PHẢI LÀM GÌ VỚI NHỮNG THÀNH VIÊN BẤT MÃN TRONG HỘI THÁNH?
Hãy nghĩ đến một người mới nói với bạn rằng người đó không vui và đang nghĩ đến việc rời bỏ hội thánh bạn.
Nếu tôi bảo bạn rằng người đó không phải là ngoại lệ thì bạn có tin không?
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói với bạn rằng thực ra cái người gây rối, dọa bỏ đi, khoanh tay trong các buổi nhóm, nói xấu sau lưng bạn, v.v., có kiểu hành vi giống hệt những người mà các mục sư khác cũng đang phải đối phó?
Dưới đây là các bước mà một thành viên bất mãn và bày tỏ sự bất bình của họ:
Bước 1: “Tôi bị tổn thương.”
Mọi chuyện luôn bắt đầu bằng điều gì đó bạn đã nói hoặc làm khiến họ tổn thương.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng lý do người ta NÓI RA NGOÀI MIỆNG hiếm khi là lý do NGẤM NGẦM khiến họ bị tổn thương.
Nghe có vẻ thuộc linh khi bảo bạn “không đúng giáo lý” hơn là bảo bạn không còn gọi họ đi ăn sáng nữa.
Bước 2: Lục lại quá khứ để kiếm cớ
Khi một thành viên bất ổn trong hội thánh bị tổn thương, họ sẽ lục lại mọi chuyện với bạn và bắt đầu “kiếm cớ”.
Ý tôi muốn nói là ai trong hội thánh cũng có những va chạm, cãi cọ, những vấn đề và sự cố với bạn mà họ đã bỏ qua. Điều này được gọi là sống trong cùng một cộng đồng. Những điều nhỏ bé, vụn vặt. Có lần bạn đi ngang qua họ ở hành lang mà không bắt tay họ. Hoặc không đến bệnh viện thăm họ. Hoặc bạn nói đùa nhưng họ lại hiểu sai.
Đây đều là những điều bình thường xảy ra trong mọi hội chúng, và chúng không thành vấn đề.
Nhưng khi một người bất ổn bị tổn thương, họ lần lại quá khứ và bắt đầu liệt kê tất cả những điều bạn đã làm sai trong thời gian họ ở hội thánh.
99.5% dân sự trong hội thánh bạn là những con người lành mạnh. Họ làm theo những gì Kinh thánh nói về việc giải quyết xung đột và tha thứ, thế là xong.
Nhưng 0.5% còn lại thì không như vậy.
Bước 3: Kiếm đồng minh
Thành viên bất ổn này cầm danh sách trên và bắt đầu đi vòng quanh, tìm những người gia nhập đồng minh với mình.
Không khó để nhận ra những người tham gia liên minh của họ: bản thân họ luôn là những người không ổn. Họ thường chuyển từ hội thánh này sang hội thánh khác và đang tìm đồng minh, thế là họ kết nối với nhau vì cùng bất ổn như nhau.
Đôi khi điều này được hiện thức hóa dưới hình thức mà hội thánh tôi gọi là nhóm “lêu lổng”. Đây là những nhóm người không muốn “nhóm” mình tham gia vào mục vụ nhóm nhỏ chính thức trong hội thánh. Lý do rất đơn giản: Điều đưa họ đến với nhau là họ có chung sự bất ổn và cùng muốn phàn nàn về bạn. Nếu tham gia vào cơ cấu nhóm nhỏ thì tội lỗi của họ sẽ bị phát giác.
Giống như những con chuột đói ăn, điều đáng buồn là cuối cùng thì những người này luôn ăn thịt lẫn nhau và con cái họ là những người bị tổn thương nhất.
Bước 4: “Mọi người đều bảo ông…(kèm lời buộc tội)”
Đây là một trò chơi quyền lực.
Mỗi khi có người viện đến một đám người đông đảo và khó chịu, sẵn sàng nổi loạn vì bạn đang làm điều này, điều kia, hãy LUÔN hỏi rằng “Mọi người là những ai?”
Họ sẽ chùn lại và không nói cho bạn biết vì KHÔNG HỀ có một đám người đông đảo và khó chịu như vậy. Chỉ có người đó, vợ/chồng họ và anh chàng 38 tuổi đang ăn bám bố mẹ. Họ đang nói vậy để viện cớ cho mình.
Nghe này, những người lành mạnh sẽ không hành động theo cách đó, nên dù bạn có làm gì thì cũng đừng chơi trò của họ. Và đó là một trò chơi.
Bước 5: Cố gắng gây nhiều tổn hại nhất có thể trước khi rời đi
Khi nhận ra rằng bạn sẽ không chơi trò của họ, người đó sẽ luôn cố gắng gây tổn hại cho các mối quan hệ trước khi đi.
Chẳng hạn, hội thánh chúng tôi có yêu cầu một người dừng phục vụ vì người đó tham gia vào một việc trái đạo đức.
Hãy đoán xem người đó đã làm gì.
Người đó bày tỏ sự bất bình trên khắp mạng xã hội. Ý tôi là họ nhờ bạn bè và người nhà đăng những thứ tào lao lên bảng tin, các trang đánh giá, mọi chỗ mà họ có thể đăng sự bất bình của mình theo đúng nghĩa đen. Họ phàn nàn về điều gì? Tôi không đúng giáo lý và không hiểu “tình yêu thương” của Chúa Giê-su cũng như chấp nhận lối sống của họ.
