CÁC GIÁO SĨ ĐÃ ĐẾN THÁI LAN ĐƯỢC 200 NĂM. TẠI SAO LẠI KHÔNG CÓ NHIỀU CƠ ĐỐC NHÂN HƠN?
Nhiều hội nghị Cơ đốc đã được tổ chức tại quốc gia Phật giáo này, nhưng đức tin Cơ đốc tại đây vẫn chưa bén rễ. Năm lãnh đạo hội thánh trình bày lý do tại sao.
Ảnh: Lễ báp-têm kỷ lục tại Thái lan diễn ra vào năm 2020, khi 20 mục sư dàn hàng ngang để làm lễ báp-têm nước cho 1435 người mới tin Chúa.
Nguồn: https://chvnradio.com/articles/thai-churches-hold-historic-baptism-of-over-1400-people-
Ở châu Á, Thái Lan là địa điểm lý tưởng cho các hội nghị Cơ Đốc giáo. Nhờ thời tiết nắng ấm, chi phí sinh hoạt thấp, nhiều khách sạn và gần các quốc gia đóng cửa đối với các giáo sĩ, Thái Lan thường là nơi quy tụ các giáo sĩ và tổ chức truyền giáo quốc tế. Tuy người theo Phật giáo Nguyên thủy chiếm khoảng 93% dân số nhưng chính phủ Thái Lan vẫn cởi mở và thân thiện với các nhóm Cơ Đốc giáo, đến mức nước này đã trở thành địa điểm phổ biến cho nhiều trụ sở cơ quan truyền giáo.
Tuy Cơ Đốc nhân được tự do tại Thái Lan nhưng không vì thế mà Cơ Đốc giáo được người Thái bản địa tiếp nhận rộng khắp. Dù công tác truyền giáo Tin lành đã kéo dài gần 200 năm nhưng chỉ có khoảng 1,2% dân số là Cơ Đốc nhân. Câu hỏi tại sao Thái Lan lại là mảnh đất khó cho hạt giống Tin lành phát triển đã khiến các giáo sĩ đau đầu, vì nhiều người đã không thu được kết quả gì sau nhiều năm học tiếng Thái, xây dựng mối quan hệ và cố gắng giới thiệu Tin lành cho người dân địa phương.
Tờ Christianity Today đã hỏi hai giáo sĩ và ba lãnh đạo hội thánh Thái Lan xem theo họ thì tại sao tốc độ tăng trưởng ở Thái Lan lại chậm đến vậy và có thể làm gì để giúp người Thái kết nối tốt hơn với Tin lành. Họ chỉ ra thực tế của cuộc chiến thuộc linh, thách thức trong việc truyền đạt các khái niệm Cơ Đốc cho người Thái, tình trạng thiếu môn đồ và vai trò của Phật giáo trong bản sắc văn hóa của người Thái.
Allan Eubank, người đồng sáng lập Thai Christian Foundation (Tổ chức Cơ Đốc Thái Lan) và là giáo sĩ ở Thái Lan trong hơn 58 năm, Chiang Mai
Ở Thái, người dân nếm trải nhiều tầng thế lực và quyền thống trị. Một trong những lý do khiến Cơ Đốc giáo không phát triển ở Thái Lan là vì nhiều người trong chúng ta không hiểu hết về cuộc vật lộn với các thế lực và quyền thống trị được nêu trong Ê-phê-sô 6:10–20. Khi mới được kêu gọi làm giáo sĩ, tôi không hiểu những thế lực này. Các giáo sư thần học của tôi vào những năm 1950 và 1960, trong thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa phê bình duy lý đối với Kinh thánh cũng vậy.
Khi bắt đầu chức vụ, tôi gặp khó khăn trong việc tiếp cận mọi người vì tôi nghĩ rằng niềm tin của họ vào các linh ác sẽ mất đi khi được dạy về các linh khác nhau, trong đó có Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, sau 10 năm, tôi nhận ra rằng người Thái cần biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời là ai, tại sao chúng ta cần Ngài và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su là Chúa và Cứu Chúa của mình. Bấy giờ chúng tôi viết ra một cuốn sách nhỏ nói về sự cứu rỗi có tên là Itract. Kể từ đó, tôi thấy có nhiều người hưởng ứng Tin lành hơn.
