SUY NGHĨ VÀ CẢM XÚC TRONG ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN
Con người là tạo vật của những thái cực. Các trang sử đưa ra bằng chứng về khả năng chúng ta chẩn đoán một vấn đề và sau đó điều chỉnh quá mức lại thành sai lầm ngược lại. Trẻ em lớn lên dưới sức ép của chủ nghĩa luật pháp thường thiên về sự phóng túng. Phản ứng trước sự nhấn mạnh quá mức vào logic, một số người đã đi đến sai lầm ngược lại là lẽ thật tương đối.
Hội thánh không tránh khỏi những dao động qua lại như vậy.
Một khía cạnh mà chúng ta thấy con lắc liên tục đung đưa qua lại là khía cạnh của suy nghĩ và cảm xúc. Một số coi điều này là tập trung vào tấm lòng hoặc tâm trí, một số có thể nói là việc nhấn mạnh đến Lời Chúa hoặc Thánh Linh.
Dù có nói theo cách nào thì điểm chính yếu là trong đời sống cá nhân và trong các buổi lễ ở hội thánh, chúng ta có xu hướng đề cao lẽ thật thật/suy nghĩ hoặc cảm xúc/trải nghiệm. Một số có xu hướng ưu tiên cảm xúc đến nỗi bỏ bê lý trí. Những người khác, có lẽ để phản ứng lại điều đó, nuôi dưỡng tâm trí của họ nhưng dường như không bị lay chuyển trong cảm xúc.
Làm sao để chúng ta hiểu mối quan hệ giữa lẽ thật và cảm xúc? Chúng ta phải làm gì với những buổi lễ của hội thánh chỉ là tìm cách lay động cảm xúc của chúng ta cốt để có một trải nghiệm đầy cảm xúc? Còn về những hội thánh quá câu nệ về lẽ thật nhưng dường như thiếu cảm xúc thực sự thì sao?
Cả Hai Chứ Không Phải Một Trong Hai
Có lẽ thay vì vung con lắc sang thái cực này hay thái cực khác, chúng ta hãy nhận ra giá trị và tầm quan trọng của cả lẽ thật và cảm xúc. Chúa Giê-su nói chúng ta cần phải yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Những người vốn bị trải nghiệm thu hút cần phải nhấn mạnh về lẽ thật và giáo lý một cách tương đương. Những người vốn hướng đến lẽ thật và yêu thích việc học giáo lý sẽ cần đảm bảo rằng những lẽ thật đó đang khơi dậy tình cảm của họ đối với Chúa.
Martyn Lloyd-Jones nhấn mạnh sự cần thiết của cả hai. Ông nói rằng vấn đề thường “do thực tế rằng mọi người đã nhấn mạnh đến trải nghiệm hoặc giáo lý mà không quan tâm đến cái kia, và thực sự họ đã phạm tội, và vẫn đang phạm tội, khi cho rằng hai điều là tương phản với nhau trong khi chúng bổ sung cho nhau.”1 Ông lập luận rằng một mặt chúng ta phải tránh thái cực của chủ nghĩa cuồng tín (fanaticism), mặt khác là tránh chủ nghĩa trí thức khô khan (dry intellectualism).
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng anh phải lựa chọn giữa lẽ thật hoặc cảm xúc. Nhiều người cho rằng nếu tập trung vào lẽ thật thì anh sẽ khô khan, trí thức và nhàm chán. Một buổi lễ trong hội thánh nhấn mạnh vào điều này sẽ giống với một bài diễn thuyết học thuật hơn. Những người khác xem cảm xúc chỉ là hiệu ứng giải trí hoặc thao túng cảm xúc. Chắc chắn là cả hai thái cực này đều tồn tại, nhưng điều đó không có nghĩa rằng phải là một trong hai.
Có thể có những cuốn sách viết về chủ đề này, nhưng hôm nay chúng ta sẽ chỉ thu hẹp nó thành hai mệnh đề: (1) Cảm xúc của chúng ta cần dựa trên lẽ thật, và (2) việc nghiên cứu lẽ thật cần lay động cảm xúc của chúng ta.
Cảm Xúc Của Chúng Ta Cần Dựa Trên Lẽ Thật
Vì rất dễ lay động cảm xúc và khiến mọi người cảm thấy như họ đã trải nghiệm điều gì đó, nên có nhiều hội thánh chỉ đơn giản là tìm kiếm trải nghiệm cảm xúc. Tôi nói lại: rõ ràng là cảm xúc không xấu, nhưng chúng cần dựa trên lẽ thật. Nếu một đoạn Kinh Thánh dạy về sự vui mừng thì kinh nghiệm sự vui mừng khi đọc đoạn đó hoặc nghe một bài giảng về đoạn đó chắc chắn là một điều thích hợp. Một bài hát thờ phượng ca ngợi Đức Chúa Trời vì sự vĩ đại của Ngài cần khuấy động lòng chúng ta khi chúng ta suy ngẫm về Ngài, và tương tự như vậy, một bài ai ca nên khơi gợi sự suy ngẫm sâu sắc về nỗi buồn của chúng ta.
