6 CÁCH KHÔN NGOAN ĐỂ KIÊN NHẪN HƠN TRONG HÔN NHÂN
Các bước thiết thực để phát triển bông trái Thánh Linh trong hôn nhân – sự kiên nhẫn (hay nhẫn nại, nhịn nhục) – sẽ giúp bạn biết yêu thương người phối ngẫu hơn.
Vợ tôi có thể nói với bạn rằng tôi là một người chồng kiên nhẫn. Tôi đồng ý. Trừ những khi cô ấy không làm đúng cách – cách của tôi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là kiểu người dễ bực mình. Chà, trừ khi ai đó lái xe ở làn bên trái chạy nhanh cái xe ngay cạnh ở làn bên phải. Hay là khi ai đó ở tiệm tạp hóa đợi đến khi nhân viên quét hết mã hàng và báo tổng tiền rồi mà còn chưa lấy thẻ ra thanh toán.
Vậy rõ ràng là có vài thứ thử thách sự kiên nhẫn của tôi.
Điều đó có đúng với tất cả chúng ta không? Dù cho đó là một thằng nhóc 3 tuổi đang tận dụng mảng tường trong phòng ngủ để phụ họa cho dự án nghệ thuật của mình hay một cô bé 13 tuổi đeo tai nghe để không phải nghe ba mẹ nói thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở nên khó chịu. Và khi người bạn đời thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta thì lại là một kiểu kích động khác. Suy cho cùng, cả hai đều là những người trưởng thành, những người đáng ra phải biết điều hơn.
Những cơn cáu kỉnh nhỏ nhặt có vẻ giống như muỗi cắn, hơi khó chịu nhưng thường vô hại. Nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng cơn cáu kỉnh không hề giống những con muỗi vô hại chút nào. Chúng giống mối mọt phá hoại hơn. Ai cũng trải qua cảm giác khó chịu nhưng cách chúng ta xử lý cảm giác khó chịu đó mới thành vấn đề.
Luyện tập tính kiên nhẫn và tự chủ
Tôi rất ấn tượng khi thấy định nghĩa toàn diện nhất về tình yêu mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh bắt đầu bằng câu: “Tình yêu hay nhẫn nhục” (1 Cô-rinh-tô 13:4 – phần gạch chân với in nghiêng là tôi thêm vào). Nói cách khác, xuất phát điểm cho một mối quan hệ yêu thương là nhận ra rằng chúng ta buộc phải xử lý tính thiếu kiên nhẫn của chính mình khi người kia không đáp ứng được kỳ vọng của mình hoặc đang làm điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy khó chịu.
Kiên nhẫn không phải là khả năng chờ đợi, mà là khả năng giữ thái độ đúng mực trong khi chờ đợi. Kiên nhẫn nghĩa là chịu đựng những gian nan hay bất hạnh mà không than trách. Kiên nhẫn, hiểu theo nhiều cách khác, có nghĩa là sự kiên trì.
Thiếu kiên nhẫn, mặt khác, là lá bài lật tẩy một người đang thiếu tự chủ. Tác giả Janette Oke từng nói rằng: “Sự thiếu kiên nhẫn có thể khiến người khôn làm những chuyện ngu xuẩn.” Tệ hơn nữa, tự nhiên chúng ta đã có tính thiếu kiên nhẫn. Đó là bản tính tự nhiên của chúng ta nếu không có sự khôn ngoan của Chúa ảnh hưởng trên đời sống của chúng ta.
Tính kiên nhẫn là điều siêu nhiên. Nó là trái của Thánh Linh. Khi chúng ta bắt đầu bước đi theo Thánh Linh, Đức Chúa Trời sẽ hành động trong chúng ta, khiến chúng ta trở nên giống hình ảnh của Con Ngài. Khi chúng ta tăng trưởng trong ân điển, chúng ta cũng tăng trưởng trong sự kiên nhẫn.
Kiên nhẫn trong đời sống của chúng ta là như thế nào? Thánh Kinh cho chúng ta một bức tranh về sự kiên nhẫn thật: “Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều nầy: Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời. (Gia-cơ 1:19-20)
Phân đoạn này cho chúng ta ba hành động để có thể cải thiện lòng kiên nhẫn trong hôn nhân. Dưới đây là một số bước thực tế mà bạn có thể áp dụng:
1. “Nghe bằng mặt”
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Đức Chúa Trời lại thiết kế con người có hai lỗ tai và một cái miệng không? Có lẽ Ngài đã gợi ý tỷ lệ sử dụng cho mỗi loại! Các mối quan hệ của chúng ta – đặc biệt là hôn nhân – sẽ thay đổi như thế nào nếu chúng ta cố gắng chủ động lắng nghe nhiều hơn?
Một sáng nọ, người cha cứ mải mê lướt email trong khi cô con gái bé bỏng không ngừng nói về ngày đi học đầy vui vẻ của con bé với đám bạn. Thi thoảng người bố lại gật đầu hay lẩm bẩm “à, ờ” trong khi con bé nói huyên thuyên.
