Khi Bạn Đang Ở Phòng Chờ Của Đức Chúa Trời
Chúng ta dành rất nhiều thời gian trong phòng chờ.
Một số phòng chờ là trong các bệnh viện, khi chúng ta chờ đợi bác sĩ chẩn đoán. Nhưng chúng ta không chỉ ngồi trong các phòng chờ bệnh viện. Chúng ta ngồi trong văn phòng và chờ được giao mục vụ mà mình mong đợi. Đôi khi chúng ta chờ các mối quan hệ cần được chữa lành. Khi khác chúng ta chờ đợi một giai đoạn chuyển tiếp nào đó trong đời sống mình – tốt nghiệp, kết hôn, hoặc sinh con.
Chúng ta cũng chờ Chúa đáp lời cầu nguyện của mình – những lời cầu nguyện để Chúa chữa lành, ban hy vọng và dẫn dắt. Hiểu được thời điểm của Đức Chúa Trời có thể là một điều không dễ.
Câu chuyện Giáng sinh có nhiều điều để nói về sự chờ đợi và thời điểm của Chúa. Lời hứa của Đức Chúa Trời về việc ban con Ngài đến thế gian đã khiến người Y-sơ-ra-ên phải chờ đợi trong nhiều năm. Nhưng Kinh thánh nói với chúng ta rằng “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến [thế gian]” (Ga-la-ti 4:4).
Chúa không quên người Y-sơ-ra-ên. Ngài đang đợi đến khi “kỳ hạn được trọn” (đúng thời điểm) để sai Con Ngài đến.
Ngài cũng không quên bạn đâu.
Sự trì hoãn của Đức Chúa Trời không đồng nghĩa với sự chối bỏ. Có sự khác biệt lớn giữa “không” và “chưa”. Khi Đức Chúa Trời bảo “chưa” thì bạn cần học cách chờ đợi. Nếu không thì phòng chờ có thể đầy cám dỗ.
Kinh thánh đưa ra bốn hành động quan trọng mà chúng ta cần thực hiện khi chờ đợi Chúa.
1. Chớ sợ: Tin cậy Chúa.
Khi mọi thứ không xảy ra theo thời gian biểu của bạn thì “chớ sợ” có nghĩa là “tin cậy Chúa.” Trái ngược với nỗi sợ là đức tin. Khi đổ đầy đức tin vào đời sống mình thì bạn có thể loại bỏ nỗi sợ.
Cụm “chớ sợ” hay “đừng sợ” xuất hiện 365 lần trong Kinh thánh – mỗi lần cho mọi ngày trong năm. Đức Chúa Trời đang phán với chúng ta rằng “Ta không muốn con sợ hãi. Con chỉ cần tin cậy vào thời điểm của Ta.”
Tin cậy Chúa là phương cách số một để giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống bạn. Càng tin cậy Chúa thì mức độ căng thẳng của bạn càng giảm đi. Càng ít tin cậy Chúa thì mức độ căng thẳng càng tăng lên.
Cầu nguyện là một liều thuốc giảm căng thẳng khác. Thực ra là Thi thiên 31 cho chúng ta một tấm gương cầu nguyện trong thời khắc đầy sợ hãi: “Nhưng, Đức Giê-hô-va ôi! tôi tin cậy nơi Ngài; Tôi nói: Ngài là Đức Chúa Trời tôi. Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa” (Thi thiên 31:14-15 Bản Truyền thống 1926). Thật khó để cầu nguyện điều này khi chúng ta đang ở trong những phòng chờ của cuộc đời, nhưng nhận ra rằng thời gian của chúng ta nằm trong tay Chúa sẽ giảm bớt đi áp lực.
2. Chớ phiền lòng: Hãy kiên nhẫn.
Phiền lòng cũng có nghĩa là lo lắng. Khi phiền lòng, bạn trở nên căng thẳng, bồn chồn và bực bội. Chúng ta lo lắng khi thế giới của mình đi quá nhanh và khi nó đi quá chậm.
Kinh thánh nói rằng: “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, Hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác. Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận hoảng; Chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác.” (Thi thiên 37:7-8).
