Ba Đặc Điểm Nổi Bật Trong Sự Giảng Luận Của David Martyn Lloyd-Jones (Phần 1/2)
Giangluankinhthanh.net – David Martin Lloyd-Jones (1899–1981) là một trong những người giảng Tin Lành có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ 20. Được đào tạo làm ngành y, nhưng đáp ứng tiếng gọi của Chúa, ông đã từ bỏ danh vọng và ra đi làm quản nhiệm một Hội thánh nhỏ ở một vùng quê hẻo lánh tại Wales. Sự giảng dạy của ông đã thu hút hàng ngàn người đến những buổi nhóm của nhà thờ Westminter vào Chủ Nhật và trong tuần. Trong bài viết này, Tiến sỹ Joel R. Beeke, chủ tịch Chủng Viện Thần Học Cải Cách Thanh Giáo trình bày về ba đặc điểm nổi bật trong cách giảng luận của Martin Lloyd-Jones.
David Martyn Lloyd-Jones (1899-1981) rõ ràng là một trong những nhà giảng đạo giỏi nhất và quyền năng nhất của thế kỷ 20. Tuy chức vụ bận rộn với nhiều trách nhiệm nhưng trong nhiều thập kỷ, ông đã luôn giảng tốt, gần như vào tất cả các sáng và tối Chủ nhật, trừ các kỳ nghỉ dài vào tháng Bảy, tháng Tám, đồng thời ông cũng giảng dạy vào các tối thứ sáu. Vô số người đồng tình rằng tuy các cuốn sách của ông (thường có cả các bài giảng giản lược) rất hay nhưng phần ghi âm các bài giảng của ông còn hay hơn, và nếu đã nghe ông giảng trực tiếp thì không thể nào quên được. Điều gì khiến sự giảng luận của ông quá đáng nhớ đến vậy? Tôi cho rằng có thể viết cả một cuốn sách để trả lời câu hỏi này. Ở đây, tôi muốn trình bày chỉ ba đặc điểm giảng luận của Lloyd-Jones mà những người đứng trên bục giảng như chúng ta ngày nay có thể học hỏi.
Giảng Về Vinh Hiển Của Đức Chúa Trời
Một đặc điểm dễ nhận thấy trong sự giảng luận của Lloyd-Jones là khi ra về, người nghe sẽ nhận thấy mình nhỏ bé hơn rất nhiều trước sự oai nghi vô hạn của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. J. I. Packer nhớ đến vị Bác sĩ này (chuyên môn của Lloyd-Jones hồi đầu) như “một con sư tử, dữ tợn trong những vấn đề về nguyên tắc, có tác phong nghiêm nghị và khi còn trẻ, ông sẵn sàng gầm rống nếu cần bảo vệ luận điểm của mình.” Nhưng trong đời sống thường ngày, ông lại “thoải mái . . . vô cùng vui vẻ và dí dỏm. Những luận điểm công khai của ông “gay gắt vô cùng, nhưng rõ ràng là luôn kiên nhẫn và hài hước”, thậm chí là khi người ta dại dột khiêu khích ông. Ông đã giảng bằng hết sức mình, với “sự sống động và thẩm quyền Chúa ban mà những thời đại trước gọi là sự xức dầu.”
Packer nhớ lại lần ông nghe Lloyd-Jones giảng vào mùa đông năm 1948-1949 và viết rằng “Tôi cảm thấy và nhận thấy vinh hiển chưa từng thấy của Đấng Christ và Tin lành của Ngài như cứu cánh duy nhất của loài người và rút ra tại sao đạo Tin lành trong lịch sử lại coi giảng luận là phương tiện quan trọng nhất của ân điển và sự thông công với Đức Chúa Trời.” Lloyd-Jones “không bao giờ đóng kịch”, nhưng luôn “nói như một người tranh luận đưa ra luận điểm” hoặc “như một bác sĩ đưa ra chẩn đoán.” Giống như Ê-sai, sự rao giảng của ông bắt phục những người nghĩ rằng mình lớn còn Chúa nhỏ, và nhướng mắt họ lên để thấy rằng họ thật nhỏ bé còn Chúa thật lớn lao. Sự rao giảng của ông luôn nhắm tới việc rao giảng về Đấng Christ và sự đóng đinh của Ngài. Packer cũng nói trong cuốn Tuyển tập các bài viết ngắn của ông rằng “Tôi chưa bao giờ biết ai có lối nói truyền đạt cảm giác về sự thực hữu của Đức Chúa Trời đến vậy.”
