HÃY ĐỂ DÂN TA ĐI – SỰ GIẢI CỨU CHẬP CHẠP VÀ HỘI THÁNH
Giangluankinhthanh.net – Cuộc chiến Nga-Ukraine đang thu hút sự chú ý và lo ngại của toàn thế giới. Đối với các Cơ đốc nhân, một câu hỏi hiển nhiên nảy sinh là chúng ta cần suy xét, phát ngôn và hành động như thế nào trong hoàn cảnh bi thảm này. Xin giới thiệu với bạn đọc quan điểm của một mục sư người Nga Andrey Kravtsev về vấn đề này.
Những dòng cuối cùng của chương 5, sách Xuất Ai Cập Ký có ghi lại lời cầu nguyện của tiên tri Môi-se, đầy nỗi khó chịu và thất vọng không thể nào giấu kín. Gặp thất bại khi khởi đầu sứ mệnh dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Môi-se cay đắng kêu cầu với Đấng Toàn Năng:
“Chúa sai tôi đến mà chi?… Từ khi tôi đi yết kiến Pha-ra-ôn đặng nhân danh Chúa mà nói, thì người lại ngược đãi dân nầy, và Chúa chẳng giải cứu dân của Chúa.”
Cảm xúc của Môi-se là hoàn toàn có thể hiểu được: sau nỗ lực bất thành của chính Môi-se 40 năm trước đó hòng mang tự do đến cho dân tộc mình, Đức Chúa Trời đã hiện ra với ông trong sa mạc và lệnh cho ông trở lại Ai Cập với sứ mệnh giải cứu. Vị mục tử 80 tuổi miễn cưỡng đồng ý đảm nhận vai trò này để rồi nhận thấy sự vâng lời của ông chỉ dẫn đến kết quả ngược lại: thay vì giải phóng, Pha-ra-ôn lại chất thêm gánh nặng cho dân tộc nô lệ, và trong nỗi thất vọng tột độ, các trưởng lão của Y-sơ-ra-ên đã cầu xin Chúa trút sự phán xét trên đầu Môi-se và A-rôn.
Khi không có chuyện đó, người Y-sơ-ra-ên vốn đã ở trong tình trạng tuyệt vọng rồi: họ là những nô lệ bị tước đoạt quyền lợi, bị định cho tủi nhục, nghèo đói và phải vật lộn để sống sót. Trong khi họ làm việc cực nhọc, những đứa trẻ sơ sinh của họ đã bị tận diệt. Lý do được công bố chính thức cho sự đàn áp đó là chính quyền Ai Cập lo sợ về một mối đe dọa quân sự được cho là đến từ người Hê-bê-rơ: “Khi chiến tranh xảy ra, Y-sơ-ra-ên sẽ đoàn kết với kẻ thù của chúng ta và chống lại chúng ta” (Xuất Ai cập ký 1:10). Nhưng lý do thực sự cho bất công này rõ ràng là vì kinh tế, hay “địa chính trị” như cách người ta thường nói ngày nay – Pha-ra-ôn đã sử dụng sức lao động của những nô lệ Hê-bê-rơ để làm giàu cho giới thượng lưu Ai Cập và củng cố quyền lực đế chế của mình.
Không hề trách móc nhà tiên tri đang thiếu kiên nhẫn, câu trả lời của Chúa (6:1-8) tiết lộ kế hoạch về các sự kiện sắp tới: Đức Chúa Trời sẽ không chỉ giải phóng người Hê-bê-rơ khỏi ách nô lệ mà còn khiến họ thành dân của Ngài và ban cho họ một vùng đất “đượm sữa và mật”.
Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nhanh chóng như Môi-se và những người Y-sơ-ra-ên đang bị áp bức mong muốn: Lòng của Pha-ra-ôn sẽ trở nên “cứng cỏi”, và hắn sẽ đối đầu với Đấng Toàn Năng. Trong cuộc đối đầu này, hắn chắc chắn sẽ thất bại, và đó là điều đáng mừng cho dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, cũng giống với điều hay xảy ra với các tiên tri trong Kinh thánh, Y-sơ-ra-ên cũng phải chịu trái đắng: họ sẽ khổ sở hơn trước kia trong một khoảng thời gian nhất định (Khải huyền 10:10).
