THẤY BỊ XÚC PHẠM TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU GÂY XÚC PHẠM LÀ TỐT!
Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã gây tranh cãi vì một tác phẩm nhại lại bức tranh Bữa Tiệc Ly nổi tiếng của Leonardo da Vinci. Hoàn thành vào những năm 1490, bức bích họa mang tính biểu tượng này, hiện vẫn lưu trên một bức tường rộng 9 mét x 4.5 mét ở Milan, Ý, đã hình thành nên trí tưởng tượng Cơ Đốc về khoảnh khắc quan trọng trong Kinh thánh ấy trong hơn 500 năm.
Cuối tuần vừa rồi, trên mạng xã hội đã nảy ra một cuộc tranh luận về việc các giám đốc nghệ thuật của Lễ khai mạc Paris có định tạo ra một tác phẩm nhại lại Bữa Tiệc Ly hay nhại lại Lễ hội Dionysus trong Thần thoại Hy Lạp hay không. Tuy nhiên, sự pha trộn lẫn lộn hình tượng tôn giáo—đặt các nghệ sĩ giả nữ (và còn hơn thế nữa) vào vị trí của các vị thánh và Chúa Cứu Thế, rồi đặt vị thần tiệc tùng của Hy Lạp vào trung tâm của bữa tiệc—đã gây ra sự náo động.
Một số người thấy bị xúc phạm bởi cảnh tượng đó. Những người khác thấy bị xúc phạm bởi những người thấy bị xúc phạm bởi cảnh tượng đó.
Cơ Đốc nhân (và nhiều người khác) trên khắp thế giới đã có lý khi cảm thấy bị xúc phạm, bởi vì cảnh tượng này, chà, khá là xúc phạm. Nó chế giễu một khoảnh khắc có tính trọng tâm trong lịch sử Cơ Đốc, cũng như một tác phẩm có tính trọng tâm trong nghệ thuật Cơ Đốc đã tồn tại trong trí tưởng tượng của những người theo Chúa Giê-su trong nửa thiên niên kỷ.
Sau đây là một số điểm then chốt để Cơ Đốc nhân suy nghĩ và ứng phó với tình huống này.
1. Cơ Đốc nhân nên sẵn sàng nhận thấy những gì ở trước mắt họ.
Một số người (bao gồm cả Cơ Đốc nhân) đã phủ nhận mọi mối liên hệ nào giữa Lễ khai mạc với Bữa Tiệc Ly. Ví dụ, có người đã bình luận với tôi rằng, “Anh sao vậy? Tôi sẽ không bao giờ liên hệ cái đó với Bữa Tiệc Ly. Tôi đoán là anh chỉ thấy những gì anh muốn thấy thôi.”
Nhưng Thế vận hội Paris đã xác nhận rằng cảnh này thực sự lấy cảm hứng từ bức tranh mang tính biểu tượng của da Vinci, như ESPN, The Guardian và The New York Times đã đưa tin.
Tờ New York Times đưa tin (trước khi có xác nhận trên) rằng “‘Ý tưởng về nhân vật trung tâm với vầng hào quang và một nhóm môn đồ ở hai bên—điều này quá điển hình cho biểu tượng Bữa Tiệc Ly đến nỗi hiểu theo bất kỳ cách nào khác đều có thể là hơi khinh suất,’ Sasha Grishin, một nhà sử học nghệ thuật và giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Úc cho biết.”
Để làm rõ hơn, cuộc tranh luận dữ dội trên mạng xem màn trình diễn này mô tả điều gì đã được giải quyết. Sau một tuyên bố không rõ ràng từ người nghệ sĩ như tấm bình phong chống lại bất kỳ ai nêu ra mối quan ngại – thậm chí là rất nhẹ, Thế vận hội đã đưa ra một tuyên bố rõ ràng rằng màn trình diễn đó thực sự được lấy từ Bữa Tiệc Ly.
