CƠ ĐỐC NHÂN PHILIPPINES VỚI NỖ LỰC PHÁT TRIỂN ÂM NHẠC THỜ PHƯỢNG CHO RIÊNG MÌNH
GiangluanKinhThanh.net – Với bối cảnh toàn cầu hóa và nền âm nhạc thờ phượng bị chi phối bởi những “ông lớn” như hiện nay, việc lựa chọn âm nhạc thờ phượng là điều không hề đơn giản. Làm sao để biết phải đón nhận hoặc từ chối những ảnh hưởng từ bên ngoài mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc trong hội thánh là câu hỏi mà mỗi hội thánh Việt Nam cần đặt ra. Bài viết dưới đây trình bày những nỗ lực của một phong trào Cơ Đốc ở một đất nước có tiếng là yêu thích dòng nhạc ngợi khen phương Tây như Philippines —thị trường lớn thứ hai của Hillsong. Một nhóm các hội thánh và người dẫn thờ phượng tại đây đã kết hợp giữa sáng tác nhạc, dịch các bài hát thờ phượng sang tiếng mẹ đẻ và chủ định phát triển kho bài hát cho phù hợp với hội chúng của mình. Nỗ lực này còn được hãng thu âm lớn như Sony Music Philippines để mắt đến và cho ra đời một nhãn hiệu âm nhạc Cơ Đốc riêng.
Ảnh: Ca sỹ Cơ đốc Phillipines Darla Baltazar
Arnel Cadeliña, một mục sư và người dẫn thờ phượng ở Manila, nhớ lại lúc cha mẹ ông gọi điện cho người thân duy nhất “được tái sinh” của họ để nhờ giúp đỡ. Đó là năm 1983, Cadeliña 12 tuổi và gia đình ông tin chắc rằng em gái ông đã bị quỷ ám. Cadeliña nhớ lại: “Anh ấy xuất hiện với hai cây đàn guitar và hai người ca hát. “Rồi anh ấy nói: ‘Đừng bận tâm đến nó, hãy để tâm đến danh trên hết mọi cái danh’ và họ dẫn chúng tôi hát những bài thờ phượng.”
Cadeliña nhớ mình đã hát những khúc ngợi khen đơn giản như “Này Ngày Hôm Nay” và cầu nguyện. Ông nói rằng ông đã chứng kiến hai phép lạ vào ngày hôm đó: Em gái ông được giải cứu và gia đình ông được cải đạo.
“Chúng tôi không biết Kinh thánh, chúng tôi không hiểu Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã đến trong quyền năng của âm nhạc, quyền năng của sự thờ phượng nơi chúng tôi”.
Âm nhạc ngợi khen và thờ phượng đương đại từ Hoa Kỳ, Úc và Vương quốc Anh đã là một phần trong hành trình đức tin của Cadeliña kể từ những ngày đầu.
Giống như nhiều Cơ Đốc nhân Tin lành ở Philippines, ông tăng trưởng trong đức tin khi hát các bài hát từ băng cassette của Integrity’s Hosanna Music trong những năm 80 và 90, được truyền bá bởi các giáo sĩ và trong mạng lưới hội thánh quần chúng. (“Này Ngày Hôm Nay,” bài hát mà Cadeliña nhớ lại khi hát, do Integrity quản lý và phân phối.)
Với ảnh hưởng của âm nhạc thờ phượng phương Tây, các nhà lãnh đạo người Philippines như Cadeliña đang cố gắng cân bằng giữa âm nhạc địa phương với những bản hit nổi tiếng đến từ ngành công nghiệp âm nhạc thờ phượng do Mỹ chi phối.
Cadeliña hiện đang lãnh đạo Hội thánh FIJ (Faith in Jesus) City ở Manila cùng với vợ ông, Jessica, người dẫn thờ phượng của hội thánh. Đây là một hội thánh Tin lành độc lập, có khán phòng trông rất giống khán phòng của một hội thánh phi hệ phái ở Mỹ: chủ yếu là màu đen, với sân khấu được chiếu sáng bằng đèn LED thông minh, được trang bị hệ thống âm thanh và các nhạc cụ cao cấp.
