Sự Thật Về Phục Sinh
Bạn sẽ đặt hy vọng vào ai để có sự sống đời đời?
Kinh thánh: 1 Cô-rinh-tô 15:12-20
Bạn đoán ai là luật sư thành công nhất trên toàn thế giới? Sách Kỷ lục Thế giới Guinness cho biết, “Luật sư thành công nhất là Ngài Lionel Luckhoo, người đã bào chữa thành công cho 245 người liên tiếp bị cáo tội giết người, tính tới ngày 1 tháng 1 năm 1985.”
Đây là một kỳ tích vô cùng đáng kinh ngạc mà khó ai khác trên thế giới có thể lặp lại được. Hai trăm bốn mươi lăm phiên tòa xét xử tội giết người liên tiếp, Luckhoo đã cãi thắng hoặc trước bồi thẩm đoàn hoặc khi kháng cáo. Tôi đoán chắc ông ấy là một người rất thông minh và có khả năng phân tích xuất sắc. Ông ta chắc chắn phải là một chuyên gia đẳng cấp thế giới về việc điều gì cấu thành bằng chứng đáng tin cậy, có thể chấp nhận và thuyết phục.
Sẽ thật thú vị khi nhận được ý kiến về bằng chứng cho sự phục sinh của Chúa Giê-su từ một chuyên gia pháp lý kiệt xuất như Ngài Lionel Luckhoo phải không? Trong hành trình tâm linh của chính mình, Luckhoo đã áp dụng chuyên môn của mình trong ngành luật và tìm hiểu câu hỏi liệu sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ có trụ vững trước sự kiểm tra theo bằng chứng pháp lý hay không. Cuối cùng, ông kết luận thế này: “Tôi nói quả quyết rằng bằng chứng về sự phục sinh của Chúa Giê Su Christ quá áp đảo đến mức buộc phải chấp nhận và tuyệt đối không có chỗ cho sự nghi ngờ.”
Kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta cho chúng ta biết rằng người chết không sống lại. Tuy nhiên, ở đây chúng ta có một vị luật sư thành công nhất trên toàn hành tinh, vận dụng các kỹ thuật pháp lý về bằng chứng cho những tường thuật lịch sử về sự phục sinh của Chúa Giê-su và kết luận với sự tin tưởng tuyệt đối rằng sự phục sinh của Ngài là một sự thật. Sau khi xem xét các bằng chứng, Luckhoo đã làm điều hợp lý nhất trên thế giới: ông đã dâng đời sống mình cho Chúa Cứu Thế Giê-Su. Giống như Ngài Lionel Luckhoo, chúng ta nên tự mình xem xét bằng chứng. Trong 1 Cô-rinh-tô 15:17 sứ đồ Phao-lô đã viết ” Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình.” Sự phục sinh của Chúa Giê-su là cốt lõi của Cơ đốc giáo. Đó là sự xác chứng tối hậu cho lời tuyên bố của Chúa Cứu Thế Giê-su rằng Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời.
Bằng chứng chứng minh Chúa Giê-su chắc chắn đã chết trên thập tự giá.
Tôi muốn bắt đầu bằng cách tóm tắt cách Chúa Cứu Thế Giê-su đã chết. Một số người tin rằng Chúa Cứu Thế Giê-su không bao giờ thực sự chết trên thập tự giá. Cái đó được gọi là thuyết ngất xỉu, là thuyết cho rằng Chúa Giê-su hoặc ngất xỉu trên thập tự giá hoặc uống một loại thuốc gì đó khiến Ngài trông như thể đã chết. Sau đó, khi Ngài được đưa đến ngôi mộ, không khí mát mẻ đã khiến Ngài phục hồi và Ngài sống lại. Những người ủng hộ thuyết này cho rằng không có sự phục sinh thực sự bởi vì Chúa Giê-su có chết đâu.
