DẪU GIÀU SANG HAY NGHÈO KHÓ – CÁCH QUẢN LÝ TIỀN BẠC TRONG HÔN NHÂN
Nếu bạn khảo sát các cặp vợ chồng về mục tiêu quản lý tiền bạc của họ thì hầu hết các câu trả lời sẽ tập trung vào một dạng thành công nào đó về mặt tài chính. Hầu hết mọi người đều phấn đấu để tích lũy nhà đẹp hơn, xe sang hơn, nhiều đồ chơi hơn và tài khoản hưu trí lớn hơn. Nhưng khi nói đến giấc mơ thịnh vượng và an ninh về tài chính, chúng ta nên hỏi, “Đó là ước mơ của ai?” Đó có thể là ước mơ Mỹ — nhưng đó có phải là ước mơ của Chúa Giê-su phục sinh không? Và bởi lẽ điều gì tôn vinh Ngài cũng ích lợi cho chúng ta, liệu suy cho cùng, đó có phải là ước mơ vì lợi ích tốt nhất của gia đình chúng ta không?
Quá trình khám phá ý muốn phản văn hóa của Đức Chúa Trời về tiền bạc và của cải có thể vừa kích thích vừa giải phóng. Đối với Nanci, người vợ quá cố của tôi, và bản thân tôi tôi, sự tăng trưởng của chúng tôi trong việc quản lý tài chính song song với sự tăng trưởng về mặt thuộc linh. Thực ra là điều này đã thúc đẩy điều kia. Chúng tôi đã học biết đức tin, ân điển, sự cam kết, lòng rộng rãi và sự chu cấp của Chúa. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận đầy thách thức về việc dâng hiến/ban cho, cuối cùng chúng đã củng cố cuộc hôn nhân của chúng tôi và gắn kết chúng tôi quanh mục tiêu chung là đầu tư vào cõi đời đời.
Dùng từ makarios, có nghĩa là “làm cho hạnh phúc”, Chúa Giê-su đã nói, “Ban cho hạnh phúc hơn nhận lãnh” (Công vụ 20:35 Bản Good News). Nanci và tôi thấy rằng hạnh phúc, chứ không phải bổn phận, thấm nhuần thần học tôn vinh Chúa về tiền bạc. Khi các môn đồ thấm nhuần ân điển và hướng đến vương quốc dùng tiền bạc và tài sản của Đức Chúa Trời, chúng ta đang thực hiện điều răn lớn thứ nhất và thứ hai. Chúng ta tích trữ của cải trên trời và “nắm chắc sự sống thật” (1 Ti-mô-thê 6:19).
Các nguyên tắc sau đây có thể giúp bạn và người bạn đời phát triển lối sống quản lý tốt để mang lại ích lợi, từ nay cho đến đời đời.
1. Nhận ra những mối nguy của cuộc sống lấy của cải làm trung tâm.
Tuy tiền bạc vốn không có gì sai trái nhưng có điều gì đó vô cùng sai trái với việc hết lòng cho tiền bạc. “Những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy. . . . Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác” (1 Ti-mô-thê 6:9–10).
Hiểu được những mối nguycủa chủ nghĩa vật chất có thể giải phóng chúng ta để kinh nghiệm niềm vui của sự quản trị lấy Chúa làm trung tâm. Chúa Giê-su nói về “sự quyến rũ của giàu sang” (Mác 4:19). Trước giả Thi thiên cảnh báo, “Nếu của cải thêm nhiều, chớ chú tâm vào đó.” (Thi thiên 62:10). Không ai có thể nói rằng mình đã được miễn nhiễm để không bị vật chất làm cho biến chất.
Vật chất đều có khối lượng, khối lượng sinh ra lực hấp dẫn và lực hấp dẫn giữ chúng ta trong quỹ đạo quanh những thứ chúng ta tích lũy được. Một người bạn kể với tôi rằng khi anh ấy và vợ mới cưới nhau, họ dành thời gian đi dạo, chơi trò chơi và đọc sách cùng nhau. Họ rất thỏa lòng. Sau đó, khi thu nhập của họ tăng lên, họ thấy mình bị mắc kẹt trong đám thứ tự ưu tiên đã thay đổi. Dần dần, tiền bạc và của cải được ưu tiên hơn Chúa, hội thánh và thì giờ ý nghĩa bên nhau.
Các nghiên cứu và bằng chứng giai thoại đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tăng thu nhập và không chung thủy trong hôn nhân. Tất nhiên, vấn đề không phải là thu nhập mà là lối sống mà nó bảo lãnh. Một Cơ Đốc nhân có thể kiếm được hàng chục tỉ đồng, ban cho cách rộng rãi, sống khiêm tốn và tránh được nhiều cám dỗ đồi bại. Quan trọng không phải là chúng ta kiếm được bao nhiêu, mà là chúng ta giữ lại bao nhiêu.
