Hội Thánh Và Người Giàu: Làm Sao Để Chăn Lạc Đà Qua Lỗ Kim?
Chục năm trở lại đây, tôi đã phục vụ trong những bối cảnh khá giàu có. Điều đó có nghĩa là khu vực này giàu hơn so với xung quanh, đồng thời là nơi sinh sống của một số người cực giàu.
Tôi từng thấy sợ người nhiều tiền, nhưng Chúa đã và đang dạy tôi cách phục vụ và dẫn dắt họ.
Dưới đây chỉ là quan sát của tôi, nhưng là những điều tôi đã học được qua những thời kỳ đau đớn và thất vọng. Tuy không phải là chuyên gia gì cả nhưng tôi hy vọng 13 nguyên tắc này sẽ trở nên hữu ích với bạn.
1. Dạn dĩ cảnh báo
Khi nói đến người giàu, Kinh thánh gần như chỉ có giọng điệu cảnh báo rõ ràng. Bạn không phải tìm đâu xa để thấy những phân đoạn này. Đừng sợ và né tránh chúng.
2. Hiểu rằng ai cũng có áp lực tài chính
Mọi người đều cảm thấy áp lực về tài chính. Tôi biết là nghe có vẻ khó tin nhưng đúng là như vậy. Người nghèo áp lực vì thiếu của cải. Người giàu, nếu họ để tâm đến thì họ áp lực với trách nhiệm quản lý tài sản. Nếu dừng lại và tìm hiểu về người ta thì bạn sẽ nghiệm ra rằng ai cũng áp lực. Lời Phao-lô cảnh báo Ti-mô-thê rất thích hợp: “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác” (1 Ti-mô-thê 6:10).
Bạn không cần có nhiều tiền thì mới tham tiền: 5 triệu cũng có thể là cạm bẫy như 5 tỉ.
3. Tôn trọng và đồng cảm thay vì tôn sùng hoặc oán giận
Người giàu đã quen với những đối cực này. Họ được tôn trọng trong giao thiệp dịch vụ/trao đổi, nhưng lại cảm thấy bị oán giận theo thông điệp của xã hội nói chung. Cả hai thực tế đó đều không nhìn nhận thích đáng rằng họ chỉ là con người. Người giàu không phải là cái máy kiếm tiền, và họ không phải là cội rễ của mọi điều ác. Họ là những tội nhân cần ân điển.
Các hội thánh có thể rơi vào cái bẫy tương tự khi cố gắng thu hút những người quan trọng. Chúng ta bị cám dỗ theo một trong hai cách: để họ được toàn quyền kiểm soát, hoặc khinh miệt họ.
Điều này làm tôi nhớ đến lần Chúa Giê-su gặp người thanh niên giàu có. Chúa Giê-su đã trìu mến nhìn anh (Mác 10:21) rồi ngay lập tức nhắc nhở rằng anh không phải là trung tâm của vũ trụ. Chúa Giê-su không tôn sùng hay oán giận người thanh niên này. Ngài yêu anh, và Ngài kêu gọi anh rời xa thần tượng là sự giàu có của mình.
Hãy dành thời gian để hiểu những người này. Họ có thể có rất nhiều người phục vụ họ hoặc ghét họ từ xa. Thường thì họ không có những người cố gắng hiểu họ cùng những gánh nặng mà chỉ họ mới có. Họ cần những người, đặc biệt là những mục sư lắng nghe mình và tìm cách áp dụng Tin lành vào tấm lòng và đời sống mình.
4. Dạy rằng tiền bạc vừa vô nghĩa vừa có ý nghĩa như thế nào
Tôi rất thích cách Thi thiên 49 nói về tình trạng căng thẳng này:
“Chớ sợ khi một người trở nên giàu có
Khi vinh quang nhà người ấy tăng lên.
Vì khi chết người ấy chẳng đem gì theo được,
Vinh quang cũng không theo người xuống mồ mả đâu.”
