NẾU CHỒNG BẠN KHÔNG CHỊU LÀM ĐẦU THÌ SAO? – DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI NỮ CÓ NGƯỜI CHỒNG THỤ ĐỘNG
Khi Chúa kết hiệp người chồng và người vợ, Ngài tạo nên mối quan hệ đồng công độc đáo với một mục đích chính: tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách giúp nhau lên thiên đàng. Cho đến khi cái chết chia lìa họ, người chồng nên yêu thương dẫn dắt vợ mình theo Chúa Giê-su, và người vợ nên nhẹ nhàng giúp đỡ chồng mình làm điều tương tự. Họ là những người bạn đồng hành trên hành trình đến vinh quang.
Trong những giai đoạn ngọt ngào, các bạn sẽ cùng nhau tiến những bước dài. Nhưng đôi khi (hoặc thậm chí là hầu hết thời gian), bạn có thể cảm thấy như mình đang kéo lê người bạn đời của mình đi theo. Tội lỗi, buồn rầu và đau khổ đều ảnh hưởng đến hôn nhân. Khi một người chồng bỏ bê sự kêu gọi lãnh đạo vợ mình trong tình yêu thương, cô ấy có thể bị cám dỗ tuyệt vọng.
Về mặt chức năng, sự lãnh đạo thuộc linh trong gia đình không phải là công thức cứng nhắc cho mọi người. Đức Chúa Trời cho phép sự tự do và linh hoạt trong các gia đình tùy theo khả năng của những người trong đó. Tuy vậy, Chúa mong đợi một người chồng lãnh đạo bằng tình yêu hy sinh (Ê-phê-sô 5:25), tôn trọng vợ và sống lưu tâm đến nhu cầu của vợ (1 Phi-e-rơ 3:7), dịu dàng, không khắc nghiệt (Cô-lô-se 3:19), và đảm bảo lời Chúa quản trị gia đình họ (Sáng thế ký 2:15–17; Phục truyền luật lệ ký 6:4–7; Ê-phê-sô 5:26).
Nhưng điều gì xảy ra khi một người chồng không chịu lãnh đạo? Vợ anh ta nên phản ứng như thế nào? Làm sao để cô ấy theo đuổi chồng mình theo cách khích lệ chồng tìm kiếm Chúa Giê-su và sau đó là lãnh đạo cô ấy?
Bảy Phương Cách Cho Những Người Giúp Đỡ Mệt Mỏi
Tuy không có công thức nào khắc phục được tình trạng người chồng không chịu làm đầu nhưng những người vợ không phải là không có hy vọng. Là người giúp đỡ chồng, bạn không chỉ được tự do mà còn được mong đợi là khích lệ anh ấy trong việc lãnh đạo. Vì vậy, hãy cân nhắc bảy cách thiết thực mà bạn có thể giúp chồng mình lãnh đạo. Tất cả những điều này đều dành cho cá nhân bạn, nhưng bạn cần những người chị em và mục sư tin kính khác giúp mình trung tín với chúng. Đừng làm điều này một mình.
1. Cầu nguyện.
Một người chị em khôn ngoan đã từng nói về chồng mình rằng: “Nhiệm vụ của tôi là yêu anh ấy. Nhiệm vụ của Chúa là thay đổi anh ấy”. Vì chỉ Đức Chúa Trời mới thay đổi được tấm lòng nên hãy kiên trì cầu nguyện cho chồng bạn. Hãy tin rằng “với Chúa, mọi sự đều có thể” (Ma-thi-ơ 19:26).
Bạn có mong chồng mình nhiệt thành hơn với Chúa và lời của Ngài không? Hãy cầu nguyện. Bạn có hy vọng chồng quan tâm đến sức khỏe thuộc linh của bạn và âu yếm theo đuổi bạn không? Hãy cầu nguyện. Bạn có mong muốn chồng thể hiện sự nhạy bén thuộc linh và hướng về thiên đàng nhiều hơn không? Hãy cầu nguyện. Bạn có khao khát chồng khởi xướng các buổi lễ bái gia đình hay thể hiện nhiều niềm sự vui mừng hơn trong Chúa không? Hãy cầu nguyện. Bạn có muốn chồng phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa với những người nam tin kính khác không? Hãy cầu nguyện.
Những người vợ có thể làm nhiều điều hơn là cầu nguyện cho chồng mình, nhưng chắc chắn họ không nên làm ít hơn. Một người vợ cầu nguyện là người bạn tốt nhất của chồng. Nhưng anh ấy không phải là người duy nhất cần sự cầu nguyện. Bạn cũng cần ân điển nâng đỡ và mạnh sức của Chúa.
