Phương Pháp Môn Đồ Hóa Hiệu Quả Nhất Với Một Hội Thánh Nhỏ Đang Phát Triển
Liệu dìu dắt (mentoring) có phải là một phần giải pháp trước tình trạng rất nhiều người – đặc biệt là những người trẻ tuổi – đang rời hội thánh với con số kỉ lục không? Khả năng này đáng để chúng ta cân nhắc.
“Theo ông thì các hội thánh nhỏ nên dùng chương trình môn đồ hóa nào?”
Rất nhiều người hỏi tôi như vậy. Và câu trả lời của tôi gần như lúc nào cũng làm người hỏi thất vọng.
“Chương trình nào hiệu quả trong hoàn cảnh của hội thánh của bạn thì đều được cả.”
Dưới đây là lý do tại sao tôi có thể trả lời một cách khinh suất về một chủ đề quan trọng với hội thánh đến vậy?
Huấn luyện có tác dụng hơn so với dạy dỗ
Hội thánh của bạn đang môn đồ hóa tốt đến đâu? Có lẽ giống với hầu hết các lãnh đạo hội thánh, bạn đang cảm thấy mình không làm tốt như mong đợi.
Điều này đặc biệt đúng với các hội thánh nhỏ. Bạn đã ngâm cứu chương trình, thậm chí đã thử một số chương trình được đánh giá cao và có hiệu quả với những hội thánh lớn mà bạn ngưỡng mộ. Nhưng với hầu hết các hội thánh nhỏ thì chúng không có tác động giống như vậy.
Tại sao không? Vì ngồi trong lớp học không phải là cách tốt nhất để môn đồ hóa người ta. Rất ít người học được theo cách đó. Họ học hỏi hiệu quả nhất qua một phong cách học khác – một phong cách quá cũ đến nỗi trở nên mới mẻ:
Dìu dắt.
Dìu dắt hiệu quả hơn là dạy dỗ. Đặc biệt là với việc môn đồ hóa.
Dìu dắt là cách Chúa Giê-su, Phao-lô và những người còn lại trong hội thánh thời đầu môn đồ hóa những tín đồ mới.
Môn đồ hóa không chỉ là biết thần học và thuộc các câu Kinh thánh dù những điều này cũng rất quan trọng. Bản chất của môn đồ hóa – theo cách nói của Sứ đồ Phao-lô là “Hãy noi gương tôi, như chính tôi noi gương Đấng Christ vậy.” (1 Cô-rinh-tô 11:1)
Bỏ qua thói quen thiên về mở lớp học
Chúng ta gần như đã bỏ việc dìu dắt và chuyển sang mở các lớp học trong hầu hết các hội thánh phương Tây.
Những người hoài nghi sẽ bảo chúng ta rằng ấy là vì các công ty có thể kiếm tiền từ việc bán chương trình học cho chúng ta. Dìu dắt thì không kiếm được tiền. Tuy không hề khôn ngoan khi đánh giá thấp vai trò của tiền bạc trong nhiều quyết định tệ hại của chúng ta nhưng tôi nghĩ đổ lỗi cho động cơ lợi nhuận là một việc sai lầm, đơn giản và hoài nghi không cần thiết trong tình huống này.
Tôi nghĩ lý do của nó đơn giản và nhàm chán hơn rất nhiều.
Lý do là thói quen cũ khó bỏ. Chúng ta đã quen làm theo cách này. Chúng ta quá quen với việc học trong lớp đến nỗi khó có thể nghĩ đến việc làm theo cách khác.
Vào thời Chúa Giê-su, người ta không thiên về lớp học. Người ta học vì một người dìu dắt đã nhận một người tập sự đi cùng mình. Hai người sống và làm việc cùng nhau. Người dìu dắt chỉ cho người tập sự cách làm nhiệm vụ cho tới khi người tập sự có thể tự thực hiện. Sau đó, người tập sự này đi dìu dắt những người khác.
Ngày nay, người ta vẫn làm theo cách đó ở nhiều nền văn hóa không thuộc phương Tây.
Tại sao phải cần đến chương trình học? Và khi nào cần đến?
Ngoài việc thiên về lớp học, phần đa các hội thánh còn tự động thiên về các chương trình học vì cớ quy mô. Khi một hội thánh, hay một nhóm nào đó vượt quá một quy mô nhất định thì việc dìu dắt trở nên thiếu thực tế, thậm chí là bất khả thi.
Nhưng chúng ta cần gắn bó với việc dìu dắt càng lâu càng tốt. Đây luôn là cách môn đồ hóa được ưu tiên hơn.
