TẠI SAO SỰ THĂNG THIÊN CỦA ĐẤNG CHRIST LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ THIẾU
Việc Chúa Giê-su trở về thiên đàng không phải là màn rời sân khấu một cách vụng về mà là cao trào trong câu chuyện cứu chuộc của chúng ta.
Tôi không thực sự hiểu được sự Thăng thiên trong một khoảng thời gian dài.
Với tôi, câu hỏi của các môn đồ trong Công vụ 1:6 có vẻ cực kỳ hợp lý. Sao Chúa Giê-su lại phải đi? Tại sao không mở ra sự trọn vẹn của vương quốc Chúa ngay lúc đó, và bắt đầu gói ghém lại mọi việc? Chẳng phải nếu Chúa Giê-su vẫn ở đây thì chúng ta sẽ đỡ hao tổn bao nhiêu công sức trong lĩnh vực truyền giáo và biện giáo hay sao?
Hiện tại, sự Thăng thiên đánh thẳng vào những nghi ngờ tăm tối nhất của những người hoài nghi về câu chuyện Tin lành. “Đấng Mê-si-a được cho là đã phục sinh lại biến mất mà không hiện ra cho ai khác ngoài bạn bè và gia đình ư, tiện thế nhỉ!”
Ấy thế nhưng Kinh thánh lại không chịu đồng tình với cảm nhận của tôi. Không hề coi sự Thăng thiên là màn rời sân khấu một cách kỳ quặc và chỉ cốt để giải thích tại sao Chúa Giê-su không còn ở đây nữa, Kinh Thánh nói đến điều này như một phần cần thiết trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Không chỉ cần thiết mà các môn đồ còn nói đến điều này như bằng chứng chính yếu chỉ ra rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.
Thay vì cố giải thích cho xong lý do Ngài vắng bóng, họ lại mạnh mẽ rao báo về điều này. Sự Thăng thiên có chỗ đứng ngang hàng với sự Đóng đinh và sự Phục sinh trog những tuyên bố đầu tiên về Tin lành (Công vụ 2:33-36; 3:18-21; 5:30-31).
Ngay cả Chúa Giê-su cũng liên hệ sự Thăng thiên với công tác chịu chết và sống lại của Ngài. Khi Ma-ri Ma-đơ-len thấy Ngài ở trong vườn sau khi Ngài phục sinh, Ngài không chỉ dạo bộ và tận hưởng thực tế rằng mọi sự đã hoàn tất. Không, Ngài là một người đang thực hiện sứ mệnh, và vẫn còn một việc nữa: “Đừng chạm đến Ta, vì Ta chưa lên với Cha!” (Giăng 20:17).
Nhưng theo kinh nghiệm của tôi trong các hội thánh Tin lành, tôi hiếm khi nghe thấy người ta giảng mạnh về sự Thăng thiên bằng một phần nhấn mạnh đến Thập Tự giá hay ngôi mộ trống.
Khi cố gắng giải thích về sự Thăng thiên, các nhà thần học nhanh chóng chỉ ra những điều Chúa Giê-su thực hiện sau đó: điều này mở ra công tác cầu thay trong vai trò thầy tế lễ của Ngài, là tiền đề cho việc Ngài sai phái Đức Thánh Linh, và khởi đầu sự trị vì của Ngài trên thiên đàng. Tất cả những điều đó đều đúng.
Ấy thế nhưng trước đây tôi không hiểu lắm tại sao Chúa Giê-su lại phải đi để làm những điều đó. Cầu thay, ban Thánh Linh, thậm chí là trị vì – tất cả những điều này đều có thể được thực hiện trong chức vụ trên đất của một Đấng Mê-si-a đích thực và được vinh hiển. Vậy tại sao Ngài lại phải đi?
Thần học Kinh thánh đưa ra chúng ta câu trả lời rõ ràng đến kinh ngạc cho câu hỏi đó, câu trả lời khiến chúng ta có thể thấy sự Thăng thiên trong bối cảnh thích hợp. Sự Thăng thiên không phải là hành động biến mất một cách lạ lùng mà Chúa Giê-su thực hiện ở đoạn kết – như một ảo thuật gia kết thúc màn trình diễn của mình bằng một luồng khói, mà là nền tảng cho tất cả mọi điều Ngài đã làm trong sự thương khó Ngài.
Thăng thiên là hành động khải hoàn nhằm trao mão triều cho cả chức vụ làm vua và làm thầy tế lễ của Đấng Mê-si-a: trong đó, người nối ngôi Đa-vít lên trị vì, và thầy tế lễ thượng phẩm hoàn tất việc dâng tế lễ chuộc tội.
