Tôi Đã Cầu Nguyện Sai Cách Trong Nhiều Năm – Tôi Học Được Bí Mật Này Và Mọi Thứ Đã Thay Đổi
Ước gì tôi có thể nói rằng đời sống cầu nguyện của mình luôn chân thật và bởi đức tin không dời đổi, nhưng thực lòng mà nói thì cầu nguyện là một trong những khía cạnh mà tôi phải chật vật nhất trong bước đường theo Chúa. Tôi chật vật với việc sống chậm lại đủ lâu để cầu nguyện. Tôi chật vật với việc tìm một nơi tĩnh lặng và ở một mình trong “buồng cầu nguyện”. Tôi chật vật với việc cầu nguyện những lời cầu nguyện lớn bằng đức tin lớn. Tôi chật vật với việc cầu nguyện kiên định và dốc đổ. Đôi khi tôi còn chật vật với việc giữ lời hứa cầu nguyện cho ai đó.
Tuy nhiên, gần đây tôi nhận ra rằng có lẽ khía cạnh mà tôi chật vật nhất trong sự cầu nguyện là với sự trông đợi. Tôi phát hiện ra rằng mình thường “thực hiện các động tác” cầu nguyện hơn, dù tôi không muốn thừa nhận điều đó.
Tôi rất thích thì giờ cầu nguyện chung tại hội thánh vì nó nhắc nhở tôi cầu nguyện với đức tin và sự trông đợi. Tại hội thánh, chúng tôi nhóm lại hằng tuần để cầu nguyện chung trong một giờ đồng hồ và đó thật sự là một cảnh tượng đẹp. Rõ ràng là có bầu không khí trông đợi. Thật sự không có cách nào khác để giải thích tại sao hàng trăm người lại có mặt để cầu nguyện cùng nhau vào giữa tuần như vậy.
Chúng tôi không chỉ có mặt để cầu nguyện. Chúng tôi có mặt để cầu nguyện và nhìn xem Đức Chúa Trời hành động.
Trong một đêm cầu nguyện gần đây, khi nhìn quanh phòng, tôi cảm thấy Chúa bắt đầu chỉ cho tôi điều này.
Tôi nhìn những bàn tay đặt trên người bệnh và người có tấm lòng tan vỡ, trông đợi sự chữa lành. Tôi nhìn những cái đầu cúi xuống, những bàn tay siết chặt, trông đợi hy vọng. Tôi nhìn cả phòng đứng dậy, giơ tay mình lên, trông đợi sự hiện diện Ngài.
Có thể bạn đang nghĩ rằng làm gì có chuyện cầu nguyện mà không trông đợi điều gì đó xảy ra. Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng rất dễ để làm như vậy.
Không phải tôi nghi ngờ quyền năng của Chúa; chỉ là tôi quá dễ rơi vào cái khuôn “các việc cần làm” của Cơ Đốc giáo. Tôi biến sự cầu nguyện thành một nhiệm vụ tôn giáo thay vì một phần trong mối quan hệ tự nhiên của mình với Ngài. Thay vì cầu nguyện với sự trông đợi chân thành, tôi thường thấy mình chỉ thực hiện các động tác. Tôi để cho điều đó trở thành sự kỷ luật nhiều hơn là niềm vui thích, nhiệm vụ nhiều hơn là sự thành tâm.
Cầu nguyện mà không có sự trông đợi là cầu nguyện không có quyền năng. Và từ việc quan sát một căn phòng cầu nguyện đầy trông đợi, tôi học được rằng nếu mình cầu nguyện mà không trông đợi là mình đang cầu nguyện mà không có đức tin. Và cầu nguyện mà không có đức tin thực ra không phải là cầu nguyện nữa, mà chỉ là thứ tôn giáo trống rỗng.
Sự cầu nguyện không phải là một mục trong danh sách các việc cần làm hoặc chỉ là một mớ những câu từ trống rỗng tung lên không trung. Thực ra, Chúa Giê-su đặc biệt cảnh báo về kiểu cầu nguyện vô tâm, vô tín này trong Ma-thi-ơ 6:7.
“Khi các con cầu nguyện, đừng dùng những lời sáo rỗng như dân ngoại; vì họ nghĩ hễ nói nhiều thì được nhậm.” Ma-thi-ơ 6:7
Đó chỉ là sự trò chuyện với Đức Chúa Trời bởi đức tin. Đó là hành động khiêm nhường – đem những mối bận tâm tự nhiên của chúng ta đến với một Đức Chúa Trời siêu nhiên.
Tôi không thực sự nghĩ rằng sự cầu nguyện phải có một dáng vẻ nhất định hoặc một âm thanh nhất định thì mới được Chúa nghe. Tôi không nghĩ là chúng ta phải quỳ cạnh giường hoặc giam mình trong một căn buồng riêng. Và tôi không tin rằng một lời cầu nguyện dài khiến Ngài ấn tượng hoặc một lời cầu nguyện ngắn khiến Ngài thất vọng.
Tôi chỉ nghĩ Ngài muốn chúng ta thành thật với Ngài và cầu nguyện bằng lượng đức tin mà mình có.
Chúng ta luôn có thể cầu nguyện với sự trông đợi, vì Đức Chúa Trời luôn nghe và đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa có thể không đáp là “Được”, nhưng đó sẽ luôn là điều tốt nhất, dù chúng ta có hiểu hay không.
Tôi rất thích câu này của Tim Keller vì nó giải thích ý trên:
“Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta xin hoặc ban cho chúng ta điều chúng ta sẽ xin nếu chúng ta biết mọi điều mà Ngài biết.”
Đừng bao giờ quên rằng chúng ta cầu nguyện với một Đức Chúa Trời làm các phép lạ. (Thi thiên 77:14)
Một Đức Chúa Trời khiến kẻ chết sống lại và chữa lành những tấm lòng tan vỡ. (Thi thiên 147:3)
Một Đức Chúa Trời khiến người mù thấy được và ban sức mạnh cho người yếu đuối. (Ê-sai 40:29)
Một Đức Chúa Trời có thể làm trổi hơn mọi điều chúng ta có thể cầu xin hay suy tưởng. (Ê-phê-sô 3:20)
Đừng phạm phải sai lầm giống như tôi. Sự cầu nguyện quá là quyền năng, chớ để thủ tục hay tôn giáo cướp mất hiệu lực của điều này.
Tác giả bài viết, Tyler Speegle là một blogger. Ông đam mê giúp đỡ những người khác hiểu được cách sống trong mối liên hệ với Chúa và thoát khỏi một cuộc sống tôn giáo khô khan, máy móc để có thể sống theo mục đích Chúa ban.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://churchleaders.com/outreach-missions/outreach-missions-articles/274972-how-i-learned-i-was-praying-wrong.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!