Nhiều người, trong đó có một số Cơ Đốc nhân, thực sự muốn chứng minh rằng Cơ Đốc nhân thật ngu ngốc— ngay cả khi một giáo sư nghệ thuật chuyên môn đã cho rằng “hơi khinh suất” khi nhìn nhận màn trình diễn đó theo bất kỳ cách nào khác. Một số người nhanh chóng phản đối rằng người Tin Lành Hoa Kỳ quá nhạy cảm và có mặc cảm bị bắt bớ. Tuy nhiên, những lời phàn nàn gay gắt nhất đến từ người Công giáo La Mã ở Pháp, các lãnh đạo Cơ Đốc từ Nam toàn cầu và các vận động viên Olympic Cơ Đốc.
Như Sarah-Jane Murray đã chỉ ra: “Những cuộc gọi đầu tiên đến ủy ban Olympic là từ một giám mục người Pháp, thành viên của phái đoàn Tòa thánh đến tham dự thế vận hội, và cả tổng giám mục Malta, một phần là vì những lời phàn nàn từ chính các vận động viên”.
Chúng ta nên sẵn sàng nhìn nhận thực tế bày ra trước mắt mình. Và chúng ta nên tin tưởng những điều tốt nhất về những anh chị em của mình trong Đấng Christ.
2. Thấy bị xúc phạm khác với phẫn nộ.
Tôi đã viết cả một cuốn sách về vấn đề phẫn nộ, “Cơ Đốc Nhân Trong Thời Đại Phẫn Nộ: Làm Sao Để Mang Đến Những Điều Tốt Đẹp Nhất Khi Thế Giới Đang Ở Thời Kỳ Tồi Tệ Nhất.” Trong cuốn sách đó, tôi đã chỉ ra những vấn đề với sự phẫn nộ. Tôi đã giải thích xem Cơ Đốc nhân đã trở nên phẫn nộ trước những điều ngớ ngẩn như thế nào, chẳng hạn như cuộc tranh cãi về “Chiếc cốc đỏ” tại Starbucks.
Vào năm 2015, một Cơ đốc nhân là nhà sáng tạo trên mạng xã hội đã đăng một bài viết chỉ trích Starbucks đã loại bỏ hình ảnh lễ hội khỏi cốc của họ. Anh ta tức giận vì Starbucks ghét Cơ Đốc nhân và Giáng sinh—vì Starbucks đã loại bỏ những bông tuyết, người tuyết và cây cối khỏi những chiếc cốc lễ hội màu đỏ của họ. Chúng ta hoàn toàn có lý khi phản đối sự phẫn nộ ngớ ngẩn như vậy. Tôi không khuyến khích Cơ Đốc nhân phẫn nộ bất chính về Thế vận hội Paris hay bất cứ điều gì khác.
Sự phẫn nộ khác với cảm giác bị xúc phạm một cách chính đáng. Như tôi đã nói trong “Cơ Đốc Nhân Trong Thời Đại Phẫn Nộ,” sự phẫn nộ là không tương xứng, ích kỷ, gây chia rẽ, bản năng, hống hách và không trung thực. Ngược lại, cảm giác bị xúc phạm đi ngược lại với những thói xấu này. Cảm giác bị xúc phạm một cách chính đáng là tương xứng, tập trung vào Đức Chúa Trời và những người lân cận, đoàn kết, phải lẽ và có tính thuộc linh, có tấm lòng phục vụ và trung thực.
Tuy một số Cơ Đốc nhân và những người khác có thể đã sa vào sự phẫn nộ không thánh nhưng tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta chỉ đơn giản là cảm thấy bị xúc phạm một cách chính đáng đối với cảnh tượng tại Lễ khai mạc ở Paris.
Cảnh tượng đó không phù hợp. Hơn nữa, đó chỉ là một trong hàng loạt các cảnh xúc phạm trong kỳ lễ khai mạc.
3. Chúng ta cần lên tiếng khi người ta sử dụng các biểu tượng đức tin của mình một cách xúc phạm.
Chúa truyền lệnh cho chúng ta không được yêu thế gian: “Chớ yêu thế gian cùng những gì trong thế gian” (1 Giăng 2:15). Lưu ý rằng câu đó không nói “chớ yêu… những người trong thế gian”. Chúng ta yêu những người trong thế gian—những người lân cận của mình—nhưng chúng ta khước từ tội lỗi dưới mọi hình thức. Chúng ta không để người ta chế giễu thiết kế của Chúa đối với tình dục của con người và chế giễu sự hy sinh của Đấng Christ.
