5 MỐI NGUY CỦA LỐI GIẢNG GIẢI KINH (VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH)
Bạn có phải một nhà giảng đạo chuyên giảng theo chủ đề? Hay bạn là nhà giảng đạo chuyên giảng giải kinh? Bạn có biết là có những mối nguy trong bất kỳ lối giảng nào mà mình áp dụng không? Tuần trước đã có một bài viết của Joe Hoagland về những mối nguy của việc giảng theo chủ đề. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với bạn 5 mối nguy của việc giảng giải kinh – không phải vì cách này nguy hiểm hơn cách kia. Cả hai cách tiếp cận đều có những lưu ý và lợi ích riêng.
Dù bạn có nghiêng về cách thức nào thì chúng tôi cũng thực sự khuyên bạn nên tận dụng cả hai trong suốt lịch trình rao giảng của mình.
5 Mối Nguy Của Việc Giảng Giải Kinh (Và Cách Phòng Tránh)
1. Rời Hội Chúng Tại Sân Ga
Các nhà giảng giải kinh thường có xu hướng rời hội chúng tại sân ga. Hãy nghĩ đến điều này: Chào buổi sáng anh chị em, hôm nay chúng ta sẽ nói về Rô-ma 14:1-7a. Hãy mở đoạn Kinh thánh đó và chúng ta sẽ bắt đầu.
Không biết bạn thế nào, nhưng có vẻ một phần giới thiệu như vậy đã có thông điệp rời sân ga trước khi hội chúng biết liệu họ có đi cùng chuyến hay không. Tôi biết chứ, lẽ ra họ phải muốn lên tàu chỉ vì bạn đang giảng Lời Chúa. Ôi, ai chẳng ước là mọi chuyện đơn giản như vậy.
Nhưng sự thật là người ta quan tâm đến những điều hữu ích và đúng đắn hơn là quan tâm đến những gì chỉ đúng đắn mà thôi.
Giải pháp: Hãy lần lượt trả lời những câu hỏi sau: Bạn đang giúp họ giải quyết vấn đề gì qua Lời Chúa? Bản văn này nói với dạng trải nghiệm sống nào? Làm sao để bạn tạo được sự kết nối với vấn đề thực tại mà bản văn Kinh thánh sắp giảng đề cập tới?
Để biết thêm về cách thu hút hội chúng và tạo sự kết nối để đưa dân sự lên tàu trước khi tàu chuyển bánh, hãy bắt đầu xây dựng bài giảng theo cách đó và khiến bài giảng trở nên hấp dẫn.
2. Giải thích ngôn ngữ gốc quá nhiều
Nếu giống tôi thì bạn cũng mê tìm hiểu ngôn ngữ gốc. Tôi biết chứ. Thật sự là vậy. Nhưng vấn đề là khi khơi cái đó ra thì bạn đang cố gắng đạt được điều gì? Tôi không chống lại việc đưa tiếng Hy Lạp hay Hê-bơ-rơ vào một bài giảng, nhưng hãy đảm bảo rằng điều đó thúc đẩy hội chúng của bạn tiến đến mục tiêu của sứ điệp. Thêm nữa, đừng đặt mục tiêu là chỉ để họ biết bản văn đó nói gì.
Giải pháp: Lọc ngôn ngữ gốc của bạn qua một bộ lọc. Bộ lọc đó nên là mục tiêu của sứ điệp. Điều này có liên quan đến việc thúc đẩy hội chúng tiến đến mục tiêu không? Nếu không thì đừng có lo đến chuyện chia sẻ nó.
Tái bút: Hầu hết dân sự đều không quan tâm lắm đâu…Tôi biết chứ. Thật là buồn mà!
3. Chặn mất dòng suy nghĩ của trước giả
Một trong những điều khiến tôi khó chịu nhất là khi (a) việc chia chương làm gián đoạn suy nghĩ của trước giả theo đúng nghĩa đen, hoặc (b) người giảng đạo dừng phân đoạn mà anh ta tập trung vào ngay giữa suy nghĩ hoặc lập luận của trước giả. Chẳng hạn, mỗi khi Phao-lô nói với một hội thánh về cách sống đúng, ông nói với thực tại của họ là những con người đã được dựng nên mới trong Đấng Christ. Nếu đây là cách lập luận của Phao-lô về đạo đức thì tất nhiên là chúng ta nên lập luận giống như vậy (và đúng thế, trong cùng một bài giảng!) Hơn mọi điều khác, đây là điều chúng ta thường bỏ qua trong hành trình tìm kiếm đạo đức.