Môi-se phải hiểu rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời không chỉ nhằm nhanh chóng xoa dịu nỗi đau của những người đau khổ: cuộc đối đầu với các vị thần của Ai Cập và Pha-ra-ôn, kẻ hoang tưởng cho rằng mình là một dạng bán-thần, còn nhằm bộc lộ cho muôn dân thấy sự vĩ đại của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên và sự bất lực của các thần Ai Cập (Xuất 12:12). Trong quá trình đối đầu này, dân Y-sơ-ra-ên sẽ nhận biết Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp thực sự là ai (6:7), chính Pha-ra-ôn và nhiều người Ai Cập sẽ nhận ra sự vô ích của việc thờ lạy tà thần (9:14; 14:18), và sự vinh hiển Chúa, được bày tỏ trong chiến thắng trước Pha-ra-ôn, sẽ được công bố khắp đất (9:16; 12:38). Những người đang đau khổ khao khát được giải thoát nhanh chóng, nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời bao hàm nhiều hơn thế, bởi vì Ngài đang nghĩ đến lợi ích của tất cả những người có liên quan.
Câu chuyện tuyệt vời này có can hệ gì đến chúng ta ngày nay? Các trang Tân Ước nhiều lần khẳng định rằng sự kiện dân Y-sơ-ra-ên di cư khỏi Ai Cập là hình ảnh và kiểu mẫu về sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời mang lại qua Đấng Christ. Sự giải thoát dân Đức Chúa Trời khỏi ách nô lệ của tội lỗi, sự hư nát và sự chết là một cuộc giải cứu mới: những người tin vào Đấng Christ đang trông đợi sự sống lại từ kẻ chết và một vũ trụ mới, nơi sự công bình ngự trị (2 Phi 3:13).
Là hình mẫu cho sự cứu chuộc của chúng ta, cuộc xuất hành của người Hê-bê-rơ khỏi Ai Cập cho thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Trời không chỉ quan tâm đến sự cứu rỗi “thuộc linh” cho linh hồn các tín đồ khỏi thế gian – kế hoạch của Ngài bao gồm việc giải phóng dân tộc của Ngài khỏi mọi hình thức áp bức và bất công do tội lỗi của con người gây ra. Sự giải phóng này bao gồm cả về tính thuộc linh, lẫn kinh tế, xã hội và chính trị. Mục đích của Đức Chúa Trời là ban cho dân sự của Ngài bình an và thịnh vượng trong đất mới, để phục hồi hình ảnh của Ngài trong họ, khiến họ trở thành người cai trị và làm chủ trên tạo vật, như ý định thủa ban đầu.
Tất nhiên, những hành động của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên là duy nhất ở chỗ lịch sử của họ suy cho cùng là nhằm tiên báo cho mục đích tối hậu này. Từ những việc Chúa đã làm với Y-sơ-ra-ên không nên suy diễn rằng ngày nay Đức Chúa Trời nhất thiết sẽ tiến hành việc giải phóng chính trị cho các quốc gia bị áp bức khác, cũng giống như Chúa Giê-su khi còn trên đất đã không chữa lành mọi người bệnh, tẩy sạch mọi người phung hay làm cho mọi kẻ chết sống lại. Các phép lạ chữa lành và giải cứu tiên báo vương quốc của Đức Chúa Trời, cho thấy mục đích của Đức Chúa Trời đối với thế giới là gì, nhưng những mục đích này chỉ hoàn tất khi Ngài trở lại.
Do đó, một mặt sẽ là sai lầm nếu coi sách Xuất Ai Cập như một chương trình giải phóng chính trị. Đặc biệt khi một cuộc đấu tranh như vậy đầy tính bạo lực, bởi phương pháp để đạt được vương quốc Chúa không thể mâu thuẫn với những mục tiêu và bản chất của vương quốc ấy. Mặt khác, cũng sai lầm tương tự nếu giới hạn cái nhìn vào Phúc Âm chỉ trong sự cứu rỗi ở đời sau, để rồi trở thành những kẻ “thờ ơ tốt bụng” trước những đau khổ của những người lân cận.