Một lý do khác khiến Cơ Đốc giáo không phát triển nhanh chóng ở Thái Lan là vì Cơ Đốc nhân Thái Lan thường không có vẻ gì khác biệt so với thế gian. Chúng tôi thường đầu hàng cám dỗ về quyền lực, của cải vật chất và tình dục. Chúng tôi thường rất kiêu ngạo, chọn không ăn năn khi làm điều sai trái và chọn không tha thứ cho những người đã làm tổn thương cảm xúc của mình.
Là Cơ Đốc nhân, chúng tôi nỗ lực hết mình để truyền giáo và chia sẻ Tin lành với người khác bất chấp những điểm yếu của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, sự cải đạo sẽ xảy ra vào thời điểm của Chúa. Ngài sẽ mang đến mùa gặt.
Manuel Becker, điều phối viên của YWAM Frontier Missions Thái Lan, Phitsanulok
Lý do quan trọng nhất dẫn đến sự kháng cự rõ ràng của người Thái đối với Cơ Đốc giáo là sự đan xen không thể tách rời giữa bản sắc văn hóa và sự gắn kết tôn giáo với Phật giáo. Trở thành người Thái là trở thành Phật tử. Do đó, việc theo đuổi Cơ Đốc giáo—được coi là một tôn giáo phương Tây—đòi hỏi phải đánh mất bản sắc của người Thái, là điều dẫn đến những hậu quả xã hội đáng kể, vì trở thành một Cơ Đốc nhân thường có nghĩa là tránh xa mọi thứ liên quan đến Phật giáo. Trong xã hội Thái Lan, hầu hết các sự kiện quan trọng đều có yếu tố Phật giáo.
Cơ Đốc nhân cần giải phóng Tin lành khỏi Cơ Đốc giáo phương Tây và cho phép người Thái khám phá cách thức theo Chúa Giê-su theo cách của người Thái mà không áp dụng những hình thức phương Tây xa lạ với văn hóa của họ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình thức nhóm họp của các tín hữu và cách thức công bố sứ điệp Tin lành. Thay vì cố gắng xây dựng các hội thánh siêu lớn, chúng ta nên tập trung vào các hội thánh tư gia nhỏ hơn để nuôi dưỡng bầu không khí gia đình. Cần phải vượt qua quan niệm cho rằng giáo sĩ quan trọng và thánh thiện hơn giáo dân và thúc đẩy chức tế lễ của mọi tín đồ.
Chỉ khi người Thái tìm ra những cách nhập thể để đi theo Chúa Giê-su thì chúng ta mới thấy được bước đột phá lớn hơn của Vương quốc Chúa tại Thái Lan.
Natee Tanchanpong, mục sư trưởng tại Grace City Bangkok và cựu trưởng khoa Học thuật của Chủng viện Kinh thánh Bangkok
Trong những năm qua, Hội thánh Thái Lan thường làm giống thế giới quanh mình khi cần làm khác, và làm khác họ khi cần làm giống. Chẳng hạn, chủ nghĩa vật chất, luân lý và hệ thống giai cấp thường có vẻ giống nhau trong cả xã hội và hội thánh. Đồng thời, hội thánh thường sử dụng những từ ngữ và khái niệm xa lạ với những người xung quanh. Có lẽ người Thái chưa hoàn toàn đón nhận Tin lành vì sứ điệp Tin lành chưa được truyền đạt rõ ràng và các Cơ Đốc nhân trong hội thánh chưa bày tỏ Tin lành của Chúa Giê-su Christ theo những cách mà họ nên làm trong cuộc sống.
D. A. Carson chỉ ra lẽ thật của thuyết tương thích (compatibilism), có nghĩa là Đức Chúa Trời có quyền tối thượng đồng thời con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Chúa Giê-su đưa ra lẽ thật kép này khi Ngài nói: “Tất cả những người Cha Ta ban cho Ta đều đến với Ta; ai đến với Ta, Ta sẽ không bỏ ra ngoài đâu.” (Giăng 6:37). Có lẽ đây là cách tốt nhất để giải thích những gì đang xảy ra ở Thái Lan.