Làm sao để nhận ra là chúng ta đang rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa duy vật? “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.” (Ma-thi-ơ 6:21). Chúa Giê-su đang nói: “Hãy cho Ta xem sao kê ngân hàng, sao kê thẻ tín dụng và biên lai của các con, Ta sẽ chỉ cho các con biết lòng các con ở đâu”. Những gì chúng ta làm với tiền bạc của mình là một tuyên bố không thể chối cãi về các giá trị của chúng ta.
Đức Chúa Trời tuyên bố: “Mọi vật ở dưới trời đều thuộc về Ta.” (Gióp 41:11). Quyền sở hữu mọi thứ của Đức Chúa Trời nền tảng cho thần học Kinh thánh về tiền bạc và là thuốc giải cho chủ nghĩa duy vật. Nhận thức sâu sắc về thực tế rằng những gì chúng ta có là của Chúa chứ không phải của chúng ta, những người quản trị tiền bạc trung tín thường xuyên tham khảo ý kiến của Ngài để thực hiện các ưu tiên đầu tư theo Kinh thánh của Ngài.
2. Đặt việc dâng hiến/ban cho rộng rãi lên hàng đầu.
Tôi khuyến khích bạn cam kết dâng hiến thường xuyên cho hội thánh địa phương của bạn và hơn thế nữa, cho các hoạt động truyền giáo và các mục vụ khác. Bắt đầu bằng cách đặt ra một số tiền dâng— tôi khuyên không nên ít hơn 10 phần trăm — và tuân thủ theo số tiền đó để bạn tôn vinh Chúa bằng những hoa lợi đầu mùa của mình (Châm ngôn 3:9). Nếu bạn muốn Đức Chúa Trời ban phước cho tài chính của gia đình bạn thì đừng tự đặt mình vào sự rủa sả của thói bất tuân.
Như sấm theo sau tia chớp, sự ban cho theo sau ân điển (2 Cô-rinh-tô 8:1–2). Nếu ân điển của Chúa chạm đến bạn, bạn không thể không ban cho một cách rộng rãi! Sau đó, khi Chúa trao cho bạn nhiều hơn, hãy nhắc nhở bản thân lý do tại sao: “để làm mọi việc từ thiện” (2 Cô-rinh-tô 9:11). (Trái ngược với phúc âm sức khỏe và sự giàu có, Đức Chúa Trời ban phước cho chúng ta không phải để nâng cao mức sống của chúng ta, mà là để nâng cao mức dâng hiến/ban cho của chúng ta.)
Nếu bạn chưa có thói quen dâng hiến/ban cho thì việc bắt đầu có thể là một thách thức. Tuy nhiên, tôi hỏi mọi người: “Nếu bị cắt giảm 10 phần trăm lương thì bạn có chết không?” Tất nhiên là không! Đức Chúa Trời đủ vĩ đại để chăm sóc bạn nếu bạn bước ra trong đức tin và trả lại cho Ngài những gì thuộc về Ngài ngay từ ban đầu.
Còn nếu bạn và người bạn đời không cùng quan điểm về việc dâng hiến/ban cho thì sao? Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng đôi khi Nanci vợ tôi không cảm động với mong muốn dâng hiến của tôi. Nhưng khi tôi học cách rộng lượng hơn với cô ấy (và các con gái chúng tôi), Nanci không còn cảm thấy việc dâng hiến vì cớ vương quốc là cạnh tranh với nhu cầu của gia đình chúng tôi nữa. Qua nhiều cuộc trò chuyện, cô ấy đã học được cách tìm thấy niềm vui ngày càng tăng khi dâng hiến/ban cho, và tôi đã học được cách tìm thấy niềm vui ngày càng tăng khi cùng nhau tăng trưởng và lãnh đạo — mà không thúc ép hay lôi kéo. Chúng tôi đã nắm tay nhau, dù đôi khi có người đi trước một bước. (Theo thời gian, người đi trước ngày càng nhiều hơn chính là cô ấy.)
Tất nhiên, Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm nhiều điều tốt với tiền bạc mà không liên quan đến việc dâng hiến/ban cho. Ví dụ, chúng ta phải cung cấp cho các nhu cầu vật chất cơ bản của gia đình mình (1 Ti-mô-thê 5:8). Nhưng những điều tốt đẹp này chỉ là khởi đầu. Số tiền mà Chúa giao phó cho chúng ta là vốn đầu tư đời đời. Mỗi ngày là một cơ hội để mua thêm cổ phần trong vương quốc của Ngài!
