“Chúa Giê-Su Là Chồng Tôi”
Nhiều người nữ Cơ Đốc thích dùng câu này.
Tôi hiểu lý do tại sao.
Suy cho cùng thì hôn nhân tượng trưng cho Đấng Christ và cô dâu của Ngài là Hội thánh (Ê-phê-sô 5:22-23). Ngài là Chàng rể thiên thượng của các tín đồ là thân thể của Đấng Christ. Theo Lời Chúa thì Các tín đồ Đấng Christ cùng nhau hợp thành “cô dâu của Đấng Christ”. Chúng ta có lời hứa rằng chúng ta sẽ cùng dự tiệc cưới của Chiên Con với Ngài trên thiên đàng và sống “hạnh phúc mãi mãi về sau” với Ngài.
Nhưng…liệu chúng ta có thể đưa khái niệm “Chúa Giê-su là chồng” này đi quá xa không?
Có. Có lẽ là như vậy.
Dưới đây là bình luận của một người nam Cơ Đốc độc thân trên www.peacefulsinglegirl.wordpress.com về chủ đề này:
————
Cần lưu ý rằng một trong những vấn đề thường trực mà tôi để ý thấy khi đọc những gì phụ nữ viết là họ đặt Chúa Giê-su vào vị trí của chồng mình (hay bạn trai – từ này có thể mang cả hai nghĩa). Tiếc là rất ít người hoặc không ai phản đối gì cả. Một lời quở trách kiểu như thế này – đối với những người đầu óc đơn giản thì nghe có vẻ như cô ấy nên coi chồng mình là thần tượng, nhưng thực tế không phải vậy, mà là đặt Chúa Giê-su và người chồng vào đúng vị trí và vai trò của họ.
Như David Murrow viết:
Những cuốn sách hướng dẫn Cơ Đốc đang thúc giục những người nữ ham muốn…Chúa Giê-su. Nhiều tác giả nổi tiếng mạnh mẽ khuyến khích những người nữ tưởng tượng Chúa Giê-su là người tình của chính mình. Một người nói với độc giả của mình rằng hãy “phát triển mối quan hệ tình cảm với Người tình duy nhất, Đấng sẽ thực sự thỏa mãn những khao khát sâu thẳm nhất của bạn: Chúa Giê-su Christ”. Một tác giả Cơ Đốc nổi tiếng nói với các độc giả nữ của mình rằng: “Đôi khi, đối với bạn, Chúa Giê-su sẽ là một người chồng còn hơn cả người đàn ông bằng xương bằng thịt mà bạn đã kết hôn. Và tuy chồng bạn có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của bạn một cách tuyệt vời, thì chỉ có Chàng rể mới có thể và sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của bạn.” Một người khác đưa ra mô tả nghẹt thở này về tình yêu của Đức Chúa Trời: “Người này đã bước vào thế giới của bạn và bày tỏ cho bạn rằng Chàng là Người Chồng đích thực của bạn. Sau đó, Chàng mặc cho bạn một chiếc váy cưới trắng hơn vải lanh tinh khiết nhất. Bạn thấy mình lại trở nên trinh trắng. Và sống động! Chàng nhẹ nhàng hôn bạn và thề sẽ không bao giờ lìa bỏ bạn. Và bạn ao ước được đi và ở cùng Chàng.”
Một người nữ nói về Chúa Giê-su như chồng mình là đặt chính cô ấy và chồng mình vào một vị trí không lành mạnh. Khi làm như vậy, cô đặt chồng mình và Chúa Giê-su vào một thế cạnh tranh mà người chồng không bao giờ có thể chiến thắng trong lòng vợ mình. Khi làm như vậy, cô chất chồng sự thiếu tôn trọng lên chồng mình.
