TÔI CÓ THỂ THUẬN PHỤC CÁC TRƯỞNG LÃO MỘT CÁCH CHÍN CHẮN KHÔNG?
Khi đọc thấy trong Kinh thánh rằng các thành viên trong hội thánh phải thuận phục những người lãnh đạo mình (chẳng hạn như Hê-bơ-rơ 13:17), bạn có rùng mình tưởng tượng ra cảnh khúm núm phục tùng cả những yêu cầu không đúng Kinh thánh không? Khi nghe thấy Lu-ca khen ngợi người Bê-rê vì đã xét xem lời Phao-lô giảng có đúng không, bạn có nghĩ điều đó khuyến khích các thành viên trong hội thánh tự định đoạt xem mình cần tôn trọng những phần nào trong sự lãnh đạo mục vụ?
Cả hai phản ứng đó đều sai.
Nhưng Kinh thánh thực sự đòi hỏi chúng ta vừa thuận phục, vừa biết cân nhắc. Hai nguyên tắc đó thật khó để dung hòa, chúng ta không được khước từ thẩm quyền đúng đắn hoặc thoái thác trách nhiệm lắng nghe một cách khôn ngoan. Phải có một cách khác nữa.
Những lời răn bảo cuối trong sách Hê-bơ-rơ kêu gọi các thành viên trong hội thánh thuận phục những người lãnh đạo mình và thực hành sự phân biệt bằng việc không để “các loại giáo huấn khác lạ lôi cuốn mình” (Hê-bơ-rơ 13:9). Chúng ta phải thuận phục một cách có cân nhắc.
Thuận phục chín chắn là gì?
Thuận phục chín chắn là thực hành tôn trọng và vâng theo thẩm quyền đúng đắn trong hội thánh nhưng vẫn bước đi cách khôn ngoan theo Kinh thánh với Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đòi hỏi những người tin Ngài phải phải thuận phục
Trước giả sách Hê-bơ-rơ nói rằng “Hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và thuận phục họ, bởi họ canh giữ linh hồn anh em như người sẽ phải khai trình” (13:17). Chúng ta phải tin cậy họ, lắng nghe họ, và chú ý đến những dạy dỗ theo Kinh thánh của họ. Trong lời hứa nguyện truyền thống dành cho thành viên hội thánh, các thành viên cần hứa “thuận phục sự quản trị của hội thánh” cùng “sự khuyên răn và kỷ luật của hội thánh” trong trường hợp đáng buồn là cá nhân họ sa ngã.
Các lãnh đạo hội thánh là những người coi sóc dưới quyền Đấng Christ (Công vụ 20:28), được Ngài giao nhiệm vụ dùng các chìa khóa của vương quốc để buộc và mở dưới đất như Ngài làm điều đó ở trên trời qua việc giảng Lời Chúa và thực hành kỷ luật hội thánh (Ma-thi-ơ 16:19). Đây là một mạng lệnh đầy thách thức. Những người lãnh đạo của chúng ta là những con người bình thường và còn thiếu sót; họ là những người có cùng địa vị nhưng mang thẩm quyền của Đấng Christ. Nhưng khi yêu mến và thuận phục họ, chúng ta thể hiện rằng mình yêu mến và thuận phục Đức Chúa Trời (xem 1 Giăng 4:20).
Nhưng thuận phục không phải là khúm núm phục tùng.
Đức Chúa Trời đòi hỏi những người tin Ngài phải biết phân biệt
Phong trào Cải chánh bác bỏ quan niệm của Công giáo La Mã về việc tin cậy tuyệt đối, hay tin tưởng mù quáng vào giáo lý của giáo hội. Nhà thần học Cải chánh thế kỷ XVII Francis Turretin lập luận rằng các lãnh đạo Công giáo La Mã cậy Kinh thánh để có thể “dễ dàng… khuất phục dân chúng bằng sự vâng phục mù quáng”. Nhưng Đức Chúa Trời kêu gọi các Cơ Đốc nhân trung tín “tăng trưởng trong ân điển và sự hiểu biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-su Christ” (2 Phi-e-rơ 3:18). Điều này đòi hỏi chúng ta không chỉ thừa nhận những gì mà một lãnh đạo hội thánh nói.
