BA TỘI “ĐƯỢC TRỌNG VỌNG” CỦA CÁC MỤC SƯ
Vài năm qua, dư luận khá quan tâm đến những cách thức mà người mục sư có thể lạm dụng bầy chiên của mình. Quan tâm như vậy là thích đáng và mọi mục sư phải cầu nguyện để giữ mình khỏi những hành vi lạm dụng đó. Mọi cơ cấu lãnh đạo của hội thánh phải xây dựng những hệ thống khai trình nghiêm ngặt và tuân theo những chỉ dẫn của Kinh thánh trong trường hợp họ tự nhận thấy có sự lạm dụng hoặc bị người khác buộc tội về hành vi đó.
Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi trong với bài viết này liên quan nhiều đến việc dùng sai chức phận hơn là lạm dụng nó một cách trắng trợn. Sau khi xem xét các hội thánh mà tôi đã tham dự trong nhiều năm, quan sát nhiều mục sư trong vùng và từ xa, và tra xét kỹ trong sâu thẳm tấm lòng có những khi xấu xí của chính mình, tôi muốn nêu ra ba cách mà các mục sư có thể bị cám dỗ phạm tội với những người mà họ được kêu gọi phục vụ. Chúng ta có thể coi đây là những “tội lỗi được trọng vọng” – mượn cách nói của Jerry Bridges – những tội lỗi mà chúng ta có thể dễ dàng làm ra vẻ là mỹ đức.
(Lưu ý: Tôi là người có niềm tin vững chắc vào cấu trúc nhiều trưởng lão có thẩm quyền ngang nhau, và tuy tôi viết bài này ở số ít nhưng nó cũng áp dụng cho một hội đồng hoặc một nhóm trưởng lão. Tuy thế, một trong những lợi ích của việc có nhiều trưởng lão là giảm thiểu một số lo ngại trong đây khi đặt một hội thánh dưới sự lãnh đạo của nhiều người thay vì một người.)
Ba Tội Lỗi
Thưa ông mục sư, ông có thể bị cám dỗ dùng hội thánh mình làm nguyên vật liệu để thực hiện ước mơ hoặc theo đuổi đam mê của mình.
Với tư cách là một mục sư, bạn được kêu gọi lãnh đạo hội thánh của mình và điều này thường liên quan đến việc đặt ra khải tượng và định hướng. Chúng ta thích và cần những nhà lãnh đạo có khải tượng! Tuy nhiên, bạn phải cảnh giác với cám dỗ đặt ra một khải tượng phản ánh mong muốn của mình hơn là mong muốn của Chúa hoặc dẫn dắt theo hướng xoa dịu cái tôi của bạn nhiều hơn là phục vụ mục đích của Chúa. Nếu không cảnh giác, bạn có thể khiến bầy chiên của mình làm việc để hoàn thành sứ mệnh của bạn thay vì của Chúa. Khi điều này xảy ra, các thành viên trong hội thánh có thể nghĩ rằng họ đang phục vụ công việc Chúa trong khi thực ra họ đang phục vụ động cơ của mục sư mình. Do đó, bạn phải cẩn thận tách các kế hoạch thỏa mãn đam mê cá nhân khỏi những điều quan trọng đối với Chúa hoặc những mục tiêu khiến bạn cảm thấy thành công khỏi những mục tiêu làm sáng danh Chúa.
Trong giới kinh doanh, một người sáng lập hoặc lãnh đạo có thể kêu gọi nhân viên tập hợp quanh tầm nhìn hoặc sứ mệnh của mình. Nhưng trong hội thánh thì không như vậy, vì hội thánh đã có Đấng sáng lập và đã có sứ mệnh rồi. Các thành viên của hội thánh được yêu thương, trân trọng và chăm sóc, rồi được dẫn dắt một cách dịu dàng và kiên nhẫn để phục vụ theo những cách thúc đẩy mục đích của Đức Chúa Trời. Hội thánh không phải là một tập hợp những người làm công tình nguyện được kêu gọi để phục vụ mục đích của bạn, mà là những con cái quý giá của Chúa được kêu gọi để cống hiến cho Ngài. Sứ mệnh của bạn phải phù hợp với sứ mệnh của Chúa và tầm nhìn của bạn về thành công của bạn phải phù hợp với tầm nhìn của Chúa về thành công.
Thưa ông mục sư, ông có thể sử dụng ngân sách của hội thánh để phục vụ mục đích riêng của mình thay vì của Chúa.
Bạn có thể quá ngay thẳng khi không làm giàu cho mình từ tài khoản của hội thánh, nhưng cũng giống như bạn có thể lợi dụng người khác để thực hiện khải tượng của chính mình thay vì của Chúa, bạn cũng có thể lạm dụng tiền theo cách tương tự. Với tư cách là người chi phối việc chi tiêu của hội thánh, bạn có thể nhấn mạnh rằng phải dành quỹ cho những khoản chi nâng cao cái tôi của bạn hơn là gây dựng dân sự Chúa hoặc những khoản chi khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn là làm sáng danh Chúa.
