Cơ Đốc Nhân Không Nên Sợ AI
Chúng ta đang sống trong một thế hệ “trí tuệ” – trí tuệ cảm xúc, trí tuệ sáng tạo và gần đây hơn là trí tuệ “nhân tạo”. Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực nghiên cứu rộng trong khoa học máy tính, thiết kế các hệ thống suy nghĩ và hành động giống với con người—từ chơi trò chơi đến lái xe.
Hai phân khu chính của AI là dạng “cụ thể” và dạng “tổng quát”. Công nghệ AI cụ thể là các hệ thống bắt chước con người tham gia vào một nhiệm vụ cụ thể (ví dụ: ChatGPT), trong khi AI tổng quát cố gắng bắt chước con người về suy nghĩ, ngôn ngữ và hành động ở phạm vi rộng hơn (ví dụ: Dữ liệu nhân vật trong Du hành giữa các vì sao: Thế hệ mới). Giờ đây, vì các công cụ AI cụ thể như ChatGPT đã được tung ra xã hội, chúng ta cũng nghe thấy thuật ngữ “machine learning” (máy học). Điều này đề cập đến các hệ thống đã “học” cách thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc tổng quát.
Từ góc nhìn của một nhà công nghệ, đây là thời điểm thú vị. Nhiều người dự đoán rằng các công nghệ này sẽ có tác dụng biến đổi xã hội giống như báo in (Thời đại Khai sáng), động cơ đốt (Thời đại Công nghiệp) và máy tính (Thời đại Thông tin).
Ân điển phổ quát hay kẻ hủy diệt ngoài đời thực?
Khi Cơ Đốc nhân chỉ xem AI như một công cụ, chúng ta có thể coi đó là cách Cơ Đốc nhân đã phản ứng với sự phát triển về công nghệ trong lịch sử: công cụ là những món quà từ Chúa, được ban dưới ân điển phổ quát, được sử dụng cho những mục đích tốt đẹp và khôn ngoan.
Như Chúa phán qua Ê-sai: “Nầy, chính Ta đã dựng nên người thợ rèn, đốt than thổi lửa, sản xuất vũ khí để dùng; cũng chính Ta đã dựng nên kẻ hủy diệt để thực hiện việc tàn phá” (Ê-sai 54:16). Đức Chúa Trời đã định rằng những tiến bộ về công nghệ sẽ tăng tiến theo dòng lịch sử. Nhưng cách chúng ta sử dụng những món quà ân điển phổ quát – dù là cho mục đích tốt lành hay xấu xa – là một vấn đề thần học và đạo đức đáng được suy xét cẩn thận.
Vì thế, chúng ta phải đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có đi quá xa với công nghệ AI?” Một số người nghĩ là có. Họ cho rằng AI không chỉ đơn thuần là một công cụ mà còn là một ví dụ về việc tạo vật (chúng ta) đang cố gắng tái tạo một hình ảnh thiên thượng ngoài hình thức sinh sản do Đức Chúa Trời quy định — từ đó cướp đoạt thẩm quyền độc nhất của Chúa với tư cách là Đấng Tạo Hóa. Những người khác vẫn hào hứng muốn xem chúng ta có thể phát triển và triển khai những công nghệ mới này đến mức nào để thúc đẩy sự phồn thịnh của con người.
Ngay từ những ngày đầu, AI đã bắt chước con người phần nào bằng cách nghiên cứu và mô hình hóa họ. Nghiên cứu AI đã tương tác với khoa học thần kinh từ lâu. Việc AI có thể bắt chước tâm trí con người gần đến mức nào sẽ tạo ra cả những suy đoán không tưởng và cực kỳ đáng sợ. Ở khía cạnh viễn tưởng hơn, người ta nói bằng ngôn ngữ đầy hy vọng của Nhà Jetsons hoặc Du hành giữa các vì sao; ở khía cạnh tiêu cực hơn, hãy nghĩ đến Kẻ hủy diệt hoặc Ma trận.
