ĐẤNG CHRIST PHỤC SINH NGHĨA LÀ THÂN THỂ CŨ CỦA CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC DỰNG NÊN MỚI
Trong 1 Cô-rinh-tô 15:17-19, Phao-lô nói rằng nếu Đấng Christ không sống lại từ cõi chết thì chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi mình – nghĩa là chúng ta sẽ buộc phải xuống Địa ngục chứ không lên Thiên đàng: “Và nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin của anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình. Như vậy, những người ngủ trong Đấng Christ phải bị hư mất. Nếu hi vọng của chúng ta trong Đấng Christ chỉ hướng về cuộc sống nầy mà thôi, thì trong tất cả mọi người, chúng ta là những người thảm hại hơn hết.”
Ông không chỉ nói rằng nếu không có Thiên đàng thì đời sống Cơ Đốc là vô ích. Ông nói rằng nếu không có sự sống lại từ cõi chết thì hy vọng của Cơ Đốc giáo chỉ là ảo tưởng và chúng ta thật thảm hại khi đặt đức tin mình nơi Đấng Christ. Phao-lô không hứng thú với một Thiên đàng chỉ dành cho tâm linh con người.
Suy nghĩ mong mỏi không phải là nguyên do mà sâu thẳm trong lòng, chúng ta khao khát sự sống phục sinh trên một Trái đất được phục hồi thay vì chỉ tồn tại không có thân xác trong một thế giới thuộc linh. Nói đúng hơn, chúng ta khát khao điều đó chính bởi vì Đức Chúa Trời định cho chúng ta được sống lại trong sự sống mới trên Đất Mới. Chính Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên chúng ta để khao khát điều chúng ta được tạo dựng. Chính Đức Chúa Trời là Đấng “đặt sự vĩnh cửu trong lòng con người” (Truyền đạo 3:11). Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã định cho chúng ta sống trên Trái Đất và khao khát sự sống trên đất. Và chính sự phục sinh về thân thể sẽ cho chúng ta được trở lại với sự sống trên đất – lần này thì được giải phóng khỏi tội lỗi và sự Rủa sả.
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17). Trở nên một tạo vật mới nghe có vẻ là một sự thay đổi triệt để, và đúng là như vậy. Nhưng dù chúng ta trở nên con người mới khi đến với Đấng Christ, chúng ta vẫn là những con người xưa kia.
Cải đạo là sự pha trộn giữa thay đổi và tiếp nối. Khi trở thành một Cơ đốc nhân thời còn là học sinh trung học, tôi đã trở thành một con người mới, nhưng tôi vẫn là con người như xưa nay tôi vẫn từng. Mẹ tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi, nhưng bà vẫn nhận ra tôi. Bà nói, “Chào buổi sáng Randy”, chứ không phải “Anh là ai?” Tôi vẫn là Randy Alcorn, dù là một Randy Alcorn đã được biến đổi khá nhiều. Con chó của tôi không bao giờ gầm gừ với tôi – nó biết tôi là ai.
Tương tự như vậy, chính Randy này (bây giờ đã rất khác) sẽ trải qua một sự thay đổi khác khi chết. Và tôi sẽ trải qua một sự thay đổi khác nữa khi sống lại. Nhưng qua tất cả những thay đổi, tôi vẫn sẽ là con người xưa kia và hôm nay. Sẽ có sự tiếp nối từ đời này sang đời khác. Rồi đây tôi sẽ có thể nói như Gióp: “Với xác thân nầy tôi vẫn thấy Đức Chúa Trời; chính tôi sẽ thấy Ngài, mắt tôi sẽ nhìn ngắm Ngài, chứ không phải người khác” (Gióp 19:26-27).
Sự cải đạo bao gồm việc biến đổi cái cũ, chứ không loại bỏ nó. Dù có những thay đổi triệt để xảy ra qua sự cứu rỗi, sự chết và sự phục sinh, chúng ta vẫn là những con người độc đáo mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Chúng ta có tiểu sử, ngoại hình, ký ức, sở thích và kỹ năng như cũ. Đây là nguyên tắc của sự tiếp nối cứu chuộc. Đức Chúa Trời sẽ không phá hủy sự sáng tạo ban đầu của Ngài và bắt đầu lại. Thay vào đó, Ngài sẽ lấy những đứa con sa ngã, hư hỏng của Ngài rồi phục hồi, làm mới và đổi mới chúng ta về thiết kế ban đầu.