Vậy ngày nay Hội Thánh nên làm gì và có thể làm gì? Vai trò của những người tin vào Chúa Cứu Thế là gì trong thời kỳ bất ổn chính trị? Cụ thể là trong tình hình xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine?
Là thầy tế lễ (1 Phi 2: 9), các tín đồ được kêu gọi đại diện cho con người trước mặt Đức Chúa Trời và đại diện cho Đức Chúa Trời trước mặt con người. Chúng ta là một phần của dân tộc và là công dân của đất nước chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng có khả năng tiếp cận với Đức Chúa Trời hằng sống, Đấng Tạo Hóa và Đấng phán xét của cả thế giới. Làm thầy tế lễ trước hết có nghĩa là cầu nguyện cho những người không thể nhận ra điều ác mà họ làm (Lu-ca 23:34). Là người đại diện cho vương quốc Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời những lời cầu nguyện ăn năn về những tội ác đã được tiến hành. Điều này có nghĩa là xin Ngài làm cho máu ngừng đổ, bảo vệ những người đau khổ và cầu xin sự ăn năn cho chính quyền và người dân của chúng ta.
Mặt thứ hai của chức vụ tế lễ – đại diện cho Đức Chúa Trời trước con người, có liên hệ với lời nói và việc làm của các tín đồ trong mối quan hệ với người khác. Một cách thực tế thì việc “rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” hiện nay có nghĩa là như thế nào? (1 Phi 2:9)
Trước hết, điều này có nghĩa là hội thánh không thể tham dự chiến tranh dù bằng lời nói hay hành động, nhất là khi cuộc chiến này có tính gây hấn. Hội thánh không thể sa vào sự thù địch và nuôi lòng căm thù với bất kỳ ai mà xã hội hiện nay đã tuyên bố là kẻ thù: dù là người Ukraine, người châu Âu, người Mỹ hay bất kỳ ai khác. Người tin Chúa cần nhìn vào mỗi cá nhân như là người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời, và sự hòa giải sắc tộc giữa họ cần là bằng chứng về ý định của Đức Chúa Trời cho toàn thế giới.
Là đại diện của Nước Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là trở thành những người “đặc biệt” (Ma-thi-ơ 5:45-48). Điều đó không chỉ có nghĩa là các tín đồ không làm điều ác, mà còn ở chỗ họ làm điều mà không ai khác làm: họ tha thứ cho người phạm tội, mở rộng bàn tay thương xót để giúp đỡ những người cô đơn và khó khăn, không trả thù, không nguyền rủa, và cầu chúc điều tốt lành cho kẻ thù của họ. Theo Chúa Giê-su thì họ bày tỏ hình ảnh của Cha Thiên Thượng cho những người xung quanh chính nhờ điều đó.
Chiến tranh sẽ mang lại đau thương cho nhiều gia đình. Đó là một thảm kịch kinh khủng, và điều rất quan trọng là cần có những tín đồ biết “khóc với kẻ khóc” (Rô. 12:15) đến với những người mất người thân, giúp họ tìm thấy hy vọng và sự an ủi trong Chúa. Nhiều người xung quanh chúng ta đang bối rối và sợ hãi, mất phương hướng rõ ràng trong thế giới quan và không có niềm hy vọng. Chúng ta có tất cả những điều này trong Đấng Christ, và ngày nay chúng ta có trách nhiệm chia sẻ với những người xung quanh.
Điều quan trọng nhất: trình bày Đức Chúa Trời cho con người có nghĩa là công bố sứ điệp phúc âm về việc con người phải ăn năn và hòa giải với Đức Chúa Trời. Sự ăn năn chân chính đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc trong thái độ, thang giá trị và hành vi, nhờ kết quả của việc nhìn thấy chính mình dưới ánh sáng của lẽ thật của Đức Chúa Trời. Hội thánh kêu gọi một sự thay đổi như vậy trong mọi thành viên của xã hội – cả những công dân bình thường lẫn những người nắm quyền. Nhưng để làm điều đó cần nói sự thật cho tất cả những người có khả năng nghe.
