TẦM THƯỜNG NHƯNG PHI THƯỜNG – Tôn Trọng Công Việc Chậm Rãi Của Đức Chúa Trời
Người mẹ trẻ một mình chăm con nhỏ, người đầy mồ hôi, nước tè và nước dãi. Cuộc sống dường như chẳng có gì đáng nói và cứ lặp đi lặp lại như vậy. Đống quần áo lù lù trước mắt. Máy rửa bát đầy ặc, miếng tã đầy cần phải thay. Những năm đầu làm cha mẹ cứ như lấy cái muỗng con mà múc hết nước ra khỏi bồn tắm vậy: quá lâu và quá chậm.
Ai chăm sóc bố mẹ già thì mệt mỏi rã rời. Bà đã ăn chưa? Ông đã uống thuốc chưa? Vợ chồng mình có đủ tiền thuê người chăm khi ra viện không? Mình mà nghỉ chăm vài ngày thì ai chăm ông bà? Chẳng có nhiều người hò reo cổ vũ trên con đường gian khổ này. Chúng ta làm điều này vì tình yêu, nhưng thể chất và tinh thần thì kiệt quệ.
Người đàn ông tuổi trung niên làm việc không ngơi nghỉ. Anh không yêu công việc hiện thời, nhưng nó giúp anh trả tiền điện nước và mua đồ ăn. Mỗi năm anh lại đau nhức người rồi đau lưng thêm một chút. Anh làm việc quần quật để chu cấp cho những người mình yêu thương, nhưng lại tự hỏi liệu đây có phải tất cả không. Tại sao cuộc sống lại trở nên vô nghĩa đến vậy?
Cô gái hai mấy tuổi tốt nghiệp với tấm bằng đại học trong tay, nhưng các nhà tuyển dụng không mấy ấn tượng, công việc thì khó nắm bắt, lương lại thấp. Cô chấm công tại một quán cà phê gần nhà, chờ các phòng nhân sự gọi lại. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy không ngờ mình sẽ phải pha cà phê sữa yến mạch cả ngày. Tiếp theo là gì đây?
Liệu Đức Chúa Trời có đang hành động giữa những khoảnh khắc tầm thường của cuộc sống không?
Những mùa lặp đi lặp lại, đơn điệu và bất định có thể khiến chúng ta thắc mắc. Đây có phải là điều mình được kêu gọi không? Mình nên làm gì đó khác hay tiếp tục con đường quen thuộc này? Đôi khi, Chúa sử dụng sự bồn chồn để đánh thức chúng ta. Chúng ta nên làm điều gì đó khác đi. Chúa đang thúc đẩy chúng ta và sử dụng sự bất định này này để đưa chúng ta đến nơi chúng ta cần đến. Nhưng trong những trường hợp khác, sự khôn ngoan mách bảo rằng chúng ta nên ở lại và tiếp tục tiến bước. Tuy nhiên, có thể chúng ta vẫn tự hỏi: Liệu Đức Chúa Trời có đang hành động không?
Chúng ta biết câu trả lời đúng là có, nhưng nếu chúng ta không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự hiện diện của Chúa thì sao? Chúng ta có thể tìm đâu để thấy sự đảm bảo nào đó rằng Chúa đang hành động giữa những khoảnh khắc tầm thường của đời sống mình?
Kiên nhẫn trong khó nhọc
Đầu tiên, Kinh thánh nhắc nhở chúng ta phải kiên nhẫn trong sự khó nhọc của mình. Chúa Giê-su dạy các môn đồ Ngài rằng đời sống Cơ Đốc giống như nghề nông. Hạt giống Lời Chúa, khi được gieo trên đất tốt, sẽ “nhờ sự nhẫn nhục mà được kết quả” (Lu-ca 8:15). Phải mất nhiều năm để đạt đến độ trưởng thành. Bộ rễ cần thời gian để đâm sâu. Thân cây cần thời gian để dày lên. Cành cây cần thời gian cho đủ khỏe để chịu được sức nặng của trái.
Gần như bất cứ điều gì có giá trị đều cần thời gian. Hàng ngàn biểu hiện của tình yêu và sự chung thủy vun đắp nên một cuộc hôn nhân đẹp đẽ. Nuôi dạy con cái thành những người nam và người nữ kính sợ Chúa đòi hỏi máu, mồ hôi và nước mắt trong nhiều năm. Xây dựng một hội thánh tin kính đòi hỏi nhiều thập kỷ khó nhọc và rao giảng cách trung tín. Biến đổi một cộng đồng, thành phố hoặc quốc gia không phải là công việc diễn ra trong một sớm một chiều. Nhìn chung, Đức Chúa Trời không vội vàng trong công việc thánh hóa của Ngài. Ngài chậm rãi nhưng chắc chắn hành động để chúng ta trở nên giống với hình ảnh của Con Ngài.
Chúa của vùng đất thấp
Hai là các thư tín của sứ đồ Phao-lô cho thấy Đức Chúa Trời đang hành động trong những con người bình thường, làm những công việc tầm thường để hoàn thành mục đích thiêng liêng của Ngài.
Cuối thư Cô-lô-se, Phao-lô đề cập đến Ty-chi-cơ và Ô-nê-sim, có lẽ họ đã chuyển thư đến các thánh đồ tại Cô-lô-se và Ê-phê-sô cũng như cho Phi-lê-môn (Cô-lô-se 4:7–9; Ê-phê-sô 6:21). Họ là những người anh em yêu dấu và những người phục vụ trung thành, những người đưa thư thực hiện chức vụ truyền bá Tin lành. Vì họ đã trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình nên những thư tín này vẫn tiếp tục vang vọng cho đến ngày nay.