Đầu tiên, hãy cân nhắc đến khía cạnh làm vua. Sự Thăng thiên dường như làm ứng nghiệm hoàn toàn khải tượng tiên tri của Đa-ni-ên 7:13-14. Trong khải tượng đó, Con Người – được bao phủ bởi những đám mây – đến gần ngai Đấng Thượng Cổ và được ban cho quyền thống trị một vương quốc đời đời. Hãy để ý rằng lời tiên tri này không cho thấy sự cai trị của Đấng Mê-si-a bắt đầu từ sự trị vì trên đất, mà khá là cụ thể với sự trị vì trên trời.
Nếu Chúa Giê-su cứ ở lại trên đất và cố gắng khẳng định vương quyền của mình thì Ngài không phải là Đấng Mê-si-a – vì Con Người đích thực đã được tiên tri rằng sẽ thăng thiên vào sự hiện hiện của Đức Chúa Trời, được ban cho sự thống trị tại đó.
Sự Thăng thiên là lễ đăng quang khải hoàn của vị vua Mê-si-a. Chúa Giê-su đã thực hiện điều mà người ta chờ đợi những vị vua thời cổ đại thực hiện: Ngài đã cứu dân Ngài khỏi kẻ thù của họ. Ngài đã đánh bại quyền lực của tội lỗi, Sa-tan và sự chết, nay Ngài lên ngự trên ngai – như những vị vua thuộc dòng Đa-vít xưa kia trở lên Giê-ru-sa-lem sau một chiến dịch quân sự thành công.
Sau khi hoàn tất những hành động đế vương đó, Chúa Giê-su đến gần Đấng Thượng Cổ và được đội cho sự vinh quang và tôn trọng. Tuy chúng ta vẫn chờ đợi Ngài tái lâm và thể hiện sự trị vì một cách trọn vẹn và dứt khoát nhưng sự trị vì đó đã bắt đầu rồi.
Giờ đây, vì Ngài đã ngự trên ngai, ngồi bên hữu Đức Chúa Cha nên các dấu hiệu được chờ đợi của thời đại Đấng Mê-si-a đang được ứng nghiệm trước mắt chúng ta: Thánh Linh đã được tuôn đổ và các nước đã bắt đầu hướng lòng mình thờ phượng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
Thậm chí còn có một loạt các hình ảnh Kinh thánh hấp dẫn hơn nữa kết nối sự Thăng thiên của Chúa Giê-su với công tác tế lễ của Đấng Mê-si-a. Những Cơ Đốc nhân thời đầu coi sự chết của Chúa Giê-su trên thập tự giá là một sinh tế chuộc tội (Rô-ma 3:25), một hành động mà nhờ đó, tội lỗi của chúng ta được tha thứ một cách trọn vẹn và dứt khoát.
Tuy nhiên, xuất phát từ bối cảnh văn hóa đền thờ của Y-sơ-ra-ên, nếu nói rằng Thập giá là tất cả những gì có trong nghi thức dâng tế lễ của Chúa Giê-su thì hầu hết các tín đồ Do Thái sẽ cảm thấy thiếu sót một cách kỳ lạ. Bất cứ ai trong thế giới cổ đại đều biết rằng tội nhân ăn năn cần tiến thêm một bước nữa trong nghi lễ chuộc tội: sinh tế bị giết đi và thầy tế lễ thượng phẩm sẽ mang huyết sinh tế đó bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Sự tương đồng rõ ràng nhất là nghi lễ của Ngày Chuộc tội hằng năm, khi sinh tế chuộc tội cho dân sự được giết trên bàn thờ lớn bên ngoài cửa đền thờ. Nhưng đó chỉ là phần đầu tiên của nghi lễ. Đối với người Do Thái, lời tuyên bố rằng chỉ riêng sự Đóng đinh đã là của lễ chuộc tội rồi chẳng khác gì nói rằng sinh tế đã được giết trên bàn thờ và chỉ vậy thôi.
Bước tiếp theo của nghi lễ thì sao? Thầy tế lễ thượng phẩm phải lấy huyết sinh tế và bước lên các bậc của đền thờ—để bước vào nơi thánh của Chúa được bao quanh bởi những “đám mây của khói hương” cuồn cuộn (Lê-vi ký 16:11-13).
Thầy tế lễ thượng phẩm sẽ bước lên đám mây đó, biến mất khỏi tầm nhìn của đám đông đang theo dõi trong sân đền thờ, rồi tiến vào Nơi Chí Thánh. Tại đó, trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ dâng huyết sinh tế, hoàn tất nghi lễ chuộc tội và cầu thay cho dân sự. Sau đó, ông sẽ xuất hiện, quay trở lại qua đám mây khói hương giống như cách mà đám đông đã thấy ông rời đi, mang lại sự đảm bảo về sự cứu chuộc cho dân Chúa.