Không phải là tôi đang huênh hoang chống lại chương trình học. Chương trình học rất tuyệt vời. Có thể dùng nó một cách khá hiệu quả để bổ sung cho quá trình dìu dắt, đưa ra các biện pháp bảo vệ mang tính thần học và phương pháp để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Nhưng đừng bao giờ dùng chương trình học để thay thế sự dẫn dắt. Đặc biệt là trong một hội thánh nhỏ hơn.
Điều này đưa chúng ta trở lại với ý ban đầu. Hầu hết các hội thánh trên thế giới đều nhỏ. Lý do khiến chúng ta thiên về chương trình học không phải bởi vì có quá nhiều người cần dìu dắt, mà vì chúng ta đã quá quen với việc sử dụng chương trình học đến nỗi quên lửng sự dìu dắt.
Nhưng chúng ta cần nghĩ đến những điều mình bỏ lỡ khi đánh giá thấp điều này.
Cứ bảo một người nào đó liệt kê những tầm ảnh hưởng thuộc linh hàng đầu trên đời sống họ mà xem. Họ sẽ không bao giờ nhắc đến một chương trình học. Họ nhắc đến điều gì? Người thầy. Người mục sư. Cha hoặc mẹ. Một người bạn. Nói cách khác là một người dìu dắt.
Sự thật là chúng ta đã làm công việc dìu dắt vì chúng ta có những mối quan hệ. Nhưng chúng ta không dìu dắt một cách hiệu quả nhất có thể vì chúng ta hiếm khi chủ định làm điều này.
Sức mạnh của sự dẫn dắt
Tôi không biết nhưng tôi tự hỏi rằng “Liệu dìu dắt có phải là một phần giải pháp trước tình trạng rất nhiều người – đặc biệt là những người trẻ tuổi – đang rời hội thánh với con số kỉ lục không?”
Tôi nghĩ là khả năng này đáng để cân nhắc.
Nếu nói chuyện với 100 người đã hoặc đang cân nhắc rời hội thánh mình thì chắc bạn không tìm được 10 người đang có mối quan hệ dìu dắt với ai đó trong hội thánh.
Chương trình học không kết nối chúng ta với một thân thể hội thánh. Còn con người thì có. Những con người yêu mến Chúa Giê-su và chỉ cho chúng ta cách yêu mến Ngài giống như vậy. Những con người đủ yêu chúng ta để đầu tư thời gian vào chúng ta.
Tôi nhắc lại là chương trình học không phải là xấu. Vấn đề không phải là có dùng nó hay không mà là phụ thuộc vào nó ở mức nào. Trọng tâm của việc môn đồ hóa cần đặt vào mối quan hệ dìu dắt chứ không đặt vào chương trình học.
Chương trình học có thể khiến chúng ta nghĩ rằng mình đã được môn đồ hóa nhưng thực ra chúng ta chỉ hoàn thành các lớp học mà thôi.
Nhưng dìu dắt là một việc thật khó!
Là mục sư của một hội thánh nhỏ, tôi cho rằng mình biết lúc này bạn đang nghĩ gì.
Việc dìu dắt nghe có vẻ khó.
Bạn gần như không có thời gian để làm những công việc chăn bầy cơ bản trong hội thánh chứ nói gì đến việc dẫn dắt mọi người. Mua một cuốn sách hoặc một gói giáo trình thì dễ hơn nhiều so với trực tiếp đầu tư vào tất cả những cuộc đời đó.
Tôi hiểu chứ. Tôi cũng nghĩ vậy trong nhiều năm. Nhưng dìu dắt không phải là đòi hỏi bất cứ ai – kể cả người mục sư – phải chịu trách nhiệm với mọi việc môn đồ hóa trong hội thánh.
Tôi sẽ đi vào các khía cạnh thực tế của việc dìu dắt trong hội thánh nhỏ ở bài viết Các Bước Môn Đồ Hóa Đơn Giản Với Một Hội Thánh Nhỏ Đang Phát Triển. Vẻ đẹp của công tác môn đồ hóa dựa trên sự dìu dắt không phải là tạo ra những Cơ Đốc nhân thông minh hơn, mà là dấy lên những người dìu dắt mới.
Hãy thực hành sự dìu dắt trở lại.
Tác giả bài viết, Karl Vaters là tác giả của bốn cuốn sách và đã thực hiện chức vụ chăn bầy được gần 40 năm. Ông là mục sư dạy dỗ của Cornerstone Christian Fellowship, một hội thánh nhỏ khỏe mạnh tại California, Hoa Kỳ; nơi ông đã phục vụ hơn 27 năm cùng Shelley, vợ mình. Karl nặng lòng với việc giúp các mục sư hội thánh nhỏ tìm thấy các nguồn lực để lãnh đạo tốt và tận dụng những lợi thế có một không hai của việc chăm sóc một hội thánh nhỏ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://karlvaters.com/discipling-believers/