GIẢNG GIẢI KINH HAY GIẢNG THEO CHỦ ĐỀ?
Câu hỏi muôn thuở giữa vòng những người giảng đạo là đây: Mình nên giảng những bài mang tính giải kinh hay theo chủ đề? Bài viết này nhằm lý giải tại sao câu trả lời của bạn nên là cả hai.
Nhiệm vụ của mọi người giảng Tin lành là giảng toàn bộ ý định của Đức Chúa Trời (Công vụ 20:27). Công bố lẽ thật của Đức Chúa Trời “bất luận gặp thời hay không gặp thời” (2 Ti-mô-thê 4:2) đòi hỏi phải có khả năng hiểu rằng hội chúng cần nghe phần nào trong ý định của Đức Chúa Trời tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Kinh thánh “có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính” (2 Ti-mô-thê 3:16) và việc chăm chỉ nghiên cứu Kinh thánh khiến người của Đức Chúa Trời được “toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:17, so sánh với 2:15).
Điều này đòi hỏi người giảng Tin lành phải nỗ lực hết mình để nuôi bầy chiên (Công vụ 20:28) với chế độ ăn cân bằng gồm các bài giảng “bẻ trách” (thuyết phục), “sửa trị” (khiển trách) và “khích lệ” (động viên) hội chúng của mình “với tất cả lòng nhẫn nhục và tinh thần dạy dỗ” (2 Ti-mô-thê 4:2).
Khả năng giảng bằng nhiều phương pháp khác nhau sẽ nâng cao đáng kể khả năng người giảng có thể hoàn thành mục tiêu này.
Không cần phải có một “cuộc chiến giảng đạo” tiếp diễn giữa những người công bố Lẽ thật theo dạng giải kinh và những người công bố Lẽ thật theo chủ đề. Chúng ta cần trở thành những người công bố Chúa Giê-su, và điều này có thể được thực hiện bằng cả việc giảng giải kinh lẫn giảng theo chủ đề. Mỗi phương pháp giảng có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, càng cho thấy chúng ta cần cân bằng cả hai.
Định Nghĩa Về Giảng Giải Kinh
Trong cuốn sách nổi tiếng Sermon Design and Delivery (Thiết kế và Trình bày Bài giảng), Tom Holland trích lời Faris D. Whitesell định nghĩa về giảng giải kinh như sau:
Bài giảng giải kinh dựa trên một phân đoạn Kinh thánh, thường dài hơn một hoặc hai câu: chủ đề, luận đề; các phần chính và phần phụ xuất phát từ phân đoạn đó; toàn bộ bài giảng là một nỗ lực trung thực để mở ra ý nghĩa ngữ pháp – lịch sử – ngữ cảnh thực sự của phân đoạn, khiến phân đoạn có liên hệ với cuộc sống ngày nay bằng cách tổ chức, lập luận, minh họa, áp dụng và kêu gọi cho phù hợp (tr. 85-86).
Brother Holland tiếp tục giải thích rằng có ba yếu tố chính đối với bài giảng giải kinh: nền tảng và việc phân tích Kinh thánh, cấu trúc và cấu tạo, và việc áp dụng (trong cùng sách, tr. 86). Bài giảng giải kinh có thể là một cách tuyệt vời để truyền cảm hứng cho các Cơ Đốc nhân nghiên cứu một phân đoạn Kinh thánh nhất định sâu hơn và xa hơn trước. Vì vậy, với điều đó, hãy lưu ý điểm tiếp theo của chúng ta.
Những Điểm Mạnh Và Điểm Yếu Của Phương Pháp Giảng Giải Kinh
Brother Holland lại chỉ ra – đồng thời trích lời một người tên Broadus – rằng “Có một định kiến phổ biến với việc giảng giải kinh vì điều này rất hay bị sử dụng một cách dở tệ. Hơn nữa, một số người quan niệm rằng đây là một phương kế tiết kiệm công sức (trong cùng sách, tr. 86). Tuy nhiên, bất cứ người giảng nào giảng những bài giảng giải kinh (và làm rất tốt) đều có thể cho bạn biết rằng thực ra những bài giảng giải kinh có thể đòi hỏi rất nhiều công sức. Lý do là để một bài giảng giải kinh thật sự tốt, người giảng cần phân tích sâu sắc phân đoạn mà mình định dùng, bao gồm nghiên cứu bối cảnh trực tiếp và bối cảnh xa hơn, cũng như bất cứ thông tin lịch sử và văn hóa có thể liên quan đến ý nghĩa của phân đoạn. Theo kinh nghiệm của tác giả bài viết này thì một bài giảng giải kinh có thể tốn gấp đôi thời gian chuẩn bị so với bài giảng theo chủ đề. (Điều này sẽ khác nhau tùy theo người giảng).
