TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỨC TIN TRÊN CÔNG VIỆC
Giangluankinhthanh.net – Cơ đốc nhân cần có thái độ thế nào đối với công việc là một câu hỏi quan trọng và đôi khi bị xem nhẹ trong các khóa học môn đệ hóa. Cùng bài giảng của của mục sư David Pawson “Thái Độ Làm Việc Theo Kinh Thánh” trên kênh Youtube Giảng Luận Kinh Thánh, xin trân trọng giới thiệu bài viết của mục sư tiến sỹ Timothy Keller, người Mỹ, về chủ đề liên quan.
Tôi đã viết một cuốn sách mang tên Mọi Nỗ Lực Tốt Lành: Kết Nối Công Việc Của Bạn Với Công Việc Chúa. Một số người nhặt nó lên, nhìn phần tiểu đề và hỏi: “Thế tóm lại thì công việc Chúa liên hệ với công việc của chúng ta như thế nào?” Giải thích cuốn sách của mình chỉ trong vài phút – đây luôn là một bài tập hay cho người viết. Dưới đây là bốn cách mà đức tin Cơ Đốc tác động và định hình công việc của chúng ta.
Một là đức tin Cơ Đốc đặt ra phạm vi đạo đức cho chúng ta, một hệ thống định vị bên trong hướng dẫn chúng ta trên khía cạnh đạo đức chứ không chỉ trên những khía cạnh hoặc đòi hỏi của luật pháp, trong mọi tình huống. Một Cơ Đốc nhân trong hội đồng quản trị của một tổ chức tài chính lớn – ông mới tiết lộ về nạn tham nhũng trong đó – đã kể cho tôi nghe về một cuộc họp kín giữa những nhà điều hành cấp cao. Một người nói rằng: “Chúng ta phải phục hồi lại những giá trị đạo đức thôi.” Người khác hỏi rằng: “Những giá trị của ai cơ? Ai có thể định nghĩa xem cái gì là phải đạo đây?” Và đó là vấn đề của chúng ta. Đã từng có những trực giác đạo đức phổ biến chi phối nhiều hành vi trong xã hội của chúng ta. Chúng cao hơn cả luật pháp. Tàn nhẫn, thiếu minh bạch và thiếu chính trực là những đặc tính của thương trường và nhiều nghề ngày nay xuất hiện vì người ta không còn đồng thuận về những trực giác đạo đức đó nữa. Nhưng Cơ Đốc nhân làm việc trong những thế giới đó có sự dẫn dắt vững chắc về đạo đức và qua tấm gương của bản thân, họ có thể khỏa lấp khoảng không về đạo đức mà rất nhiều người đang nhận thấy.
Hai là đức tin Cơ Đốc cho bạn một sức mạnh thuộc linh mới, một nội lực giúp bạn không bị gục ngã vì thành công, thất bại hay buồn chán. Liên quan đến thành công và thất bại, phúc âm giúp Cơ Đốc nhân tìm thấy con người sâu thẳm nhất của mình – không phải ở những thành tựu của bản thân mà là chính con người của chúng ta trong Đấng Christ. Điều này giữ cho cái tôi của chúng ta không cao ngạo trong những kỳ thịnh vượng, cũng như tránh khỏi cay đắng và ngã lòng trong nghịch cảnh. Nhưng một số việc lôi kéo chúng ta làm việc hoặc lo lắng quá mức, số khác cám dỗ chúng ta đầu hàng trước lao khổ, chỉ mong sao cho đến cuối tuần, chỉ làm những gì cần thiết để chống chế khi có người quan sát. Phao-lô gọi đó là “vâng phục trước mặt” (Cô-lô-se 3:22-24) và ông buộc chúng ta phải coi mọi công việc như là làm cho Chúa, Đấng thấy mọi điều và yêu thương chúng ta. Điều đó khiến chúng ta có thể chịu đựng những công việc có nhiều áp lực và tìm được ý nghĩa trong cả những công việc khiêm tốn nhất.