Một cách hay hơn để nói điều này là đảm bảo rằng người chồng và Chúa Giê-su ở đúng vị trí trong lòng một người nữ. Người chồng ở đúng vị trí của anh ta. Và Chúa Giê-su ở đúng vị trí của Ngài. Bạn đã đúng đắn chỉ ra rằng thật không hay khi đổi Chúa Giê-su từ vị trí đúng của Ngài sang vị trí của người chồng. Nhưng đây là một vấn đề nhỏ và không đáng kể so với vấn đề những người nữ đổi người chồng từ vị trí đúng sang vị trí của Chúa Giê-su. Như phần trích dẫn đã gợi ý, điều này được những người nữ thực hiện quá thường xuyên đến nỗi gần như trở thành lẽ thường, và được thực hiện với sự hỗ trợ và hướng dẫn của những người nữ Cơ Đốc khác cùng những người có thẩm quyền trong hội thánh.
Để tôi diễn đạt những gì mình đã viết một cách đơn giản hơn: Như đã mô tả, người vợ đang ngoại tình… với Chúa Giê-xu.
————-
Tôi không tin rằng hình dung Chúa Giê-su như người chồng bằng xương bằng thịt của mình theo đúng nghĩa đen hay đưa Ngài thế chỗ của người chồng là lành mạnh hay đúng đắn.
Ngài là ĐỨC CHÚA TRỜI.
Phải có nhiều sự tôn kính, kính sợ và run rẩy trong linh hồn chúng ta trước Đức Chúa Trời – một sự kính sợ thánh.
Chúng ta sẽ không chung chăn gối với Chúa Giê-su. Tình yêu lãng mạn, nhục dục, ái tình được Đức Chúa Trời tạo ra để những người chồng và người vợ ở đây, trên đất này tận hưởng.
Chúng ta phải nên một trong Thánh Linh với Đấng Christ. Chúng ta thờ phượng Ngài. Ngài là trọng tâm trong đời sống chúng ta. Chúng ta khao khát Ngài hơn mọi điều khác một cách thánh khiết. Chúng ta chủ yếu tìm thấy mục đích, sự thỏa mãn, sự vui mừng, bình an, sự thỏa lòng, đầy trọn và con người thật của mình ở trong Ngài. Chúng ta tìm cách làm đẹp lòng Ngài và phục vụ Ngài với hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và sức lực. Ngài là CHÚA chúng ta. Nhưng Ngài là thần chứ không chỉ là con người. Chúng ta không ở trong mối quan hệ nhục dục với Ngài.
Chúa Giê-su có vị trí thích hợp của Ngài và chồng tôi có vị trí thích hợp của anh ấy trong lòng tôi. Chúng là hai vị trí khác nhau – tôi đồng ý với tác giả trên đây.
• Chúng ta là một THÁNH LINH với Đấng Christ – một phần Thánh Linh Ngài bước vào tâm linh và thân thể tôi. Thân thể tôi trở nên đền thờ Ngài, nơi mà Ngài gặp gỡ tôi và ban quyền năng cho tôi.
• Chúng ta là một THỊT với chồng mình – một phần thân thể của anh ấy đi vào thân thể tôi – đây là hình ảnh hoặc phép ẩn dụ sống động về một quan hệ cùng Tâm linh mà chúng ta có thể có với Đấng Christ.
Nếu đặt Chúa Giê-su vào chỗ đáng ra phải của chồng mình thì tôi có một mớ hỗn độn.
Nếu tôi đặt chồng mình vào chỗ đáng ra phải của Chúa Giê-su thì tôi cũng có một mớ hỗn độn.
Tuy tình yêu và phản ứng của tôi với Chúa Giê-su và chồng mình có những điểm tương đồng nhưng mối quan hệ giữa tôi và từng người KHÔNG giống nhau. Hai người không cạnh tranh để giành chỗ trong lòng tôi.
NHỮNG ĐIỀU CẦN SUY NGHĨ:
Nếu một người vợ Cơ Đốc bắt đầu nghĩ về Đấng Christ như người chồng bằng xương bằng thịt của mình, và nói về điều đó với chồng – thành thật mà nói, điều đó sẽ khiến rất nhiều người đàn ông Cơ Đốc thất kinh. Nó có vẻ như trong lòng cô ấy không còn chỗ cho chính anh – có lẽ vậy. Và tôi nghĩ nó gợi lên hình ảnh về một người phụ nữ có một dạng cảm xúc nhục dục nào đó với Đấng Christ. Nếu chúng ta hình dung Đấng Christ là người tình thể xác của mình thì dường như đối với tôi, đó là một sự bóp méo thô thiển và không thánh khiết về ý nghĩa của mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Chúng ta không hề được kêu gọi là ham muốn Chúa Giê-su về thể xác hoặc khao khát Ngài về tình dục hay lãng mạn. Hãy tưởng tượng xem suy nghĩ này sẽ ghê tởm với một người nam muốn yêu Đấng Christ như thế nào.