Bằng chứng lịch sử về cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-su cho thấy quan điểm đó hoàn toàn sai lầm.
Sau khi Chúa Giê-su bị xét xử, Giăng 19: 1 nói rằng ” Bấy giờ, Phi-lát cho đem Đức Chúa Jêsus đi đánh đòn.” Chuyên gia y tế tên là C. Truman Davis đã nghiên cứu những gì liên quan đến vụ đánh đập này, và kết luận đây là một vụ đánh đập dã man khiến Chúa Giê-su rơi vào bờ vực của cái chết.
Chúa Giê-su bị trói vào cột và bị đánh ít nhất ba mươi chín lần, có lẽ còn nhiều hơn thế nữa, bằng một chiếc roi có gắn những mảnh xương lởm chởm và những viên chì đan vào đó. Roi liên tục giáng xuống vai trần, lưng và chân của Ngài. Những chiếc doi da nặng nề cắt qua da thịt của Ngài, và khi đánh tiếp tục, chúng cắt sâu hơn vào các mô bên dưới, ban đầu khiến máu chảy ra từ các mao mạch và tĩnh mạch và cuối cùng là chảy máu động mạch từ các mạch ở các mô và cơ bên dưới.
Những quả cầu chì thì trước tiên tạo ra những vết bầm lớn và sâu, sau đó bị vỡ ra bởi những cú đánh tiếp theo. Cuối cùng, da lưng của Ngài bị bong thành những dải băng dài, và toàn bộ vùng đó giờ là một khối mô bị rách và lẫn lộn với máu.
Một nhân chứng cho một vụ tra tấn của người La Mã đã viết, “Các tĩnh mạch của nạn nhân bị lộ trần. Các cơ, gân và ruột của nạn nhân bị để lộ ra ngoài.”
Nhiều người bị kết án đóng đinh đã không sống nổi đến lúc bị treo trên thập tự giá; họ đã chết vì bị đánh đòn trước đó. Không nghi ngờ gì nữa, Chúa Giê-su đã ở trong tình trạng nguy kịch ngay cả trước khi cuộc đóng đinh bắt đầu. Không có gì ngạc nhiên khi các tường thuật lịch sử cho chúng ta biết rằng Chúa Giê-su không thể vác thập tự giá của chính mình.
Sau đó Ngài được đặt trên đầu cây thánh giá trên mặt đất và những chiếc đinh dài 13 đến 15 cm đâm xuyên qua cổ tay Ngài, làm đứt dây thần kinh giữa, là dây thần kinh lớn nhất chạy tới bàn tay. Sau khi cổ tay và bàn chân của Ngài được đóng đinh chắc chắn vào thập tự giá, thập tự giá được treo lên không trung; và Chúa Giêsu bị treo ở đó.
Chết vì bị đóng đinh là một cái chết từ từ do ngạt thở, vì áp lực lên cơ ngực của Chúa Giê-su rất lớn đến mức Ngài có thể hít vào nhưng không thể thở ra trừ khi dùng chân đẩy lên để giảm bớt một phần áp lực trên lồng ngực. Những nạn nhân bị đóng đinh phải rướn người lên hết lần này đến lần khác, họ sẽ phải chống chọi với nỗi đau khủng khiếp này, và cuối cùng bị kiệt sức.
Nếu người La Mã muốn họ chết nhanh, người ta sẽ mang đến một cái vồ và đập gãy xương ống chân của người bị treo trên cây thập tự để người đó không thể đẩy lên được nữa. Người đó sẽ từ từ ngạt thở cho đến chết. Đó là những gì các đao phủ đã làm đối với những tên tội phạm bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-su; nhưng họ đã không làm điều đó với Chúa Giê-su vì rõ ràng là Chúa Giê-su đã chết. Để xác nhận điều đó, những người lính đã đâm một ngọn giáo vào giữa xương sườn của Ngài, chọc thủng bao tải xung quanh tim và chính tim Ngài, khiến một chất lỏng trong suốt và những dòng máu ứa ra. Những người chứng kiến đã ghi lại điều này, và các chuyên gia La Mã xác nhận rằng Chúa Giê-su đã chết.