Vợ chồng Cadeliña đều là nhạc sĩ, họ viết và thu âm các bài hát nguyên bản cho hội thánh của mình và hướng dẫn các buổi hội thảo đào tạo cho các nhạc công hội thánh trong khu vực. Arnel yêu thích dòng nhạc ngợi khen và thờ phượng của phương Tây đã hình thành nên đức tin của mình, nhưng quyết tâm không để nó chi phối các hoạt động âm nhạc trong hội thánh mình. Đối với mỗi buổi lễ, họ cố gắng lên hai bài hát bằng tiếng Tagalog và hai bài hát bằng tiếng Anh (hai ngôn ngữ chính thức của Philippines).
Ông nói: “Trong nhiều tuần, có một đội đã lên một loạt các bài hát của Hillsong và Planetshakers. Nếu chúng tôi không đưa ra quyết định hát các bài địa phương, chúng tôi sẽ bị choáng ngợp” trước những lựa chọn và tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Bởi vì Cơ Đốc giáo đến Philippines qua quá trình thuộc địa hóa nên Hội thánh Philippines luôn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây. Ngày nay, Philippines chỉ đứng sau Mỹ với 17% thị phần khán giả toàn cầu của Hillsong Worship, theo Chartmetric (lượng khán giả ở Mỹ là 28%). Và Philippines là khán giả chính của nhóm Planetshakers của Úc (chiếm 33% lượng người nghe nhóm này).
Ở vùng đô thị Manila, hầu hết các hội thánh Philippines sử dụng âm nhạc đương đại đều hát sự pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng Tagalog vào các buổi sáng Chủ nhật. Đôi khi, các hội chúng hát một bài hát bằng cả hai ngôn ngữ (chẳng hạn như các câu bằng tiếng Tagalog và phần điệp khúc bằng tiếng Anh) và nghe giảng bằng thứ tiếng pha trộn giữa hai ngôn ngữ, Taglish.
Những người dẫn thờ phượng hiếm khi có thể tìm thấy bản dịch bài hát thờ phượng chính thức bằng tiếng Tagalog (hoặc bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trong số hơn 150 ngôn ngữ bản địa khác tại Philippines), vì vậy một số nhạc sĩ địa phương đang nỗ lực phát triển kho bài hát của riêng họ.
Gloryfall, một nhóm những người dẫn thờ phượng quanh Manila, đã và đang thực hiện dịch các bài hát thờ phượng phổ biến kể từ sau đại dịch Covid-19. Họ đã nhận được sự chấp thuận từ các nghệ sĩ thu âm nguyên bản để sản xuất bản dịch của hơn 30 bài hát nổi tiếng, bao gồm Vua Muôn Vua (“King of Kings”) và Đấng Đã Gọi Con (“Who You Say I Am”) từ Hillsong.
Tay trống Harald Huyssen, một cựu giáo sĩ thiếu nhi và là giảng viên tại Nhạc viện Đại học Santo Tomas tại Manila cho biết: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ những Cơ Đốc nhân địa phương. Họ nói rằng việc có những bài hát này bằng tiếng Tagalog thực sự có ý nghĩa”.
Chester Elmeda, người chơi keyboard của Gloryfall, cho biết: “Hát đoạn điệp khúc cuối cùng của một bài bằng tiếng Tagalog sẽ tập hợp cả hội chúng”. “Tôi luôn mong chờ phần kết của Vua Muôn Vua, khi mọi người bắt đầu hát bằng ngôn ngữ của tôi. Đó chính là sức mạnh của tiếng mẹ đẻ.”
Gloryfall thu âm nhạc của riêng họ và điều hành một phòng thu cho các nhạc sĩ địa phương khác sử dụng. Nhóm đã thấy người ta ngày càng hào hứng với với âm nhạc quần chúng bằng tiếng Tagalog.
Rye Pecardal, tay bass của nhóm cho biết: “Người Philippines dễ dàng tiếp cận giáo lý và thần học bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi hơn”.
Sự phát triển của thị trường âm nhạc thờ phượng Philippines đã thu hút sự chú ý của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Năm 2021, Sony Music Philippines ra mắt nhãn hiệu Cơ Đốc mới, Waterwalk Records. Gloryfall là một trong những ban nhạc đầu tiên tham gia.
