọt mồ hôi lớn như giọt máu trong vườn Ghết-sê-ma-nê vì bối rối và đau buồn? Một người đầy tớ thật lười biếng, đáng hổ thẹn, nếu chỉ muốn nằm trên giường trong khi ông chủ của họ buộc phải chiến đấu với những cơn đau của tử thần.
17. Hãy chú ý xem, như vậy chúng ta có thể tìm thấy nơi Chúa Cứu Thế sức mạnh và sự an ủi để chống lại mọi điều độc ác và thói hư tật xấu. Đó là cách tuân giữ và chiêm niệm đúng đắn về sự thương khó của Chúa Cứu Thế, và đó là kết quả đến từ sự chịu khổ của Người, và người nào buộc chính bản thân mình thực hành theo đó thì hẳn tốt hơn là chỉ nghe toàn bộ Cuộc Khổ nạn hoặc chỉ đọc theo vào thánh lễ. Và họ được gọi là những Cơ Đốc nhân chân chính, những người kết hợp cuộc đời và danh Chúa Cứu Thế vào cuộc sống của chính mình như Sứ đồ Phao-lô đã nói ở Ga-la-ti 5, 24: “Và những người thuộc về Chúa Cứu Thế Giêsu đã đóng đinh xác thịt với dâm dục và tình dục của mình nơi thập tự giá”. Vì Sự Thương Khó của Chúa Cứu Thế phải được suy ngẫm không phải qua lời nói hay một buổi trình diễn, nhưng bằng đời sống của chúng ta và bằng sự thật. Vì vậy, Sứ đồ Phaolô khuyên nhủ chúng ta ở Hê-bơ-rơ 12, 3: “Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự chống đối của những kẻ tội lỗi dường ấy, để không chán nản hay ngã lòng;” và Sứ đồ Phi-e-rơ ở 1 Phi-e-rơ 4, 1: “Vậy, vì Chúa Cứu Thế đã chịu khổ trong thể xác, thì anh em cũng hãy lấy tư tưởng ấy làm vũ khí.” Nhưng dạng suy niệm này hiện nay không còn được nhiều người sử dụng hoặc rất hiếm, mặc dù các Thư tín của Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ ghi chép nhiều về điều này. Chúng ta đã thay đổi điều cốt yếu trở thành một buổi biểu diễn đơn thuần và chỉ vẽ vời việc suy niệm về Sự Thương Khó của Chúa Giê-su Christ bằng những con chữ và trên những bức tường.
Chuyển ngữ: Đội Ngũ Ba-rúc
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!