Động Viên Không Thôi Là Chưa Đủ Để Dân Sự (Hoặc Chính Bạn) Vượt Qua Cơn Khủng Hoảng Này
Khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt vừa thực hữu, vừa khó lường; nếu bạn chỉ cố gắng động viên dân sự hoặc vờ như nó là chuyện nhỏ thì dân sự sẽ mất niềm tin vào bạn. Xét đến góc độ rất thực tế, thị trường chứng khoán đã lao dốc, biên giới các nước đang đóng cửa, các sân bay và thành phố đang trở thành nhà thương điên và những thị trấn hoang, các doanh nghiệp đang vật lộn, người dân đang vật lộn, sự tự do và lưu động đang giảm dần xuống cấp độ thời chiến, và tất nhiên, nhiều người đang mắc bệnh và tử vong.
Là người lãnh đạo, hẳn bạn phải là một người khá giỏi động viên. Phần đa các lãnh đạo đều làm như vậy, họ động viên những người mà mình lãnh đạo. Tôi thấy rất nhiều mục sư và lãnh đạo động viên đội ngũ và hội chúng của mình trên mạng trong vài tuần vừa rồi khi tất cả chúng ta đều vướng vào cơn khủng hoảng trầm trọng này.
Vấn đề là ở chỗ – mà có lẽ bạn cũng đã phát hiện ra điều này rồi, rằng động viên không thôi là chưa đủ để bạn, đội ngũ của bạn và hội chúng của bạn vượt qua khủng hoảng này. Bạn cần một bộ kỹ năng rộng hơn, bộ kỹ năng mà cho đến bây giờ, phần đa chúng ta chưa cần đến và có lẽ là không biết đến sự tồn tại của nó.
Trong sự lãnh đạo, tôi nghĩ là có ba tiếng nói hay phong cách mà các lãnh đạo dùng để truyền đạt trong khủng hoảng: động viên, thông biết, và biến đổi. Biết thời điểm và cách sử dụng từng tiếng nói có thể tạo ra sự khác biệt – gia tăng sự tin cậy thay vì đánh mất nó. Dưới đây là lý do, và cách vận hành của từng tiếng nói.
1. ĐỘNG VIÊN: TIẾNG NÓI TRUYỀN CẢM HỨNG CHO DÂN SỰ
Tuy sự động viên rất có sức mạnh, nhưng bạn không thể lấy động viên làm lối thoát trong một khủng hoảng như thế này. Bạn phải lãnh đạo để tìm ra lối đi. Cách tốt nhất để lãnh đạo qua một thay đổi thông thường là tập trung vào động cơ…lý do đằng sau việc làm. (Hãy nghĩ xem anh chị em sẽ cảm thấy tuyệt vời như thế nào sau đó! Hãy tưởng tượng xem chúng ta có thể cùng nhau làm được những gì!)
Tôi nghe thấy rất nhiều người nói rằng: Nào, anh chị em sẽ làm được thôi. Chúa có thể làm được. Hãy chọn đức tin, đừng chọn sự sợ hãi. Đức Chúa Trời lớn lao hơn điều này! Đức Chúa Trời thật lớn lao hơn chuyện này và có đức tin đúng là tốt hơn sợ hãi, nhưng nếu người ta chỉ nghe được có vậy từ bạn thì bạn sẽ đánh mất sự tín nhiệm vì bạn không nắm bắt chính xác tình hình. Nếu tông giọng lãnh đạo của bạn chỉ có động viên thì tức là bạn không liên hệ đến thực tế.
Khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt vừa thực hữu, vừa khó lường; nếu bạn chỉ cố gắng động viên dân sự hoặc vờ như nó là chuyện nhỏ thì người ta sẽ mất niềm tin vào bạn. Xét đến góc độ rất thực tế, thị trường chứng khoán đã lao dốc, biên giới các nước đang đóng cửa, các sân bay và thành phố đang trở thành nhà thương điên và những thị trấn hoang, các doanh nghiệp đang vật lộn, người dân đang vật lộn, sự tự do và lưu động đang giảm dần xuống cấp độ thời chiến, và tất nhiên, nhiều người đang mắc bệnh và tử vong.