Rồi cô bé nhận ra ba mình không thật sự để ý. Con bé bật dậy khỏi ghế và đặt tay ngay trước cái màn hình. “Ba!” Cô bé thốt lên: “Nghe thì phải nghe bằng mặt chứ ba!”
Trong một thế giới đầy phân tán, chúng ta nghĩ rằng mình đã trở thành những chuyên gia làm nhiều việc cùng lúc. Trên thực tế, chúng ta thất bại trong việc lắng nghe một cách tập trung, một điều rất cần thiết cho sự phát triển của một mối quan hệ lành mạnh. Không chỉ cô con gái 4 tuổi muốn ba phải hướng mặt vào mình khi nghe mình nói, mà mỗi cặp vợ chồng cần khao khát những giây phút thực sự kết nối và giao tiếp với nhau. Thật vậy, hôn nhân dần lụi tàn khi chúng ta quá bận rộn, không tập trung lắng nghe xem người bạn đời của mình nói gì.
2. Giảm thiểu những sự phân tán
Việc không tập trung lắng nghe có thể nói lên một thông điệp quan trọng. Nó cho thấy rằng thứ đang làm cho chúng ta phân tán quan trọng hơn tâm tư của người bạn đời chúng ta. Khi ai đó nói chuyện với chúng ta, chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm, hy vọng, nỗi sợ hoặc cảm giác mà chúng ta lại không tập trung nghe, điều đó sẽ nói lên rằng tôi có nhiều thứ quan trọng hơn để nghĩ đến.
Khi tôi đang đi công tác, tôi quyết định gọi cho vợ mình, Mary Ann. Tôi vừa xem kênh ESPN trong phòng khách sạn vừa lấy điện thoại gọi cho vợ. Tôi liền ấn nút tắt âm trên điều khiển để vợ tôi không nghe thấy âm thanh từ trận đấu.
Không lâu sau, vợ tôi nhận ra rằng cô ấy đang không nhận được sự chú ý tối đa của tôi. “Anh xem gì đấy?” Cô ấy hỏi. Thế là bị bắt quả tang.
Lắng nghe một cách có tập trung là một bước tiến đầy quan trọng trong quá trình vun đắp tính kiên nhẫn giống Chúa. Chúng ta chọn gạt những thứ gây phân tán sang một bên. Chúng ta đảm bảo rằng dù chúng ta có đang bàn luận điều gì thì đó cũng là ưu tiên chính trong thời điểm hiện tại.
Chiếc điện thoại có thể chờ. Trận đấu có thể chờ. Lắng nghe tập trung cũng là một minh chứng cho việc kiên nhẫn với những người mà chúng ta yêu thương.
3. “Cắn lưỡi” lại
Có rất nhiều nguyên do tại sao Kinh Thánh lại khuyên chúng ta nên chậm nói. Bất kỳ ai đã từng nói một cách hấp tấp, không suy nghĩ, đều biết rõ hậu quả có thể xảy ra khi chúng ta không cẩn thận cân nhắc từng câu chữ mà mình muốn truyền tải.
“Sống hay chết do quyền của lưỡi”, trích lời châm ngôn xưa (Châm Ngôn 18:21). Sách Gia-cơ lại chép rằng cái lưỡi có sức mạnh ngang với đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng (3:5-6). Vì cái lưỡi rất nguy hiểm nên chúng ta cần phải cẩn trọng trong lời nói. Trong mối quan hệ hôn nhân, cái lưỡi có thể nói ra những lời yêu thương nhưng cũng gây ra nhiều tổn thương.
Đâu phải chỉ vì có thứ gì đó nảy lên trong đầu của bạn thì mọi người xung quanh phải biết bạn nghĩ gì! Người kiên nhẫn là người không chỉ biết cân nhắc điều mình muốn nói mà còn cân nhắc đến thời điểm, nơi chốn và cách thức nói điều đó.
Nếu vợ tôi có điều gì quan trọng muốn nói, cô ấy sẽ biết rằng 30 phút đầu tiên trong ngày không phải là khoảng thời gian thích hợp để trò chuyện với tôi. Và qua năm tháng, tôi cũng học được rằng cố gắng tạo một cuộc trò chuyện ý nghĩa vào giữa đêm khi cô ấy đang mệt cũng là một ý tưởng tồi. Chậm nói cũng bao gồm việc học cách để biết nên nói khi nào.
4. Cân đo đong đếm lời nói
Khi Mary Ann và tôi thấy mình đang bất đồng với nhau, thỉnh thoảng chúng tôi sử dụng cách mà Tiến sĩ Gary Smalley gọi là “trò chuyện thông suốt”. Giống như nhân viên cửa hàng thức ăn nhanh nhắc lại đơn hàng của bạn để đảm bảo anh ta nghe đúng, đôi khi Mary Ann và tôi cũng sẽ lặp lại những gì mình nghe được từ người đối diện trước khi bày tỏ ra quan điểm và ý kiến của mình. Điều này không chỉ buộc chúng tôi chậm nói, mà còn buộc chúng tôi phải nghe cho kỹ những gì đối phương nói trước khi ngắt lời.