Vì yêu những người lân cận của mình nên chúng ta nói sự thật trong tình yêu thương (Ê-phê-sô 4:15). Vì chúng ta yêu Chúa Giê-su nên chuyện chế giễu sự hiệp thông yêu thương của Ngài với chúng ta phải là điều đáng ghê tởm đối với chúng ta.
Biểu tượng là một phần quan trọng trong cách con người truyền đạt ý nghĩa cho nhau. Một số biểu tượng như biển báo dừng hoặc từ “cây” truyền đạt một loại ý nghĩa rất bề ngoài và chung chung. Những biểu tượng khác, như thập tự giá hoặc vầng hào quang thiên thượng đặt trên đầu một vị thánh trong bức tranh, truyền tải những niềm tin sâu sắc và siêu việt.
Những loại biểu tượng này trở nên thực sự thiêng liêng đối với những ai tìm thấy ý nghĩa trong chúng, vì cớ những gì chúng đại diện—giống như bức ảnh của người thân yêu mà bạn đã không gặp trong nhiều năm vậy. Chế giễu những biểu tượng thiêng liêng này cũng giống như vò nát bức ảnh của người thân yêu của ai đó rồi chế giễu phản ứng của họ.
Ở cấp độ cơ bản của con người, thấy bị xúc phạm khi người ta dùng sai các biểu tượng thiêng liêng là chuyện bình thường.
Cũng ở cấp độ cơ bản của con người, muốn tránh dùng sai các biểu tượng thiêng liêng của người khác là điều tốt. Trên thực tế, điều này là nền tảng cho sự khoan dung trong một xã hội đa nguyên.
Kết luận Mục sư Lutheran Jordan Cooper đã nói trên trang mạng xã hội X, “Có những Cơ Đốc nhân trên trang web này đang trách cứ những Cơ Đốc nhân khác chỉ vì họ thấy bị xúc phạm khi người ta chế giễu Chúa Cứu Thế của mình – đây là một thực tế là hoàn toàn không thể tin được.” Những phản ứng như vậy có thể khó tin hoặc không khó tin, nhưng đừng có chấp nhận những phản ứng như vậy.
Thay vì trách những Cơ Đốc nhân khác, Cơ đốc nhân nên hiệp nhất lại và nói rằng, “Chúng tôi không để các anh chế giễu chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi yêu thương những người chế giễu.” Chính Chúa Giê-su đã đuổi những người đổi tiền trong đền thờ, cũng đã cầu nguyện cho những kẻ hành quyết mình, ““Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34).
Chúng ta có thể yêu thương những người lân cận mà không yêu thế gian. Chúng ta có thể khước từ những điều gây xúc phạm và lên tiếng chống lại chúng mà không phản bội sứ mệnh của mình. Chúng ta có thể khước từ sự phẫn nộ trong khi vẫn thấy mình bị xúc phạm một cách chính đáng. Thấy mình bị xúc phạm bởi những điều gây xúc phạm thực ra lại là một điều tốt và đúng đắn cần làm.
– Tác giả bài viết, tiến sĩ Ed Stetzer là giáo sư và trưởng khoa tại Đại học Wheaton, ông cũng là Giám đốc Điều hành của Trung tâm Billy Graham tại Đại học này. Ông đã xây dựng, hồi sinh và chăm sóc các hội thánh; các mục sư được đào tạo và những người mở mang hội thánh trên sáu lục địa; lấy hai bằng thạc sĩ và hai bằng tiến sĩ; đã viết hàng trăm bài báo và hàng chục cuốn sách. Ông là Giám đốc khu vực của Lausanne Bắc Mỹ, Tổng biên tập của Tạp chí Outreach và thường xuyên viết bài cho các hãng tin như USA Today và CNN. Chương trình phát thanh quốc gia của ông, Ed Stetzer Live, phát sóng vào Thứ Bảy trên Đài phát thanh Moody và các chi nhánh. Ông phục vụ tại hội thánh địa phương – Hội thánh Highpoint với tư cách là mục sư giảng dạy. Tiến sĩ Stetzer hiện đang sống ở Anh và giảng dạy tại Đại học Oxford.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://churchleaders.com/voices/490608-being-offended-by-offensive-things-is-good-actually.html/2