Đừng sợ những kẻ không thể tạo ra linh hồn
Các mục sư và dân sự đang phải vật lộn với những câu hỏi về AI là gì và nó sẽ thay đổi cuộc sống như chúng ta biết như thế nào. Nhiều người đang đặt những câu hỏi sâu sắc và nhiều sắc thái. AI sẽ khiến sự khéo léo của con người và ngành công nghiệp trở nên lỗi thời ư? Phải phản ứng với AI thế nào mới đúng Kinh thánh? Nếu máy in là một món quà thiên thượng giúp đẩy nhanh việc lan truyền Lời Chúa và các nguồn tài liệu Kinh thánh, thì AI có thể đặt vào đâu trong kế hoạch phát triển vương quốc của Ngài trên toàn cầu?
Mục đích của bài viết ngắn gọn này không phải để trả lời những câu hỏi như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng đằng sau những câu hỏi này là nỗi bất an chung hoặc nỗi sợ hãi về những điều chưa biết. Chúng tôi chỉ muốn đề cập một số nguyên tắc Kinh thánh có thể dẫn dắt việc phát triển các câu trả lời trong khi đối mặt với những nỗi sợ hãi tiềm ẩn về công nghệ mới và phức tạp này.
1. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị và cai trị thế giới bằng những công tác tể trị thánh khiết, khôn ngoan và quyền năng.
Cho dù những tiến bộ của AI có thú vị hay đáng báo động đến đâu thì những tiến bộ công nghệ tốt nhất của chúng ta cũng giống như những đứa nhỏ chơi trò bắt chước Đấng Tạo Hóa một cách dễ thương. Tiền đề cơ bản của những nhà cải cách là đây: Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa trong khi chúng ta chỉ là những người thám hiểm và khám phá trong thế giới của Ngài. Chỉ một mình Ngài tuyên bố sự cuối cùng ngay từ ban đầu, và mục đích của Ngài sẽ thành tựu (Ê-sai 46:10). Ngài hoàn thành mọi sự theo mục đích Ngài muốn (Ê-phê-sô 1:11)—bao gồm cả vị trí của công nghệ AI trong thế giới chúng ta.
2. Công nghệ AI (cùng với tất cả những thành tựu khác của con người) không làm thay đổi kế hoạch của Đức Chúa Trời nhằm tôn vinh chính Ngài trong việc cứu chuộc tội nhân.
Nhờ ghi nhớ mục đích cứu chuộc của Chúa, sự hào hứng của chúng ta đối với AI—hoặc nỗi sợ hãi về nó—có thể được kiềm chế. Tuy nó có thể mang lại những điều lớn lao nhưng nó không thể mang lại những điều tối thượng (Công vụ 4:12). Nói về AI như vị cứu tinh hoặc antichrist là gán cho AI một vai trò vượt ngoài mục đích của nó một cách không chính xác.
Khi thế giới trông cậy vào Seance AI (AI gọi hồn) để bắt chước giọng nói của những người thân yêu đã qua đời nhằm nói chuyện lại với “họ”, chúng ta được nhắc nhở về sự phù phiếm của công nghệ trong một thế giới ở dưới sự rủa sả của cái chết. Khi những người trong hội chúng khẳng định công nghệ AI sẽ thay thế ngành công nghiệp của con người – hoặc tệ hơn là có khả năng tiêu diệt sự sống của con người – chúng ta phải nhớ rằng Kinh thánh tiết lộ kế hoạch của Đức Chúa Trời cho lịch sử thế giới.
Lịch sử thế giới diễn ra dọc theo con đường sáng tạo, sa ngã, cứu chuộc và hoàn tất. Chúng ta không biết mọi tình tiết trong diễn biến, nhưng chúng ta biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Chúa Giê-su đã chết và sống lại, Ngài ngự trên thiên đàng và Ngài sẽ xây dựng hội thánh của mình cho đến khi Ngài trở lại để mở ra công cuộc sáng tạo mới. Cho đến lúc đó, lúa mì và cỏ lùng sẽ tồn tại cạnh nhau (Ma-thi-ơ 13:24–30). Chúng ta không nên nhầm lẫn nỗi sợ hãi với sự khôn ngoan.