Tôi đồng ý với nhận định rằng lời nói thật có sức ảnh hưởng lớn tới nỗi kiểm soát được chúng là chìa khóa để thay đổi vĩnh viễn đời sống hôn nhân của bạn. Đây là lý do vì sao mà học cách thuần hóa cái lưỡi lại quan trọng đến vậy. Để chậm nói cần sự tự chủ hay tiết độ. Và sự tự chủ chính là bông trái Thánh Linh. Khi có thể kiểm soát cái lưỡi của mình, chúng ta đang chứng minh rằng Chúa Thánh Linh đang vận hành trong đời sống chúng ta.
5. Bình tĩnh lại
Trái ngược với kiên nhẫn là gì? Nhiều người sẽ nhanh nhảu trả lời là “thiếu kiên nhẫn”. Nhưng hãy nghĩ đến thiếu kiên nhẫn một chút. Chẳng phải đây chỉ là một từ nhẹ hơn để chỉ “sự giận dữ” hay sao? Khi chúng ta thiếu kiên nhẫn với người khác, cơn giận của chúng ta thường bộc lộ.
Một lần nữa, sách Gia-cơ lại trực tiếp nói đến vấn đề nóng giận. Sách không chỉ bảo chúng ta phải chậm giận mà còn cho chúng ta biết lý do tại sao chúng ta nổi giận ngay từ đầu. Đó là bởi vì “những dục vọng đang giao tranh trong chi thể anh em” (4:1). Khi không đạt được thứ mình cần hoặc có những mong mỏi không được đáp ứng, chúng ta nổi nóng.
Giận dữ thường là một cơ chế tự vệ. Nó bộc lộ khi chúng ta bị tổn thương hoặc sợ hãi hoặc cảm thấy bị đe dọa theo một cách nào đó. Chúng ta mắng mỏ người bạn đời chỉ để họ chùn bước. Sự giận dữ cũng là công cụ mà người ta sử dụng khi họ cảm thấy bất an và bị tổn thương.
Nhưng như Gia-cơ đã chỉ ra: “vì cơn giận của loài người không thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời.” (1:20). Hiếm khi có một lý do chính đáng nào để nuôi dưỡng cơn giận, mà thường là do chúng ta không đạt được những gì mình muốn.
Trước giả của sách Truyền Đạo cảnh báo: “Đừng vội để cho lòng mình nổi giận, vì cơn giận nằm sẵn trong bụng kẻ ngu dại. (7:9)
6.Kiểm soát cơn giận
Người ta đã phát triển các kỹ thuật để giúp kiểm soát cơn giận tốt hơn. Chúng ta có thể thở thật sâu rồi đếm đến 10 hoặc né tránh mâu thuẫn. Chẳng có gì sai nếu làm những điều đỏ cả. Nhưng cuối cùng, thứ chúng ta cần làm là kiềm chế cơn giận.
Kinh Thánh bảo chúng ta hãy dẹp bỏ “thịnh nộ, buồn giận, độc ác, phạm thượng, và lời nói tục tĩu từ miệng anh em.” (Cô-lô-se 3:8). Chúng ta có thể và nên hành động trong sự cầu nguyện để kiểm soát được cách mình phản ứng với những cơn giận mà chúng ta gặp phải trong đời. Nhưng giải pháp không chỉ đơn giản là cố gắng kiềm chế cơn giận. Chúng ta phải thay nó bằng các đức tính tin kính như lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục (câu 12). Khi học thể hiện những phẩm chất này, chúng ta cũng đang học cách thay cơn giận bằng tình yêu thương.
Theo Đuổi Sự Kiên Nhẫn
Con đường dẫn đến sự kiên nhẫn rất dài. Cần nhiều thời gian, sự tự giác, nỗ lực để tăng trưởng trong những phẩm hạnh được Chúa Thánh Linh ban cho. Ba bước được nêu ra trong Gia-cơ 1:19-20 không phải là câu trả lời hoàn chỉnh về cách phát triển sự kiên nhẫn nhưng cũng phần nào cho chúng ta một xuất phát điểm tuyệt vời.
Hãy bắt đầu với một cam kết trở thành một người biết lắng nghe hơn và tập trung nghe hơn. Tập chờ đợi để nói cho đến khi bạn đã nghe đủ những gì người bạn đời muốn nói và thể hiện rằng bạn đang lắng nghe người kia. Và hãy quyết định ngay từ bây giờ rằng ngoài việc kiềm chế cơn giận, bạn cũng sẽ cố gắng tìm cách thể hiện sự ân cần với người bạn đời của mình.
– Tác giả bài viết, Bob Lepine là người dẫn chương trình FamilyLife Today và phát thanh viên truyền hình cho Truth for Life cùng Alistair Begg. Đồng thời, ông cũng phục vụ trong Ban Lãnh đạo National Religious Broadcasters và Great Commission Collective, Hoa Kỳ. Bob là tác giả của cuốn sách về hôn nhân Love Like You Mean It: The Heart of a Marriage That Honors God and The Christian Husband. Ông cùng bà Mary Ann có năm người con và sáu người cháu.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.focusonthefamily.com/marriage/7-smart-ways-to-be-more-patient-in-marriage/