Tại Sao Phái Ngũ tuần Vẫn Luôn Tăng Trưởng Trong Bối Cảnh Giảm Sút Của Các Hệ Phái Khác?
Đại hội Truyền bá Phúc âm Amsterdam 2023, Ảnh: Ed Stetzer
Khi tham dự Đại hội Truyền bá Phúc âm Amsterdam 2023, tôi nghĩ đến một bài báo cũ mà mình đã đăng trên blog Christianity Today. Tôi muốn phục hồi nó trong một loạt bài ngắn gồm hai phần.
Khắp phương Tây, nhiều hệ phái đang ở trong tình trạng chững lại hoặc giảm sút—và tình trạng đó đã xảy ra khá lâu. Kể từ năm 1987, hầu hết mọi hệ phái lớn ở Hoa Kỳ đều giảm tổng số thành viên.
Một số hệ phái, chẳng hạn như United Church of Christ (UCC) và Hội thánh Trưởng lão (TL) đã liên tục suy giảm, lần lượt là 52% và 58%. Đối với những hệ phái khác, chẳng hạn như Liên hiệp Báp-tít Nam phương và Giáo hội Giám lý Liên hiệp, tỷ lệ suy giảm đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong suốt vài thập kỷ qua, tuy số lượng người Tin lành giảm xuống nhưng có một ngoại lệ đã luôn đi ngược lại xu hướng: Phái Ngũ tuần.
Tại sao phái Ngũ tuần lại không đi theo khuôn mẫu của các hệ phái khác?
Điều đáng chú ý là Amsterdam 2023 được thiết lập 40 năm sau khi Billy Graham tập hợp các nhà truyền giảng Tin lành toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh Amsterdam đầu tiên của ông—chính tại nơi mà chúng tôi nhóm lại. Theo một cách nào đó, người Ngũ tuần và các Cơ đốc nhân đầy dẫy Thánh Linh khác đang tiếp nối điều mà người Tin lành đã phải vật lộn—tiếp cận thế giới cho phúc âm.
Chúng tôi cũng thấy điều đó ở Hoa Kỳ. Hội chúng Đức Chúa Trời (the Assemblies of God – AG), hệ phái Ngũ tuần lớn nhất thế giới, đã có mức tăng trưởng bền vững trong nhiều thập kỷ, tăng 51% trong cùng khoảng thời gian mà UCC và TL giảm với tỷ lệ phần trăm gần như giống hệt nhau.
Về sự tăng trưởng của AG, nhà nghiên cứu Ryan Burge nhận xét:
So với hai hệ phái Tin lành lớn nhất Hoa Kỳ—Liên hiệp Báp-tít Nam Phương và Giáo hội Giám lý Liên hiệp—Hội chúng Đức Chúa Trời luôn bị áp đảo về số lượng. Năm 2005, có khoảng 16,3 triệu tín đồ Báp-tít Nam phương ở Hoa Kỳ theo thống kê của chính hệ phái này, và gần 8 triệu tín đồ Giám lý Liên hiệp. Vào thời điểm đó, Assemblies of God báo con số 2,8 triệu thành viên.
Tuy nhiên, từ năm 2005 đến năm 2019, cả Báp-tít Nam Phương và Giám lý Liên hiệp đều báo cáo sự sụt giảm thành viên. Năm 2019, có 14,5 triệu người theo Báp-tít Nam phương, giảm 11%. Giám lý Liên hiệp đã báo cáo có tổng cộng 6,5 triệu thành viên vào năm 2019, giảm 19%. Trong khi đó, Hội chúng Đức Chúa Trời đã tăng hơn 16% lên gần 3,3 triệu thành viên.
Ông nói thêm rằng trong 40 năm báo cáo số liệu thống kê đều đặn, chỉ có ba lần AG không báo cáo mức tăng trưởng hàng năm. Các hệ phái Ngũ tuần khác cũng đã báo cáo sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. (Đáng lưu ý ở chỗ, khi chúng ta nghe rằng số lượng người Báp-tít Nam Phương đang suy giảm do vị trí nhân khẩu học, thì phần lớn Hội chúng Đức Chúa Trời lại đang phát triển ở cùng vị trí đó.)
Tuy sự tăng trưởng của phong trào Ngũ tuần ở Hoa Kỳ rất ấn tượng nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong sự tăng trưởng của phong trào này trên toàn thế giới. Vào năm 1900, có chưa đầy một triệu người Ngũ tuần và Ân tứ trên thế giới. Ngày nay, có hơn 650 triệu người, chiếm khoảng 25-30% Cơ Đốc giáo toàn cầu1 .
Chắc chắn rồi, một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là: “Trong thời điểm mà hội thánh phương Tây dường như đang suy giảm trong nhiều lĩnh vực, họ (người Ngũ tuần) đã đi ngược lại xu hướng như thế nào?”
Dường như không chỉ có một lý do duy nhất khiến phái Ngũ tuần thành công. Thay vào đó, có một loạt các đặc điểm hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nó. Giống như một bữa ăn được nấu nướng cầu kỳ có hương vị tùy thuộc vào một số thành phần, hiện tượng Ngũ tuần trên toàn thế giới cũng có thể là do một số thành phần chính.
Phái Ngũ tuần có thể giải thích một cách mặc định rằng sự tăng trưởng này là do sự vận hành của Đức Thánh Linh. Tôi hiểu điều đó, và sẽ khẳng định đó là một phần lý do. Nhưng đặc tính được Thánh Linh dẫn dắt cũng đã nuôi dưỡng một số đặc điểm xã hội học và truyền giáo học cần được xem xét.
Người Ngũ tuần sở hữu một đức tin cá nhân và sốt sắng
Từ góc độ thống kê, người Ngũ tuần có xu hướng ít “tin trên danh nghĩa” hơn những tín đồ khác. Burge lưu ý: “Hội chúng Đức Chúa Trời không phát triển bằng cách thêm những người thờ phượng hâm hẩm vào hàng ngũ và vai trò của hội thánh. Thay vào đó, dữ liệu chỉ ra là hệ phái này cực kỳ tích cực trong đời sống hội chúng.”
Lý do cho điều này rất hiển nhiên: Phép báp-tem Thánh Linh.
Phép báp-tem Thánh Linh là nền tảng chính về mặt giáo lý và trải nghiệm, không chỉ trong Ngũ tuần cổ điển, mà còn trong nhiều phong trào đầy dẫy Thánh Linh và Ân tứ thuộc làn sóng thứ ba; có thể gọi chúng gọi là phong trào “tiếp diễn các ân tứ Thánh Linh” hoặc “đầy dẫy Thánh Linh”.
Các tín đồ và hội thánh Ngũ tuần liên tục nhấn mạnh đến thực hành thuộc linh và cam kết mang tính cá nhân sâu sắc, giúp nuôi dưỡng một đức tin mạnh mẽ hơn.
Sự trì trệ không thích hợp với trải nghiệm thật và đầy dẫy Đức Thánh Linh. Kết quả cuối cùng là người ta khó trở thành một người Ngũ tuần trên danh nghĩa hơn, bởi vì các cam kết cốt lõi của phong trào có xu hướng loại bỏ thuyết duy danh. Vì cớ những gì đang xảy ra trong hội thánh và cộng đồng đức tin, người ta có xu hướng không chỉ đến chỉ để quan sát. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi 57% thành viên HC đến hội thánh ít nhất một lần một tuần, so với 49% của người báp-tít Nam phương.
Hoặc là anh tham gia vào, hoặc là anh đi. Nhiều người tham gia vào. Các phong trào có nhiều người tin trên danh nghĩa thường suy giảm. Những người tin trên danh nghĩa thường không dễ theo phái Ngũ tuần, cho nên phái này mới tăng trưởng.
(Sự trỗi dậy của thuyết Ngũ tuần chính trị ở Mỹ trong vài năm qua là điều cần xem xét, nhưng điều đó nằm ngoài phạm vi của bài viết ngắn này.)
Người Ngũ tuần sở hữu một đức tin truyền giáo
Phép báp-tem Thánh Linh không chỉ khuyến khích sự tăng trưởng thuộc linh cá nhân và tham gia vào hội thánh địa phương mà còn cung cấp khuôn khổ cho niềm tin truyền giáo bên ngoài địa phương. Khi đánh giá cao những gì bạn có như người Ngũ tuần, bạn sẽ không đành lòng kinh nghiệm điều đó một mình. Bạn nghĩ rằng những người khác nên có cơ hội tương tự để tham gia vào sự vận hành của Thánh Linh Chúa.
Khía cạnh truyền giáo Ngũ tuần cũng nhấn mạnh một phong trào đầy dẫy Thánh Linh khơi dậy ngọn lửa đức tin cá nhân, dẫn đến sự kết hợp giữa công bố Tin lành và thể hiện quyền năng của Thánh Linh—John Wimber gọi đây là “truyền giảng Tin lành bằng quyền năng”. Viết về tác động của phái Ngũ tuần toàn cầu trong việc hình thành toàn cầu hóa hiện đại, Bryant Myers cho rằng nhiệm vụ truyền giáo mang tính cá nhân sâu sắc này là một trong những lý do quan trọng cho sự phát triển hiện nay của nó2 .