Thật không may, sự ủng hộ thụ động cho chiến tranh từ phía nhiều tín đồ, việc chuyển tiếp các video có tính tuyên truyền trên mạng xã hội và việc nhiều người phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá của các phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy sự thiếu vắng không chỉ của một thế giới quan toàn diện theo Kinh thánh, mà cả những kỹ năng đơn giản nhất của tư duy phản biện. Điều này phần lớn là do sự thỏa hiệp với những truyền thống mang tính đế quốc đã được áp đặt lên xã hội Nga trong những năm qua. Nhân danh những ý tưởng tương tự, chúng ta đang chứng kiến nỗ lực phi nhân hóa cả một dân tộc, phủ nhận quyền có bản sắc, ngôn ngữ, văn hóa và độc lập chính trị của dân tộc ấy.
Mặc dù khó có chuyện một tín đồ lại công khai ủng hộ việc giết hại dân thường và phá hủy các thành phố Ukraine, nhưng đôi khi ngay cả những lời cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta nhiều khi cũng chưa tính đến lời Kinh thánh rằng hòa giải không dựa trên việc che đậy sự thật, mà trên sự công nhận nó, ăn năn và tha thứ cho nhau. Tôi lập tức phải tuyên bố rằng: trong khi thông tin về những gì đang xảy ra đang bị che giấu khỏi xã hội hoặc bị bóp méo và đang có sự đe dọa truy tố hình sự vì phổ biến bất kỳ thông tin nào mâu thuẫn với các nguồn chính thống, tôi không kêu gọi bất kỳ ai gây nguy hiểm cho bản thân. Mỗi cá nhân cần quyết định xem mình sẽ vâng lời ai hơn – chính quyền hay Đức Chúa Trời (Công vụ 4:19).
Kinh thánh kêu gọi chúng ta vâng phục chính quyền, nhưng cũng cho chúng ta biết rằng quyền bính được lập là để trừng phạt điều ác và khuyến khích điều thiện (1 Phi-e-rơ 2:14; Rô-ma 13: 3-4). Bất kỳ thẩm quyền nào cũng phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời như Cơ Quan Quyền Lực Tối Cao cũng như chịu trách nhiệm trước luật đạo đức của Ngài. Trong trường hợp chính quyền vi phạm luật này, tín đồ không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ phải thực hiện các đòi hỏi của chính quyền. Có rất nhiều ví dụ về sự bất tuân của dân sự trong Kinh thánh, bắt đầu từ việc các bà đỡ Hê-bê-rơ ở Ai Cập từ chối tuân theo sắc lệnh hình sự của Pha-ra-ôn. Nhiều thế kỷ sau, những nhà thông thái cũng đã làm thế đối với yêu cầu quỷ quyệt của vua Hê-rốt.
Đây không phải là việc áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác. Đầu tiên, điều quan trọng là không để mất khả năng gọi sự vật bằng đúng cái tên của nó và biết phân biệt trắng đen. Hội thánh là lương tâm của dân tộc, thật không có lương tâm nào khác. Thật không may, nhiều người không có khả năng nhận ra mối quan hệ nhân quả đã dẫn chúng ta đến hoàn cảnh hôm nay. Ba mươi năm trước, các quốc gia của chúng ta lớn lên trên đống đổ nát của Liên Xô cũ, đã giành được độc lập và trong hiến pháp đã tuyên bố tôn trọng các quyền và tự do cá nhân hơn bất kỳ cấu trúc ý thức hệ nào hòng sử dụng con người làm nguyên liệu cho các dự án của họ. Đó là một bước tiến tự nhiên và hợp lý sau nhiều thập kỷ sống trong một nhà nước độc tài.
Nhưng tự do, giống trường hợp của người Hê-bê-rơ ở Ai Cập, không đến nhanh chóng như chúng ta mong muốn. Ngày nay, những người cầm quyền ở đất nước chúng ta cũng chính là những người ba mươi năm trước từng mang ý thức hệ cộng sản. Nhiều người trong số họ đến từ các tổ chức bị nhồi sọ trong các kỳ trại trong nhiều thập kỷ, từng bắn đồng bào của mình trong ngục tối, đầu độc những nhà bất đồng chính kiến và các nhà văn kinh điển, những chuyện giờ đây đã được cả thế giới biết đến. Tất cả những người đã buông mình vào nỗi hoài niệm về Liên Xô cũ và khao khát món kem ngon và xúc xích luộc rẻ tiền (giống như người Hê-bê-rơ trong sa mạc nhớ dưa hành và thịt hầm) đều góp phần khiến cho sự phục hưng chủ nghĩa toàn trị lại trở nên khả thi.