Đây chính là điều mà sách Hê-bơ-rơ nói đã xảy ra khi Chúa Giê-su thăng thiên. Hê-bơ-rơ 6–10 vẽ nên cảnh tượng đã diễn ra khi Chúa Giê-su bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời, vẽ nên hình ảnh Ngày Chuộc Tội để mô tả Chúa Giê-su vừa là sinh tế vừa là người dâng sinh tế. Nơi Chí Thánh chỉ là hình ảnh tượng trưng trên đất cho thực tại trên trời còn Chúa Giê-su lại bước vào giữa thực tại đó—vào chính sự hiện diện của Đức Chúa Cha.
Ngụ ý thần học ở đây là sự Thăng Thiên là bước cần thiết tiếp theo trong nghi lễ, sau Thập Tự Giá. Điều này không ngụ ý rằng những gì Chúa Giê-su đã thực hiện trong công tác cứu chuộc của Ngài trên Thập Tự Giá có bất kỳ thiếu sót nào – chỉ có điều tế lễ trọn vẹn này luôn được định là sẽ có một bước khác theo sau trong tiến trình, đó là mang tế lễ của Ngài vào Nơi Chí Thánh thực sự.
Không chỉ thư Hê-bơ-rơ vẽ nên hình ảnh đó. Nếu biết mình đang tìm kiếm điều gì thì bạn có thể thấy hầu hết các mô tả về sự Thăng thiên đều tương ứng với chức tế lễ. Trước sự Thăng thiên là khoảng thời gian 40 ngày (Công vụ 1:3), giống như Ngày Chuộc Tội trong truyền thống Do Thái giáo.
Trước khi thăng thiên, Chúa Giê-su đã giơ tay lên ban phước cho các môn đồ, rồi đi lên, bước vào sự hiện diện Đức Chúa Trời (Lu-ca-24:50-51) – giống như chuỗi hành động mà A-rôn đã thực hiện trước khi bước vào lều tạm để hoàn tất nghi lễ dâng sinh tế trọng thể đầu tiên (Lê-vi ký 9:22-23).
Kinh thánh đặc biệt đề cập đến đám mây tiếp Chúa Giê-su đi khuất (Công vụ 1:9), là điều lặp lại cả lời tiên tri của Đa-ni-ên về Con Người và là hình ảnh trực quan về Ngày Chuộc tội. Nếu Chúa Giê-su là Thầy Tế lễ Thượng phẩm Vĩ đại dâng sinh tế trong đền tạm trên trời thì Ngài phải thăng thiên để thực hiện chính chức năng đó.
Quan điểm này bổ sung thêm một lớp ý nghĩa mới cho giai đoạn lịch sử hiện tại của chúng ta. Nghi lễ trong Ngày Chuộc Tội không chỉ là đi lên đền thờ và bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà còn phải quay lại lần nữa. Vì vậy, thời đại vắng bóng Chúa Giê-su như hiện nay là thời kỳ Ngài tích cực thực hiện chức vụ tế lễ, khi Ngài tiếp tục cầu thay cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Cha.
Tương tự như vậy, sự tái lâm của Chúa Giê-su như đã hứa không phải là một sự kiện tương lai đơn lẻ nào đó, mà là cực điểm được chờ đợi bấy lâu của mọi việc Ngài đã làm, giống như đã được báo trước trong nghi thức tế lễ cổ xưa (Hê-bơ-rơ 9:24–28). Do đó, câu chuyện biến mất và trở lại của sự Thăng thiên và sự Tái lâm không còn là điều gì đó kỳ quặc hoặc đáng ngạc nhiên nữa. Đúng hơn, dưới ánh sáng của Kinh thánh, đó chính xác là điều mà người ta mong đợi Đấng Mê-si-a sẽ làm.
Để Chúa Giê-su trở thành vị vua Mê-si-a thực thụ—Đấng được tiên tri là sẽ đến để đánh bại kẻ thù của nhân loại và trở lại giành lấy ngai vị của mình theo cách thức mà Đa-ni-ên 7 mô tả—thì ngài phải thăng thiên. Để Chúa Giê-su trở thành Thầy Tế lễ Thượng phẩm Vĩ đại, được báo trước trong các nghi lễ của đền thờ Y-sơ-ra-ên, ngài phải hoàn thành nghi lễ bằng cách mang tế lễ của mình bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Lễ thăng thiên không chỉ là chú thích cuối trang cho các câu chuyện Tin lành; đó không phải là một sự vắng mặt đầy rắc rối cần phải giải thích cho xong. Điều này không gì khác hơn là đỉnh điểm của sự thương khó của Đấng Mê-si-a—và sự chuẩn bị cho phần cuối của kịch tính vĩ đại về sự cứu chuộc của Ngài.
Matthew Burden, tác giả bài viết đang lấy bằng Tiến sĩ thần học và là tác giả của hai cuốn sách Who We Were Meant to Be và Wings over the Wall. Ông là mục sư một hội thánh tại tiểu bang Maine, Hoa Kỳ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.christianitytoday.com/ct/2022/may-web-only/christ-ascension-day-heaven-atonement-gospel-redemption.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!