7 Lý Do Không Chính Đáng Để Rời Hội Thánh
Nếu bạn đang cân nhắc rời hội thánh mình đang tham dự thì có thể bạn cần cân nhắc một vài điều dưới đây trước khi quyết định.
Thời nay người ta đang bỏ khá nhiều thứ – bỏ gym, bỏ việc, bỏ vợ, bỏ ăn kiêng và nhiều nhiều nữa. Có rất ít khía cạnh của cuộc sống miễn nhiễm với việc bị bỏ, hội thánh là một trong số đó.
Nếu bạn đang có ý rời hội thánh mình đang tham dự thì có thể bạn cần cân nhắc một vài điều dưới đây trước khi quyết định.
Nếu không vì một vấn đề nghiêm trọng như lạm dụng, tàn ác hay lệch lạc về mặt thần học thì có lẽ hội thánh hiện tại có nhiều điều để cho bạn – và bạn cũng có nhiều điều để cho hội thánh – hơn là bạn tưởng.
Có lý do chính đáng để rời một hội thánh hay không?
Trước hết là ngoài những điều tôi đã viết trên đây, hãy biết rằng có một số lý do chính đáng để rời một hội thánh. Dưới đây chỉ là một số lý do:
• Hội thánh đó mắc kẹt trong những hủ tục
• Họ kiên quyết làm những điều mới đến nỗi trở nên không đúng Kinh thánh
• Ban lãnh đạo đang không lãnh đạo
• Ban lãnh đạo kiểm soát thái quá
• Bạn sống quá xa hội thánh
• Họ chỉ cần bạn ngồi cho ấm chỗ và dâng hiến cho họ
• và còn nữa
Nhưng cũng có những lý do không chính đáng để rời một hội thánh, tuy chúng có vẻ chính đáng vào thời điểm đó:
1. Vì hội thánh nhỏ (hoặc trở nên “quá lớn”)
Nhiều người trong chúng ta đã tin chuyện hoang đường rằng nếu không tăng trưởng về số lượng thì chắc là hội thánh nát rồi. Tôi gọi đây là “Huyền thoại châu chấu”, nó quá thịnh hành đến nỗi tôi đã viết một cuốn sách về nó.
Nếu “vấn đề” của hội thánh bạn là không to lên thì tôi có tin vui cho bạn đây: Nhỏ không phải là vấn đề.
Hội thánh thiếu tăng trưởng có thể là một dấu hiệu chỉ ra những vấn đề sâu sắc hơn không? Có thể. Nếu vậy thì hội thánh đó cần tính đến những lý do như vậy. Nhưng nếu hội thánh nhỏ là vấn đề duy nhất bạn gặp phải với hội thánh thì đây không phải lý do để rời bỏ.
Thái cực ngược lại về quy mô của hội thánh là những người rời đi vì hội thánh đang trở nên “quá lớn” với họ. Tôi có thể là một người thích hội thánh nhỏ, nhưng tôi không tin là một hội thánh có thể trở nên quá lớn. Đúng là một số hội thánh làm những điều không lành mạnh để to lên. Nhưng có những hội thánh lại làm những điều không lành mạnh nên cứ mãi nhỏ. Dù sao đi chăng nữa thì vấn đề là kém lành mạnh chứ không phải nhỏ hay lớn.
Quy mô to nhỏ của hội thánh chẳng bao giờ là lý do chính đáng để rời một hội thánh tốt.
2. Bạn không được “cho ăn”
Nếu là những “người tiêu thụ” bị động thì vấn đề chỉ là chúng ta nhận được quá nhiều sự tăng trưởng mà thôi.
Khi tăng trưởng về mặt thuộc linh, số điều chúng ta có thể tiếp thu từ những người khác – ngay cả từ những bài giảng và chương trình tuyệt vời – sẽ giảm đi khi chúng ta chưa làm một điều: bắt đầu phục vụ.
Mong được tăng trưởng thuộc linh nhờ tham dự hội thánh nhưng không dự phần với hội thánh thì cũng giống như mong thân thể khỏe mạnh nhờ ăn tốt hơn nhưng không đứng lên khỏi ghế sofa vậy.
Trong cả 1 Cô-rinh-tô 3 và Hê-bơ-rơ 5, chúng ta đọc về những tín đồ không trưởng thành muốn uống thêm “sữa” dù đáng lẽ họ đã phải sẵn sàng cho “thức ăn đặc” rồi (một số bản dịch dùng từ “thịt”). Thông thường, các thành viên trong hội thánh sẽ rời bỏ vì họ muốn những bài giảng “nhiều thịt” hơn. Tuy bài giảng luôn có thể hay hơn nhưng tôi không tin là chúng ta có thể lấy “thịt thuộc linh” từ những bài giảng. Chúng chỉ là sữa mà thôi.
Sữa chỉ ra từ một bà mẹ nào đó. Ai đó đã ăn, nhai, tiêu hóa và tiết sữa cho bạn uống. Thịt là thứ mà chúng ta phải nhai. Nó đòi hỏi chúng ta phải làm việc và dự phần vào.
Nếu bạn là một tín đồ trưởng thành không được “cho ăn” thì đừng tìm một giáo viên giỏi hơn, hãy tìm cách để được môn đồ hóa.
Hội thánh không phải cái chợ để chúng ta chọn những sản phẩm thuộc linh mà mình thích. Hội thánh là một cộng đồng thờ phượng Chúa Giê-su và môn đồ hóa lẫn nhau.
