Các Bước Môn Đồ Hóa Đơn Giản Với Một Hội Thánh Nhỏ Đang Phát Triển
Hội thánh thuộc quy mô nào cũng có thể môn đồ hóa bằng cách sử dụng quá trình môn đồ hóa hiệu quả và thành công nhất từ trước đến nay – quá trình mà Chúa Giê-su, Phao-lô và hội thánh thời đầu đã dùng đến. Một quá trình gọi là dìu dắt (mentoring).
Công việc chăn bầy một hội thánh nhỏ không dành cho những người nhút nhát.
Ngay cả những công cụ được cho là hữu ích cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy nản lòng thêm.
Chương trình môn đồ hóa chẳng hạn. Dù nó được thiết kế cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên hay người trưởng thành thì hầu hết đều có vẻ nhắm đến các hội thánh lớn hơn. Các hội thánh nhỏ thường không có không gian, tiền bạc hoặc số lượng học viên và nhân sự tối thiểu để thực hiện đúng chương trình.
Tin vui là hội thánh thuộc quy mô nào cũng có thể môn đồ hóa bằng cách sử dụng quá trình môn đồ hóa hiệu quả và thành công nhất từ trước đến nay – quá trình mà Chúa Giê-su, Phao-lô và hội thánh thời đầu đã dùng đến.
Một quá trình gọi là dìu dắt.
Nhưng việc dìu dắt đã bị thay thế bằng chương trình học trong vài thế hệ ở hội thánh phương tây. Từ rất lâu rồi, dìu dắt không còn là một phần bình thường trong nhiều hội thánh đến nỗi chúng ta đã quên cách làm. Thực ra là nhiều người trong chúng ta đã quên hẳn rằng mình có thể làm điều này.
Chúng ta có cơ hội dìu dắt!
Đúng là chúng ta cần chương trình học được điều chỉnh cho thích hợp hơn với các hội thánh nhỏ. Nhưng, như tôi đã chỉ ra trong bài viết trước –Phương Pháp Môn Đồ Hóa Hiệu Quả Nhất Với Một Hội Thánh Nhỏ Đang Phát Triển, chúng ta nên dùng chương trình học để bổ sung cho việc dìu dắt chứ đừng thay thế nó.
Chúng ta cần thực sự điều chỉnh thái độ với giá trị của việc dìu dắt.
Các hội thánh nhỏ không phải dìu dắt mà chúng ta có cơ hội để dìu dắt.
Chúa Giê-su không dùng đến chương trình. Và dạy dỗ những đám đông không phải là phương pháp môn đồ hóa mà Ngài ưu tiên hơn. Thực ra là Ngài không bao giờ môn đồ hóa trong các nhóm lớn. Bởi vì bạn không thể môn đồ hóa người ta theo cách đó. Bạn đọc đúng rồi đó. Ngay cả Chúa Giê-su cũng không thể môn đồ hóa trong những đám đông.
Nhóm người đông nhất mà Chúa Giê-su từng đầu tư thời gian là nhóm 70. Nhưng Ngài đã tập trung vào nhóm 12. Thậm chí 12 người đó cũng thường được thu hẹp xuống ba người.
Đúng là Chúa Giê-su có dạy dỗ những đám đông. Và Ngài yêu họ. Ngài thậm chí còn động lòng thương xót họ. Nhưng Ngài đã dìu dắt 12 Môn đồ. Ngài đã đi cùng họ. Ngài giải thích cho họ tại sao. Ngài không bao giờ cho chúng ta một danh sách ghi từng bước dìu dắt của Ngài. Ngài không cần làm như vậy. Điều đó đã được thực hiện từ vài ngàn năm trước khi Ngài sinh ra; trong lời khuyên mà Giê-trô, ông gia của Môi-se đã khuyên ông (Xuất Ai Cập ký 18).
Bảy điểm dưới đây kết hợp lời khuyên của Giê-trô với dạy dỗ của Chúa Giê-su thành một quy trình đơn giản mà tôi đã thực hiện trong hội thánh mình.
1. Bắt đầu từ điều nhỏ…không, nhỏ hơn!
Khi Giê-trô thấy Môi-se xét xử mọi tranh chấp cho một đất nước hai triệu dân (600.000 người nam cộng với phụ nữ và trẻ em), ông bảo Môi-se rằng “Con làm như thế không tiện đâu. Cả con và những người dân đến với con chắc chắn sẽ bị đuối sức vì việc đó quá nặng nề đối với con, một mình con không sao làm nổi.”