Bạn có cần sự khôn ngoan để giúp chồng mình bước theo Chúa không? Hãy cầu nguyện. Bạn có cần lòng can đảm để tin cậy Chúa khi mọi việc không suôn sẻ không? Hãy cầu nguyện. Bạn có cần sự khiêm nhường để không trở nên kiêu ngạo và tự cho mình là đúng không? Hãy cầu nguyện. Bạn có cần ân điển để vun đắp một tấm lòng dịu dàng và mềm mại không? Hãy cầu nguyện.
Bạn có cần sức lực để chịu đựng khi hy vọng trở nên mong manh không? Hãy cầu nguyện. Chúa Giê-su đảm bảo với chúng ta rằng: “Ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5). Vì vậy, nếu có bất cứ điều gì phải trở thành đặc điểm của bạn thì hãy để đó là sự cầu nguyện.
2. Giữ những kỳ vọng thực tế.
Những kỳ vọng không được đáp ứng thường sinh ra thất vọng. Bạn mong đợi sự lãnh đạo của anh ấy sẽ như thế nào? Một số kỳ vọng là thực tế, như vẫn trung thành với giao ước hôn nhân (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14; Hê-bơ-rơ 13:4), tham dự các buổi nhóm của hội thánh (Hê-bơ-rơ 10:24–25) và hướng con cái mình đến với Chúa Giê-su (Ê-phê-sô 6:4). Đức Chúa Trời truyền lệnh cho anh ấy làm những điều này. Nhưng một số kỳ vọng là không thực tế. Không phải ông chồng nào cũng khởi xướng giờ cầu nguyện buổi sáng bên tách cà phê hoặc đưa gia đình đi truyền giáo. Không phải tất cả những người chồng đều sẽ đọc sách vào ban đêm bên lò sưởi hoặc lên lịch hẹn hò hàng tuần. Bạn có thể mong muốn chồng mình lãnh đạo theo những cách tốt đẹp, thậm chí là khôn ngoan, nhưng Chúa không yêu cầu những điều đó.
Giao tiếp có thể giúp làm rõ những kỳ vọng. Bạn đã khiêm nhường dành thời gian với Chúa và những người chị em tin kính để nhìn ra những kỳ vọng lành mạnh trong hôn nhân chưa? Bạn đã cùng chồng thảo luận xem đâu là cách tốt nhất để hai vợ chồng bạn bước theo Chúa Giê-su chưa? Bạn đã hỏi xem anh ấy có cân nhắc gặp một người nam tin kính khác để nói về những kỳ vọng thực tế đối với sự lãnh đạo của mình và sự giúp đỡ của bạn không? P
hát triển và đặt những kỳ vọng của bạn dựa trên Kinh thánh, không phải trên những gì người khác làm hoặc những gì bạn muốn chồng mình làm. Hãy khôn ngoan lựa chọn thời điểm thích hợp để chia sẻ những ước mơ và mong muốn của bạn, nhưng đừng áp cho anh ấy một tiêu chuẩn mà Chúa không đặt ra.
3. Giữ tấm lòng của bạn.
Khi bạn giúp chồng mình, hãy giữ tấm lòng bạn bạn khỏi sự cám dỗ. Phao-lô đã cảnh báo những người trưởng thành về mặt thuộc linh ở Ga-la-ti: “Anh em phải thận trọng, kẻo chính mình cũng bị cám dỗ” (Ga-la-ti 6:1). Những cám dỗ nào có thể đi kèm với nỗ lực của bạn? Tôi sẽ gợi ra tám điều.
Kiêu ngạo: Bạn có coi thường chồng mình vì bạn bước theo Chúa tốt hơn anh ấy không?
Cho rằng mình có quyền: Bạn có cảm thấy Chúa nợ bạn không? Bạn có nghĩ rằng lòng chung thủy của bạn với anh ấy trước khi kết hôn (hoặc sau đó) đã giúp bạn đạt được điều gì đó tốt hơn những gì anh ấy đã cho bạn trong cuộc hôn nhân không?
Thờ ơ: Bạn có trở nên lạnh lùng và vô tâm với chồng mình không? Bạn đang làm cho có lệ hay đang phấn đấu bằng đức tin?
Thao túng: Bạn có sử dụng tình dục, sự dọn dẹp, việc chi tiêu hoặc bất cứ điều gì khác với hy vọng thay đổi anh ấy không? Việc phục vụ Chúa Giê-su một cách tự nguyện có quan trọng hơn việc thay đổi chồng bạn không?
Cay đắng: Tâm hồn bạn có sôi sục vì oán giận anh ấy không? Bạn có mơ thấy mình không ở bên chồng — hoặc tệ hơn, mơ chồng chết không? Bạn có từ chối làm điều tốt đẹp cho chồng để anh ấy khó chịu không? Bạn có trừng phạt anh ấy một cách chủ động hay thụ động không?