Đúng là vương quốc của Đấng Christ tiến triển qua công việc của các sứ đồ, nhưng cũng qua các thánh đồ trung tín, bình thường. Một số người được kể ra trong các lá thư của Phao-lô, nhưng hầu hết đều không được nêu tên. Họ là những người vô danh trong lịch sử hội thánh, nhưng công việc của họ sẽ vang vọng đến đời đời. Đấng Christ đang hành động không chỉ ở những đỉnh cao của cuộc sống — khi chúng ta leo lên dãy An-pơ — mà còn ở các thung lũng và đồng bằng. Ngài là Chúa khi chúng ta băng qua những vùng đất thấp và thậm chí khi chúng ta sa vào hố sâu. Ngài đang hành động trong những kẽ nứt của cuộc sống.
Ty-chi-cơ có thể bị cảm lạnh và lấy một cuộn giấy đó ra mà sưởi, nhưng ông không làm vậy. Ông và Ô-nê-sim có thể từ bỏ nhiệm vụ khi có cơ hội béo bở hơn nhưng họ vẫn trung thành thực hiện nhiệm vụ của mình. Đức Chúa Trời hành động qua sự vâng phục nho nhỏ của những người đưa thư và người đồng công xây dựng hội thánh của Ngài.
Không có khoảnh khắc nào tẻ nhạt cả
Ba là mọi giai đoạn, vai trò hoặc thời kỳ của cuộc sống đều là cơ hội để tôn vinh Đức Chúa Trời. Trước đó trong Cô-lô-se, Phao-lô đã nói đến những người vợ, người chồng, người con, người cha, người nô lệ và người chủ (Cô-lô-se 3:18–4:1). Ông không cho rằng những gì chúng ta làm tại gia đình, trong hôn nhân, tại nơi làm việc hoặc ngoài đồng là không quan trọng. Những người làm vợ phải phục tùng chồng mình “như thế mới thích hợp là người ở trong Chúa” (Cô-lô-se 3:18). Con cái phải vâng lời cha mẹ, “vì điều nầy đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20). Những nô lệ phải vâng phục trong mọi sự, “kính sợ Chúa” (Cô-lô-se 3:22). Sự vâng phục trung thành đó tôn vinh Đức Chúa Trời.
Biểu ngữ của phần này là Cô-lô-se 3:17: “Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Giê-su”. Chúng ta có thể tôn vinh Chúa Giê-su từ Thứ Hai đến Thứ Sáu và vào cuối tuần. Chúng ta có thể làm điều đó khi thực hiện các nhiệm vụ tầm thường hoặc đơn điệu. Theo một nghĩa nào đó, không có khoảnh khắc nào là tẻ nhạt cả. Vào bất cứ thời điểm nào và trong mọi nhiệm vụ, chúng ta có thể hành động như thể đang làm cho Đức Chúa Trời! Chúng ta có thể lao động không phải để kiếm tiền, để được người khác tôn trọng và chấp nhận, mà để làm đẹp lòng Chúa.
C.S. Lewis từng viết rằng “không ai chỉ là phàm nhân”. Mọi người đều có một linh hồn bất diệt. Tương tự như vậy, không có khoảnh khắc nào là tầm thường cả. Công việc, thời gian chúng ta dành cho gia đình, kiến thiết nhà cửa và chăm sóc sân vườn không phải là không quan trọng. Chúng ta có thể ăn, uống và làm tất cả vì vinh quang của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 10:31). Đấng Christ đang hành động trong những điều bình thường.
Đấng Christ trong chốn tầm thường
Chúa luôn hành động — chúng ta có thấy điều đó không? Ngài đang tích cực hành động trong những kẽ hở và sự tầm thường của cuộc sống. Sự đơn điệu không trái nghịch với công khó trung tín vì Tin lành. Thay vào đó, sự trung tín được luyện lọc trong lò lửa của thói quen, nơi chúng ta học được tính kỷ luật, phát triển sự kiên định, vun đắp lòng kiên nhẫn và gạn lọc đôi mắt để nhìn thấy Đấng Christ đang hành động.
Tuy sự kiên trì khó nhọc không được tung hô nhưng công khó của chúng ta trong Đấng Christ sẽ không vô ích. Chúng ta tôn vinh Đấng Christ khi thực hiện hàng triệu khoảnh khắc nho nhỏ trong cuộc sống mình: bế con nhỏ, nấu bữa cơm, lãnh đạo và làm việc để chu cấp cho gia đình.
Vì vậy, nếu cuộc sống có vẻ nhàm chán, ngày tháng có vẻ lê thê, các nhiệm vụ có vẻ tầm thường và sự lao nhọc có vẻ như đã kéo dài đủ lâu thì hãy vững lòng. Đức Chúa Trời đang biến đổi bạn — từng khoảnh khắc, từng ngày, từng năm tháng — để trở nên hình ảnh của Con Ngài. Ngài đang củng cố đức tin của bạn để bạn có thể “vững vàng, chớ rúng động,…làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (1 Cô-rinh-tô 15:58).
Tác giả bài viết, Steven Lee là Mục sư về Giảng luận và Khải tượng tại Hội thánh The North Church ở Mounds View, Minnesota, Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Cao đẳng và Chủng viện Bethlehem.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.desiringgod.org/articles/the-marvelous-mundane
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!