3. Lập ngân sách để bạn có thể chi tiêu và tiết kiệm một cách khôn ngoan.
Vì hậu quả lâu dài sẽ rất nghiêm trọng khi một cặp vợ chồng bất đồng quan điểm về tiền bạc nên tôi không thể nào nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của việc trao đổi về các vấn đề tài chính. Hãy bắt đầu bằng cách ghi chép cẩn thận các khoản chi tiêu để bạn có thể tìm ra tiền của mình hiện đang đi đâu. Sau đó, xác định xem nên chi tiêu vào đâu. Đây sẽ là cơ sở cho ngân sách của bạn. (Khi còn là mục sư, tôi đã gặp những gia đình tuân theo ngân sách và vẫn sống tốt với số thu nhập ít ỏi. Tôi đã gặp những người khác kiếm được nhiều hơn thế và thường xuyên gặp khủng hoảng tài chính.)
Đối với một số người, cách lập ngân sách thiết thực nhất là hệ thống phong bì. Khi trả lương, tiền mặt sẽ được chuyển vào các phong bì được chỉ định để dâng hiến, chi cho nhà ở, thực phẩm, xăng, tiện ích, giải trí, quần áo, tiết kiệm, v.v. Nếu không còn gì trong phong bì giải trí vào giữa tháng thì sẽ không xem phim hoặc ăn ngoài nữa. Nếu tiêu quá mức ở một lĩnh vực thì chúng ta phải tiêu ít hơn ở những lĩnh vực khác để bù lại. Hệ thống phong bì có vẻ lỗi thời, nhưng nó dạy chúng ta rằng nguồn lực là có hạn, đây là một bài học vô giá.
Sự cân bằng đúng đắn giữa số tiền chúng ta dâng hiến/ban cho, dùng cho nhu cầu và mong muốn, và tiết kiệm là gì? Tôi tin rằng sự căng thẳng phản ánh trong câu hỏi đó là lành mạnh. Chúng ta có thể cầu nguyện tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa, quyết tâm làm theo sự dẫn dắt của Ngài nhất có thể.
Chúa Giê-su phán với chúng ta: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa [đồ bạn ăn, thức bạn uống và áo bạn mặc]” (Ma-thi-ơ 6:33). Không giống như những người ngoại “vẫn tìm kiếm” “tất cả những điều nầy” và “lo lắng về ngày mai”, những người tin Chúa có thể tin cậy Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:25–34). Nếu tin rằng Chúa có thể tạo dựng chúng ta, cứu chuộc chúng ta và đưa chúng ta vượt qua sự chết để sống đời đời với Ngài thì chúng ta có thể tin vào lời Chúa khi Ngài phán rằng Ngài sẽ chu cấp những nhu cầu vật chất cho chúng ta.
4. Tránh nợ nần, trừ những trường hợp hiếm hoi.
Lựa chọn sống trong cảnh nợ nần (trừ những khoản có thể quản lý được, chẳng hạn như khoản thanh toán thế chấp nằm trong khả năng của bạn) cuối cùng sẽ làm tê liệt linh hồn và hôn nhân. Sống vượt quá thu nhập của bạn luôn là điều không khôn ngoan. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra xung đột trong cuộc hôn nhân của bạn.
Tin tưởng có nghĩa là tin rằng Chúa sẽ chăm lo cho nhu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta mắc nợ, chúng ta thường làm như vậy để có được những thứ chúng ta muốn, chứ không phải những thứ chúng ta cần. Vì vậy, Kinh thánh cảnh báo chúng ta về nợ nần.
Phần đầu của Rô-ma 13:8 có chép: “Đừng mắc nợ ai điều gì.” Điều này có vẻ như cấm nợ nần. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản nợ đều giống nhau. Tôi cảm thông với những người ở trong hoàn cảnh mà sau khi cầu nguyện và đánh giá, nợ nần dường như là giải pháp duy nhất. Trong những trường hợp như vậy, không gì khôn ngoan hơn là dâng hiến cho Chúa trước tiên, cắt giảm chi tiêu và trả nợ một cách có hệ thống và tích cực nhất có thể.
Một số người coi thế chấp là một ngoại lệ để tránh nợ nần, và có thể đưa ra lý do để vay tiền mua một ngôi nhà có giá cả hợp lý thay vì thuê nhà. Thật không may, nhiều người khao khát sở hữu nhà lại mua một ngôi nhà nằm ngoài ngân sách của họ. Một cặp đôi mà tôi biết đã vay một khoản thế chấp lớn phụ thuộc vào thu nhập của cả hai người. Khi người vợ mang thai, họ nhận ra rằng để giữ được ngôi nhà, họ sẽ phải phạm đến niềm tin của mình là không gửi con ở nhà trẻ để bà mẹ đi làm.
