KÊU GỌI NGƯỜI TA BƯỚC LÊN TIN NHẬN CHÚA TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO LÀ KHÔNG NÊN?
Kêu gọi người ta bước lên tin nhận Chúa chắc chắn là có hiệu quả – khi được dùng đúng cách. Trước hết, hành động này nhắc người nghe rằng Tin lành đòi hỏi sự đáp ứng. Theo lời Billy Graham, “Bạn không thể trả lời Đức Chúa Trời kiểu ‘chắc là có’, mà phải là chắc chắn có hoặc chắc chắn không.” Khi được sử dụng đúng cách, việc kêu gọi tin nhận Chúa mời gọi những người hư mất tin nhận Đấng Christ là con đường duy nhất đến với thiên đàng. Vấn đề là đáp ứng với Đấng Christ chứ không phải với bạn. Vì thế, người đó biết rằng tin nhận Ngài là nhận lời mời gọi miễn phí đến với sự sống đời đời của Ngài, và khước từ Đấng Christ là khước từ lời mời gọi miễn phí đó.
Hơn nữa, khi một người đáp ứng với lời kêu gọi bước lên tin nhận, người đó đứng ngay trước mặt bạn. Trong tất cả những phương pháp mời gọi thì đây là cách dễ nhất để gặp mặt trực tiếp với người đó. Bạn không bảo họ gặp mình ở một phòng khác sau buổi nhóm – có thể họ không tìm được phòng, hoặc không bảo họ gặp mình vào lúc khác – họ dễ quên mất là lúc nào. Thay vào đó, bạn nói: “Hãy đến gặp tôi, hãy đến gặp tôi ngay giờ này.” Khi họ ở ngay trước mặt, bạn có thể nói chuyện trực tiếp với họ, hoặc là ngay lập tức, hoặc sau khi họ được đưa sang một phòng khác.
Lợi thế thứ ba là những gì lời kêu gọi này nói cùng những người nghe khác. Khi một người hư mất thấy người khác tiến lên phía trước, bộc lộ nhu cầu cần đến Đấng Christ, người này có xu hướng nghĩ rằng “Người kia không hổ thẹn khi thừa nhận nhu cầu của họ, vậy mình có vấn đề gì chăng?” Một người đáp ứng với Chúa sẽ khích lệ những người khác đáp ứng theo.
Tuy vậy, có những tình huống và lý do mà việc kêu gọi người ta bước lên tin nhận Chúa không chỉ là sai trái mà còn làm ô danh Chúa.
4 trường hợp hay lý do KHÔNG NÊN kêu gọi người ta bước lên tin nhận Chúa
1. Khi kêu gọi tin nhận Chúa bị biến thành một điều kiện để được cứu rỗi
Lý do đầu tiên chắc chắn là lý do tệ nhất. Một nhà truyền giảng trên truyền hình từng tuyên bố: “Có hai điều kiện để được cứu rỗi: Một là đến với Đấng Christ, hai là tiến lên phía trước.” Ông tiếp tục làm rõ rằng, theo quan điểm của ông, nếu một người không tiến lên phía trước thì người đó không thể đến với Đấng Christ.
Nguyện Chúa thương xót trên một người như vậy – ông đã thay đổi điều kiện của Tin lành. Chúa Giê-su chỉ phán rằng: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, ai tin [Ta] thì được sự sống đời đời” (Giăng 6:47) Không một lời nào nói đến việc tiến lên phía trước khi được kêu gọi. Hơn nữa, nếu bước lên tin nhận là yếu tố cần thiết để được cứu rỗi thì chúng ta sẽ đối mặt với hai vấn đề nghiêm trọng: Một là điều đó đồng nghĩa với việc tên cướp trên thập tự giá – trái với lời tuyên bố của Đấng Christ – phải xuống địa ngục. Người đó đã không và không thể nào “tiến lên phía trước”; nhưng ngay trên cây thập tự, ông đã nhìn nhận Đấng Christ là Đấng mà Ngài tuyên bố. Chúa Giê-su đã trìu mến đảm bảo với ông rằng “Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Pa-ra-đi.” (Lu-ca 23:43).
Vấn đề thứ hai xuất hiện ở Giăng 12:42, trong đó Kinh thánh nói với chúng ta rằng “Tuy nhiên, có nhiều người trong hàng lãnh đạo tin Ngài, nhưng vì người Pha-ri-si, nên họ không dám xưng nhận Ngài, sợ bị đuổi khỏi nhà hội.” “Tin Ngài” là cụm mà Giăng dùng để chỉ “sự cứu rỗi”, được sử dụng xuyên suốt Tin Lành theo Giăng. Đây cũng là cụm được dùng trong Giăng 3:16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Những câu khác cũng dùng cụm từ này là Giăng 3:18, 3:36, 5:24, 6:35, 6:40, và 6:47. Ở đây, các lãnh đạo Do Thái đã thật lòng tin Đấng Christ, nhưng họ không dám xưng nhận Ngài vì sợ bị dứt phép thông công khỏi nhà hội. Một câu như vậy làm rõ rằng tin nhận Đấng Christ, “tin Ngài” là một vấn đề khác với việc xưng nhận Ngài cách công khai.