Huyssen cho biết: “Tôi đánh giá cao việc nền công nghiệp này nhìn thấy giá trị của âm nhạc Cơ Đốc Philippines và một hãng thu âm lớn đang hỗ trợ công việc này”. “Tại sao lại không có nhãn hiệu Cơ Đốc nhỉ? Thật thú vị khi phải mất một thời gian dài đến như vậy. Sony là một doanh nghiệp, họ nhìn thấy giá trị.”
Trên phạm vi toàn cầu, sự trao đổi âm nhạc vẫn còn tương đối phiến diện.
Huyssen cho biết: “Với tình trạng hiện tại của nền công nghiệp này, việc gửi âm nhạc theo cách khác là gần như bất khả thi”. Phần còn lại của thế giới mong muốn đạt được mức sản xuất như Nashville, bất chấp kết quả tốt hay xấu. Đó không phải là một sân chơi bình đẳng”.
Nhiều người dẫn thờ phượng và nhạc công hội thánh người Philippines coi các câu hỏi về nguồn gốc là gây mất tập trung hoặc phản tác dụng, đồng thời cũng thừa nhận rằng để một bộ phận của hội thánh toàn cầu thống trị nền âm nhạc là không đáp ứng được tiêu chí “ở đất cũng như ở trời”.
Elmeda nói: “Chúng ta phải bắt đầu với tư duy vương quốc, trái ngược với tư duy bán cầu. “Những chủ đề hay nhất luôn đến từ Lời Chúa. Không có sự cạnh tranh. ‘Diệu Thay Là Chúa Ta’ đã loại bỏ cái ‘tôi’ ra khỏi đó.”
Khi một bài hát từ Mỹ không đồng điệu thì họ không sử dụng nó. Huyssen cho biết một số bài hát phương Tây nói về những thử thách và tranh chiến không phù hợp với lời bài hát tiếng Anh do một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ viết.
Huyssen nói: “Sự tranh chiến về vật chất của người Mỹ không thật sự liên quan đến sự tranh chiến về vật chất của người Philippines. Nhưng những bài hát theo chiều dọc hơn, như ‘Diệu Thay Là Chúa Ta’ (How Great Is Our God) hay ‘Ngàn Lời Chúc Tán (10,000 Reasons)’, đều có chủ đề phổ quát. Đức Chúa Trời đang sử dụng những bài hát này một cách mạnh mẽ tại đây.”
Các nhà lãnh đạo Philippines rất quan tâm đến ngành công nghiệp âm nhạc thờ phượng rộng hơn và có rất nhiều sự khác biệt trong cách các nhà lãnh đạo hội thánh lựa chọn để giải quyết các vấn đề về chọn nhạc, tương tự như ở Mỹ.
“Chắc chắn rồi, có những hội thánh ở đây sẽ cấm các bài hát của Bethel hoặc Hillsong. Người ta chú ý đến nó,” Jessica Cadeliña nói. Nhưng tại hội thánh của họ, các quyết định về một bài hát cụ thể được đưa ra dựa trên giá trị của bài hát ấy. “Không phải là về nhóm nhạc, mà là về Chúa Giê-su.”
Arnel Cadeliña nói: “Mỗi hội thánh có một nền văn hóa. Bạn phải điều chỉnh âm nhạc của mình cho phù hợp với hội chúng và các nhạc công của mình. Chúng tôi muốn chơi nhạc của Israel Houghton—anh ấy rất hay. Nhưng nhạc ấy lại khó chơi quá!”
Mục vụ âm nhạc thờ phượng của Cadeliñas đã phát triển kể từ khi họ bắt đầu tổ chức các buổi đào tạo và hội thảo vào năm 2003. Họ được biết đến với cái tên “Malayang Pilipino” (“Người Philippines tự do”). Đó là tên ca khúc chủ đề trong album đầu tiên của họ, được viết vào năm 1998 để kỷ niệm 100 năm ngày Philippines được giải phóng khỏi Tây Ban Nha.
Cái tên cứ thế nảy ra một cách hoàn toàn tình cờ. “Malayang Pilipino” đã tiếp tục gây được tiếng vang khi Cadeliñas, Gloryfall và các nhà lãnh đạo khác điều hướng mục vụ âm nhạc, cân bằng quyền tự do đón nhận hoặc từ chối những ảnh hưởng từ bên ngoài với cam kết tôn vinh bản sắc Philippines trong hội thánh.
Tác giả bài viết: Kelsey Kramer Mcginnis –
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc