VỀ VIỆC CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG
Giangluankinhthanh.net – Tiến sỹ Haddon W. Robinson là giáo sư cao cấp bộ môn Tuyên Đạo Pháp của chủng viện thần học Gordon-Conwell, Massachusetts. Ông được coi là bậc thầy kỳ cựu trong lĩnh vực giảng đạo ở Hoa kỳ, các sách giáo khoa của ông được sử dụng trong nhiều chủng viện ở Mỹ. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của ông cho tạp chí Ministry vào ngày 12/12/2012.
Câu hỏi: Làm sao chúng ta có thể vừa đáp ứng các đòi hỏi của công tác chăn bầy vừa chuẩn bị bài giảng tốt?
Trả lời: Bạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên thôi. Bạn không thể chỉ ở ngoại biên. Bạn phải có trọng tâm. Nếu không quyết định trọng tâm chức vụ của bạn là giảng giải Lời Đức Chúa Trời thì một cái gì đó khác sẽ là trọng tâm. Và rất dễ để cái gì đó khác ấy chiếm vị trí trọng tâm bởi vì thường thì chúng ta thích việc đó hơn là chuẩn bị bài giảng. Bạn có thể đi ra, có thể thăm viếng, hoặc có thể làm đủ thứ; và nếu bạn không ưu tiên cho việc chuẩn bị bài giảng, thì bạn sẽ làm những thứ khác kia. Tất cả chúng ta đều biết sự cám dỗ ấy: bạn đi công tác, bạn đang phải học thêm, và bạn tự hỏi: “Mình đang nghiên cứu sách Áp-đia làm cái gì cơ chứ?” Rồi ai đó gọi điện và muốn nhờ bạn đưa họ đến bệnh viện, và bạn phải đi thôi. Đôi khi không phải vì bạn đầy lòng thương xót, mà bởi vì làm việc ấy dễ hơn là phải chuẩn bị bài giảng từ sách Áp-đia.
Câu hỏi: Như là một giáo viên, người ta thường đặt cho ông những câu hỏi nào?
Trả lời: Câu hỏi lớn mà bạn phải hỏi là: “Bạn đang va chạm với lối tư duy nào khi chuẩn bị bài giảng?” Nếu bạn chỉ cho lớp các đề mục La mã, thêm chút tin quảng cáo, thêm vài câu chuyện, thì bài giảng của bạn rất vụn vặt. Nó không có sự kết nối. Chỉ nói với các học viên rằng “Bạn cần có ba ý” thì chưa đủ. Đó chưa phải là tư duy; đó mới chỉ là sắp xếp trình tự. Đôi khi có sinh viên đề nghị: “Thầy dạy em giảng đi,” và có ý là “Hãy dạy em soạn bài giảng.” Kết cục là bạn có bài giảng như một bộ đồ nhà bếp. Tuần nào bạn cũng làm một việc giống nhau. Vì vậy tôi nghĩ phần lớn của việc giảng dạy phải dành để dạy người ta cách nghĩ. Vấn đề là người ta không có cách nghĩ giống bạn đâu.
Câu hỏi: Vậy, ông dạy họ nghĩ sáng tạo bằng cách nào?
Trả lời: Một cách tôi làm là nói về thể văn tường thuật. Tường thuật là một cách để cho người ta thấy nhân vật trong bản văn này đang làm điều đó như thế nào. Vậy nên câu chuyện của Giô-sép khác với câu chuyện của Gia-cốp. Rồi bạn đến với bản văn và nói: “Sa-ra đang làm gì ở đây? Trước giả đang cố gắng làm điều gì?” Nếu tôi đọc một tiểu thuyết của John Grisham, và bạn hỏi tôi: “Tiểu thuyết này nói về cái gì?” mà tôi trả lời rằng: “Có ba điều tôi học được từ tiểu thuyết này” thì là tôi chưa trả lời điều bạn đang hỏi. Tôi sẽ nói rằng câu chuyện ấy diễn ra tại thành phố New York, ở một phiên tòa trong đó một người yếu thế đang bị một hãng luật lớn mạnh chống lại. Bạn nghe qua nội dung, rồi bạn có thể hỏi: “Thế đại ý là về cái gì?” Tôi có lẽ sẽ trả lời: “Điều tác giả đang làm: tôi nghĩ ông ấy đang cố gắng giúp chúng ta nhận thức rằng sống ngay thẳng trong một thế giới cong quẹo là khó đến dường nào. Và tác giả nói điều đó trong một số cách.” Nói thế khác với nói “Có ba điều chúng ta có thể học hỏi.”
Câu hỏi: Không xét tới độ tuổi hoặc kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào cho những người phải giảng hằng tuần?
Trả lời: Có lẽ tôi sẽ nói với họ rằng bạn không ý thức được rằng mình đóng vai trò chiến lược đến mức nào đâu. Đa số dân sự hội thánh có được hiểu biết về Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh và Đấng Christ từ bạn. Họ có thể tĩnh nguyện hằng ngày, nhưng đó không phải là nơi để tâm trí họ được định hình. Vậy nên đến trước họ và làm họ cảm thấy buồn tẻ là cũng đang nói điều gì về Chúa đấy. Sự buồn tẻ không đơn thuần là truyền đạt kém – nó còn phá hủy sự sống và hy vọng. Kinh thánh là Lời Thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng thánh không có nghĩa là buồn tẻ. Thánh có nghĩa là được biệt riêng ra để dạy tôi về Đức Chúa Trời, dạy người ta về Đức Chúa Trời.
Tôi có thể khiến họ vui vẻ trong khi giảng; nhưng nếu tôi chỉ khiến họ vui vẻ mà không dạy họ về Đức Chúa Trời khi tôi mở bản văn ra thì tôi đã phục vụ Chúa không tốt. Nhưng rất dễ quên điều đó khi phải làm hết tuần này qua tuần khác, lại qua tuần khác nữa. Bạn giảng không phải vì bạn có điều gì đó để nói, mà bởi vì bạn phải nói điều gì đó. Đó là nỗi thống khổ của việc giảng đạo. Và mỗi người giảng đạo nghiêm túc đều cảm thấy điều đó. Có tuần mở đoạn Kinh thánh ra và bạn đã thấy điều đó. Nhưng có những tuần khác bạn tự hỏi: “Đoạn này nói về cái gì đây? Và nếu tôi hiểu rồi, làm sao để tôi truyền đạt hiệu quả? Rất hiếm khi những câu hỏi lớn được đặt ra, nhưng nếu chúng được đặt ra thì đó chính là “điểm đau” (the point of pain) của người nghe. (1)
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
(1) Điểm đau (paint point) của khách hàng là một khái niệm trong marketing, hàm ý một vấn đề cụ thể mà khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp đang gặp phải.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Cảm tạ Chúa, cám ơn đội ngũ Ba-rúc, cầu Chúa thêm ơn cùng sức mới trên các bạn.
Mong muốn cần có nhiều bài chuyển ngữ của Giáo sư Tiến sỹ Haddon W. Robinson.
Tôi rất ấn tượng lời của Giáo sư “Bạn giảng không phải vì bạn có điều gì đó để nói, mà bởi vì bạn phải nói điều gì đó.” Cảm ơn Chúa