Bạn không thể lấy động viên làm lối thoát trong một khủng hoảng như thế này. Bạn phải lãnh đạo để tìm ra lối đi. Điều này dẫn chúng ta đến với tiếng nói lãnh đạo qua khủng hoảng thứ hai: Thông biết.
2. THÔNG BIẾT: TIẾNG NÓI ĐÁNG TIN CẬY, ĐƯA RA NHỮNG THÔNG TIN CHÍNH XÁC VÀ HƯỚNG DẪN CÁC BƯỚC TIẾP THEO
Một phần quan trọng trong công việc của bạn khi lãnh đạo trong khủng hoảng không phải là sự động viên mà là sự thông biết. Thật khó để tìm được nguồn tin chính xác, đáng tin cậy, hoặc sự khôn ngoan để biết cần làm gì tiếp theo trong khủng hoảng này.
Dân sự đang bối rối. Họ không chắc chắn 100% về những gì đang diễn ra và thậm chí còn kém chắc chắn hơn về những gì đang chờ đợi phía trước. Dân sự cần một nguồn mà họ có thể tin cậy. Một người lãnh đạo có khả năng tìm ra phương cách tốt nhất và hành động theo đó. Nói cách khác, người ta đang tìm một người có thể giúp họ nắm bắt được tình hình và dẫn dắt họ thực hiện bước tiếp theo sao cho tốt nhất.
Nhiều người lãnh đạo bị mất tín nhiệm vì họ vẫn tập trung vào động viên trong khi đội ngũ hoặc hội chúng của họ cần nguồn tin chính xác và một số định hướng tạm thời: một số bước tiếp theo. Nếu bạn có thể thu thập những thông tin đáng tin cậy và trình bày chúng một cách hợp lý cho dân sự trong thời khắc vô cùng xáo trộn như thế này thì họ sẽ bắt đầu tin cậy sự lãnh đạo của bạn.
Đừng lo lắng về độ chắc chắn của các bước tiếp theo. Rất hiếm khi bạn có sự chắc chắn trong cơn khủng hoảng. Tuy vậy, bạn có thể truyền đạt rõ ràng, đơn giản là chỉ ra chính xác những gì đang diễn ra và hướng đến bước tốt nhất tiếp theo (chẳng hạn như chúng ta sẽ tuân thủ mọi chỉ thị của nhà nước và mở rộng các buổi nhóm online để phục vụ anh chị em), đó chính là sự lãnh đạo tuyệt vời trong khủng hoảng.
Tôi đoán là bạn đang tìm kiếm điều này. Dân sự của bạn cũng vậy. Nếu bạn đang muốn tìm ra đúng tông giọng thì Nghịch lý Stockdale (trong cuốn Từ Tốt Đến Vĩ Đại của Jim Collins – N.D) là một cuốn hướng dẫn tuyệt vời: Không đánh mất đức tin rằng đến cuối cùng, bạn sẽ chiến thắng; đồng thời cũng đối mặt và chấp nhận thực tế nghiệt ngã mà bạn đang phải trải qua.
Ngay lúc này, mọi người đang tìm kiếm những người thông biết đáng tin cậy. Không điều gì khiến dân sự dần mất niềm tin vào lãnh đạo của bạn trong thời khủng hoảng hơn là xoay xỏa, tư lợi và bè phái.
3. SỰ BIẾN ĐỔI: TIẾNG NÓI ĐÁNG TIN CẬY ĐEM LẠI HƯỚNG ĐI TRONG TƯƠNG LAI
Tiếng nói lãnh đạo thứ ba cần phát triển trong khủng hoảng thường là có ích lợi nhất khi khủng hoảng được giải quyết và trạng thái bình thường mới xuất hiện. Tôi nói là bình thường “mới” vì ai cũng mong mọi thứ trở lại như bình thường nhưng hẳn rồi, chúng sẽ không còn như cũ. Chúng hiếm khi, nếu không nói là không bao giờ trở lại như cũ sau một khủng hoảng nghiêm trọng.