Ngày nay, đế quốc “đứng lên từ đầu gối” đang tiến hành một “chiến dịch đặc biệt” chống lại một quốc gia hậu Xô Viết khác, biện minh cho hành động của mình là nhằm bảo vệ khỏi mối đe dọa quân sự. Nhưng các mục tiêu thật sự thì vẫn thế – địa chính trị và kinh tế. Vấn đề là khôi phục sự vĩ đại của “nước Nga lịch sử” và bảo tồn các đặc quyền và quyền lực của một nhóm nhỏ. Tất cả chúng ta đều kêu cầu Chúa ngăn chặn đổ máu, nhưng nhìn lại sách Xuất Ai Cập, chúng ta phải thừa nhận rằng sự giải cứu không nhất thiết phải nhanh chóng như chúng ta mong muốn.
Nói chung, người dân Nga trước tiên sẽ phải trải qua rất nhiều thiếu thốn về kinh tế, giống như các vụ hành quyết của người Ai Cập. Điều đó sẽ làm suy yếu chủ nghĩa chiến thắng và sự tự tin vào tính chính đáng đạo đức của bản thân, là cái đã thúc đẩy cuộc chiến này. Thật đáng buồn khi phải thừa nhận điều này, nhưng rất có thể chỉ có cái chết của nhiều người dân Nga trên chiến trường, như cái chết của những đứa con đầu lòng ở Ai Cập, mới khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã chọn sai đường, rằng chung sống hòa bình với các nước láng giềng chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Không đòi quyền tuyên bố về lịch sử và lãnh thổ của họ, không cố gắng đưa họ trở lại “lòng” của đế chế cũ và áp đặt ý muốn của mình trên họ.
Quá khứ vô thần và đẫm máu của chúng ta vẫn còn ám ảnh chúng ta, bởi vì nó chưa được công chúng đánh giá đúng mức. Vào cuối thời kỳ Xô Viết, hy vọng của nhiều người gắn liền với sự ăn năn của dân tộc. Có một kỳ vọng rằng Cơ đốc giáo đang trỗi dậy sẽ đưa ra định hướng đạo đức cho xã hội, rằng những điều ác trong quá khứ và hiện tại sẽ được gọi đích danh để tránh lặp lại nó trong tương lai. Nhưng xã hội của chúng ta, bao gồm một bộ phận đáng kể các tín đồ, vẫn chưa hiểu rõ tính ngụy biện của những hệ tư tưởng chống lại con người.
Thật không may, những người có quyền lên tiếng đại diện cho giáo hội “thống trị” (ngụ ý Chính Thống giáo Nga – ND) lại trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ những gì đang diễn ra, vì họ đang bị giam cầm trong những truyền thống dân tộc chủ nghĩa theo chủ nghĩa ngụy Cơ đốc về một nước Nga như “thành Rô-ma thứ ba” và “catechon” (ý tưởng cho rằng nước Nga có sứ mệnh ngăn chặn cái ác và sự xuất hiện của anti-Christ – ND). Vì vậy, vai trò là lương tâm của dân tộc ngày nay đã thuộc về những tín đồ bình thường – từng người ở ngay vị trí của mình. Giống như các thần tượng Ai Cập, những hệ tư tưởng sai lầm phải bị xã hội vạch trần và bác bỏ trước khi nước Nga thực sự xứng đáng với quyền tự do mà ba mươi năm trước đã bỗng nhiên trao vào tay chúng ta mà không cần tới bất cứ nỗ lực nào từ phía chúng ta.
*Lưu ý: Vì đây là góc nhìn của một mục sư người Nga nên đôi khi từ “chúng ta” trong bài để chỉ người dân Nga.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc (tiếng Nga): https://gazeta.mirt.ru/stat-i/cerkov/post-2540/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!