Những người Bê-rê “thượng lưu” thể hiện sự phân biệt này: “họ nhiệt thành tiếp nhận đạo, ngày nào cũng nghiên cứu Kinh Thánh để xét xem lời giảng có đúng không” (Công vụ 17:11). Qua việc không để những ý kiến của con người cai trị mình, họ minh họa cho sự kêu gọi của tất cả các tín đồ là dự phần trong sự xức dầu tế lễ của Đấng Christ, đấu tranh “với lương tâm trong sáng chống lại tội lỗi và ma quỷ”, theo lời của một cuốn sách huấn giáo Cải chánh. Người Bê-rê không có cuốn Kinh thánh nào cả; họ không tự mình xét đoán sự dạy dỗ của người sứ đồ. Sở hữu một cuốn Kinh thánh, đọc Kinh thánh và tự mình định đoạt ý nghĩa của Kinh thánh không phải là cách của người Bê-rê. Thay vào đó, chúng ta cần cùng nhau tra xét Kinh thánh, như một “hội thánh, dưới sự lãnh đạo của các mục sư và trưởng lão, sau khi tham khảo ý kiến của cộng đồng Cơ Đốc trong quá khứ và hiện tại.”
Vì thuận phục có cân nhắc là điều rất quan trọng nên bạn phải ở trong một hội thánh tương ứng với những niềm tin theo Kinh thánh của bạn. Và nếu sau đó, bạn thấy những niềm tin cốt lõi của mình không tương ứng với những niềm tin đó của đội ngũ lãnh đạo thì bạn có thể tìm một hội thánh mới mà mình có thể thuận phục với lương tâm trong sáng. Đức Chúa Trời muốn những người tin Ngài ân cần thuận phục những người lãnh đạo mình như những người tự do trong Đấng Christ (1 Phi-e-rơ 2:16).
Tôi có thể thực hành sự thuận phục có cân nhắc bằng cách nào?
Một số kỷ luật Cơ Đốc có thể giúp ích cho chúng ta khi chúng ta cố gắng dung hòa sự căng thẳng giữa thuận phục và tự do Cơ Đốc có cân nhắc.
1. “Nhờ ân điển được vững mạnh” (Hê-bơ-rơ 13:9).
Tất cả chúng ta cần tăng trưởng trong sự dạy dỗ Cơ Đốc đích thực, nếu không chúng ta sẽ bị “cuốn theo luồng gió học thuyết” (Ê-phê-sô 4:14). Nhưng chúng ta nên dùng Kinh thánh, đặc biệt là Lời Chúa được giảng ra, không phải như đạn dược để châm ngòi cho bất đồng mà như một phương tiện ân điển để củng cố đức tin của mình trong Đấng Christ. Thay vì tìm ra những thiếu sót của người giảng đạo (xem Lu-ca 11:54), chúng ta phải lắng nghe như những người đi tìm vàng, hăm hở đãi vàng, suy xét những gì mình nghe được với lòng khoan dung ra từ Đức Thánh Linh.
Việc tăng trưởng trong ân điển trang bị cho chúng ta để “đi với Ngài (Chúa Giê-su) ra bên ngoài trại quân để đồng chịu sỉ nhục với Ngài”, ngay cả trong cam kết thuận phục của mình (Hê-bơ-rơ 13:13). Chúng ta cần cầu nguyện Chúa ban cho ân điển để “thuận phục nhau” “vì kính sợ Đấng Christ” (Ê-phê-sô 5:21) và cho những người lãnh đạo “ăn ở trọn lành trong mọi sự” (Hê-bơ-rơ 13:18).
2. Phân biệt các vấn đề.
Các thành viên trong hội thánh sẽ thấy khó để “a-men” với sự giảng luận và lãnh đạo của những người coi sóc mình, nhưng bằng những cách khác nhau tùy theo vấn đề. Chẳng hạn, với một số vấn đề, bạn không được chấp nhận sự bất đồng. Phao-lô đã đối chất Phi-e-rơ cách chính đáng khi Phi-e-rơ chối bỏ Tin lành (Ga-la-ti 2:11-14). Dự phần trong chức tế lễ của một tín đồ, Cơ Đốc nhân phải bảo vệ lẽ thật trước sai lầm. Nhưng thường thì những thiếu sót trong lãnh đạo không đến nỗi hệ trọng. A-pô-lô chẳng hạn, ông là một nhà giảng đạo có năng lực nhưng không hoàn hảo. Nên “khi Pê-rít-sin và A-qui-la nghe ông giảng, họ đem ông về nhà, giải nghĩa đạo Đức Chúa Trời cho ông kỹ càng hơn” (Công vụ 18:24-28). Những người lãnh đạo tốt sẽ hoan nghênh sự giúp đỡ dạng như vậy.