Cho nên công việc của bạn trong cương vị lãnh đạo lúc này là dẫn dắt dân sự vào trạng thái bình thường mới. Tiếng nói lãnh đạo hướng đến sự biến đổi sẽ giúp dân sự hiểu rằng họ đang bước vào một tương lai tươi đẹp hơn, nhưng là tương lai khác. Tôi không cho rằng không ai biết chính xác rằng khủng hoảng này sẽ đưa chúng ta tới đâu nhưng có thể đưa ra một số phỏng đoán phù hợp như sau:
• Những hạn chế về nhóm lại và đi lại có thể sẽ không được dỡ bỏ cùng lúc, dù chúng ta ao ước điều đó đến thế nào.
• Vì khủng hoảng là bàn đạp tăng tốc nên nhiều hội thánh và tổ chức sẽ trở thành những tổ chức tiên phong về trực tuyến, thậm chí là sau khi khủng hoảng được giải quyết.
• Biến động kinh tế ở mức độ sâu sắc như thế này có thể đem lại sự phục hồi chậm rãi hoặc nhanh chóng đến bất ngờ. Còn quá sớm để nói trước.
Dù sao đi chăng nữa thì trạng thái bình thường cũng sẽ khác. Khủng hoảng thay đổi phương thức của bạn, nhưng nó có thể phả sức sống mới vào sứ mệnh của bạn. Các nhà lãnh đạo biến đổi là chuyên gia thuyết phục người ta đồng thuận với các phương thức mới bằng cách liên tục gắn chúng với sứ mệnh. Họ dành phần lớn thời gian để giải thích lý do đằng sau việc làm thay vì chỉ cố gắng thúc đẩy việc làm. Kết quả là dân sự tin cậy họ để bước vào tương lai.
Sự động viên quay trở lại vào thời điểm này, nhưng không theo cách của hoạt náo viên. Sự động viên thể hiện trong sự tin tưởng lặng lẽ và đầy cảm hứng rằng tuy điều này có khó khăn và có thể mới mẻ nhưng dân sự có chúng để bước tiếp vì đó là cách tốt nhất để theo đuổi sứ mệnh mà mọi người đều cam kết với nó.
Khi lý do và việc làm đồng hành với nhau và sứ mệnh có được sự sống mới, bạn sẽ không chỉ có một trạng thái bình thường mới mà có thể đạt được trạng thái bình thường mới tốt hơn. Sự lãnh đạo biến đổi khiến bạn có thể làm như vậy.
CHÌA KHÓA: DÙNG CẢ BA TIẾNG NÓI
Cả ba tiếng nói đều đóng vai trò then chốt. Động viên là điều thường trực, nhưng nó chưa đủ sâu sắc để mang lấy gánh nặng của một cơn khủng hoảng.
Khi đang chìm sâu vào khủng hoảng (chúng ta đang ở trạng thái này…hoặc đang bước vào đó) thì sự thông biết trở thành tiếng nói tốt nhất cho người lãnh đạo.
Cuối cùng, khi trạng thái bình thường mới trở nên rõ ràng hơn và khủng hoảng bắt đầu được dỡ bỏ, những người lãnh đạo nắm lấy tiếng nói biến đổi sẽ có khả năng lãnh đạo hiệu quả nhất.
Tác giả bài viết, Carey Nieuwhof là mục sư sáng lập Hội thánh Connexus tại Canada. Ông phục vụ Chúa trong vai trò mục sư đến năm 2015 rồi chuyển giao công việc cho thế hệ mới. Carey là tác giả của một số cuốn sách, cuốn mới đây nhất là “Điều không ngờ tới” (Didn’t See It Coming). Ông dành nhiều thời gian để trang bị cho các hội thánh và lãnh đạo trên toàn thế giới. Carey viết bài trên trang www.CareyNieuwhof.com và là chủ kênh Podcast Lãnh đạo Carey Nieuwhof. Hằng tháng, các nội dung về lãnh đạo của ông có hàng triệu lượt truy cập.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://careynieuwhof.com/why-motivation-alone-wont-get-your-people-or-you-through-this-crisis/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!