(Thi thiên 49:16-17)
Tiền bạc vô nghĩa ở khía cạnh rằng nó chỉ là tạm bợ, và tiền bạc có ý nghĩa nếu chúng ta gắn vào đó những điều đúng đắn và sử dụng chúng đúng mục đích. Nhưng nếu bạn chỉ nhấn mạnh rằng tiền bạc là vô nghĩa thì đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy khó làm cho người ta dâng tiền bạc theo cách có ý nghĩa.
Vì thế, hãy cho họ thấy tiền bạc có ý nghĩa có thể đáp ứng những nhu cầu thực thụ và có ý nghĩa trên thế giới như thế nào: tài trợ cho những người mở mang hội thánh tại thành phố của bạn hoặc các nước khác; hỗ trợ các nỗ lực mục vụ của hội thánh trong những khu nghèo khó; hoặc huấn luyện những người lãnh đạo phục vụ trong những cộng đồng chưa được phục vụ. Tiền bạc là vô nghĩa nếu nó tồn tại để phục vụ sự thoải mái của chúng ta. Nó cực kỳ có ý nghĩa nếu được tận dụng cho vương quốc Chúa.
5. Cố gắng kết nối đức tin, công việc và sứ mệnh
Người ta dành nhiều thời gian cho công việc, và dựa nhiều vào nó để tìm mục đích và ý nghĩa cho mình. Chúng ta sẽ khiến dân sự bị tổn hại rất nhiều khi không kết nối đức tin với công việc của họ, và mong họ tham gia vào sứ mệnh không liên quan gì đến điều Chúa đã định cho họ.
Điều này khiến cho đời sống Cơ đốc nhân bị phân tách, không có niềm vui và không hiệu quả. Vì vậy, hãy nhấn mạnh vào những lĩnh vực đó trong đời sống dân sự với đức tin và sự chân thành. Hãy dạy họ sống với một trọng tâm duy nhất trong mọi khía cạnh của đời sống mình.
6. Đề nghị họ dâng tiền nhưng cũng phải đề nghị họ dâng cả những thứ khác ngoài tiền
Đừng ngại đề nghị họ dâng tiền. Đừng như vậy. Hãy nhìn vào mắt họ, giải thích rằng bạn cần nó để làm gì; truyền đạt khải tượng và đưa ra đề nghị.
Nhưng…
Đừng chỉ tìm đến những người giàu khi bạn có nhu cầu về tài chính. Hãy kêu gọi họ dâng mình phục vụ trong hội thánh theo những cách không chỉ liên quan đến tiền của họ. Họ đã quen với việc trả tiền để người ta làm những điều mà họ không muốn, nhưng tôi đã kiểm tra rồi, Ê-phê-sô 4 nói rằng công tác chức vụ cần được thực hiện bởi những chi thể của hội thánh. Điều này có nghĩa rằng phải có những mục vụ ý nghĩa cho họ làm. Hãy kêu gọi họ đến với công tác đó.
7. Tạo lập những ngân sách như dòng sông chứ không như con đập
Nếu muốn dạy dân sự mình cách để trở nên hào phóng với vương quốc Chúa thì một trong những cách tốt nhất là với ngân sách hội thánh. Hãy cho họ thấy sự thịnh vượng qua tính hào phóng triệt để là như thế này. Hãy cho họ thấy sự tin kính cùng sự thỏa lòng thực sự là nguồn lợi lớn (1 Ti-mô-thê 6:6) – qua một hội thánh bằng lòng thắt lưng buộc bụng một số ước muốn mục vụ của mình để đáp ứng các nhu cầu mục vụ ở nơi khác.
8. Dạy về sự quản trị như một nguyên tắc
Tôi rất thích sự căng thẳng rất đẹp của 1 Ti-mô-thê 6. Phao-lô đưa ra một cảnh báo rất rõ ràng: “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất.” (1 Ti-mô-thê 6:9).
Nhưng – để chúng ta không nghĩ rằng giàu là xấu – ông đã chỉ đường cho những người giàu có: “Hãy khuyên bảo những người giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng đặt hi vọng vào của cải không chắc chắn, nhưng hãy đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật một cách dư dật để chúng ta vui hưởng.” (1 Ti-mô-thê 6:17).
Mục tiêu không phải là trở nên nghèo. Mục tiêu là tích trữ của cải trên trời bằng cách trở thành người quản trị tốt những gì mình có trên đất.