Thiếu tôn trọng: Bạn có thiếu tôn trọng chồng vì bạn không thấy anh ấy đáng tôn trọng không? Bạn có nói lời gay gắt khi chỉ có hai vợ chồng không? Bạn có hạ bệ chồng trước mặt mọi người không?
Tham lam: Bạn có so sánh chồng mình với những người đàn ông khác không? Bạn có mộng tưởng về cuộc sống khi ở bên một người đàn ông khác không?
Ngoại tình: Bạn có quá gần gũi với người khác không? Bạn có đủ khiêm nhường để biết rằng ngay cả bạn cũng có thể bị dụ dỗ ngoại tình không?
Sa-tan là kẻ rình mò nhẫn nại với những âm mưu gian xảo. Hãy cảnh giác và trung thực với cả những người chị em tin kính khác và chồng bạn để giúp bạn chống lại những sự tấn công.
4. Khuyến khích anh ấy.
Bạn luôn có thể tìm ra những điểm mà chồng mình thiếu kém. Và có lúc bạn phải giúp anh ấy nhìn thấy tội lỗi và khuyết điểm của mình (Ma-thi-ơ 18:15; Lu-ca 17:3). Nhưng bạn có thường xuyên nêu bật những điểm đáng khích lệ trong đời sống chồng mình không? Bạn đã xin Chúa giúp bạn nhìn thấy những lĩnh vực mà anh ấy đang tăng trưởng (dù chỉ một chút) để bạn có thể khích lệ chồng một cách cụ thể chưa? Bạn có nhìn thấy những ân tứ của chồng và khen ngợi chồng vì cách anh ấy sử dụng chúng không? Bạn có thường xuyên cảm ơn chồng mình vì những điều tốt đẹp mà anh ấy làm không? Sự khích lệ của bạn dành cho chồng có lớn hơn sự chỉ trích của bạn đối với anh ấy không? Chồng bạn có cảm thấy chắc chắn rằng bạn đang ở bên anh ấy không? Bạn có đang như vậy không?
Nếu bạn không thể nghĩ ra bất cứ điều gì khích lệ thì hãy xin Chúa giúp bạn nhìn thấy và loại bỏ bất kỳ cây đà nào có thể đang che mắt bạn (Ma-thi-ơ 7:1–5). Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ bạn. Hãy xin Ngài cho bạn thấy cách Ngài đang hành động trong chồng bạn để bạn có thể khích lệ anh ấy.
5. Tra xét chính mình.
Tuy bạn không bao giờ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động hoặc sự ì ạch nào của anh ấy nhưng vẫn nên hỏi xem bạn có đang làm gì đó vô bổ không. Liệu bạn có khiến việc lãnh đạo của anh ấy trở nên khó khăn theo bất cứ cách nào không? Bạn có phải là người cầu kỳ, khắt khe hay hạ thấp phẩm giá không? Làm sao để bạn khiến việc lãnh đạo của anh ấy trở nên thú vị hơn? Hãy hỏi anh ấy. Hãy cân nhắc thảo luận những câu hỏi này với một người chị em tin kính khác để đảm bảo rằng tấm lòng của bạn trong sạch nhất có thể trước mặt Đức Chúa Trời.
6. Nhẹ nhàng thúc giục chồng.
Sự thuận phục không phải là sự kêu gọi thụ động hay phục dịch mà là sự kêu gọi phát triển dưới sự che chở của chồng. Điều này có nghĩa là bạn được tự do và thậm chí đôi khi có trách nhiệm khởi xướng cho gia đình mình theo đuổi Chúa. Sự lãnh đạo của anh ấy được hỗ trợ bởi sự giúp đỡ tích cực của bạn. Biết bao lần Chúa đã dùng những gợi ý chu đáo và tấm gương tin kính của vợ tôi để giúp tôi tiến lên.
Có lẽ bạn có thể mời anh ấy sử dụng một buổi tối theo cách khác: “Em nghĩ tối nay mình sẽ đọc sách và cầu nguyện thay vì xem ti vi. Anh cứ nghỉ ngơi hoặc có thể cùng làm với em.” Hoặc “em nghĩ chúng ta có thể đọc một số đoạn Kinh thánh với bọn trẻ sau bữa tối nay. Anh có gợi ý nào không?” Hoặc “Em nghĩ Chúa muốn chúng ta chia sẻ đức tin của mình với những người hàng xóm. Anh nghĩ sao về việc mời họ đến ăn tối?”