Không ai sống sót sau một cây thập tự La Mã, và bao gồm cả Chúa Giê-su Christ. Một bài báo trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ kết luận:
“Rõ ràng, sức nặng của các bằng chứng lịch sử và y học chỉ ra rằng Chúa Giê-su đã chết trước khi người ta đâm vào bên hông của Ngài và hỗ trợ quan điểm truyền thống rằng ngọn giáo có thể không chỉ đâm thủng phổi phải mà còn cả màng tim và tim, và do đó, xác chứng cái chết của Ngài. Như vậy, những giải thích dựa trên giả thuyết rằng Chúa Giê-su không chết trên thập tự giá có vẻ trái ngược với kiến thức y học hiện đại. “
Điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa Giê-su bằng cách nào đó sống sót qua thập tự giá? Điều gì sẽ xảy ra nếu bằng cách nào đó Chúa Giê-su quyết định làm ngược lại mọi điều Ngài đã dạy và cố tình lừa dối mọi người? Điều gì sẽ xảy ra nếu bằng cách nào đó Ngài thoát khỏi cái kén bằng vải lanh bọc thân thể Ngài trong đó chứa từ 30 đến 45 kg gia vị? Và điều gì sẽ xảy ra nếu Ngài có thể đẩy tảng đá ra khỏi miệng lăng mộ của mình, một tảng đá lớn đến mức tài liệu cổ cho rằng hai mươi người đàn ông không thể nhúc nhích được? Và điều gì sẽ xảy ra nếu Ngài có thể băng qua những người La Mã đang canh gác lăng mộ của Ngài?
Hãy nghĩ đến tình trạng mà Ngài sẽ rơi vào khi hiện ra với các môn đệ. Ngài sẽ thể thúc giục họ tuyên bố một cách khải hoàn rằng Ngài đã vượt qua nấm mồ, để rồi khởi động một phong trào rộng khắp toàn cầu dựa trên điều đó. Có lẽ họ sẽ thương hại Ngài và gọi bác sĩ đến cứu giúp.
Bằng chứng cho thấy sự sống lại không phải là một huyền thoại bịa đặt.
Các câu chuyện về Chúa Giê-su Christ có từ rất sớm, trước khi hiện tượng thần thoại hóa có thể thêm thắt vào. Ví dụ, chúng ta có trong tay một bản tín điều được hội thánh tuyên đọc sớm nhất, vào khoảng 24 đến 36 tháng sau cái chết của Chúa Giê-su, trong đó nói rằng, “Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo lời Kinh thánh. Người đã được chôn. Và Người đã sống lại vào ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh.” Kinh tin kính tiếp tục đề cập cụ thể đến những nhân chứng đã thấy Chúa Giê-su hiện ra. Thực tế là những lời tường thuật về sự phục sinh của Chúa Giê-su quá sớm, bác bỏ hoàn toàn giả thuyết cho rằng sự phục sinh là kết quả của hiện tượng thần thoại hóa diễn ra trong nhiều thập kỷ sau thời Chúa Giê-su sống trên đất.
Các nghiên cứu về thời gian để hình thành một truyền thuyết trong thế giới cổ đại cho chúng ta biết rằng phải mất ít nhất hai thế hệ để hiện tượng thần thoại hóa bóp méo cốt lõi của dữ kiện lịch sử. Trong trường hợp của Chúa Giê-su không có một khoảng thời gian dài như thế. Trên thực tế, khi sứ đồ Phao-lô đề cập việc Chúa Giê-su hiện ra với 500 người cùng một lúc, ông còn nói rằng nhiều người trong số 500 người ấy vẫn còn sống. Như thể Phao-lô đang nói, “Nếu không tin tôi thì bạn hãy hỏi các nhân chứng. Họ vẫn còn ở đây.” Việc tuyên bố rằng Chúa Cứu Thế Giê-su là Con Đức Chúa Trời phục sinh đã bắt đầu gần như ngay sau khi Ngài qua đời. Đó không phải là kết quả của hiện tượng thần thoại hóa.
