4 Sai Lầm Của Các Hội Thánh Khi Xác Định Mức Lương Mục Sư
Khi nói đến mối quan hệ của người mục sư với hội thánh, vấn đề tiền lương dường như là một chủ đề nhạy cảm.
Hầu hết các mục sư đều không muốn tỏ ra tham lam trong yêu cầu về lương bổng, và hầu hết các nhóm xác định lương bổng đều rất coi trọng trách nhiệm của mình với tiền bạc của hội thánh.
Tuy nhiên, các mối quan hệ cá nhân có thể khiến những vấn đề này trở nên phức tạp và khiến hội thánh cùng người mục sư không thể suy nghĩ thấu đáo về tất cả những điều cần cân nhắc khi quyết định mức lương mục sư.
Dưới đây là bốn sai lầm phổ biến mà các hội thánh mắc phải khi xác định mức lương mục sư và có thể dẫn đến căng thẳng không cần thiết trong các mối quan hệ.
1. Không trả lương đủ sống
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên nhưng các hội thánh cần trả cho các mục sư của mình mức thù lao đủ sống. Tiếc là nhiều ban lương thưởng và hội đồng trưởng lão không xác định mức lương mục sư đủ cao. Kết quả là họ khiến những người lãnh đạo cấp cao của mình phải chật vật một cách không cần thiết.
Nếu mục sư của bạn có tấm lòng khiêm nhường, phục vụ – hầu hết các mục sư tốt đều như vậy – thì có lẽ ông sẽ không hay bộc lộ hoặc thậm chí là công khai là mình không được trả lương đủ sống. Tuy nhiên, ông ấy sẽ dễ bị nản lòng và phải chịu áp lực, thậm chí là xung đột trong gia đình vì sức ép tài chính.
Nhìn chung thì người mục sư sẽ không được ổn thỏa cả về cá nhân và trong công việc nếu ông ấy không được trả lương đủ sống.
Nếu bạn nằm trong đội xác định lương thưởng cho mục sư, tôi nài xin bạn nếu có sai thì cũng sai theo hướng hào phóng. Các mục sư không bước vào chức vụ vì tiền – trừ vài trường hợp cá biệt của những nhà giảng đạo thịnh vượng mặc bộ đồ cả ngàn đô và đi chuyên cơ. Nhưng chuyện là vậy, những trường hợp đó nổi tiếng vì chúng là ngoại lệ.
Trả lương cho mục sư hơi nhiều cũng chẳng phải là thảm họa gì về quản lý tiền bạc như bạn tưởng tượng đâu. Hãy lo ông ấy không được trả lương đủ sống thì hơn.
Nói vậy không có nghĩa là cứ lấy đại một con số nào đó. Hãy cân nhắc đến quy mô của hội thánh, trình độ học vấn và kinh nghiệm của người mục sư, chi phí sinh hoạt tại địa phương, tỉ lệ lạm phát hằng năm và mức lương của mục sư đó trong tương quan với các mục sư khác trong vùng hoặc người dẫn dắt một hội thánh có quy mô và mục vụ tương tự.
Nhưng nếu có không chắc chắn thì cũng đừng chọn ngay mức thấp hơn.
2. Trả lương hậu hĩnh cho mục sư còn các nhân sự khác phải chật vật về tài chính
Có thể hội thánh bạn không phải vật lộn với việc trả lương hậu hĩnh cho mục sư chính. Nhưng có lẽ ông ấy không phải là nhân sự duy nhất được trả lương để dẫn dắt hội thánh và nhiều lĩnh vực mục vụ khác nhau. Như đã nói ở trên, nếu bạn không muốn trả lương thấp cho mục sư chính thì cũng đừng bỏ bê nhân sự làm việc dưới sự lãnh đạo của ông ấy.
Tất nhiên là gánh nặng lãnh đạo đè nặng trên vai người mục sư trưởng hơn cả. Vì lẽ đó, đừng trả cho nhân sự nào nhiều hơn mục sư chính. Tuy nhiên cũng không nên trả lương hậu hĩnh cho mục sư mà để những người phục vụ dưới quyền ông ấy sống thiếu thốn về tài chính.
Nhiều khi các nhân sự hội thánh được yêu cầu hoàn thành nhiều công việc hơn so với số giờ “được trả lương” rất nhiều– dù họ có làm trong mục vụ giới trẻ hay thiếu nhi, dẫn thờ phượng hay làm công tác hành chính. Và bởi lẽ ranh giới giữa cá nhân và công việc thường khá mờ nhạt trong môi trường hội thánh, nhiều người trong số họ thường xuyên làm quá mức yêu cầu, cống hiến cho các mục vụ của hội thánh, hay phải làm việc trong các tình huống căng thẳng nhưng lại tiếp cận công việc một cách đầy đam mê và vui mừng.
Họ đáng được trả công xứng đáng. Nếu bạn không làm như vậy thì họ dễ bị tổn hại về thể chất, cảm xúc, thậm chí đôi khi là tâm linh.