Tuy nhiên, niềm đam mê đối với sứ mệnh được Thánh Linh dẫn dắt không chỉ dành riêng cho cá nhân. Nó đã thúc đẩy tấm lòng mở mang và nhân rộng hội thánh. Điều này rất rõ ràng giữa vòng các tín đồ Hội chúng Đức Chúa Trời. Trong số 13.000 hội chúng của họ, “hơn một phần tư… được thành lập trong thập kỷ qua,” theo Burge.
HC được thành lập vào năm 1914. Khi hơn 1/4 số hội thánh được hình thành trong 1/10 lịch sử về sau thì đó là một dấu hiệu tốt.
Cộng đồng đã có sáu hội thánh cũng chẳng sao. Đối với người Ngũ tuần, nếu không có một hội thánh đầy dẫy Thánh Linh trong cộng đồng đó thì họ phải mở một hội thánh. Đây là dấu hiệu đánh dấu sự phát triển của phái Ngũ tuần, không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới.
Người Ngũ tuần sở hữu một đức tin “từ dưới lên trên”
Một đặc điểm chính của sự tăng trưởng Ngũ tuần là phong trào này đi “từ dưới lên trên” chứ không đi “từ trên xuống dưới”3 . Điều này có nghĩa rằng phong trào đầy dẫy Thánh Linh đúng là một phong trào. Và nó chủ yếu là một phong trào cấp cơ sở, cả ở Hoa Kỳ và nước ngoài. Hình thức mở rộng ít kiểm soát của nó góp phần không nhỏ vào thành công nhanh chóng của phong trào này trong giới trẻ, cũng như dân số tại Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Châu Á.
Trọng tâm của đặc tính Ngũ tuần là niềm tin rằng sự đến của Thánh Linh đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Giô-ên 2, rằng Thánh Linh đã được tuôn đổ trên mọi xác thịt: nam nữ, già trẻ, bất kể sắc tộc hay vị thế kinh tế-xã hội.
Hơn nữa, phong trào đầy dẫy Thánh Linh này cực kỳ mang tính xuyên hệ phái và hậu hệ phái, đôi khi khiến nhiệm vụ xác định (và đếm) chính xác số người Ngũ tuần và Ân tứ trở nên khá khó khăn.
Phong trào đầy dẫy Thánh Linh này cũng mở rộng ra ngoài các hệ phái Ngũ tuần, Ân tứ và hiện đang mở rộng sang các bộ phận khác của Cơ Đốc giáo, bao gồm cả phong trào canh tân đặc sủng Công giáo của Giáo hội Công giáo La mã với gần 160 triệu thành viên trên toàn thế giới theo báo cáo.
Tôi tin rằng Đức Thánh Linh muốn thực hiện một công việc mới trong mỗi người chúng ta cũng như trong các hội thánh. Trong Phần 2 của loạt bài ngắn này, tôi sẽ thảo luận về cách người Tin lành có thể áp dụng những gì chúng ta học được từ những gì chúng ta quan sát được trong phong trào Ngũ tuần.
– Tác giả bài viết, tiến sĩ Ed Stetzer là giáo sư và trưởng khoa tại Đại học Wheaton, ông cũng là Giám đốc Điều hành của Trung tâm Billy Graham tại Đại học này. Ông đã xây dựng, hồi sinh và chăm sóc các hội thánh; các mục sư được đào tạo và những người mở mang hội thánh trên sáu lục địa; lấy hai bằng thạc sĩ và hai bằng tiến sĩ; đã viết hàng trăm bài báo và hàng chục cuốn sách. Ông là Giám đốc khu vực của Lausanne Bắc Mỹ, Tổng biên tập của Tạp chí Outreach và thường xuyên viết bài cho các hãng tin như USA Today và CNN. Chương trình phát thanh quốc gia của ông, Ed Stetzer Live, phát sóng vào Thứ Bảy trên Đài phát thanh Moody và các chi nhánh. Ông phục vụ tại hội thánh địa phương – Hội thánh Highpoint với tư cách là mục sư giảng dạy. Tiến sĩ Stetzer hiện đang sống ở Anh và giảng dạy tại Đại học Oxford.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc: https://churchleaders.com/voices/453879-pentecostals-how-do-they-keep-growing.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!