Người ta có thể đặt câu hỏi rằng: “Còn Rô-ma 10:9-10 thì sao?” Trong đó có chép “Vậy nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Giê-su là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em sẽ được cứu. Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính, ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi.” Thời lượng không cho phép tôi phát triển lập luận của Phao-lô xuyên suốt sách Rô-ma, nhưng ngữ cảnh đã làm rõ vấn đề này. Việc “được cứu” mà Phao-lô nói đến ở đây không phải là cứu khỏi sự định tội, mà cứu khỏi những tổn hại của tội lỗi trong đời sống hiện tại. Người ta sẽ thoát khỏi những hậu quả tai hại này như thế nào? Câu trả lời của Phao-lô là: “Vì ai tin trong lòng thì được xưng công chính.” Cụm “được xưng công chính” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp và cũng được dùng trong Rô-ma 5:1, trong đó có chép: “Vậy, khi đã được xưng công chính bởi đức tin, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời.” Phao-lô nói tiếp trong Rô-ma 10:9: “ai tuyên xưng nơi miệng thì được cứu rỗi.”
Ý này rất quyền năng. Một người trở thành Cơ Đốc nhân chỉ bằng cách tin nhận Đấng Christ, nhưng để kinh nghiệm sự đắc thắng trên tội lỗi, anh ta phải sẵn sàng công khai xưng nhận Ngài. Tuyên xưng là điều quan trọng, không phải để được xưng công chính, mà để sống một đời sống Cơ Đốc đắc thắng. Cần sự trở giúp để tuyên xưng như vậy ư? Phao-lô cổ vũ họ “kêu cầu danh Chúa” (Rô-ma 10:13), một cụm từ có ý thờ phượng Chúa và xin Ngài giúp đỡ (so sánh với Công vụ 9:13-14, 1 Ti-mô-thê 2:22).
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Phao-lô tiếp tục nói trong Rô-ma 10:14-15 rằng “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào? Nếu chẳng có ai được sai đi thì làm sao rao giảng? Như có lời chép: “Bàn chân của những người truyền rao Tin Lành thật xinh đẹp biết bao!”’ Hãy để ý đến sự phân biệt rõ ràng giữa việc công khai tin nhận Đấng Christ và tin vào danh Ngài.
Trong Kinh thánh, việc công khai xưng nhận Đấng Christ không bao giờ được coi là một điều kiện cho sự cứu rỗi, mà thực sự là một điều kiện cho đời sống Cơ Đốc đắc thắng, như Rô-ma 10:9-10 đã nêu rõ.
2. Khi việc kêu gọi bước lên tin nhận Chúa làm nền cho sự thiếu trung thực và thao túng
Chẳng hạn, một người giảng đạo cổ vũ những người nghe mình rằng “Chúng ta sẽ hát thêm hai câu của bài ‘Tôi nguyện đến liền” (hoặc một bài thánh ca kêu gọi khác).” Trên thực tế thì người ta lại hát thêm năm đoạn nữa. Hoặc một người giảng đạo nói: “Nếu như hôm nay, bạn muốn tin Đấng Christ thì chỉ cần giơ tay mình lên. Tôi sẽ chỉ yêu cầu bạn làm như vậy thôi.” Thế rồi những người giơ tay lên lại được cổ vũ rằng “Bây giờ tôi sẽ đề nghị các bạn bước ra khỏi hàng ghế và bước lên phía trước. Tôi sẽ ở đây đợi các bạn.” Đợi đã, chẳng phải người giảng đạo mới nói rằng ông chỉ yêu cầu giơ tay lên hay sao? Kêu gọi bước lên tin nhận theo những cách trên đây trở thành cơ hội cho sự thiếu trung thực và thao túng.
Gia-cơ 5:12 cổ vũ chúng ta ”nhưng phải thì nói phải, không thì nói không, để anh em khỏi bị phán xét.” Như thế có nghĩa là nói sao ý vậy, ý sao nói vậy. Đừng để một hành động hứa hẹn hiệu quả như kêu gọi tin nhận trở thành một nơi mà sự thật không được nói ra. Nếu bạn đã nói rằng “chúng ta chỉ hát thêm một đoạn thôi” thì hãy chỉ hát một đoạn. Nếu bạn định yêu cầu người ta làm một điều thì đừng yêu cầu hai điều.
3. Khi kêu gọi bước lên tin nhận Chúa được trình bày như cách thức duy nhất
Kêu gọi bước lên tin nhận Chúa là một cách để phát hiện ra ai là người muốn tin nhận Đấng Christ; tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là cách duy nhất. Một hội thánh không mời gọi người ta thể hiện lòng khao khát với Đấng Christ theo nhiều cách là một hội thánh lún quá sâu vào truyền thống.