Hãy đoán xem tôi đã làm gì.
CHẲNG LÀM GÌ CẢ.
Tôi nghĩ bụng: “Đợi đã, anh sẵn sàng tập hợp năm, sáu người dành bao nhiêu thời gian để loan tin rằng hội thánh chúng tôi có tiêu chuẩn đạo đức à? TÔI CÓ THỂ GIÚP GÌ ĐƯỢC ANH ĐÂY?”
Dân sự thông minh lắm. Họ đọc những đánh giá và biết rằng những đánh giá một sao luôn đi kèm với một âm mưu và luôn không chính xác. Bước cuối cùng này không bao giờ dọa được tôi vì tôi tin cậy dân sự của mình. Mọi điều mà những người bất mãn này “nghĩ” rằng họ làm để gây tổn hại cho hội thánh, cho tôi và các nhân sự trên đường ra LUÔN thành gậy ông đập lưng ông.
10 bước thực tế mà bạn có thể thực hiện
Dưới đây là 10 bước mà tôi luôn chia sẻ với các mục sư mà tôi huấn luyện; chúng sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề thường trực của các thành viên bất mãn.
1. Nhận ra rằng đây là một vấn đề của 0.5%
99.5% dân sự trong hội thánh chúng ta là những con người yêu thương, tuyệt vời và phục vụ họ quả là một niềm vui. Đừng bao giờ quên đi điều đó.
2. Luôn khiêm nhường và sẵn sàng thừa nhận khi bạn có lỗi.
Là người mục sư, bạn không thể vơ mọi điều vào mình. Đôi khi chúng ta nói và làm sai. Nếu có người chỉ ra điều đó, hãy khiêm nhường, nhận lỗi, xin tha thứ và đi tiếp. Phạm sai lầm thì có thể tha thứ được. Còn ngạo mạn thì không.
3. Hãy giảng về Ma-thi-ơ 18 một lần trong năm.
Hãy giảng về cách giải quyết xung đột theo ý Chúa trên thực tế và thực hiện điều đó trong toàn hội chúng.
4. Chọ họ ra khỏi hội thánh bạn và người ta sẽ kháo nhau rằng bạn thực sự làm theo Ma-thi-ơ 18
Giống như lũ trẻ nghe những lời kỷ luật vô nghĩa, các thành viên bất mãn sẽ đắc ý cho đến khi nhận ra rằng bạn không thông công với họ nữa. Bạn có thể làm điều này một cách tử tế và kiên quyết, không độc đoán.
5. Đừng nhận người ta vào hội thánh mình và cho họ làm thành viên nếu họ rời hội thánh cũ vì một xung đột và không giải quyết xung đột đó.
Chúng tôi liên tục làm điều này. “Hãy trở lại gặp những người đó, làm theo Ma-thi-ơ 18 rồi quay lại đây.” Tin tôi đi, hãy làm như vậy. Hãy chặn đứng sự lây nhiễm trước khi nó lan ra thân thể.
6. Cho nhân sự và đội ngũ lãnh đạo nghiên cứu cuốn sách tuyệt vời của Kenneth Haugh – Những Kẻ Phản Kháng Trong Hội Thánh: Cách Nhìn Nhận Và Giải Quyết Những Xung Đột Nguy Hại (Antagonists in the Church: How to Identify and Deal with Destructive Conflict).
Đây là một trong những nghiên cứu hữu ích nhất mà chúng tôi đã thực hiện.
7. Hãy dạy các trưởng lão của hội thánh rằng bảo vệ bạn là một trong những điều họ cần ưu tiên.
Không ai biết được rằng hình thành một phòng tuyến ngăn chặn những gã điên để bạn có thể phục vụ 99,5% dân sự là nhiệm vụ của một trưởng lão cho đến khi chúng ta dạy họ.
8. Bảo vệ người phối ngẫu và con cái bạn.
HIẾM KHI tôi kể cho vợ mình nghe về những đám rác bị gạt sang lề đường. Và tôi KHÔNG BAO GIỜ kể cho các con về chúng. Con cái chúng tôi lớn lên và nghĩ rằng làm mục sư là một công việc tuyệt vời, vì đúng là như vậy, và vì tôi chỉ chia sẻ những câu chuyện tích cực trên bàn ăn.
9. Hiểu rằng những người có những vấn đề không được giải quyết sẽ “đổ chúng lên bạn”.
Các vấn đề do người bố. Các vấn đề về thẩm quyền, v.v. Đừng để họ làm như vậy.
10. Biết rằng bạn quý giá hơn so với chức vụ của mình tại hội thánh đó.
Nếu bạn rơi vào một tình huống độc hại, không tốt cho bạn và gia đình, và bạn đã nỗ lực hết sức mà không được thì hãy tìm một chức vụ khác. Ngoài kia có những hội thánh tử tế và yêu người mục sư của mình. Tôi ở trong một trong những hội thánh đó, và bạn cũng đáng được ở trong một hội thánh như vậy.
– Tác giả bài viết, Brian Jones là mục sư sáng lập Hội thánh Christ’s Church of the Valley tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Chủng viện Thần học Princeton và là tác giả của bốn cuốn sách. Ông cũng viết những bài viết thực tế về lãnh đạo hội thánh và giảng dạy tại trung tâm Senior Pastor Central dành cho các mục sư.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://churchplanting.com/disgruntled-church-members/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!