Trong tập tiểu sử thứ hai về nhà giảng đạo người Luân Đôn này, Iain Murray nhắc lại lời Lloyd-Jones khuyên ông qua điện thoại khi Murray phải chuẩn bị nói về chủ đề “Sự truyền giảng theo John Calvin có cần thiết không?” Vị bác sĩ nói với ông rằng:
Ngày nay, sự hời hợt của việc truyền giảng không phải là vì người ta ta quá nhấn mạnh sự xưng công chính, mà vì người ta không giảng về luật pháp, chiều sâu của tội lỗi và sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Tin lành được giảng ra dưới dạng lời mời gọi của một người bạn, một người giúp đỡ. Đặc điểm của sự truyền giảng theo John Calvin là đặt sự oai nghi và vinh hiển của Đức Chúa Trời lên trước một lợi ích nào đó được ban cho con người.
Khi dạy các sinh viên tại Chủng viện Westminster, Lloyd-Jones hỏi rằng: “Giảng luận là gì? Là logic bùng cháy . . . thần học bùng cháy. . . . Giảng luận là thần học đến qua một con người bùng cháy.” Ông cũng đặt câu hỏi: “Mục đích chính của giảng luận là gì?” và trả lời “là để người ta nhận biết Đức Chúa Trời và sự hiện diện Ngài.” Ông giải thích:
Tôi có thể tha thứ cho ai đó giảng một bài giảng dở, tôi có thể tha thứ cho người giảng đạo gần như mọi thứ nếu anh ta cho tôi nhận biết Chúa, nếu anh ta cho linh hồn tôi một điều gì đó, nếu anh ta cho tôi nhận biết rằng, tuy bản thân anh ta không đủ tốt nhưng anh ta đang luận giải một điều rất vĩ đại và rất vinh quang, nếu anh ta cho tôi cái nhìn lờ mờ về sự oai nghi, vinh hiển của Đức Chúa Trời, về tình yêu của Đấng Christ Cứu Chúa tôi, và sự kỳ diệu của Tin lành. (Việc Giảng Luận Và Người Giảng Đạo)
Giảng Về Lẽ Thật Của Kinh Thánh
Lloyd-Jones nhận thức rất rõ về tiến bộ khoa học của thời hiện đại. Ông là một bác sĩ thông minh. Thậm chí sau khi được kêu gọi vào chức vụ, ông vẫn tiếp tục theo đuổi những tiến bộ trong giới y học. Trong một bài giảng về 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1 “Không chỉ trong Lời Chúa”, ông nói rằng mình liên tục nghe thấy người ta đòi hỏi rằng “Vì cớ sự tiến bộ của kiến thức, đặc biệt là khoa học, chúng ta đang đối mặt với một hoàn cảnh mà hội thánh Cơ Đốc chưa từng đối mặt trong cả một dòng lịch sử lâu dài và lớn lao của hội thánh.” Ông tiếp tục giải thích: Họ bảo rằng người ta không hiểu những từ thần học như sự xưng công chính và sự thánh hóa, cho nên chúng ta phải biết cách giao tiếp với những con người hiện đại đó. Kết quả là ngay trong những năm 60 của thế kỷ 20, hội thánh bị buộc phải “học các phương pháp quảng cáo doanh nghiệp lớn” và “hiện đại hóa” mọi thứ.