Trước giả Thi thiên nhắc nhở chúng ta rằng một trong những lý do lớn nhất khiến chúng ta căng thẳng trong phòng chờ là tập trung vào những gì đang xảy ra trong cuộc sống của những người khác. Chúng ta tự hỏi tại sao Chúa lại chúc phước cho họ trong khi mình phải chờ đợi.
Kiên nhẫn trông đợi Chúa là một tuyên bố đức tin. Bạn đang ca ngợi Chúa khi nói rằng: “Chúa ơi, con tin cậy Ngài. Con đang chờ đợi Ngài. Con nương dựa nơi Ngài.”
3. Chớ quên: Nghiên cứu những lời hứa của Chúa
Đức Chúa Trời đã ban cho bạn hơn 6.000 lời hứa trong Lời Ngài; Ngài muốn bạn nhớ chúng khi đang ở trong phòng chờ. Bạn không thể công bố những lời hứa đó nếu không biết chúng.
Cũng giống như khi bạn có bảo hiểm nhưng không biết chính sách của nó thì bạn sẽ sợ hãi và phiền lòng. Nếu bị tai nạn thì bạn không biết nó chi trả cho điều gì. Nhưng nếu biết chính sách thì bạn không phải sợ. Kinh thánh là chính sách trên đời sống bạn. Nếu không đọc Kinh thánh khi không chuẩn bị bài giảng thì bạn sẽ không biết Đức Chúa Trời đã hứa làm gì trong đời sống bạn.
Chẳng hạn, Kinh thánh đã hứa điều này với bạn: “Nhưng nếu ai chú tâm soi mình trước tấm gương luật pháp toàn hảo của Thượng Đế, là luật pháp đem lại sự tự do, lại ghi nhớ và thực hành, chắc chắn sẽ được phúc lành trong mọi việc mình làm.” (Gia-cơ 1:25 – Bản Hiện Đại).
Khi bạn nghiên cứu Lời Chúa và làm theo Lời thì Chúa không chỉ chúc phước cho một phần trong đời sống bạn. Ngài chúc phước trong mọi việc bạn làm. Điều đó có nghĩa rằng dù ở bên kia phòng chờ có là gì thì Chúa cũng sẽ chúc phước cho bạn. Bạn có thể trông cậy vào lời hứa đó.
4. Chớ mệt mỏi: Đừng bỏ cuộc
Đức Chúa Trời cũng thúc giục chúng ta đừng bỏ cuộc trong khi chờ đợi: “Chớ mệt mỏi trong khi làm việc thiện, vì nếu chúng ta không nản lòng thì đến mùa chúng ta sẽ gặt.” (Ga-la-ti 6:9).
Chỉ vì Chúa không làm theo thời gian biểu của bạn không có nghĩa là bạn nên bỏ cuộc. Đừng bỏ ước mơ mà Chúa đã ban cho bạn. Đừng bỏ mục vụ mà Chúa đã kêu gọi bạn. Đừng bỏ mối quan hệ mà bạn đang cố nhen nhóm lại. Đức Chúa Trời đã không bỏ cuộc với bạn. Đừng bỏ cuộc với Ngài.
Ánh sáng nằm nơi phía cuối đường hầm. Biết đâu điều bạn đang chờ đợi lại nằm ở ngay ngã rẽ thì sao!
Tác giả bài viết, Rick Warren là mục sư sáng lập Hội thánh Saddleback, một trong những hội thánh lớn và có tầm ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách Sống Theo Đúng Mục Đích (The Purpose Driven Life) nằm trong danh sách các cuốn sách bán chạy của tờ New York Times và danh sách 100 cuốn sách Cơ Đốc đã thay đổi thế kỷ XX. Ông cũng là nhà sáng lập trang Pastors.com, một mục vụ nhằm trang bị và khích lệ các mục sư cùng lãnh đạo hội thánh bằng các nguồn lực để dẫn dắt những hội thánh lành mạnh.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://pastors.com/thriving-in-gods-waiting-room/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!