5 LẦM TƯỞNG VỀ TÌNH TRẠNG ĐỘC THÂN
Lầm tưởng số 1: Hôn nhân, như chúng ta biết ở thời đại này, là định mệnh cuối cùng của mỗi con người.
Mẹ tôi qua đời vì một vụ va chạm xe buýt gần Bết-lê-hem tại Israel vào năm 1974. Bấy giờ bà 56 tuổi và đã kết hôn với ba tôi được 37 năm. Khi nỗi đau bắt đầu nguôi ngoai, Đức Chúa Trời ban cho ba tôi một người vợ tuyệt vời khác. Tôi rất mừng vì điều này. Nhưng nó khiến tôi coi trọng những lời Chúa Giê-su nói với người Sa-đu-sê về hôn nhân sau sự sống lại. Người ta kể với Chúa Giê-su về một người nữ góa bụa bảy lần. Họ hỏi: “Lúc sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ của ai?” Chúa Giê-su đáp: “Vì khi từ cõi chết sống lại, người ta không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng, nhưng sẽ như thiên sứ trên trời vậy.” (Mác 12:25).
Điều này rất quan trọng với tôi vì nó có nghĩa là ba tôi không trở thành người đa thê trong đời sau. Tại sao? Vì trong sự sống lại, hôn nhân – theo cách mà chúng ta biết – sẽ không tồn tại. Điều này có ý nghĩa sâu sắc với tình trạng độc thân trong đời này. Nó có nghĩa rằng nếu hai người vợ không phải quá nhiều thì không có vợ cũng chẳng phải quá ít. Nếu tình yêu trong đời sau được chuyển thành một âm điệu vượt trên và vượt ngoài giai điệu hôn nhân trong đời này thì tình trạng độc thân ở đây sẽ không hề gây bất lợi ở cõi đời đời.
Trên thực tế, có lý do xác đáng để cho rằng những dạng thức từ bỏ chính mình khi độc thân có thể khiến một người có khả năng yêu thương nhiều hơn trong đời sau. Không ai từ bỏ bất cứ điều gì vì cớ Vương quốc – Chúa Giê-su phán – mà không nhận lại được nhiều lần hơn (Ma-thi-ơ 19:27-30). Nhiều người không lập gia đình đã khiến mình nên mạnh mẽ bằng lẽ thật này. Chẳng hạn, Trevor Douglas, một giáo sĩ độc thân trong tổ chức Regions Beyond Missionary Union, làm việc với người Philippines giữa vòng dân Ifugao, đã viết thế này vào năm 1988:
“Tuy nhiên, đến cuối cùng, Cơ Đốc nhân biết rằng Chúa Giê-su sẽ còn trên cả bù đắp cho mọi cái giá phải trả để làm một giáo sĩ nam độc thân. Khi áp dụng những lời hứa của Ngài trong Ma-thi-ơ 19:27-30 với chính mình, tôi thấy một sự trao đổi lớn lao diễn ra trong cõi đời đời. Cái giá phải trả về mặt xã hội vì không bước vào đời sống vợ chồng sẽ được đổi lấy mối quan hệ với Chúa Giê-su quanh ngai của Ngài. Tôi sẽ đổi cái giá phải trả về cảm xúc khi cô đơn và nỗi đau gia đình lấy sự kết thân với những người cha, người mẹ và gia đình mới. Tôi sẽ đổi cái giá phải trả về thể chất lấy những đứa con thuộc linh. Và khi bị hắt hủi, tôi thích nghĩ đến cõi đời đời và đặc ân được đi từ hàng cuối trong những người giảng Tin lành lên hàng đầu. Những phần thưởng của nó đáng để đánh đổi mọi thứ.”1
Lầm tưởng số 2: Vì không lập gia đình nên Chúa Giê-su không hẳn là con người.