Chúa Giê-su tiếp tục nói rằng không ai có thể đến với Ngài trừ khi Chúa Cha kéo họ đến hoặc giúp họ có thể làm vậy (Giăng 6:44, 65). Suy cho cùng thì Đức Chúa Trời là Đấng kéo các cá nhân đến với chính Ngài. Vì vậy, có cảm giác rằng những gì xảy ra ở Thái Lan không nằm trong tầm kiểm soát của con người, cũng như sự phấn hưng thuộc linh toàn thể cuối cùng không phải bởi con người và hành động của họ.
Mali Boon-Itt, lãnh đạo hội thánh và vợ mục sư tại Hội thánh số 4 Suebsampantawong, Bangkok
Cơ Đốc nhân đã không thể truyền đạt qua các thế giới quan khác nhau. Tuy chúng tôi nói tiếng Thái nhưng các Phật tử không hiểu chúng tôi đang nói gì vì Cơ Đốc giáo không giống với thế giới quan của Phật giáo. Vì họ không hiểu Cơ Đốc giáo nên Cơ Đốc giáo không chạm đến trái tim họ.
Một vấn đề khác có thể tác động đến khả năng gây ảnh hưởng của Cơ Đốc nhân ở Thái Lan là có rất nhiều sự tha hóa trong các hội thánh. Có rất nhiều vụ kiện mà trong đó, các Cơ Đốc nhân kiện tụng lẫn nhau. Đây không phải một lời chứng tốt đẹp gì đối với người dân Thái Lan.
Để chia sẻ Tin lành ở Thái Lan một cách hiệu quả, anh không chỉ cần biết rõ tiếng Thái mà còn cần phải biết rất rõ về thần học Cơ Đốc và Phật giáo. Anh cần có khả năng truyền đạt theo cách mà các Phật tử thấy rõ và hiểu được. Để làm được điều đó, anh cần hiểu cách giải thích khái niệm cứu chuộc theo cách mà các Phật tử có thể hiểu được. Đây không chỉ là vấn đề ở Thái Lan mà là một vấn đề xuyên suốt trong giới Phật giáo.
Nurot Panich, mục sư điều hành hội thánh Acts of Christ Church ở Bangkok
Cơ Đốc giáo không phát triển ở Thái vì các hội thánh Thái Lan thường thiếu sự hiệp nhất. Có rất nhiều xung đột trong các hội thánh và rất nhiều vấn đề nảy sinh trong và giữa các tổ chức.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo hội thánh Thái Lan thường hành động giống ông chủ hơn là người quản lý. Văn hóa Thái Lan chấp nhận rộng rãi rằng lãnh đạo cấp dưới không thể bất đồng với lãnh đạo cấp trên. Điều này có nghĩa là những lãnh đạo hội thánh mới nổi phải luôn theo sau các mục sư cấp trên. Đây là một vấn đề vì đôi khi lãnh đạo cấp dưới có ý tưởng hay nhưng vì địa vị nên họ không thể đề xuất được.
Các lãnh đạo hội thánh Thái Lan cũng gặp khó khăn trong việc môn đồ hóa, đặc biệt là cho các tín đồ mới. Các hội thánh Thái Lan có thể truyền giáo tốt nhưng thường không môn đồ hóa được những người mới cải đạo. Chỉ có khoảng 10 phần trăm người mới cải đạo tiếp tục tham gia vào hội thánh. Môn đồ hóa là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự cam kết. Vì nhiều lãnh đạo hội thánh không muốn thực hiện cam kết đó nên họ thích truyền giảng tại sự kiện chỉ diễn ra một lần.
Là Cơ Đốc nhân, cách tốt nhất để chia sẻ về Đấng Christ là để đời sống của chúng ta trở thành một lời chứng tốt dù chúng ta ở nhà, ở trường hay ở chợ. Dù đi đâu, chúng ta cũng cần đại diện cho Đấng Christ. Khi mọi người thấy hành động của chúng ta tôn vinh Chúa, họ sẽ được tác động tích cực.
Bài viết do Rebecca Brittingham biên soạn
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.christianitytoday.com/ct/2024/june-web-only/thailand-missions-christianity-low-buddhism-challenges.html