Nếu không nắm được nguyên tắc của sự tiếp nối cứu chuộc thì chúng ta không thể hiểu được bản chất của sự phục sinh. Anthony Hoekema viết: “Phải có sự tiếp nối, nếu không sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nói về sự phục sinh. Việc gọi một nhóm người hoàn toàn mới, hoàn toàn khác biệt với những cư dân hiện tại của đất này sẽ không phải là sự phục sinh”.
1 Cô-rinh-tô 15:53 chép rằng: “Vì bản chất hay hư nát nầy phải mặc lấy bản chất không hay hư nát; bản chất hay chết nầy phải mặc lấy bản chất không hay chết.” Cái này (hay hư nát và hay chết) mặc lấy cái kia (không hư nát và không hay chết). Cũng vậy, chính chúng ta, chính những con người bước đi trên Trái đất này sẽ bước đi trên Đất Mới. “Chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17, tôi tự in nghiêng).
Ngôi mộ trống là bằng chứng quan trọng nhất cho thấy thân thể phục sinh của Đấng Christ chính là thân thể đã chết trên thập tự giá. Nếu sự phục sinh có nghĩa là tạo ra một thân thể không tồn tại từ trước thì thân thể ban đầu của Đấng Christ sẽ vẫn nằm trong ngôi mộ. Khi Chúa Giê-su nói với các môn đồ Ngài sau khi Ngài phục sinh: “Chính Ta đây,” Ngài đang nhấn mạnh với họ rằng Ngài chính là người—về cả tâm linh lẫn thân thể—đã đi lên thập tự giá (Lu-ca 24:39). Các môn đồ Ngài đã nhìn thấy vết đóng đinh, bằng chứng không thể nhầm lẫn rằng đây chính là thân thể đó.
Chúa Giê-su phán: ““Hãy phá đền thờ nầy đi, trong ba ngày Ta sẽ dựng lại.” (Giăng 2:19). Giăng làm rõ rằng “Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài” (c. 21). Thân thể sống lại ấy là thân thể đã bị hủy hoại.
Trong quá trình kết tinh lịch sử của giáo lý chính thống, Sách Giáo lý Westminster Mở rộng (the Westminster Larger Catechism – 1647) tuyên bố, “Chính thân thể của những người chết đã được đặt trong mộ, bấy giờ lại được kết hiệp với linh hồn của họ đời đời, sẽ được phục sinh bởi quyền năng của Đấng Christ”. Tuyên Ngôn Đức Tin Westminster (The Westminster Confession), một trong những bản tín điều quan trọng của đức tin Cơ Đốc, nói rằng: “Tất cả những người chết sẽ được phục sinh, với thân thể y như cũ, và không phải một thân thể nào khác”. “Thân thể y như cũ” khẳng định giáo lý về sự tiếp nối qua sự phục sinh.
Vậy thì, đây là lẽ thật cơ bản nhất về thân thể phục sinh của chúng ta: Đó là cùng một thân thể mà Chúa đã tạo ra cho chúng ta, nhưng chúng sẽ được phục sinh đến mức hoàn hảo hơn chúng ta từng biết. Tất nhiên, chúng ta không biết mọi thứ về chúng, nhưng chúng ta có biết rất nhiều. Kinh thánh không để chúng ta phải mò mẫm về thân thể phục sinh của mình.
Vì mỗi chúng ta đều có một thân thể vật lý nên chúng ta đã có điểm tham chiếu tốt nhất để hình dung về một thân thể mới. Tương tự như vậy, Đất Mới vẫn sẽ là Trái Đất, nhưng là một Trái Đất đã thay đổi. Nó sẽ được biến đổi và phục hồi, nhưng vẫn sẽ là Trái Đất và có thể nhận ra như vậy. Cũng như những người được tái sinh qua sự cứu rỗi vẫn tiếp nối với con người xưa kia, thế giới cũng sẽ được tái sinh trong sự tiếp nối với thế giới cũ (Ma-thi-ơ 19:28).
Randy Alcorn, tác giả bài viết này đã viết hơn 60 cuốn sách. Ông cũng là nhà sáng lập và giám đốc của Mục vụ Eternal Perspective (Viễn Cảnh Đời Đời).
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: Christ’s Resurrection Means Our Old Bodies Will Be Made New – Eternal Perspective Ministries
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!