Tôi nhắc lại, điều này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu tất cả các yếu tố liên quan như đã mô tả ở trên. Chỉ là đừng có keo xỉn.
3. Chỉ tăng lương cho mục sư dựa trên thâm niên
Nhiệm kỳ mục sư càng dài thì lương của ông ấy càng phải tăng lên. Khi ông ấy tiếp tục trung tín phục vụ cộng đồng, học hỏi và tăng trưởng cùng các thành viên hội thánh, truyền đạt khải tượng mới khi thế giới tiếp tục thay đổi, mức lương của ông ấy cần phản ánh những thành công của ông theo thời gian.
Nhưng số năm mục sư phục vụ hội thánh không nên là yếu tố quyết định duy nhất khi cân nhắc tăng lương cho ông ấy. Một số yếu tố khác có thể góp phần.
Chẳng hạn, hội thánh bạn có tăng trưởng (lớn hơn hoặc mạnh mẽ hơn) kể từ lần tăng lương vượt trên mức điều chỉnh sinh hoạt thông thường gần đây nhất của người mục sư không? Hội thánh dâng hiến như thế nào? Mục sư của bạn có tiếp tục đáp ứng hoặc vượt trên cả mong đợi trong công việc và sự lãnh đạo không?
Có thành viên nào khác trong đội ngũ nhân sự xứng đáng và có thể tăng lương không, và liệu việc tăng lương của mục sư chính theo tỷ lệ phần trăm nhất định có hạn chế ngân sách để tăng lương cho họ quá không? Hội thánh có cần thêm nhân sự vào lúc này, và thu nhập của hội thánh có phản ánh một biên độ lành mạnh để bạn có thể làm như vậy hay không?
Đôi khi tài chính của hội thánh ở mức mà tăng lương cho mục sư theo con số nhất định lại không phải là khôn ngoan nhất, vì những nguồn lực đó cần cho những nhu cầu cấp bách hơn về ngân sách hoặc nhân sự.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hội thánh không thể điều chỉnh lương thưởng của mục sư một cách hợp lý với ngân sách hơn, thậm chí là theo những cách khác ngoài tiền, chẳng hạn như cho mục sư thêm ngày nghỉ. Hơn nữa, không tăng lương vượt quá chi phí sinh hoạt vào thời điểm này không có nghĩa là mãi mãi không làm như vậy, đặc biệt là khi các bạn có người mục sư đã phục vụ mình thật tốt trong nhiều năm và hy vọng rằng ông sẽ tiếp tục làm như vậy trong nhiều năm nữa.
4. Không có bản mô tả công việc
Nhiều lần, sự sai lệch trong trả lương phát sinh từ việc không có kỳ vọng rõ ràng. Có bản mô tả công việc rõ ràng và chính xác cho mục sư và tất cả các thành viên trong đội ngũ nhân sự hội thánh sẽ giúp bạn giảm bớt sự sai lệch này về lâu về dài.
Hãy trình bày mọi điều mà mục sư phải làm hằng tuần, hằng tháng và hằng năm theo cách phản ánh những gì ông ấy thực sự làm, cũng như những gì hợp lý với quy mô nhân sự và hội chúng của bạn.
Đôi khi chỉ cần viết tất cả những công việc của người mục sư ra giấy, bạn sẽ thấy khoản thù lao không phản ánh những nỗ lực của ông. Trong những trường hợp khác, một bản mô tả công việc chính xác đóng vai trò như một dấu hiệu cho thấy mục sư của bạn đang được trả công xứng đáng và tránh được sự thất vọng từ phía mục sư, ban lương thưởng hoặc cả hai.
Mục sư quan tâm đến bạn. Hãy đền đáp lại họ.
Một đề tài chính của Tân Ước là sự rộng lượng và phục vụ lẫn nhau. Như Phao-lô nói: “Đừng mắc nợ ai điều gì, ngoại trừ món nợ yêu thương nhau; vì ai yêu người lân cận mình là đã làm trọn luật pháp” (Rô-ma 13:8).
Trả lương cho mục sư là một điều quan trọng. Tuy không phải lúc nào nó cũng là yếu tố quyết định mối quan hệ lành mạnh giữa người mục sư và ban quản trị hội thánh nhưng nó là một yếu tố quan trọng.
Mục sư của bạn có chủ đích trong cách lãnh đạo hội thánh thực hiện sứ mệnh. Hãy có chủ đích như vậy trong cách bạn đền đáp sự phục vụ của ông ấy.
Tác giả bài viết, Dale Chamberlain (Thạc sĩ Thần học) là Quản lý Nội dung của trang ChurchLeaders. Với kinh nghiệm trong mục vụ chăn bầy cũng như marketing doanh nghiệp, ông cũng là một tác giả và người làm podcast đam mê giúp mọi người vận dụng những lẽ thật cổ xưa vào đời sống thường ngày. Dale sống tại Nam California, Hoa Kỳ cùng vợ và ba người con.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://churchleaders.com/pastors/445988-mistakes-when-setting-a-pastors-salary.html
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!