Đôi khi chúng ta cũng có thể mong chồng mình LÀ Đấng Christ với chúng ta theo đúng nghĩa đen – không bao giờ phạm tội, yêu chúng ta với những gì chúng ta định nghĩa là “cách Đấng Christ yêu Hội thánh và xả thân vì Hội thánh”, chịu trách nhiệm hoàn toàn với hạnh phúc của chúng ta, làm bất cứ điều gì chúng ta muốn chỉ vì chúng ta muốn họ làm điều gì đó. Đây không phải là một ý hay! Thực ra, chúng ta có thể dễ dàng biến chồng mình thành thần tượng.
Tôi nghĩ chúng ta cần cẩn thận với khái niệm Hội thánh là cô dâu của Đấng Christ để không xuyên tạc nó:
• Đúng, hôn nhân là hình ảnh của Đấng Christ và Hội thánh, người chồng tượng trưng cho Đấng Christ và người vợ tượng trưng cho Hội thánh (Ê-phê-sô 5:22-33). Nhưng đây là một hình ảnh không trọn vẹn được bộc lộ trong xác thịt – mô tả hình ảnh về những gì xảy ra về mặt thuộc linh giữa Đấng Christ và Hội thánh. Đức Chúa Trời mô tả dân Ngài phạm tội “ngoại tình” với Ngài khi họ thờ lạy những thần tượng trong Cựu Ước. Thờ phượng là trải nghiệm “thân mật” mà Chúa muốn chúng ta chỉ làm với Ngài và chỉ dành cho Ngài. Hội thánh hay cá nhân các tín đồ sẽ không quan hệ tình dục với Đấng Christ trên thiên đàng. Theo Chúa Giê-su thì người ta sẽ không cưới gả trên thiên đàng, “nhưng giống như thiên sứ trên trời vậy.” Sẽ có một trạng thái mà dân sự Chúa liên tục thờ phượng Ngài và hiệp một với Ngài về mặt thuộc linh. Tình dục trong hôn nhân chỉ ra sự thân mật, hiệp một và sự thờ phượng Đức Chúa Trời về mặt thuộc linh mà chúng ta sẽ kinh nghiệm với Đấng Christ trên thiên đàng. Ngày nay, Cơ đốc giáo trong nền văn hóa của chúng ta có khuynh hướng tôn vinh và thậm chí thần tượng hóa sự lãng mạn và cũng lãng mạn hóa mối quan hệ của chúng ta – những người tin – với Chúa Giê-su.
• Hôn nhân là giữa hai con người tội lỗi. Hy vọng là chúng ta chỉ kết hôn với những người nam cam kết với Đấng Christ, nhưng ngay cả như vậy, những người đàn ông của chúng ta cũng tội lỗi – giống như chúng ta. Không có ông chồng nào trên đất là vô tội cả. Và cũng không có bà vợ vô tội nào trên đất. Chúng ta sẽ được kêu gọi là thường xuyên bày tỏ ân điển tràn ngập, sự thương xót, tình yêu thương vô điều kiện, sự tôn trọng và tha thứ vô điều kiện trong hôn nhân. Chúng ta không phải làm điều đó với Đấng Christ. Đôi khi vì người chồng/người đàn ông cần tượng trưng cho Chúa Giê-su nên chúng ta mong anh ấy phải hoàn hảo như Chúa Giê-su. Điều đó là không thể – ở ngoài thiên đàng.
• “Như Đấng Christ yêu Hội thánh, xả thân vì Hội thánh” – điều này không đồng nghĩa với “một người chồng bằng xương bằng thịt phải yêu tôi đúng như cách tôi MUỐN được yêu” hay “Tôi cần CẢM THẤY được yêu mọi lúc để anh ấy thể hiện đúng tình yêu của Đấng Christ.” Chúng ta đang định nghĩa “như Đấng Christ yêu hội thánh” thế nào? Đó là một câu hỏi quan trọng. Chúa Giê-su yêu hội thánh và xả thân vì Hội thánh chủ yếu là bởi Ngài yêu Đức Chúa Cha và vì Ngài đầu phục ý muốn Cha. Ngài cũng xả thân vì Hội thánh bởi Hội thánh không thể tự cứu chính mình và Ngài là Đấng duy nhất có thể cứu Hội thánh. Ngài làm điều tốt nhất cho Hội thánh trong bức tranh toàn cảnh. Đôi khi những gì chúng ta muốn không phải là tốt nhất cho chúng ta. CẢM TẠ CHÚA vì đôi lúc Ngài nói “không” và “hãy đợi” với chúng ta. Cảm tạ Chúa vì Ngài cho roi cho vọt, Ngài cắt tỉa chúng ta, luyện lọc chúng ta và thánh hóa chúng ta (dùng sự chịu khổ để khiến chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su và thánh khiết hơn). Đôi lúc, khi một người nam yêu vợ mình bằng tình yêu của Đấng Christ, cô ấy có thể không CẢM THẤY được yêu vào lúc này, nhưng đôi khi anh phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để làm điều mà anh tin là đúng trước Chúa dù vợ mình không đồng tình. Đó là bổn phận và trách nhiệm của anh ấy trước Chúa – làm đẹp lòng Chúa hơn là làm đẹp lòng vợ mình.
• Chúng ta chịu trách nhiệm với sự vâng phục của chính mình với Đấng Christ, với tội lỗi của chính mình, hạnh phúc của chính mình. Thật không đúng khi kỳ vọng rằng người kia chịu trách nhiệm với những điều mà cuối cùng chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Chúa. Khi tôi bắt chồng mình chịu trách nhiệm với hạnh phúc của mình – là điều tôi đã làm trong một thời gian dài – tôi cũng trở nên một nạn nhân bất lực, chờ đợi anh làm tôi hạnh phúc. Nếu không hạnh phúc thì tôi lại đổ lỗi cho anh. Đây KHÔNG PHẢI là một chiều hướng tin kính! Chúa ban cho chúng ta một tinh thần mạnh mẽ, có tình yêu thương và tự chủ. Tôi không phải là một nạn nhân khi tôi thuộc về Đấng Christ. Tôi có những nguồn lực và sự dư dật của thiên đàng trong tầm tay để tuôn đổ qua tôi như thác lũ để đáp ứng những nhu cầu thuộc linh của mình và chúc phước cho những người khác trên cùng hành trình. Tôi có thể sống trong sự thỏa lòng dù những nhu cầu trong hôn nhân của tôi có được đáp ứng hay không – vì tôi chủ yếu phụ thuộc vào Đấng Christ để những nhu cầu thuộc linh của mình được đáp ứng. Tôi không đặt gánh nặng nhu cầu thuộc linh của mình dưới chân một con người nào khác. Chỉ Chúa Giê-su mới có thể đáp ứng những nhu cầu thuộc linh sâu thẳm nhất của tôi một cách trọn vẹn. Chồng tôi có khả năng đáp ứng một số nhu cầu của tôi. Thật tuyệt vời khi anh ấy làm như vậy. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn ổn vì có Đấng Christ ở đúng vị trí của Ngài trong lòng tôi.
– Tác giả bài viết, April Cassidy là tác giả của cuốn sách The Peaceful Wife (Người vợ Bình An) và “The Peaceful Mom – Building a Healthy Foundation with Christ As Lord” (Người mẹ Bình an – Xây dựng một nền tảng lành mạnh với Đấng Christ là Chúa). Bà viết blog tại www.peacefulwife.com để chia sẻ những điều bà ước mình biết trước khi kết hôn và làm một người vợ Cơ Đốc.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://peacefulwife.com/2013/11/14/jesus-is-my-husband/?fbclid=IwAR06MSMKxhpbZpea2JL8xgbfJavIb7UfNrPsUZJ-YDOyuDpbk05r0SVdTnU
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!