Chống lại xu hướng này và đòi hỏi của nó về cái gọi là thiết thực (hay tính liên quan – relevance), Lloyd-Jones khẳng định “Vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt cũng chính là vấn đề mà Hội thánh Cơ Đốc đã luôn đối mặt.” Thế gian “không bao giờ thay đổi” mà luôn “ghét Đức Chúa Trời.” Nó dùng thuật ngữ khác, nhưng khác biệt chỉ là ở bề mặt. Đáng buồn thay, điều thay đổi lại là tình trạng của hội thánh. Nhưng sự bàng quan và thù nghịch của thế gian không có gì “mới mẻ, lạ lùng hay độc đáo.” Sứ đồ Phao-lô đến Tê-sa-lô-ni-ca cùng đội truyền giáo nhỏ và đối mặt với một xã hội ngoại giáo đắm chìm trong đồi bại và không biết lẽ thật Kinh thánh – rất giống với thế giới hiện đại.
Vị sứ đồ đã đáp lại bằng chức vụ của Lời Chúa và Thánh Linh: “Vì Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em không chỉ bằng lời nói, nhưng cũng bằng quyền năng, bằng Đức Thánh Linh và niềm xác tín sâu xa nữa.” (1 Tê 1:5) Lloyd-Jones khẳng định rằng đây chính là điều hội thánh ngày nay cần để truyền giảng cho người hư mất “sứ điệp và quyền năng của Đức Thánh Linh ở trên đó.” Các sứ đồ không đến với các cuộc biểu tình chống chiến tranh, chương trình nghị sự chính trị hoặc những bài nói chuyện mơ hồ về những trải nghiệm khó tả của Đức Chúa Trời. Họ đến với giáo lý. Hội thánh ngày nay phải như vậy, tuy thực tế đáng buồn là chúng ta sống trong một thời đại mà người ta không thích giáo lý, thần học, các định nghĩa cùng lối tư duy rõ ràng và cẩn thận, Lloyd-Jones chỉ ra. Nhưng có bao giờ con người thích lẽ thật đâu?
Sứ điệp mà những người ngoại giáo muốn nghe cần bắt đầu từ Đức Chúa Trời, như chúng ta thấy trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9-10 mà Lloyd-Jones trích dẫn: “Vì chính họ đã thuật lại việc anh em đã tiếp đãi chúng tôi, và thể nào anh em đã quay về với Đức Chúa Trời, từ bỏ thần tượng để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, và để chờ đợi Con Ngài từ trời, là Đức Chúa Giê-su mà Ngài đã khiến sống lại từ cõi chết, là Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.”
Thậm chí trước khi chúng ta nói với họ về Đấng Christ và sự cứu rỗi, người ta cần được nghe về Đức Chúa Trời chân thật. Lloyd-Jones cảnh báo: “Nếu bắt đầu từ bản thân mình, nhu cầu của mình thì chúng ta sẽ luôn muốn có điều gì đó để thỏa mãn mình. Cơ Đốc giáo chẳng bao giờ bắt đầu từ con người, nhưng luôn bắt đầu từ Đức Chúa Trời.” Sau đó mới chuyển sang Đấng Christ, sự chết, sự sống lại và sự cứu rỗi của Ngài.
Ông giảng rằng: “Chúng ta thật vội vã. Chúng ta nói “Hãy đến với Chúa Giê-su” nhưng người ta lại không đến với Chúa Giê-su. Anh chị em có biết tại sao không? Tôi nói cho anh chị em biết này. Họ chưa bao giờ thấy mình cần Chúa Giê-su.” Họ có thể tìm kiếm hạnh phúc trong cảm xúc, sự chữa lành thân thể, sự dẫn dắt hay những giải pháp cho những vấn đề trên đất, nhưng nếu không thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời và luật pháp thánh của Ngài thì họ sẽ không đến với Đấng Christ.
Cách để giảng giáo lý xoay quanh Đức Chúa Trời trong Đấng Christ là giảng Kinh thánh. Lloyd-Jones thấy tầm quan trọng của sự dạy dỗ, nhưng giảng luận không phải là sự dạy dỗ kèm theo các câu Kinh thánh. Giảng luận “luôn theo lối giải kinh”, ông nói như vậy trong Người Giảng Và Việc Giảng Luận. Tức là luôn lấy sứ điệp và các điểm chính từ một phân đoạn Kinh thánh.