Giải pháp: Hãy đọc thật kỹ bản văn đó. Đừng chú ý đến những đoạn chia chương và đề mục. Tin vắn: chúng không có trong bản gốc. Chúng được thêm vào đấy! Đừng tin chúng, cứ lờ chúng đi thôi. Nếu chúng có hiệu quả thì thật tuyệt. Nếu không thì bạn sẽ mừng vì mình đã bỏ qua chúng.
Hãy thật cẩn trọng trong việc lựa chọn cách bạn chia nhỏ các bài giảng trong loạt bài tìm hiểu về một sách trong Kinh thánh. Đừng chỉ chia một chương làm đôi hoặc chỉ giảng theo từng chương. Việc đó có thể có hiệu quả, nhưng đừng tự động làm vậy. Hãy chú ý đến dòng lập luận và suy nghĩ của trước giả.
4. Giảng mọi thứ đều theo lý thuyết suông hoặc thần học
Chúng ta dễ dành cả đống thời gian trong bài giảng để cho dân sự biết nội dung của bản văn và giải thích xem điều này liên quan gì đến hiểu biết của mình về một lẽ thật thần học nào đó. Chúng ta dễ nói một cách chung chung và lý thuyết suông nữa. Một lần nữa, mục tiêu giảng của bạn là gì? Mục tiêu của bạn có phải là sự biến đổi không? Nếu có thì bạn PHẢI áp dụng bản văn này vào các tình huống ngoài đời thực.
Giải pháp: Hãy nghĩ xem phân đoạn Kinh thánh đó liên quan đến cá nhân bạn thế nào. Nếu bạn có một hai câu chuyện thì hãy chia sẻ chúng trong sứ điệp của mình. Nếu bạn có thể thấy một sự áp dụng rõ ràng (tôi hy vọng là bạn có thể) thì hãy liên hệ đến điều đó. Đừng để hội chúng của bạn ra về và tự hỏi không biết mình nên làm gì với sứ điệp này. Bạn cần có phần áp dụng thật rõ ràng với bản văn giống như đã giải thích bản văn đó thật rõ ràng.
5. Suy diễn bản văn cho khớp với thần học của bạn
Không gì tệ hơn một người giảng đạo đọc một phân đoạn Kinh thánh rồi dành phần còn lại của sứ điệp để suy diễn những phần khó của phân đoạn. Đừng cho phép mình làm điều này. Suy cho cùng thì bạn không tài giỏi đến thế đâu. Bạn cần giảng nội dung của bản văn và áp dụng điều đó với đời sống của dân sự. Hãy đủ khiêm nhường để nhận ra rằng Kinh thánh không quan tâm đến thần học của bạn. Kinh thánh không quan tâm là bạn có theo chủ nghĩa Calvin hay Arminius không. Kinh thánh nói điều gì Kinh thánh đang nói.
Giải pháp: Hãy giảng Lời Chúa dù điều đó có khiến bạn không thoải mái đến thế nào. Hãy đứng vững trên Lời Chúa và đừng ngại nói đến những vấn đề khó nhằn mà Kinh thánh đề cập đến. Nếu bạn kiên trì giảng lẽ thật của Kinh thánh thì dân sự sẽ khó chịu, nhưng họ sẽ không khó chịu vì một ý tưởng nào đó mà bạn nghĩ ra. Họ sẽ bị khó chịu vì Lời Chúa sắc hơn mọi thanh gươm hai lưỡi. Lời Chúa xuyên thấu đến những nơi sâu thẳm trong lòng. Hãy để Kinh thánh làm công việc của mình.
Tác giả bài viết, Brandon Kelley là người đồng sáng lập trang web Rookie Preacher dành cho những người giảng đạo và là tác giả hai cuốn sách Preaching Sticky Sermons (Giảng Những Bài Giảng Kết Dính) và Crucified to Life. Ông là mục sư lãnh đạo Hội thánh First Church of Christ tại Bluffton, Indiana, Hoa Kỳ. Ông cũng viết bài tại trang web BrandonKelley.org.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.rookiepreacher.com/5-dangers-expository-preaching-avoid/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!