Năm 1987, tôi viết một bài xã luận cho tờ Minneapolis Star-Tribune trong cuộc tranh luận nảy lửa về quảng cáo bao cao su trên truyền hình.2 Các nhà đài muốn góp phần hạn chế bệnh AIDS lây lan. Quan điểm cơ bản của tôi là: “Việc tán thành khả năng bảo vệ khỏi bệnh tật (của bao cao su – N.D.) cũng tán thành căn nguyên của nó, tức là chuyện quan hệ tình dục bừa bãi.” Theo tôi thì tuyên bố rằng bao cao su giúp quan hệ tình dục “an toàn” cho thấy họ ngây ngô đến lạ về bản chất con người. Tôi lập luận thế này: “Nhân cách con người sâu sắc và ý nghĩa hơn những gì thuộc về thể chất. Cái nhìn hời hợt về nhân cách rằng chúng ta sẽ “an toàn” nếu tránh được một bệnh nào đó nhưng lại theo đuổi những hành động mà nền văn minh phương Tây cho là đồi bại và Kinh thánh buộc tội là làm nhục Đấng Tạo hóa…Không chỉ dạy dỗ trong Kinh thánh mà lời chứng của lương tâm con người trong các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới đã lên tiếng trong nhiều thế kỷ rằng tình dục ngoài hôn nhân và hoạt động đồng tính luyến ái có tính hủy hoại nhân cách, các mối quan hệ và sự tôn kính với Đức Chúa Trời – Đấng tạo nên tình dục để sự kết hiệp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân trở nên sâu sắc và vui vẻ hơn.
Bạn có thể tưởng tượng được rằng điều này không phải là không bị phản đối. Tôi nhận được bức thư của một nam thanh niên thay lời một nhóm người độc thân rằng “Tôi và bạn gái đã có rất nhiều cuộc ân ái vui vẻ với nhau. Chúng tôi cho rằng tư tưởng của ông là những tàn dư mang tính áp bức từ thời Victoria khiến người ta loạn thần và khốn khổ. Chúng tôi nghĩ rằng tình dục là một phần nhân cách của chúng tôi, và không tận hưởng nó tức là làm người mà không trọn vẹn. Chúng tôi không có ý định kết hôn để đáp ứng những kỳ vọng của bất kỳ người thanh giáo nào. Và chúng tôi cho rằng một cuộc đời làm nô lệ cho trinh tiết đồng nghĩa với việc chỉ là một nửa con người mà thôi.”3
Đây là trọng tâm của bức thư tôi đáp lại người này: Con người trọn vẹn nhất trên đời – trước đây và mãi về sau – là Chúa Giê-su Christ, và Ngài chưa một lần quan hệ tình dục.
Đây là một điều mang tính giải phóng mạnh mẽ với những người độc thân; bởi đôi khi họ có thể nghĩ: “Một điều mình sẽ không bao giờ có được là quan hệ tình dục, và khi không có nó, mình sẽ không trở thành tất cả những gì mình được định để trở thành.” Với suy nghĩ này, Chúa Giê-su – Đấng chưa từng lập gia đình – nói rằng: “Môn đồ không hơn thầy, nhưng nếu môn đồ được huấn luyện đầy đủ, thì sẽ giống như thầy mình” (Lu-ca 6:40). Để thật sự trở nên một con người giống như Đấng Christ, chúng ta luôn có những ngọn núi phải trèo lên, nhưng quan hệ tình dục không nằm trong số đó. Vì Ngài chưa từng biết đến điều đó. Và Ngài hoàn toàn trọn vẹn.
Lầm tưởng số 3: Cuộc sống độc thân là một bất lợi.
Phao-lô nói rằng ông ước gì mọi người đều nếm biết sự tự do phục vụ mà ông có được như một người độc thân (1 Cô-rinh-tô 7:7). Ông tiếp tục giải thích:
“Tôi muốn anh em khỏi bận tâm lo lắng. Người không lấy vợ thì chuyên lo việc Chúa, tìm cách làm vui lòng Chúa. Nhưng người có vợ thì chăm lo việc đời, tìm cách làm hài lòng vợ, và họ bị phân tâm. Đàn bà không lấy chồng, hoặc trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, tìm cách để cả thân thể và tâm linh được thánh sạch; nhưng người có chồng thì chăm lo việc đời, tìm cách làm hài lòng chồng. Tôi nói điều nầy vì ích lợi cho anh em, không phải để ngăn trở anh em, nhưng muốn hướng anh em đến điều thích hợp và không phân tâm trong sự phục vụ Chúa.” (1 Cô-rinh-tô 7:32-35)
Nhiều người độc thân cảm tạ Chúa vì lẽ thật này trong đời sống họ. Dường như biểu hiện thường thấy nhất của điều đó là họ được tự do lên kế hoạch một cách linh hoạt và chấp nhận rủi ro. Là một giáo sĩ độc thân tại Kenya, Rhena Taylor viết:
“Độc thân đã giúp tôi tự do đi lại khắp thế giới mà không cần phải thu vén cả gia đình trước. Và sự tự do này đã mang đến cho tôi những khoảnh khắc mà tôi sẽ không đổi lấy bất cứ thứ gì khác ở phía bên này của cõi đời đời.”4
Lầm tưởng số 4: Độc thân là không tốt.