Tuy nhiên, điểm mấu chốt là việc giảng giải kinh đặc biệt hữu ích trong việc giúp Cơ Đốc nhân đặt mình vào hoàn cảnh của đối tượng trực tiếp mà phân đoạn đó viết cho. Điều này rất hữu ích khi xét đến thực tế rằng chúng ta phải trung thành với chính những nguyên tắc mà Đức Chúa Trời muốn truyền đạt cho những người trực tiếp nhận được thông điệp. Việc giảng giải kinh cũng xuất sắc ở chỗ, việc này buộc người giảng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu bối cảnh trực tiếp của những gì mình giảng. Do đó, thường thì việc giảng giải kinh ít bị cám dỗ đưa một điều gì đó ra khỏi bối cảnh hơn. Cũng có thể hữu ích khi giảng qua một số sách nhất định trong Kinh thánh, biết rằng bản văn đó cuối cùng sẽ đề cập đến một chủ đề cần thiết trong một hội chúng, mà không có vẻ nhắm vào một số cá nhân nhất định trong hội chúng ấy.
Định Nghĩa Về Giảng Theo Chủ Đề
Được Brother Holland gọi là “các bài giảng chủ đề trong cuốn Thiết kế và Trình bày Bài giảng, Tiến sĩ Fred Barton định nghĩa một bài giảng theo chủ đề là “bài giảng mà bản văn chỉ cung cấp chủ đề – đề tài hoặc ý tưởng trọng tâm” (trong cùng sách, trang 62). Dạng bài giảng này có thể hữu ích khi người giảng cần đề cập đến tất cả hoặc hầu hết những gì Kinh thánh nói về một chủ đề cụ thể, chẳng hạn như phép báp-tem, sự ăn năn, hội thánh, thiên đàng và địa ngục, sự tha thứ, các trưởng lão và chấp sự, sự thờ phượng, các giáo sư giả, v.v. Như Brother Holland chỉ ra:
Có những lúc mà nhu cầu của một đối tượng khán giả cụ thể sẽ khiến người giảng muốn trình bày cái nhìn đầy đủ về một giáo lý hay vấn đề đạo đức nào đó mà nhiều phân đoạn có thể đưa ra, so với việc tiếp cận một phân đoạn như trong phương pháp bản văn hay giải kinh. Vì một chương trình công tác nào đó mà hội chúng có thể cần một bài giảng về việc dâng hiến. Mặt khác, một khủng hoảng về đạo đức có thể này sinh và sẽ đòi hỏi những bài học về ngoại tình, nói dối, thành thật, ly hôn hoặc hận thù, đòi hỏi phải có góc nhìn của Lẽ thật Kinh thánh về một chủ đề cụ thể (tr. 62).
Vì toàn bộ lời Chúa là lẽ thật (Thi thiên 119:160, so sánh với Giăng 17:17), đôi khi cần giảng những bài giảng Tin lành tóm tắt những gì Lời Chúa nói về một chủ đề cụ thể thay vì chỉ đưa ra một quan điểm cục bộ.
Một Điểm Mạnh Của Việc Giảng Theo Chủ Đề
Brother Holland cho thấy thêm: “Chính bản chất của việc bày tỏ Lẽ thật khiến những bài giảng theo dạng chủ đề trở nên quan trọng. Đức Thánh Linh không trình bày Lẽ thật theo một chuỗi các mệnh đề hợp lý như ta có thể tìm thấy trong một cuốn sách hướng dẫn hay tín điều” (trong cùng sách, tr. 62, tôi tự nhấn mạnh). Ông nói câu này: “Cơ Đốc giáo không được trình bày bằng một chuỗi hỏi đáp. Vì vậy, Lẽ thật không được đưa ra dưới dạng sách giáo lý vấn đáp. Nói đúng hơn là Lẽ thật được đưa ra “ở đây một chút, ở kia một chút.” Ta có thể thấy lẽ thật về chủ đề đức tin trong Giăng, Rô-ma, Ga-la-ti, Hê-bơ-rơ, v.v. (trong cùng sách, tr. 62-63). Brother Holland kết thúc đoạn văn này với một ý cực kỳ quan trọng: “Để phát triển đầy đủ một số chủ đề Kinh thánh, người ta cần phải xem xét nhiều đoạn văn khác nhau từ các sách khác nhau của Kinh thánh” (trong cùng sách, tr. 63, bản gốc nhấn mạnh).
Nói cách khác, “Toàn bộ lời Chúa là chân thật” (Thi thiên 119:160). Có nhiều chủ đề trong Kinh thánh cần được nói tới bằng cách xét đến tổng thể những gì Lời Chúa nói liên quan đến những chủ đề đó. Điểm mạnh của một bài giảng theo chủ đề nằm ở đây. Cùng với đó, tôi muốn đưa ra một lưu ý quan trọng.
Một Điểm Yếu Của Việc Giảng Theo Chủ Đề
Một chỉ trích đáng tiếc và thái quá về việc giảng theo chủ đề là việc này lạm dụng các câu Kinh thánh bằng cách nhấc chúng ra khỏi ngữ cảnh và coi chúng như những cái cớ để chứng minh. Tuy rõ ràng là điều này đôi khi có xảy ra (và đôi khi xảy ra quá thường xuyên với những người giảng không siêng năng chuẩn bị), cần lưu ý rằng bản thân lối giảng theo chủ đề không phải là thiếu sót. Chỉ vì một số người lạm dụng lối giảng này không có nghĩa là phải phủ nhận tính hữu ích hoặc cần thiết của nó.