Một số sự tranh chiến giữa chúng ta với những người lãnh đạo thậm chí còn kém quan trọng hơn nữa. Những khác biệt về tính cách có thể khiến cho quá trình lãnh đạo và thuận phục trở nên phức tạp. Đừng để những vấn đề không thiết yếu phá vỡ sự bình an và để Ma quỷ có cơ hội chen vào đời sống hội thánh.
3. Đặt những câu hỏi.
Những lúc phải vật lộn để đầu phục những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, các môn đồ đã đặt ra những câu hỏi hữu ích (xem Ma-thi-ơ 19:25). Những câu hỏi thành thật có thể làm rõ thêm vấn đề, bằng cách khiến trí óc của người đặt câu hỏi trở nên sắc bén hơn hoặc củng cố sự dạy dỗ của người lãnh đạo.
Tuy vậy, đôi khi khiêm tốn đặt ra những câu hỏi sâu sắc cũng không khiến lương tâm của bạn thỏa mãn. Ngay cả vậy, vẫn có cách để phản đối cho thích hợp. Trong cơ cấu lãnh đạo công bằng có quy trình kháng cáo thích hợp. Các lãnh đạo hội thánh phải sẵn sàng làm rõ hoặc ăn năn về những dạy dỗ của mình – có lẽ là qua tác động của những người lãnh đạo khác mà họ có trách nhiệm giải trình (xem Công vụ 15:1-35). Đặt những câu hỏi quan trọng không phải là bất chấp mà là điều cần thiết để phục tùng cách có cân nhắc.
4. Tin cậy “Đấng Chăn Chiên Lớn” (Hê-bơ-rơ 13:20).
Đức Chúa Trời sẽ “cung ứng cho anh em mọi ơn lành để làm theo ý muốn Ngài, và thực hiện điều đẹp ý Ngài trong chúng ta qua Đức Chúa Giê-su Christ. Nguyện vinh quang quy về Ngài đời đời vô cùng!” (Hê-bơ-rơ 13:21). Bạn có tiếp nhận lời hứa của Chúa Giê-su rằng sự thuận phục có cân nhắc của bạn sẽ đem lại sự “vui vẻ” cho các lãnh đạo hội thánh và “ích lợi” lớn cho bầy chiên (c. 17; so sánh với Phi-líp 2:29)? Bạn có tin rằng một tinh thần thuận phục “dịu dàng, yên lặng”, được Thánh Linh Chúa vận hành từ bên trong “là điều quý giá trước mặt Đức Chúa Trời” không (1 Phi-e-rơ 3:4)?
Chúa Giê-su đang dẫn hội thánh Ngài vào sự khôn ngoan trọn vẹn theo một chương trình hoàn hảo. Chương trình đó bao gồm sự chăn bầy trung tín và sự thuận phục khôn ngoan của bầy chiên Đức Chúa Trời. Bạn phải thuận phục những người lãnh đạo mình trong những vấn đề mà Chúa đã ban cho họ thẩm quyền để quyết định: Họ không thể chỉ định chế độ ăn cho bạn (Mác 7:14-21). Nhưng họ có thể kỷ luật bạn vì tội ngoại tình (c. 21). Nhưng bạn không nên thuận phục một cách thiếu suy nghĩ. Đây là một sự quân bình thật mong manh mà bạn cần giữ vững. Nhưng làm vậy là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, nên hãy biết chắc rằng Chúa Giê-su sẽ giúp bạn, đồng thời hành động thuận phục có cân nhắc sẽ khiến bạn ngày càng gần gũi với Ngài hơn.
Tác giả bài viết: William Boekestein là mục sư Hội thánh Immanuel Fellowship tại Kalamazoo, Michigan, Hoa Kỳ và là tác giả của một số cuốn sách, trong đó có Glorifying and Enjoying God: 52 Devotions through the Westminster Shorter Catechism và Finding My Vocation: A Guide for Young People Seeking a Calling.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Quan điểm bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc.
Vui lòng gởi bài giảng kinh thánh qua email giúp tôi
Vui lòng gởi bài giang các muc su vao email giúp toi ah