Một người dẫn khéo hoặc ban hát thờ phượng khéo có thể tạo sự chờ đợi, sau đó thực hiện thay đổi phím hoặc buông nhịp vào đúng lúc sao cho khán giả phải cảm động. Một nhà giảng đạo có thể thay đổi ngữ điệu của mình hoặc thêm một yếu tố hùng hồn theo cách khiến cử tọa cảm nhận được điều gì đó. Những điều này có thể được thực hiện mà không cần bất kỳ lẽ thật nào kèm theo. Những kỹ thuật này vốn dĩ không sai, nhưng chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta đang làm nổi bật những lẽ thật gây xúc động chứ không phải những trải nghiệm cảm xúc trống rỗng.
Nếu một hội thánh chỉ đơn thuần cung cấp một trải nghiệm cảm xúc khiến cử tọa cảm thấy theo một cách nào đó, nhưng cảm xúc ấy không dựa trên lẽ thật và tập trung vào Đức Chúa Trời, thì họ đã không phục vụ tốt dân sự của mình. Nếu cảm xúc không dựa trên lẽ thật về Đức Chúa Trời, thì ngay khi nó cạn kiệt, dân sự sẽ chẳng được ích lợi gì cả. Họ có thể cảm thấy như mình đã có một buổi thờ phượng hay ở hội thánh, nhưng điều đó sẽ chỉ kéo dài chừng nào cảm xúc còn xôn xao và sau đó, nó sẽ không thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Lẽ Thật Cần Khuấy Động Cảm Xúc Của Chúng Ta
Những người khác cho rằng việc tập trung vào lẽ thật và giáo lý khiến một người mâu thuẫn với Đức Thánh Linh. Lloyd-Jones đã nhìn thấy điều tương tự vào thời của mình:
“Có một số người nghĩ rằng để tránh dập tắt Thánh Linh, anh phải dừng hoạt động trí tuệ của mình, rằng anh phải ngừng suy nghĩ, ngừng tra xét, rằng anh phải buông thả và bị cuốn đi.”2 1.
Lloyd-Jones tin rằng có quá nhiều người rơi vào cái bẫy tìm kiếm trải nghiệm tâm linh mà bỏ qua Lời Chúa. Đức Thánh Linh soi dẫn Kinh thánh và các giáo lý trong đó; chúng ta không thể tách rời Lời Chúa và Thánh Linh. Khi đào sâu Lời Chúa và nghiên cứu tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải về chính Ngài, chúng ta đang đặt mình vào vị trí để được Thánh Linh và Lời Chúa biến đổi. Thánh Linh Chúa dùng Lời Chúa để thánh hóa dân Chúa (Giăng 17:17).
Nhưng, điều này đòi hỏi hành động và kỷ luật, điều mà quá nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không muốn làm. Nhiều người đánh giá thấp việc nghiên cứu và coi đó là khó khăn và nhàm chán.
Chúng ta có thực sự tin rằng những lẽ thật về Đức Chúa Trời là nhàm chán không?
Nếu đang nói về Đức Chúa Trời, hoặc nếu đang ca hát, giảng dạy hoặc đọc lời của Ngài thì chúng ta nhận ra rằng mình đang nói về những lẽ thật vĩ đại nhất trên thế giới. Tôi không cho rằng mọi sự thật đều lay động cảm xúc của chúng ta. Ngồi trong lớp toán, người ta có thể nghe thấy một giáo viên tuyên bố một bài toán phức tạp mà, tuy đúng nhưng nó có lẽ sẽ không làm rung động trái tim của hầu hết mọi người. Tôi cho rằng mọi thứ mình đọc được trong sổ tay hướng dẫn sử dụng máy cắt cỏ đều đúng, nhưng điều đó không lay chuyển được tình cảm của tôi.
Nhưng lẽ thật về Đức Chúa Trời, kế hoạch cứu chuộc, quyền thống trị của Ngài đối với lịch sử và mọi điều tốt lành khác mà chúng ta đọc được trong Kinh thánh sẽ khiến chúng ta xúc động. Hai cộng hai có thể không làm bạn phấn khích, nhưng ân điển Chúa thì có. Việc thay dầu máy cắt cỏ sau mỗi 50 giờ có thể khiến bạn thấy nhàm chán, nhưng sự tái lâm sắp tới của Đấng Christ thì không.
Việc học giáo lý không nên kìm nén cảm xúc của bạn, mà phải khiến bạn thực sự cảm động hơn bất cứ điều gì khác!
Những Con Người Có Suy Nghĩ Sâu Sắc Và Cảm Nhận Mãnh Liệt
Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài và đã ban cho chúng ta trí tuệ và cảm xúc. Như lời Jen Wilkin đã nói: “Trái tim không thể yêu những gì mà lý trí không biết.”
Để trở thành những Cơ Đốc nhân quân bình, chúng ta phải là những người nam và nữ tìm hiểu sâu về lời Chúa và xem xét các giáo lý của đức tin. Những lẽ thật tuyệt vời này không chỉ thách thức suy nghĩ của chúng ta, mà còn cần khuấy động thật mạnh tình cảm của chúng ta đối với Chúa. Càng tìm hiểu về Ngài, chúng ta càng yêu mến Ngài hơn. Càng yêu mến Ngài, chúng ta càng muốn tìm hiểu thêm về Ngài.
Tác giả bài viết, James Williams là một mục sư tại Hội thánh First Baptist Atlanta, Texas, Hoa Kỳ. Ông là một cây bút tại Gospel-Centered Discipleship.
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.growingingrace.blog/2023/08/14/thinking-and-emotions-in-the-christian-life/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!