Hãy cân nhắc đến một số ví dụ về những gì chúng ta có thể gọi là các bài giảng theo chủ đề có trong Kinh thánh:
Giô-ên đã giảng về chủ đề sự phán xét, sự ăn năn và sự cứu rỗi với dân Chúa trong tương lai (Giô-ên 2).
Phi-e-rơ đã trích dẫn một số câu từ Giô-ên 2 với một số câu từ sách Thi thiên để giảng về chủ đề tội lỗi của Y-sơ-ra-ên khi đóng đinh con Đức Chúa Trời trên thập tự giá, cùng với nhu cầu ăn năn và vâng theo Tin lành (Công vụ 2).
Ê-xơ-ra, bằng cách cầu nguyện với Chúa, về cơ bản cũng đưa ra một bài giảng theo chủ đề, khiển trách dân Chúa vì kết hôn với người ngoại, khiến dân sự khóc than và chỉnh đốn lại (Ê-xơ-ra 9-10).
Đa-vít, không lâu trước khi qua đời, về cơ bản đã giảng một bài về việc dâng hiến với hội chúng, khiến dân sự rộng rãi dâng hiến một lượng tiền khổng lồ để xây dựng đền thờ (1 Sử ký 29).
Trong Bài giảng trên Núi, Chúa Giê-su đã giảng về rất nhiều chủ đề khác nhau, trích dẫn nhiều câu Kinh thánh và khái niệm trong Cựu Ước (Ma-thi-ơ 5-7).
Có thể đưa ra nhiều ví dụ khác, nhưng điểm cốt yếu là các bài giảng theo chủ đề cần được giảng ra. Tuy có thể tranh luận rằng thực ra một số ví dụ trên đây mang những đặc điểm nhất định của các bài giảng giải kinh nhưng cũng mang các đặc điểm khác của những bài giảng theo chủ đề. Điều này cho thấy cả hai hình thức giảng đều cần thiết. Không thể tránh khỏi thực tế là một bài giảng kinh, cuối cùng vẫn nói về một chủ đề nhất định. Trong một bài giảng giải kinh, chúng ta gọi chủ đề là việc áp dụng! Hãy suy nghĩ về điều đó.
Tuy cám dỗ lấy các câu Kinh thánh ra khỏi ngữ cảnh là điều cần cưỡng lại khi giảng các bài theo chủ đề nhưng ta cũng phải cẩn thận để không nhấc một phân đoạn ra khỏi ngữ cảnh trong cả bài giảng giải kinh nữa. Chẳng hạn, người giảng có thể giảng giải kinh về Rô-ma 5; nếu bỏ qua chương ngay sau đó, người này có thể khiến người nghe có ấn tượng sai lầm rằng họ không cần phải tuân theo bất cứ điều gì để được cứu.
Kết Luận
Cần lưu ý rằng các điểm yếu cố hữu trong các lối nói nhất định không nhất thiết phải bó buộc người giảng. Chỉ cần người giảng trung thành nghiên cứu để được đẹp lòng Đức Chúa Trời và thẳng thắn dạy Lời Chúa (2 Ti-mô-thê 2:15), người đó có thể sử dụng cả những điểm mạnh của cả việc giảng theo chủ đề và giải kinh làm lợi thế cho mình. Một người giảng Tin lành khôn ngoan sẽ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để công bố Lời Chúa một cách trung thành. Người đó sẽ dùng nhiều phương pháp để thường xuyên dạy dỗ những người nghe mình cách hiệu quả, biết rằng sự đa dạng và cân bằng trên bục giảng sẽ giúp dân sự Chúa luôn tập trung và được nuôi dưỡng thật tốt.
Như một nhà giảng đạo đã nói từ lâu: “Không ai có quyền làm cho Lời Chúa trở nên nhàm chán”. Brother Holland trích dẫn lời một người tên là Sangster đã nói: “Không ai nghiên cứu nghiêm túc về nghề giảng đạo có thể nghi ngờ rằng sự đa dạng về các loại cấu trúc này có tầm quan trọng vô cùng lớn. Đây là một trong những cách sâu sắc hơn để giữ cho bục giảng không nhàm chán. Nó giúp cho việc giảng luận trở nên thú vị – là điều lẽ ra phải như vậy…” (trong cùng sách, trang 61-62, bản gốc nhấn mạnh). Nếu công việc của người giảng Tin lành là “giải nghĩa” cho việc đọc Lời Chúa (Nê-hê-mi 8:8), thì chúng ta hãy làm như vậy bằng hết sức mình, và soạn thảo các bài giảng bằng nhiều phương pháp khác nhau để dạy toàn bộ ý định của Đức Chúa Trời (Công vụ 20:27)!
– Tác giả bài viết: Chase Green –
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://carolinamessenger.wordpress.com/2024/08/18/expository-or-topical-chase-green/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!