Còn thẻ tín dụng thì sao? Một số người sử dụng chúng vì tiện lợi, họ trả hết số tiền nợ trong mỗi sao kê để tránh lãi suất. Nanci và tôi đã làm như vậy. Cách tiếp cận này có những ưu điểm, nhưng cũng có những nhược điểm. Chính sự tiện lợi khi có thẻ tín dụng thường lại là một trở ngại — và tạo nên cám dỗ. Sau đây là một số chỉ dẫn khôn ngoan:
Không bao giờ dùng thẻ tín dụng cho bất kỳ mục đích nào ngoại trừ các giao dịch mua đã được lập ngân sách.
Tháng nào trả hết thẻ tín dụng tháng đó.
Nếu tháng đầu tiên có hóa đơn thẻ tín dụng mà bạn không thể thanh toán hết, hãy hủy thẻ, thanh toán hết và không nhận thêm thẻ nào nữa.
5. Tận hưởng cuộc sống để tôn vinh Chúa.
Là những người tin Chúa trong một nền văn hóa vật chất, chúng ta nên theo đuổi lối sống khai phóng tiền bạc để thúc đẩy Tin lành tấn tới. Tuy nhiên, câu trả lời không phải là chủ nghĩa khổ hạnh, tin rằng tiền bạc và của cải vốn dĩ là xấu xa. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng ban cho cách rộng rãi (Rô-ma 8:32). Ngài ban cho chúng ta những thú vui và sự thoải mái mà Ngài muốn chúng ta tận hưởng: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 10:31).
Trong nhiều năm, Nanci và tôi đã chi một khoản tiền hợp lý cho những kỳ nghỉ giúp chúng tôi tươi mới lại. Ngay cả khi các con gái chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi vẫn có một buổi tối hẹn hò, tin rằng một trong những điều tốt nhất chúng tôi có thể làm cho con cái mình là duy trì một cuộc hôn nhân bền chặt. (Hãy ưu tiên hẹn hò với người bạn đời của bạn. Hãy ghi điều đó vào lịch trình và ngân sách của bạn!)
Kinh thánh nói rằng chúng ta không nên đặt hy vọng vào những thứ vật chất mà đặt “nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật một cách dư dật để chúng ta vui hưởng” (1 Ti-mô-thê 6:17). Điều đó có nghĩa là chúng ta không nên cảm thấy tội lỗi khi tận hưởng sự chu cấp của Ngài! Đức Chúa Trời không mong đợi những người theo Ngài sống như những tù nhân trong ngục, không bao giờ tiệc tùng hay vui hưởng cuộc sống. Ngài trao cho chúng ta tiền bạc để chăm sóc cho nhu cầu của chúng ta và nhu cầu của những người khác, nhưng cũng để chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Cùng nhau đầu tư vào cõi đời đời
Nhiều Cơ Đốc nhân tích trữ của cải của họ trên đất. Cuối cùng, họ quay trở lại cõi đời đời, rời xa của cải của mình. Đấng Christ kêu gọi chúng ta làm ngược lại — tích trữ của cải chúng ta trên trời. Theo cách đó, mỗi ngày đều đưa chúng ta đến gần hơn với Kho báu của mình.
Trong những năm cuối đời, Nanci và tôi đã suy ngẫm về những cách mà, nhờ ân điển của Chúa, chúng tôi đã đầu tư vào cõi đời đời và cùng nhau phục vụ Chúa Giê-su. Những gì đã qua thật ý nghĩa, nhưng những gì chờ đợi chúng tôi ở bên kia sự chết là những gì chúng tôi đã dành cả đời để chuẩn bị.
Không lâu trước khi bà ấy mất, tôi đã nắm tay Nanci, và bà ấy nói, với nụ cười và nước mắt: “Randy, cảm ơn anh vì cuộc đời em.” Tôi cũng khóc mà đáp lại: “Nanci, cảm ơn em vì cuộc đời anh.” Đức Chúa Trời đã sử dụng chúng tôi để tăng trưởng cho nhau về thuộc linh và giúp chúng tôi trở thành những người theo Chúa Giê-su tốt hơn. Chắc chắn là chúng tôi không làm đúng hết mọi thứ, nhưng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng tôi đã tìm cách tích trữ kho báu trên trời lớn hơn nhiều so với trên đất.
Tôi khuyến khích bạn đặt Đấng Christ vào chính giữa hôn nhân và tài chính của bạn. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Những phần thưởng đời đời sẽ mãi mãi mang lại niềm vui cho bạn và vinh quang cho Đấng Cứu Rỗi bạn!
Randy Alcorn, tác giả bài viết là tác giả của hơn 60 cuốn sách khác nhau. Ông cũng là nhà sáng lập và giám đốc của Mục vụ Eternal Perspective Ministries.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: For Richer, for Poorer: How to Steward Money in Marriage | Desiring God
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!