Ba là, đức tin Cơ Đốc cho chúng ta một quan niệm mới về công việc, ấy là phương tiện mà Chúa dùng để yêu thương và chăm sóc cho thế giới của Ngài qua chúng ta. Hãy nhìn vào những chỗ trong Kinh thánh nói rằng Chúa ban thức ăn cho mọi người. Chúa làm điều đó như thế nào? Qua công việc của con người: từ cô bé thôn quê vắt sữa bò đến anh lái xe tải chở nông sản đến bán cho hiệu tạp hóa trong vùng. Chúa có thể trực tiếp ban thức ăn cho chúng ta nhưng Ngài chọn làm điều đó qua công việc. Điều này có ba ngụ ý quan trọng. Ngụ ý thứ nhất: mọi công việc, thậm chí là những công việc bình thường nhất, đều cao cả. Trong công việc, chúng ta là những bàn tay và ngón tay của Chúa để duy trì và chăm sóc thế giới của Ngài. Ngụ ý thứ hai: một trong những cách chính để khiến Chúa đẹp lòng trong công việc chỉ đơn giản là làm việc cho tốt. Một số người gọi điều này là “chức vụ của năng lực”. Điều đầu tiên mà những hành khách cần từ một phi công không phải là cô nói với họ về Chúa Giê-su mà cô phải là một phi công tuyệt vời, thuần thục. Ngụ ý thứ ba: Cơ Đốc nhân có thể và phải thật sự trân trọng công việc của những người khéo làm việc nhưng không có chung niềm tin với chúng ta.
Bốn là, đức tin Cơ Đốc cho chúng ta một cái nhìn mới về thế giới và cuộc sống để định hình đặc điểm của công việc chúng ta. Mọi công việc được hoàn thành tốt và phục vụ lợi ích của con người đều khiến Chúa đẹp lòng. Vậy chính xác thì “lợi ích chung” có nghĩa là gì? Nhiều nhiệm vụ không cần chúng ta phải suy nghĩ nhiều về câu hỏi đó. Mọi người đếu cần ăn, cho nên trồng và cung cấp thực phẩm là việc phục vụ con người rất tốt. Nhưng nếu bạn là một giáo viên tiểu học, hay một nhà soạn kịch thì sao? Giáo dục tốt nghĩa là gì (hay bạn nên dạy bọn trẻ những điều gì?) Bạn nên viết những thể loại kịch nào (hay người ta cần những kiểu câu chuyện nào?) Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ phụ thuộc nhiều vào cách bạn trả lời những câu hỏi căn bản hơn: Mục đích của đời người là gì? Cuộc sống là gì? Sống tốt là như thế nào? Nhiều công việc sẽ được định hình bởi niềm tin của chúng ta về những vấn đề đó, dù rõ ràng hay mơ hồ. Như vậy, cuối cùng, một Cơ Đốc nhân phải nghĩ xem đức tin sẽ định hình rõ công việc của mình như thế nào.
Thật tuyệt vời vì phúc âm làm việc trên mọi khía cạnh của chúng ta – tâm trí, ý chí và cảm xúc, đồng thời cho phép chúng ta vừa trân trọng công việc của những người chưa tin, vừa khao khát làm việc theo những cách đặc biệt trong vai trò của một người tin Chúa. Tổng hợp cả bốn khía cạnh này, chúng ta thấy rằng là một Cơ Đốc nhân, chúng ta coi công việc không chỉ là cách kiếm tiền, cũng không phải là phương tiện chính để thăng tiến, nhưng thực sự là một sự kêu gọi: để phục vụ Chúa và yêu người lân cận mình.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết https://timothykeller.com/blog/2014/3/7/how-faith-affects-our-work, truy cập ngày 02/02/2021.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Cảm ơn anh chị em! Bài dịch tuyệt vời!
cảm ơn bạn!