Chẳng hạn, có thể có lý do chính đáng để mua thiết bị ghi âm – ghi hình thật xịn để ghi lại hoặc phát sóng bài giảng của bạn. Nhưng cũng có thể tầm nhìn của bạn về thành công là trông thật bảnh trên YouTube và bạn có thể đã chi phối các khoản quỹ của hội thánh theo cách khiến bạn cảm thấy thành công. Không hẳn là bạn ăn trộm, nhưng bạn vẫn đang dùng sai các khoản quỹ của hội thánh. Không có gì dễ bằng tiêu tiền của người khác, và có thể tất cả những khoản chi đó mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn nhưng lại ít ích lợi cho hội thánh và càng ít ích lợi hơn cho Chúa. Một ví dụ khác có thể là chi rất nhiều tiền để mời một nhà giảng đạo rất nổi tiếng vào một ngày Chủ nhật, không phải vì hội thánh sẽ được hưởng lợi nhiều như vậy, mà vì giao thiệp với người đó khiến bạn cảm thấy thật tuyệt – vì có những người bạn ở nơi cao. Nhiều khoản chi tiêu có thể được trọng vọng nhưng vẫn là tội lỗi.
Thưa ông mục sư, ông có thể truyền đạt những tiêu chuẩn công chính phản ánh cái tôi của mình hơn là những mạng lệnh trong Kinh thánh.
Bạn có thể làm cho hội thánh cảm thấy họ đã tôn vinh Chúa bằng cách thực hiện—hoặc làm ô danh Chúa bằng cách không thực hiện—những điều quan trọng đối với bạn hơn là đối với Đức Chúa Trời. Nói cách khác, khi hoàn cảnh dễ khiến bạn cảm thấy mình như một kẻ ngốc hoặc một kẻ thất bại, bạn có thể dụ dỗ các thành viên trong hội thánh làm những việc vượt quá thẩm quyền chính đáng của bạn.
Có thể lấy hoạt động gây quỹ làm ví dụ. Có thể bạn hơi ngại vì tòa nhà hội thánh hơi cũ hay hơi nhỏ, nên bạn thúc ép các thành viên dâng hiến nhiều hơn những gì họ thường làm—dù các thành viên đó đã sẵn sàng dâng hiến một cách vui lòng, mỗi người đều dâng theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Nhưng vì những lời động viên của bạn, họ bắt đầu thấy dễ chịu khi dâng nhiều hơn và thấy tội lỗi khi không dâng nhiều hơn. Nhưng tiêu chuẩn đó là của bạn chứ không phải của Chúa. Bạn không có quyền thúc ép họ dâng hiến nhiều hơn những gì Chúa đã dẫn dắt, đặc biệt khi động cơ đó quan trọng với bạn hơn là với Chúa, Đấng quan tâm rất nhiều đến thánh địa của tấm lòng hơn là thánh đường của bất kỳ tòa nhà nào.
Hoặc có lẽ có một mục vụ nào đó trong đời sống hội thánh có ý nghĩa rất lớn đối với bạn nhưng không được Kinh Thánh quy định rõ ràng. Nhưng bạn sẽ cảm thấy thất bại nếu người ta không lũ lượt kéo đến. Vì lý do đó, bạn có thể ép mọi người tham gia bằng cách dùng những từ như “nên” hoặc “phải” khi nói về điều đó. Tuy nhiên, vì Kinh Thánh không nói rằng “nên” tham gia một mục vụ như vậy nên bạn đang tạo ra một tiêu chuẩn công chính xuất phát từ sự thờ thần tượng trong lòng mình hơn là sự thánh sạch của Đức Chúa Trời. Hãy cẩn thận với những điều bạn nói với mọi người rằng họ “nên” làm và thành thật đánh giá tại sao bạn lại cảm thấy thúc bách đến vậy.
Điều Gì Là Quan Trọng Với Đức Chúa Trời?
Trước tình trạng dùng sai chức phận như vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Kinh Thánh nói rất ít với các mục sư về cách họ cần hướng dẫn dân sự phục vụ trong hội thánh. Trong khi đó Kinh thánh lại nói nhiều hơn về cách các mục sư cần phục vụ và chăm sóc dân sự. Đối với Đức Chúa Trời, dân sự Ngài—những người mà Ngài đã kêu gọi, tạo dựng và cứu chuộc – là điều quan trọng. Một trong những điều quan trọng bậc nhất đối với Ngài là họ được dẫn dắt một cách trung tín bởi những người mục sư sẵn sàng từ bỏ chính mình – bỏ đi cái tôi của chính họ, những ham muốn của chính họ, tầm nhìn của chính họ về thành công – để quan tâm đến những gì Ngài coi trọng nhất.
Tim Challies, tác giả bài viết là mục sư tại Grace Fellowship Church tại Toronto, Ontario, Hoa Kỳ. Tim là tác giả của một số cuốn sách và ông chia sẻ những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình mỗi ngày tại trang web Challies.com.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.challies.com/articles/three-respectable-sins-of-pastors/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
Rất đồng ý với bài viết của tác giả. Cảm ơn ban dịch thuật. Xin Chúa cho hội thánh có những mục sư giống như Chúa Jesus Christ vì chiên phó sư sống mình.