Bằng chứng chứng minh ngôi mộ trống.
Năm 1990, các nhà khảo cổ học ở Jerusalem đã phát hiện ra khu mộ của Cai-pha, người chủ chốt tố cáo Chúa Giê-su. Nhưng chưa ai tìm thấy xác của Chúa Cứu Thế Giê-su. Lịch sử cho chúng ta biết thi hài của Chúa Giê-su được đặt trong một ngôi mộ thuộc về Joseph xứ Arimathea, và ngôi mộ đã được niêm phong. Một tảng đá rất nặng được lăn tới để chặn cửa mộ, và mộ được bảo vệ bởi những vệ binh La Mã tinh nhuệ. Tuy nhiên, một số phụ nữ đã phát hiện ra ngôi mộ trống vào sáng Phục sinh.
Việc Kinh thánh nói rằng các phụ nữ phát hiện ra ngôi mộ trống càng làm tăng thêm độ tin cậy cho những lời kể này, bởi vì thời ấy phụ nữ có địa vị thấp trong xã hội Do Thái. Nếu các môn đồ bịa đặt câu chuyện này, chắc chắn họ sẽ khẳng định rằng những người đàn ông đã phát hiện ra ngôi mộ trống vì lời khai của đàn ông sẽ có trọng lượng hơn trong nền văn hóa đó. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy những người viết rất cam kết ghi lại chính xác những gì đã xảy ra, mặc dù chút sự thật lịch sử đó không có lợi cho trường hợp của họ.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, ngay cả những người chống đối Chúa Giê-su cũng thừa nhận ngôi mộ trống. Họ hối lộ những lính canh bảo vệ mộ để nói rằng các môn đồ đã đánh cắp xác khi họ đang ngủ. Điều đó thật nực cười vì các môn đệ đã không có cơ hội làm điều đó. Hơn nữa, nếu các lính canh đang ngủ, làm sao họ biết được chính xác là các môn đệ đã trộm xác Chúa?
Vấn đề là, khi các môn đồ tuyên bố ngôi mộ trống thì những người chống đối Chúa Giê-su không đáp lại bằng cách nói: “Các người nhầm rồi. Xác ông ấy vẫn đang ở trong ngôi mộ.” Họ cũng không trả lời, “Các người nhầm mộ rồi. Xác chết ở đây này.” Thay vào đó, họ thừa nhận ngôi mộ trống vào ngày Phục sinh.
Làm thế nào mà ngôi mộ ấy trở nên trống? Chắc chắn người La Mã và chính quyền Do Thái không lấy xác. Họ muốn Chúa Giê-su chết. Người Do Thái hoặc người La Mã rất thích trưng ra xác của Chúa Cứu Thế Giê-su và lập tức đập tan mối nghi ngờ. Nhưng họ đã không làm vậy bởi vì họ không thể.
Liệu các môn đồ có di chuyển xác Chúa đi, mặc dù họ chẳng được gì và mất tất cả khi đánh cắp xác Chúa? Họ chắc chắn sẽ không chọn việc bị ức hiếp và bị tra tấn đến chết vì một trò đùa như thế. Nếu đây là một âm mưu, chắc chắn một trong số các môn đệ sẽ gục ngã khi đau đớn vì bị tra tấn và nói ra sự thật. Nhưng chưa bao giờ có chuyện đó.
Có lẽ những người phụ nữ trong buổi sáng Phục sinh đã đi nhầm mộ. Khi thấy ngôi mộ trống, họ cho rằng Chúa Giê-su đã sống lại. Lập luận này cũng không đứng vững khi xem xét kỹ càng. Không chỉ Mary Magdalene và những người phụ nữ khác thấy ngôi mộ trống, mà Phi-e-rơ và Giăng cũng chạy đến và tự mình kiểm tra nó. Chẳng lẽ họ không kiểm tra cho chắc chắn rằng đây đúng là ngôi mộ của Chúa trước khi liều mạng tuyên bố rằng xác của Chúa Giê-su đã biến mất? Ngoài ra, Joseph ở Arimathea hẳn biết nơi đặt ngôi mộ của chính mình, và chắc chắn ông sẽ nói với họ. Cả khi tất cả họ đều bị mất trí nhớ tập thể, chắc chắn chính quyền Do Thái và La Mã sẽ chỉ ra rằng, “Không đúng, đây mới là ngôi mộ thật” để chứng minh rằng Chúa Giê-su vẫn còn trong đó.
Chứng cứ thống nhất của lịch sử là vào sáng Phục sinh, ngôi mộ đã trống. Không có động cơ nào để nhà cầm quyền Do Thái, người La Mã, hoặc các môn đồ đánh cắp xác chết. Lời giải thích duy nhất phù hợp với sự thật là Chúa Giê-su đã thực sự trở lại từ cõi chết.
Các nhân chứng của sự phục sinh đáng tin cậy.
Trong 40 ngày tiếp theo, Chúa Giê-su xuất hiện hàng chục lần với hơn 515 người khác nhau. Ngài đã nói chuyện với mọi người. Ngài đã ăn cùng mọi người. Thậm chí Ngài còn mời một người hoài nghi đặt tay vào chỗ có lỗ đinh trên tay Ngài và đặt tay vào bên hông chỗ có vết giáo đâm.
Năm trăm mười lăm nhân chứng. Đó là một con số rất lớn. Nếu chúng ta tiến hành thẩm vấn xem liệu Chúa Giê-su có thật sự trở lại từ cõi chết không, và nếu chúng ta gọi từng người trong số 515 nhân chứng trực tiếp kể về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Giê-su, mỗi người chỉ trong 15 phút, và chúng ta thẩm vấn suốt ngày đêm, cũng mất gần sáu ngày. Tôi tự hỏi, sau 128 giờ nghe các nhân chứng kể, có bao nhiêu người sẽ rời khỏi đây mà không tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-su? Chưa có vụ án nào mà số lượng và chất lượng của những nhân chứng lại nhiều như vậy.
Khi còn là một người hoài nghi, tôi cố gắng tấn công vào lời khai của các nhân chứng. Có thể họ đang bị ảo giác. Khi nói chuyện với các nhà tâm lý học về điều đó, họ nói với tôi rằng điều đó là không thể. Ảo giác giống như những giấc mơ. Chúng là những sự kiện cá nhân và không người nào giống người nào. Một chuyên gia nói: “Nếu bạn có 515 người cùng gặp ảo giác cùng một lúc thì đó sẽ là một phép màu lớn hơn cả sự phục sinh.”
Sau đó, tôi nghĩ rằng lời kể của các nhân chứng về sự sống lại là do hiện tượng tư duy nhóm. Hiện tượng này xảy ra khi những người trong một nhóm tác động lẫn nhau cách tinh vi thông qua sức mạnh của sự gợi ý để nhìn thấy một hình ảnh không thực sự có thật. Tôi hỏi Tiến sĩ Collins, chủ tịch hiệp hội các nhà tâm lý học quốc gia, xem liệu điều này có khả thi không.
Ông nói: “Hoàn cảnh không thích hợp cho chuyện này xảy ra.” Các môn đồ không hề chờ đợi sự phục sinh. Ý tưởng về việc Chúa Giê-su trở lại từ cõi chết hoàn toàn trái ngược với niềm tin của người Do Thái, văn hóa và tôn giáo của họ. Vì vậy, họ không sẵn sàng cho điều đó xảy ra. Bên cạnh đó , Chúa Giê-su đã dùng bữa với họ. Ngài đã trò chuyện với họ. Ngài xuất hiện nhiều lần trước nhiều loại người với những sắc thái cảm xúc khác nhau và trong nhiều bối cảnh khác nhau — tất cả đều ngược với giả thuyết tư duy nhóm này. “
Sự xuất hiện của Chúa Giê-su không phải là ảo giác, không phải ước ao, và không phải thần thoại. Đó là những sự kiện lịch sử có thật đã gây cách mạng cuộc sống của con người. Hãy nghĩ về những gì đã xảy ra với các môn đồ. Lịch sử cho chúng ta biết rằng trước Phục sinh, họ đã chán nản vì nghĩ rằng thủ lĩnh của họ đã ra đi mãi mãi. Sau khi Chúa bị đóng đinh, các môn đồ đã lẩn trốn sau những cánh cửa đóng kín, sợ rằng họ có thể bị xử tử. Tuy nhiên, sau Phục sinh, chính những người này đã mạnh dạn tuyên bố rằng Chúa Cứu Thế Giê-su còn sống. Bỗng nhiên, những cá nhân từng hèn nhát này đã được biến đổi. Lịch sử cho chúng ta biết tất cả trừ một người trong những môn đồ đó đã phải chịu những cái chết tàn khốc. Tuy nhiên, không ai trong số họ từ chối lời chứng của họ rằng Chúa Cứu Thế Giê-su là Con Đức Chúa Trời, Đấng đã hiện ra với họ theo nghĩa đen và trong thân thể.
Vẫn còn hoài nghi, tôi đã nói, “Tôi tìm hiểu lịch sử và thấy có rất nhiều người lập dị sẵn sàng chết vì niềm tin tôn giáo của họ.” Có một tên khủng bố ở Tel Aviv đã quấn thuốc nổ vào người, bước vào một khu chợ đông đúc và tự cho nổ tung. Tại sao hắn lại làm vậy? Tờ Chicago Tribune cho biết hắn thực sự tin rằng nếu chết theo cách đó, hắn sẽ lập tức vào thiên đàng.
Bạn không thấy sự khác biệt giữa các môn đệ và một tên khủng bố như vậy sao? Người ta sẽ chết vì niềm tin tôn giáo của họ nếu họ tin rằng niềm tin của họ là đúng. Người ta sẽ không chết vì niềm tin tôn giáo mà họ biết là sai. Các môn đồ thật biết rằng Chúa Giê-su đã sống lại từ kẻ chết vì họ đã ở đó. Bởi vì họ biết đó là sự thật, họ sẵn sàng chết vì sự thật ấy.
Ngài Lionel Luckhoo đã đúng. Bằng chứng là quá nhiều: những lời tường thuật ban đầu, rồi ngôi mộ trống, rồi lời chứng của nhân chứng cho chúng ta chắc chắn rằng Chúa Cứu Thế Giê-su thực sự sống lại từ cõi chết như một xác chứng tối hậu cho lời tuyên bố rằng Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời.
Hãy nhìn tất cả các lãnh đạo tôn giáo trong lịch sử — Khổng Tử, Đức Phật, Mohammed — họ đều nằm trong nấm mồ. Nhưng Chúa Cứu Thế Giêsu thì không. Ngôi mộ của Ngài đã trống. Chỉ một mình Chúa Cứu Thế Giê-su mới có quyền năng vượt qua nấm mồ.
Bạn định đặt hy vọng của mình vào ai để có được sự sống đời đời? Ai là đối tượng hợp lý để đặt hy vọng của bạn vào? Các bằng chứng thuyết phục chỉ ra rằng Chúa Cứu Thế Giê-su đã nói thật khi Ngài nói trong Giăng 11:25, ” Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!