3. Chỉ con người mới mang hình ảnh của Đức Chúa Trời.
AI có thể bắt chước những người mang hình ảnh thiên thượng (và được thiết kế để làm như vậy), nhưng nó không mang hình ảnh thiên thượng. Con người không chỉ là tạo vật thuộc thể mà còn là tạo vật thuộc linh. Chúng ta không chỉ là những túi sinh học hay những siêu máy tính hữu cơ phức tạp. Chúng ta là những tạo vật tâm thể bao gồm cả thể xác và linh hồn.
Đức Chúa Trời đã tạo nên con người đầu tiên từ bụi đất và hà sinh khí vào trong người (Sáng thế ký 2:7). Chúng ta không thể làm giống như vậy với các loại máy móc. Đức Chúa Trời tạo ra con người như các thầy tế lễ nhà vua để chinh phục và cai trị trái đất (1:26–28). Không một phát minh công nghệ nào có thể được trao vương miện vinh quang và danh dự—đặc quyền đó chỉ dành riêng cho chúng ta (Thi Thiên 8), hoàn tất với niềm hy vọng cứu chuộc của chúng ta nơi Ngôi Lời trở nên xác thể: Chúa Giê-su Christ.
Công nghệ AI chứng tỏ sự khéo léo Chúa ban cho con người – một sự khéo léo được sử dụng để phục vụ Ngài (mặc dù, tất nhiên, nhiều người sử dụng trí tuệ sáng tạo của họ để làm điều ác). Nhưng chúng ta không cần phải sợ những kẻ có thể tạo ra thân thể nhân tạo nhưng không thể tạo ra linh hồn. Đúng hơn, hãy sợ Đấng có thể hủy diệt cả thể xác lẫn linh hồn trong hỏa ngục (Ma-thi-ơ 10:28).
4. Chúng ta nên sử dụng thời khắc thay đổi này để tái khẳng định quyết tâm trở thành muối và ánh sáng trong một thế giới được khai sáng về mặt công nghệ nhưng lại tối tăm về mặt thuộc linh.
Như trong dụ ngôn về hai người thợ xây, ngôi nhà trên đá và ngôi nhà trên cát trông giống hệt nhau—trước cơn bão (Ma-thi-ơ 7:24-29). Công nghệ AI đang khiến một số người vỡ mộng không phải do bản thân công nghệ mà do “những cái nền” mà nó phơi bày.
AI có thể bắt chước giọng nói của bạn sau khi bạn chết, nhưng nó không thể dựng bạn dậy khỏi nấm mồ. Đừng để công nghệ này làm chúng ta phấn chấn hay đẩy chúng ta vào tình trạng chán nản—nó cần đưa chúng ta quay trở lại với Lời Chúa và xem xét vị trí của mình nơi kế hoạch của Ngài trong sự cầu nguyện. Thời đại AI là một biên giới thú vị, trong đó chúng ta có thể bày tỏ đức tin, niềm hy vọng được báo trước và thể hiện tình yêu thương trong khi tìm kiếm sự khôn ngoan của Chúa để đưa AI về dưới quyền tể trị của Đấng Christ.
Hai tác giả của bài viết: Mike Kirby (Tiến sĩ, Đại học Brown; Thạc sĩ Sư phạm, Chủng viện Gateway) là giáo sư khoa học máy tính tại Kahlert School of Computing tại Đại học Utah, Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả của hơn 200 ấn phẩm tạp chí và hội nghị được bình duyệt về điện toán khoa học, học máy, khoa học và kỹ thuật tính toán. Matthew Emadi (Tiến sĩ, Chủng viện Southern Seminary) là mục sư trưởng của Hội thánh Crossroads ở Sandy, Utah, Hoa Kỳ; giảng viên thỉnh giảng cho Trường Thần học Salt Lake (Chủng viện Gateway); và là tác giả 2 cuốn sách: How Can I Serve My Church? và The Royal Priest: Psalm 110 in Biblical Theology.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://www.thegospelcoalition.org/article/christians-fear-ai/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!