Thế là Giê-trô đề xuất một kế hoạch tài tình: Lập những người chịu trách nhiệm các nhóm mười, năm mươi, một trăm và một nghìn người, để Môi-se giải quyết các vấn đề ở mức hàng nghìn người. (Xuất 18:17-26)
Kế hoạch này thường được mục sư của các siêu hội thánh dẫn ra để nói về cách cơ cấu các hội thánh rất lớn. Nhưng các dẫn chứng đó thường khiến các mục sư hội thánh nhỏ như chúng ta cảm thấy bị gạt ra ngoài lề. Chúng ta không cần đến những người lãnh đạo hàng nghìn người. Nhiều hội thánh thậm chí còn không cần đến những người lãnh đạo hàng trăm người hay năm mươi người.
Nhưng hội thánh nào cũng cần – và có thể môn đồ hóa – một lãnh đạo mười người.
Nên hãy bắt đầu từ đó. Từ một người. Hãy tìm một người bộc lộ được những manh mối nhỏ nhất của khả năng lãnh đạo 5-10 người. Một người cha, người mẹ hoặc người ông, người bà chẳng hạn. Suy cho cùng thì làm cha mẹ là lãnh đạo ở hàng mười người. Hoặc tìm một cô/cậu thiếu niên mà những thiếu niên khác đi theo.
Đừng thấy sợ hãi hoặc nản lòng khi thiếu những lãnh đạo năm mươi hay một trăm người – hoặc thậm chí không cần đến trong hội thánh 25 người. Hãy bắt đầu từ một người có thể lãnh đạo mười người. Hội thánh nào cũng có một người. Ngay cả hội thánh của bạn cũng vậy.
2. Người dìu dắt là người biết lắng nghe
Có lẽ sai lầm lớn nhất mà chúng ta mắc phải trong việc dìu dắt là cố khiến người ta trở nên giống mình thay vì giống Chúa Giê-su.
Giúp ai đó trở nên giống Chúa Giê-su không bắt đầu từ việc nói chuyện với họ mà là lắng nghe họ.
Hãy để ý biết bao cuộc trò chuyện của Chúa Giê-su. Nếu có người có lý do để nói rằng “tôi không cần nghe xem họ muốn gì, tôi biết tỏng rồi” thì đó là Chúa Giê-su. Nhưng Ngài không bao giờ làm như vậy.
Chúa Giê-su đã làm điều mà chúng ta cần làm. Ngài có những cuộc trò chuyện. Những cuộc trò chuyện mà Ngài lắng nghe những ý kiến, sở thích, nỗi sợ và niềm hi vọng của người ta.
Khi lắng nghe, chúng ta học được nhiều điều – tìm ra những ân tứ, kỹ năng và đặc điểm tính cách mà Chúa đã ban cho họ chẳng hạn. Từ đó, chúng ta có thể dùng một trong những lợi thế chính của việc dìu dắt so với chương trình, ấy là khả năng cá nhân hóa.
3. Không có những người dìu dắt đơn độc
Những người dìu dắt không dành nhiều thời gian ở một mình.
Nếu bạn là người hướng nội thì câu trên sẽ khiến bạn rùng mình. Tôi biết chứ. Tôi cũng hướng nội mà. Tôi thực sự cần khoảng thời gian ở một mình để có thể nạp năng lượng.
Nhưng ngay cả những người hướng nội như chúng ta cũng có thể làm được như vậy.
Chúa Giê-su làm điều này với các môn đồ. Sau khi dạy đám đông bằng các ân dụ, Ngài sẽ nhóm họp các môn đồ, trả lời những câu hỏi của họ, giải thích những lẽ thật sâu sắc hơn, thậm chí còn cho họ biết tại sao Ngài lại dạy theo cách như vậy. Sau đó, Ngài sẽ ra một nơi riêng tư để dành thời gian với Chúa Cha.
Quá trình dìu dắt không có đường tắt. Nó cần những mối quan hệ. Và các mối quan hệ cần thời gian. Thời gian ở cùng nhau.
4. Cách thức là không đủ – họ cần biết lý do tại sao
Nếu chỉ muốn chuyển tiếp thông tin thì chúng ta có thể phụ thuộc vào chương trình học. Hoặc một ứng dụng. Nhưng môn đồ hóa không phải là một loạt các thông tin.