Hãy cầu nguyện và cân nhắc những cách sáng tạo để khuyến khích các mối quan hệ tin kính cho chồng bạn. Đề nghị anh ấy dành buổi tối đi chơi với những người bạn trong hội thánh. Hãy cân nhắc hỏi anh ấy xem hai người có thể cùng hẹn hò với một cặp đôi có thể ảnh hưởng tốt đến gia đình bạn không. Hãy sẵn sàng hy sinh, nếu bạn có thể, để những mối quan hệ này diễn ra.
Thường có một ranh giới mong manh giữa cố gắng giúp đỡ và thao túng. Đôi khi bạn sẽ trượt qua ranh giới đó, nhưng ân điển của Chúa luôn dư dật, và Ngài sẽ giúp đỡ bạn (Hê-bơ-rơ 4:14–16).
7. Coi trọng triển vọng tương lai và sự kiên trì.
Sự thay đổi hiếm khi diễn ra nhanh chóng. Chờ đợi có thể rất đau đớn, đặc biệt là khi bạn cảm thấy mình đang héo mòn. Nhưng hãy nhớ rằng Chúa không chỉ hành động trong chồng bạn. Ngài cũng đang hành động trong bạn. Khi bạn chờ đợi Chúa, hãy nhớ rằng có rất nhiều cơ hội để bạn phát triển. Một số người nữ tin kính nhất mà tôi biết là những người đã phải chịu đựng những khoảng thời gian dài đầy thử thách với những người chồng ngủ mê về thuộc linh. Khi họ chờ đợi, Chúa đã giúp họ ngày càng khao khát Chúa Giê-su – chứ không phải chồng mình hơn. Hãy nhớ rằng: bạn không cần chồng mình trở thành người mà chỉ có Chúa Giê-su mới có thể trở thành.
Dù hoàn cảnh của bạn có như thế nào, hãy tiếp tục hướng về Chúa Giê-su và cầu xin Ngài vun đắp đức tin của chồng bạn. Và khi bạn làm vậy, đức tin của bạn cũng sẽ tăng trưởng. Tại sao? Bởi vì bạn tập trung vào vinh quang của Chúa Giê-su, chứ không phải nỗi sầu khổ của hoàn cảnh. Ở đây, bạn sẽ trưởng thành trong sự cầu nguyện, tìm thấy niềm vui trong Đức Chúa Trời và ngày càng nương cậy nơi Ngài.
Trông mong đến Ngày đó
Bên cạnh bảy gợi ý này, tôi sẽ nói thêm một lời ngắn gọn về những cuộc hôn nhân nguy hiểm. Sống với một người tội lỗi sẽ rất khó khăn và đáng thất vọng. Bất kỳ tội lỗi nào chống lại chúng ta đều gây tổn thương. Tuy nhiên, một số cuộc hôn nhân thực sự nguy hiểm vì người chồng làm tổn thương vợ mình bằng lời nói, hành động hoặc tình dục. Tuy bạn phải cẩn thận không làm chứng dối chống lại chồng mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16) nhưng Chúa không kêu gọi bạn phải chịu tổn hại thực sự trong im lặng. Ngài đã ban các mục sư và những người cảnh sát để bảo vệ bạn (Công vụ 20:28–30; Rô-ma 13:4). Nếu bạn thực sự gặp nguy hiểm, hãy tìm đến sự giúp đỡ.
Nhưng đối với tất cả những người vợ khác, hãy nhớ rằng một ngày nào đó sớm thôi, bạn và chồng mình sẽ đứng trước Chúa Giê-su. Vào ngày trọng đại đó, bạn sẽ phải trả lời – không phải về cách anh ấy đã sống mà về cách bạn đã sống. Hãy nương cậy ân điển của Chúa ngay hôm nay, dù có bất cứ khó khăn gì. Bởi vì khi bạn nghe câu: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm!”, mọi nỗi đau của bạn sẽ trở nên đáng giá. Và, nếu Chúa muốn, chồng bạn sẽ nhìn bạn và nói, “Nhờ có em giúp đỡ mà anh đã có bản khai trình đẹp hơn. Cảm ơn em.” Chúa có thể làm điều đó. Hãy tiếp tục tin tưởng.
Garrett Kell là tác giả của cuốn sách Pure in Heart: Sexual Sin and the Promises of God (Tấm Lòng Trong Sạch: Tội Lỗi Về Tình Dục Và Những Lời Hứa Của Đức Chúa Trời). Ông cũng là mục sư của Hội thánh Del Ray Baptist Church ở Alexandria, Virginia, Hoa Kỳ. Garrett và Carrie, vợ mình có bảy người con.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.desiringgod.org/articles/what-if-he-wont-lead
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!