Khi Phục Vụ Trong Hội Thánh Gây Tổn Thương
Đã bao giờ bạn nghe thấy một nhân sự mới trong hội thánh nói rằng họ háo hức mong đến ngày làm việc trong hội thánh, vì mọi người sẽ tử tế và tốt lành biết bao? Bất cứ ai ở trong chức vụ được một thời gian đều biết rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi hội thánh có thể là nơi rất tệ, thậm chí không tha thứ. Làm việc trong chức vụ là một sự kêu gọi đẹp đẽ, nhưng nó cũng có thể gây thất vọng khi bạn thấy mình phải đối mặt với những tình huống mà Cơ Đốc nhân không hành xử giống với Đấng Christ.
Tôi đã làm việc tại ba hội thánh siêu lớn và đã từng có cảm giác bị nhai nát, cuối cùng bị nhổ ra khi không còn cần đến nữa. Đáng buồn là tôi không đơn độc. Khi người ta nếm trải tổn thương trong hội thánh – dù là làm việc trong chức vụ hoặc tham dự một hội thánh mà họ đã có kinh nghiệm đau thương – họ thường từ bỏ đức tin của mình hoặc trở nên giận dữ với Đức Chúa Trời.
Nhưng các lãnh đạo hội thánh chỉ là con người – những con người có thiếu sót và tội lỗi giống như chúng ta. Trong nền văn hóa của mình, chúng ta có xu hướng thần tượng hóa con người. Chúng ta đặt họ trên bệ thờ cho tới khi họ sụp xuống. Sau đó chúng ta từ bỏ những gì mà họ đại diện cho. Chúng ta thần tượng hóa các mục sư – đặc biệt là các mục sư hội thánh siêu lớn – và đối xử với họ như những ngôi sao nhạc rock. Rồi ngay khi họ làm sai điều gì đó, chúng ta sụp đổ. Thần tượng của chúng ta vỡ vụn, và chúng ta bỏ Chúa, cứ như thể chúng ta thấy ngạc nhiên khi Cơ Đốc nhân cũng là…con người.
Khi nói điều này, tôi không giảm nhẹ những vết thương bắt nguồn từ thương tổn trong hội thánh của mình. Ở nền văn hóa mà trong đó, chúng ta thấy những vụ lạm dụng tình dục trong hội thánh, thậm chí ở những cấp bậc cao của hệ phái, các hội thánh thực sự cần có trách nhiệm giải trình, và những người thoát khỏi sự lạm dụng hoặc thương tổn trong hội thánh thực sự cần được lắng nghe và bảo vệ. Nhưng là những người biết Đấng Christ, chúng ta cần nhận rằng mình đang đi theo Đấng Christ chứ không phải mục sư hay người lãnh đạo làm điều sai trái.
Trải qua những tổn thương mà tôi phải chịu từ các lãnh đạo trong hội thánh, tôi thấy ngày càng tin cậy Chúa hơn. Đức Chúa Trời luôn là Đấng an ủi và bảo vệ tôi, và Chúa cũng là Đấng chữa lành cho tôi. Tôi cũng học được rằng cách duy nhất để vượt qua thương tổn, đặc biệt là khi nó ra từ những anh chị em Cơ Đốc của mình, là tha thứ.
Chúng ta sẽ không đối tốt với con người nếu không học cách tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình. Tôi tin rằng ai cũng muốn tìm thấy sự chữa lành, đầy trọn và không sống trong ngục tù cay đắng, giận dữ và phiền muộn. Tuy vậy, cái khó là ở chỗ, tôi cũng tin rằng nhiều người không biết cách tìm sự đầy trọn hoặc không muốn phải đối mặt với nỗi thương đau mà mình đã trải qua trong đời. Đôi khi có vẻ như sống trong sự chối bỏ còn an toàn hơn đối mặt với những sự thật kinh hoàng. Tuy nhiên, là một người từng trải qua đau thương và sự chối bỏ, tôi có thể nói rằng con đường đến với sự chữa lành thường gập ghềnh nhưng đáng để đi. Không gì sánh được với việc sống một cuộc đời tự do khỏi những ảnh hưởng về cảm xúc và thể chất từ thương tổn và thương đau. Sống trong tự do – tự do khỏi nỗi cay đắng, căm ghét và sầu khổ trong đầu – khiến bạn có thể yêu và tha thứ cho người ta, biết thương xót, cảm thông, và thật sự đối tốt với tất cả mọi người mà mình gặp.
Bạn có đang tìm kiếm sự đầy trọn? Bạn có mệt mỏi vì phải sống trong ngục tù cay đắng và căm ghét? Đã đến lúc tìm sự giúp đỡ và chữa lành bằng cách mở khóa khả năng tha thứ của bản thân.
Nếu không tha thứ cho những người làm mình tổn thương thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy sự chữa lành. Nếu không bao giờ tìm thấy sự chữa lành khỏi những thương đau và thương tổn mình đã gặp phải thì bạn sẽ sống trong xiềng xích – ngục tù của cay đắng, giận dữ, căm ghét và cứng lòng. Và điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống bạn mà cả những người quanh bạn nữa. Nếu không có sự chữa lành thì bạn sẽ không tiến tới trong cuộc sống. Bạn sẽ mãi mắc kẹt trong tình trạng đau thương con trẻ.
Tha thứ là một quá trình. Nhưng càng biết tha thứ thì bạn càng giải phóng chính mình để kinh nghiệm lòng tốt và đối tốt với những người khác nữa.
Đây là một câu nói cũ kỹ đã trở nên khuôn sáo, nhưng nó cũng là lẽ thật quý báu: “Kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác”. Nếu không thể nào tha thứ và đi tiếp từ những gì đã xảy ra với mình khi còn nhỏ (hoặc đã lớn) thì bạn sẽ trở thành một người xấu tính, cục cằn, khinh suất và cay đắng. Người ta sẽ không thấy vui khi ở quanh bạn. Bạn sẽ không yêu thương. Bạn sẽ chỉ là một kẻ xuẩn ngốc với mọi người.
Kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác. Người bị đau lại muốn làm đau người khác. Nhưng người được cứu sẽ đi cứu người khác.
Tác giả bài viết, Greg Atkinson là nhà sáng lập và CEO của Worship Impressions (Ấn tượng Thờ phượng), the First Impressions Conference (Hội nghị Ấn tượng Đầu tiên), The Entrepreneurial Church Conference (Hội nghị Hội thánh Doanh nhân – sẽ ra mắt vào năm 2024), đồng thời là đồng sáng lập Social Media Church Conference (Hội nghị Hội thánh Mạng Xã hội). Ông cũng là tác giả của cuốn sách mới nhất – “The Secret Power of Kindness” (Sức mạnh Bí ẩn của Lòng tốt).
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://churchleaders.com/pastors/455472-when-ministry-hurts.html?fbclid=IwAR2anUJ6CxfmswnGhEBo-DX5IlJWSc4kRm1DoetHdrdallE6dUooXpy-dWU