Không phải lúc nào người độc thân cũng khám phá ra rằng độc thân là một ân tứ (hay món quà) khi mới bắt đầu hành trình đó. Ada Lum thừa nhận rằng phải mất cả một quá trình để cô nhận ra điều đó:
“Trong một thời gian dài, tôi đã không coi tình trạng độc thân của mình là một ân tứ từ Chúa. Nói thật là tôi không oán giận gì nó, trong giai đoạn lý tưởng trước đó, tôi cứ nghĩ mình chọn ở vậy là đang làm ơn cho Đức Chúa Trời. Nhưng trong những năm sau này, tôi nhiều lần bị thử thách về lựa chọn ấy. Sau đó, qua lời nói và cuộc đời của Phao-lô cùng những trải nghiệm về sau của mình, tôi dần nhận ra rằng Chúa đã ban cho tôi một ân tứ tuyệt vời!”5
Nhưng thường thì mọi người không coi người độc thân là người có ân tứ tuyệt vời và đặc biệt từ Đức Chúa Trời. Đôi khi người độc thân bị coi là khác thường trong hội thánh. Có lẽ người ta chỉ có thể nghĩ đến câu Kinh thánh duy nhất trong Sáng thế ký 2:18: “Con người ở một mình thì không tốt.” Kết luận: Độc thân là không tốt. Trevor Douglas thẳng thắn mô tả cái giá phải trả của việc làm một người nam độc thân trong bầu không khí như sau:
“Chúa Giê-su thừa nhận rằng cuộc sống độc thân phải trả giá đắt đến mức không phải ai cũng chịu được. Cái giá hiển nhiên phải trả là thái độ cho rằng đàn ông độc thân có thể bị đồng tính, hoặc ít nhất là hơi lập dị, và có lẽ là kỳ thị phụ nữ. Rõ ràng là xã hội Bắc Mỹ của chúng tôi được thiết kế cho các cặp đôi. Bộ tộc Ayangan Ifugaos mà tôi làm việc cùng thì không như vậy. Tuy 99% đàn ông đều có gia đình nhưng họ không coi 1% còn lại là lập dị. Giá trả về xã hội chỉ nhắm vào tôi khi tôi về nhà – trong các hội thánh, giữa vòng các Cơ Đốc nhân, những người lẽ ra phải biết rõ hơn tất cả những người khác.”6
Vâng, ở một mình là tốt hay không tốt? Nếu điều đó không tốt – không phải ý muốn Chúa – thì sao đây có thể gọi là một “ân tứ từ Đức Chúa Trời”? Sao Chúa Giê-su – Đấng không hề phạm tội – lại có thể chọn điều đó cho chính Ngài? Sao Phao-lô lại có thể nói rằng đây là vốn rất quý cho sự phục vụ? Có hai câu trả lời: Trước hết, Sáng thế ký 2:18 là một khẳng định về con người trước khi sa ngã. Có lẽ nếu không có sự sa ngã thì sẽ không có sự độc thân7 . Ai cũng có kiểu tính cách hoàn toàn tương thích với ai đó; con người và hoàn cảnh sẽ hoàn toàn phù hợp; không tội lỗi nào có thể khiến chúng ta mù quáng, cả tin hay hấp tấp; và không có Đại Mạng Lệnh – không có sự mất mát, nạn đói, bệnh tật, đau khổ – đòi hỏi người ta phải hy sinh theo cách phi thường trong hôn nhân và cuộc sống độc thân. Nhưng đó không phải thế giới của chúng ta. Cho nên đôi khi – nhiều khi – con người ở một mình cũng tốt.