Người ta không trở nên những người khổng lồ thuộc linh nhờ nghe những bài giảng hay hơn. Họ làm vậy bằng cách đến gần hơn với Chúa Giê-su và nhờ đó, sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
3. Bạn chưa tìm được đúng chỗ để phục vụ
Một trong những lý do chính đáng để rời hội thánh của mình (đọc phía trên) là nếu họ chỉ muốn bạn ngồi cho ấm chỗ và dâng hiến cho họ.
Nhưng trước khi làm điều đó, hãy xác thực rằng mọi chuyện đúng là như vậy. Nếu ban lãnh đạo hội thánh muốn bạn dự phần mà chưa tìm được đúng chỗ thì hãy tiếp tục thử.
Tôi biết những người đã ở trong hội thánh chúng tôi trong nhiều năm, phục vụ tại nơi họ có thể phục vụ, cho tới khi cuối cùng chúng tôi cũng tìm được đúng chỗ vào đúng thời điểm cho họ. Họ luôn vui mừng vì mình đã chờ đợi.
4. Ai đó khiến bạn tổn thương trong cảm xúc
Nếu rời hội thánh hiện tại vì cảm xúc bị tổn thương thì bạn sẽ rời hội thánh tiếp theo vì chính lý do đó. Con người là con người. Cảm xúc sẽ bị tổn thương. Đôi khi chúng ta quá nhạy cảm, đôi khi có những thương tổn thực sự. Dù sao đi chăng nữa thì giải pháp không phải là rời đi mà là hòa giải, hoặc trở nên mặt dày hơn.
Rời một hội thánh tốt vì một hai người làm mình mất lòng, đến hội thánh khác thì một hai người cũng sẽ làm bạn mất lòng thôi. Đó không phải giải pháp. (Xin lưu ý rằng tôi không nói đến trường hợp bạn bị lạm dụng tại một hội thánh. Đó là một vấn đề sâu sắc hơn và cần một cách tiếp cận khác với bài viết này.)
5. Hội thánh đang thay đổi
Mọi hội thánh đều cần thường xuyên điều chỉnh. Không phải là điều chỉnh về thần học cốt lõi mà cần nâng cấp tòa nhà, giới thiệu những bài ca mới, thay đổi phong cách ăn mặc, chuyển địa điểm, v.v.
Một số người nhấn phanh với mọi thay đổi, bất kể là tốt hay xấu. Nếu có xu hướng đó thì bạn cần chống lại cám dỗ khi cho rằng thay đổi là xấu chỉ vì nó khiến bạn không thoải mái.
Nếu ban lãnh đạo hội thánh bạn đang thay đổi điều này, điều kia trước khi bạn nghĩ đến thì có lẽ là họ đang chủ động chứ không thụ động. Lãnh đạo như vậy là tốt.
Xã hội đang thay đổi quanh chúng ta. Một cách nhanh chóng. Nếu những người lãnh đạo trong hội thánh bạn không thử những cách mới mẻ để đáp ứng nhu cầu của một xã hội đang biến chuyển thì đừng chống lại họ, hãy bắt tay vào giúp họ.
6. Bạn không chịu sự khuyên dạy
Vâng, vấn đề có thể là chính bạn.
Trước khi thay đổi hội thánh, hãy tự hỏi mình xem liệu điều thật sự cần thay đổi có phải là chính bạn hay không.
Suy cho cùng thì Tin Lành là sự thay đổi. Từ bóng tối sang ánh sáng, từ sự chết sang sự sống, từ tội lỗi sang sự cứu rỗi. Và đôi khi, từ cứng đầu sang chịu sự khuyên dạy.
Đây có thể không phải thời điểm để bạn thay đổi hội thánh. Đây có thể là thời điểm mà bạn để Chúa Giê-su dùng hội thánh của bạn để thay đổi chính bạn.
7. Bạn đang bỏ hẳn hội thánh
Nếu bạn định rời hội thánh hiện tại để không đi hội thánh nữa thì xin hãy cân nhắc lại nước đi rất nguy hiểm này.
Có rất ít quyết định dễ gây ra tổn hại lâu dài về mặt thuộc linh hơn việc tách mình ra khỏi những người có cùng đức tin vững vàng. Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn. Vì một khoảng thời gian ngắn luôn thành ra một quãng thời gian rất dài. Thậm chí là quyết định “ngắm nghía ngoài kia” tại các hội thánh khác cũng có thể gây nguy hại. Lựa hội thánh có thể trở thành lượn (lờ) các hội thánh, rồi dễ dẫn đến lơ hội thánh.
Cơ Đốc giáo không bao giờ có nghĩa là phải sống cô lập.
Chúng tôi cần bạn. Bạn cần chúng tôi.
Chúng ta cần nhau.
Tác giả bài viết, Karl Vaters là tác giả của bốn cuốn sách và đã thực hiện chức vụ chăn bầy được gần 40 năm. Ông là mục sư dạy dỗ của Cornerstone Christian Fellowship, một hội thánh nhỏ khỏe mạnh tại California, Hoa Kỳ; nơi ông đã phục vụ hơn 27 năm cùng Shelley, vợ mình. Karl nặng lòng với việc giúp các mục sư hội thánh nhỏ tìm thấy các nguồn lực để lãnh đạo tốt và tận dụng những lợi thế có một không hai của việc chăm sóc một hội thánh nhỏ.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://karlvaters.com/leave-your-church/?fbclid=IwAR1yWj6LbcJB13mMNQhd1suwsgm9VE2NV8QWbYU1XpdMAc8TbptdPpKF02E
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!