Là một nhà truyền giảng, tôi đã phát biểu tại hơn 1000 sự kiện truyền giáo trong 36 năm qua. Tôi đã kêu gọi người ta lên tin nhận Chúa, nhưng tôi cũng dùng đến nhiều phương thức khác. Một tấm thẻ liên lạc để đánh dấu vào góc phải nếu một người đã tin nhận Đấng Christ là một phương thức có hiệu quả cao. Tôi cũng yêu cầu những người quan tâm gặp tôi và những người lãnh đạo khác trong phòng bên cạnh ngay sau khi buổi nhóm kết thúc. Tôi đã mời người ta tin nhận Đấng Christ tại chỗ ngồi; sau buổi nhóm, họ có thể bước lên phía trước để nhận thông tin về cách để tăng trưởng. Điều gì khuyến khích chúng ta dùng nhiều hình thức khác nhau? Ấy là thực tế rằng kêu gọi bước lên tin nhận Chúa không phải một vấn đề có trong Kinh thánh. Vấn đề là người ta có tin nhận chỉ duy Đấng Christ để được cứu rỗi không, chứ không phải là chúng ta xác định những người đó như thế nào.
Việc kêu gọi bước lên tin nhận Chúa không có nguồn gốc từ Kinh thánh mà từ thực hành của hội thánh. Trước thế kỷ XIX, điều này chưa từng được nghe đến. Việc kêu gọi bước lên tin nhận Chúa do Charles Finney khởi xướng và được phổ biến dưới thời D.L. Moody. Thực ra, khi mới được sử dụng, việc này bị chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên, từ đó trở đi, đây trở thành việc làm được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất, phần lớn là do các cuộc truyền giảng của Billy Graham, một nhà truyền giảng nổi tiếng và được tôn trọng. Nhưng vì đây không phải vấn đề có trong Kinh thánh nên chúng ta hoàn toàn có thể dùng bất cứ hình thức nào chúng ta cho là hợp đạo đức và có hiệu quả trong việc khích lệ những người hư mất đáp ứng với Tin lành.
4. Khi việc kêu gọi bước lên tin nhận Chúa được dùng để đánh bóng bản thân
Mọi nhà giảng đạo đều muốn thấy kết quả từ sự giảng đạo của mình, nhưng chúng ta được kêu gọi phải trung tín (1 Cô-rinh-tô 4:2). Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể khiến chúng ta kết quả. Cho nên, khi giảng một sứ điệp truyền giảng, chúng ta muốn tất cả những người hư mất đều đến với Đấng Christ. Ai đến, ai không đều nằm trong tay Đức Chúa Trời. Công việc của chúng ta là đem Đấng Christ đến với những người hư mất – chỉ Đức Chúa Trời mới có thể đưa những người hư mất đến với Đấng Christ.
Tôi thường nói: “Phép thử giá trị của người truyền giảng không phải là những gì xảy ra khi đông người đáp ứng, mà là những gì xảy ra khi không ai đáp ứng.”
Nếu bạn kêu gọi người ta bước lên tin nhận Chúa thì đừng làm điều đó để phô trương rằng bạn rao giảng hiệu quả hay gây ấn tượng với mọi người hoặc các nhà giảng đạo khác. Nếu sự tự phụ và tự hào bước vào thì Đức Chúa Trời lại bị khinh dể. Dùng đúng phương thức là dùng chúng với những động cơ đúng đắn.
Có chỗ cho việc kêu gọi tin nhận Chúa một cách thích hợp, nhưng chúng ta phải luôn hiểu đúng về cách thức, thời gian và nơi chốn để sử dụng điều đó. Kêu gọi tin nhận Chúa cách đúng đắn sẽ không làm xáo trộn Tin lành, không làm nền cho sự thiếu trung thực và thao túng, không được coi là “cách thức duy nhất” và không dùng để đánh bóng bản thân. Thay vào đó, việc kêu gọi tin nhận Chúa đúng cách nói cùng những người chưa tin một cách ấm áp và quan tâm rằng “Nếu bạn muốn đến với Đấng Christ, chúng tôi rất muốn có cơ hội để nói với bạn về điều đó ngay giờ này.” Hãy tôn kính Chúa bằng cách trình bày Tin lành cho rõ ràng. Cũng hãy tôn kính Ngài trong cách chúng ta kêu gọi người ta bước lên tin nhận Chúa.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ R. Larry Moyer là một nhà truyền giảng kỳ cựu và thường xuyên diễn thuyết trong các buổi truyền giảng, hội thảo huấn luyện, trong các hội thánh và trường đại học trên khắp thế giới. Sinh ra đã bị tật về nói năng theo di truyền, khi còn niên thiếu, Larry đã hứa nguyện với Chúa rằng nếu Ngài cho ông kiểm soát được lời nói của mình, ông sẽ luôn dùng giọng mình để rao truyền Tin lành. Năm 1973, Larry sáng lập EvanTell – hiện ông đang làm Chủ tịch và CEO của tổ chức này. Ông đã viết một số cuốn sách về truyền giáo và thường xuyên đóng góp các bài báo cho các ấn phẩm mục vụ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://churchleaders.com/pastors/pastor-how-to/138176-four-reasons-not-to-give-an-altar-call.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!