Câu trả lời thứ hai: Gần như không ai phải sống thực sự cô độc cả. Đó là điểm mấu chốt của luận điểm tiếp theo. Để tôi đưa vào đây một nhìn nhận của một người độc thân khác về lời này:
Tôi tin rằng Sáng thế ký 2:18 vượt ra ngoài nguyên lý hôn nhân. Theo nguyên tắc chung, rõ ràng là người nam (hay người nữ) ở một mình là không tốt. Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta để vận hành trong các mối quan hệ. Hầu hết thì người độc thân cũng không hẳn là phải ở một mình (hay cô đơn – N.D.), ngay cả khi không có quan hệ hôn nhân. Nhiều người đã kết hôn rất cô đơn về mặt cảm xúc. Đôi khi hôn nhân khiến người ta không bị cô đơn, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Lầm tưởng số 5: Sự trưởng thành (hay chín muồi – N.D.) của tính nam hay tính nữ phụ thuộc vào việc kết hôn.
Từ Kinh thánh, chúng ta tin rằng nam tính và nữ tính bắt nguồn từ bản chất con người chúng ta. Những điều đó không chỉ ra từ mối quan hệ hôn nhân. Đàn ông không trở thành đàn ông nhờ cưới vợ. Phụ nữ không trở thành phụ nữ nhờ lấy chồng.
Nhưng rõ ràng là hình thức lãnh đạo, chu cấp và bảo vệ của một người nam tùy thuộc vào dạng quan hệ giữa một người nam với một người nữ – từ mối quan hệ hôn nhân gần gũi nhất đến mối quan hệ bình thường nhất với một người lạ mặt trên đường. Và hình thức xác nhận quyền lãnh đạo đó của một người nữ cũng tùy thuộc vào mối quan hệ. Tính nữ trưởng thành không bộc lộ chính nó theo cùng một cách với mọi người nam. Chẳng hạn, một người nữ trưởng thành không tiếp nhận dạng sức mạnh và sự lãnh đạo từ những người đàn ông khác giống như cô tiếp nhận từ chồng mình. Nhưng cô sẽ xác nhận sức mạnh và sự lãnh đạo của đàn ông dưới một dạng thức nào đó trong mọi mối quan hệ với những người đàn ông xứng đáng. Vấn đề ở đây chỉ là người độc thân có nhân dạng giới tính của họ. Đó không phải là điều chỉ xuất hiện trong hôn nhân. Không ai sẵn sàng kết hôn mà chưa khám phá ra những cách thiết thực để thể hiện tính nam hay tính nữ trưởng thành của mình.
Ghi chú:
1. Trevor Douglas, “Wanted! More Single Men,” Evangelical Missions Quarterly, tập 24, số 1 (01/1988), tr. 64–65
2. John Piper, “Condom Ads Will Promote Promiscuity, Not Good Health,” Minneapolis Star-Tribune, 21/02/1987.
3. Ở đây tôi chỉ diễn giải theo những gì mình nhớ được.
4. Rhena Taylor, Single and Whole (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 1984), tr. 71.
5. Ada Lum, Single and Human (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 1976), tr. 34
6. Douglas, “Wanted! More Single Men,” tr. 63.
7. Trong sáu mươi năm sống độc thân, Margaret Clarkson không mảy may nghi ngờ: “Tôi không thể đổ lỗi cho Chúa về tình trạng độc thân của mình. Độc thân, giống như đồng tính luyến ái, đau khổ, cái chết, và tất cả những điều khác chưa hoàn hảo trên thế giới này, không phải là kế hoạch ban đầu của Chúa cho sự sáng tạo của Ngài. Đó là một trong nhiều điều ra từ sự sa ngã của con người.” “Singleness: His Share for Me,” Christian Today, tập 23, số 10, 16/02/1979, tr. 15. Như vậy, sự độc thân của Chúa Giê-su không phải là tội lỗi mà là dự phần vào những tai ương của thế giới sa ngã, giống như sự chết của Ngài.
Bài viết này phỏng theo bài Recovering Biblical Manhood and Womanhood: A Response to Evangelical Feminism (Phục Hồi Nam Tính Và Nữ Tính Theo Kinh Thánh: Lời Hồi Đáp Chủ Nghĩa Nữ Quyền Tin Lành) do John Piper và Wayne Grudem biên tập.
John Piper là nhà sáng lập và giáo viên chính của desiringGod.org và hiệu trưởng trường Cao đẳng & Chủng viện Bethlehem. Ông đã phục vụ với tư cách là mục sư tại Hội thánh Báp-tít Bethlehem ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ và là tác giả của hơn 50 cuốn sách, trong đó có Desiring God; Don’t Waste Your Life; và Providence.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.crossway.org/articles/5-myths-about-singleness/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!