Người môn đồ đang được huấn luyện cần biết lý do tại sao.
Thời nay mà chúng ta bảo “Chúa phán vậy, tôi tin vậy, thế thôi” là không đủ. Mà thực ra nói thế chưa bao giờ là đủ cả. Khi hỏi tại sao chúng ta lại làm điều mình làm, hay tin điều mình tin thì không phải là người ta bất tuân, cứng đầu hay tọc mạch. Mà là họ thông minh.
Thực ra, nếu có người làm theo sự dẫn dắt của tôi một cách mù quáng mà không hỏi tại sao thì tôi phải đặt nhiều dấu chấm hỏi ý chứ!
Hãy nhớ là chúng ta đang huấn luyện những môn đồ của Chúa Giê-su chứ không phải những bản sao của chính mình. Nếu không biết tại sao mình làm điều này, điều kia thì họ sẽ không thể nào thích nghi và tiến bộ khi cần.
Chúng ta cần một đội ngũ tín đồ có thể thích nghi, điều chỉnh và làm nhiều điều tốt hơn so với chúng ta.
5. Phần khó thực hiện: Tin tưởng
Đến một thời điểm, bạn phải sai phái họ đi một mình.
Họ sẽ không làm giống hệt với cách của bạn. Họ không cần phải làm như vậy.
Phần khó nhất của việc dìu dắt là tin tưởng. Nhưng đến một thời điểm nào đó trong quá trình dìu dắt – điều này cần diễn ra sớm hơn chứ không phải muộn hơn – chúng ta cần tin tưởng. Tin tưởng họ, tin tưởng sự dìu dắt của mình và tin tưởng Chúa rằng họ có thể làm điều này mà không có chúng ta.
Nhưng đừng chấm dứt sự dìu dắt ở đây. Nghĩ rằng chúng ta đã xong việc ở giai đoạn này là một trong những vùng rất nguy hiểm của việc dìu dắt. Thay vào đó, chúng ta cần làm điều Chúa Giê-su đã làm. Hãy sai họ đi để họ có thể trở lại với Bước 6.
6. Đánh giá và sai phái tiếp
Chúa Giê-su đã sai phái 72 người đi theo từng cặp, nhưng Ngài không để đấy. Ngài để họ báo cáo lại, sau đó hướng dẫn họ cách làm tốt hơn vào lần tới (Lu-ca 10).
7. Đáp đền tiếp nối
Môn đồ hóa người đầu tiên là phần khó thực hiện nhất. Có thể có vài khởi đầu sai lầm trước khi bạn tìm được ai đó thật sự theo được.
Trong tất cả các bước của quá trình, hãy luôn nhắc nhở người học trò rằng rồi họ cũng sẽ đi dìu dắt người khác. Điều này giúp họ tập trung vào quá trình huấn luyện của mình và luôn để mắt tìm xem ai là người học trò tiếp theo.
Từ đây, mọi chuyện bắt đầu trở nên thú vị. Hầu như người học trò thứ hai sẽ luôn xuất hiện vì người học trò đầu tiên tìm được. Và gần như là điều này luôn xảy ra trước khi bạn nghĩ rằng họ đã sẵn sàng dìu dắt người khác.
Đừng chờ đợi. Chúng ta cần biến các môn đồ thành người dìu dắt càng sớm càng tốt. Thường là khi họ vẫn đang ở trong quá trình được dìu dắt.
Các môn đồ dìu dắt các môn đồ khác. Đó là khi bạn biết điều này đang có hiệu quả.
Tác giả bài viết, Karl Vaters là tác giả của bốn cuốn sách và đã thực hiện chức vụ chăn bầy được gần 40 năm. Ông là mục sư dạy dỗ của Cornerstone Christian Fellowship, một hội thánh nhỏ khỏe mạnh tại California, Hoa Kỳ; nơi ông đã phục vụ hơn 27 năm cùng Shelley, vợ mình. Karl nặng lòng với việc giúp các mục sư hội thánh nhỏ tìm thấy các nguồn lực để lãnh đạo tốt và tận dụng những lợi thế có một không hai của việc chăm sóc một hội thánh nhỏ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://karlvaters.com/simple-steps-for-discipling/?fbclid=IwAR21u3JmEB_VtH1sTIgsbjr9q1Ozh7_rjKIl3xpl-nmwYYXw9MYqheeN1gE