Theo Lloyd-Jones, “quy tắc vàng” để chuẩn bị bài giảng là người giảng đạo phải trung thành nghiên cứu ý nghĩa của phân đoạn. Anh ta không thể vớ lấy một ý tưởng hoặc một cụm trong Kinh thánh và nói bất cứ thứ gì mình muốn, hay đưa ra một báo cáo học thuật về phân đoạn nhưng lại bỏ qua “điểm chính yếu” của “ý nghĩa thuộc linh” trong đó. Đáng chú ý là người ta tránh giảng về Đấng Christ và thập tự giá Ngài, rồi cuối cùng lại giảng ý phụ mà bỏ qua thông điệp thực sự của đoạn Kinh thánh trong ngữ cảnh của nó. Một câu như 2 Ti-mô-thê 2:8 “Hãy nhớ rằng Đức Chúa Jêsus Christ thuộc dòng dõi Đa-vít, Ngài đã sống lại từ cõi chết theo như Tin Lành mà ta rao giảng” bị biến thành một khẳng định chỉ dựa trên kinh nghiệm (“Tin Lành mà ta rao giảng” – Tin Lành duy nhất có giá trị là Tin Lành mà mình tự lập ra). Đồng thời, sự sống lại của Chúa Giê-su Christ lại bị phớt lờ, nếu không nói là bị chối bỏ hoàn toàn. Giảng sứ điệp thật của Kinh thánh cần đến “nhận thức thuộc linh” hoặc “sự xức dầu từ Đức Thánh Linh (1 Giăng 2:20, 27)
Lloyd-Jones nổi tiếng vì loạt bài giảng giải kinh về các sách trong Kinh thánh như Rô-ma, Ê-phê-sô và 1 Giăng, hoặc về các phân đoạn dài như Bài giảng trên Núi. Thật khôn ngoan khi giảng Kinh thánh từ đầu tới cuối để gây dựng các thánh đồ. Tuy nhiên, người ta thường ít đề cao việc Lloyd-Jones luôn giảng những bài truyền giảng vào các tối Chúa Nhật. Nhìn chung, theo ghi chép của Iain Murray, mỗi sứ điệp truyền giảng này đều giải nghĩa một đoạn Kinh thánh được chọn cho dịp cụ thể đó chứ không thuộc một loạt bài nào.
Lloyd-Jones khá ủng hộ sự tự do lựa chọn phân đoạn cho bài giảng, dù để truyền giảng hay gây dựng. Ông cảnh báo các nhà giảng đạo về việc vạch ra chính xác những gì họ sẽ giảng trong sáu tháng tới và làm đúng theo kế hoạch. Đôi khi, một phân đoạn sẽ tác động mạnh mẽ đến linh hồn của người giảng đạo. Khi điều này xảy ra, ông khuyên rằng người giảng đạo nên viết dàn ý và vài suy nghĩ ra, đồng thời lưu chúng lại để sau này dùng đến. Thi thoảng, một số phân đoạn sẽ kết hợp thành một chủ đề mà người giảng đạo có thể biến thành một loạt bài, như Lloyd-Jones đã làm với các bài giảng mà sau này trở thành cuồn Trầm cảm Thuộc linh của ông. Cuốn lịch, những khủng hoảng hoặc thảm họa đang xảy ra trên thế giới có thể là cơ hội để đưa Lời Chúa vào chính suy nghĩ của người ta.
Người giảng đạo cần nhạy bén với nhu cầu của dân sự mình. Đừng giảng một loạt bài quá sâu và quá dài khiến hội chúng không theo được. Nhưng dù anh ta có giảng gì thì đó phải là Lời của Đức Chúa Trời. Đáng chú ý là Lloyd-Jones bắt đầu giảng giải kinh với một loạt bài giảng khá ngắn và đơn giản mà sau này được xuất bản thành cuốn Các bài giảng giải kinh về 2 Phi-e-rơ. Ông đã vui vẻ bắt đầu như vậy, để sau đó huấn luyện dân sự nghe kiểu giảng luận cao hơn ở các bài giảng về Rô-ma và Ê-phê-sô.
– Tác giả bài viết: Joel R. Beeke –
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Expositor Magazine số 10, tháng 03-04/2016. Link bài: https://www.expositormagazine.org/new-blog/2018/4/11/the-preaching-of-d-martyn-lloyd-jones-three-essential-characteristics