9. Bạn không thể vừa chăm sóc họ lại vừa thèm muốn có những gì họ có
Có thể bạn không chia sẻ được với họ sự khôn ngoan trong giao dịch kinh doanh và chiến lược đầu tư nhưng bạn có thể làm gương về sự thỏa lòng – và họ cần bạn làm điều đó. Đây là một lĩnh vực mà những người chăn bầy cần làm gương, nhưng đây chính là điểm mà nhiều người phải vật lộn.
Đã có những thời kỳ mà tôi cố cảnh báo dân sự trong hội chúng về lòng tham tiền mà chính tôi lại tham tiền. Thật khó để dẫn dắt một ai đó về mặt thuộc linh trong khi bạn rất muốn có những gì họ có. Và bạn không thể kêu gọi họ đến với một cuộc sống khác nếu bạn thầm muốn cuộc sống mà họ có.
10. Tránh càng xa danh mục dâng hiến càng tốt
Đây là một lời kêu gọi khôn ngoan hơn là một nguyên tắc, và là điều tôi nhận ra rằng không phải hội thánh nào cũng có thể làm như vậy.
Thế nhưng bản thân tôi được tự do phục vụ dân sự khác đi – và phục vụ tốt hơn – khi tôi không mang gánh nặng là biết họ dâng bao nhiêu cho hội thánh. Tôi phát hiện ra rằng khi biết thông tin này, chúng ta thường bị cám dỗ tôn sùng hoặc oán giận họ – điều mà trên đây tôi đã lập luận là chúng ta cần tránh. Hãy tránh nó ra nếu bạn có thể.
11. Cố gắng môn đồ hóa chứ không chỉ chạy theo hiệu quả
Người giàu đã quen với tính hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống mình. Cho nên họ dễ mong có điều đó trong sự trưởng thành thuộc linh, để rồi tự hỏi tại sao mình không tăng trưởng. Gần đây, tôi thực sự nhận ra sai lầm của bản thân sau khi đọc tác phẩm tuyệt vời của Eugene Peterson Hành Trình Vâng Lời Không Lay Chuyển (A Long Obedience in the Same Direction) lần thứ hai. Trong chương mở đầu về môn đồ hóa, ông nói:
Thị trường trải nghiệm tôn giáo trong thế giới của chúng ta rất lớn nhưng người ta lại ít hào hứng với việc kiên nhẫn để có phẩm hạnh, ít có xu hướng đăng ký tập sự lâu dài trong điều mà các thế hệ Cơ Đốc nhân trước gọi là sự thánh khiết…Tôi không biết các mục sư trong các nền văn hóa khác và các thế kỷ trước như thế nào, nhưng tôi đoan chắc rằng với một mục sư trong nền văn hóa phương Tây vào đầu thế kỷ 21, khía cạnh của thế giới khiến việc dẫn dắt Cơ Đốc nhân theo con đường đức tin trở nên khó khăn nhất là…ngày nay người ta say mê những gì ăn liền và tùy tiện.
Hãy chống lại thôi thúc muốn mang đến cho người ta sự giải trí tức thì và tuỳ tiện. Thay vào đó, hãy theo đuổi con đường lâu dài và khó khăn của sự thánh hóa trong cộng đồng. Một số người giàu sẽ chống lại bạn, vì nó đi ngược lại với cách họ đo lường sự đầu tư trên thế giới. Dù sao thì cũng hãy làm điều đó.
12. Đấu tranh vì hỗn độn kỳ diệu của sự đa dạng
Phần lớn Tân Ước đều cho thấy những người có hoàn cảnh khác nhau thuộc cùng một cộng đồng đức tin. Nô lệ và ông chủ được nói đến trong cùng một bức thư vì họ ở trong cùng hội thánh. Tôi rất thích bức thư Phao-lô gửi trong Phi-lê-môn, trong đó ông vạch ra cách mà Cơ Đốc nhân cần phản ứng trong các mối quan hệ có khả năng tài chính không tương ứng. Tin lành biến đổi cách chúng ta phản ứng trong những tình huống đó, và nó không giống với phần lớn cách cư xử trong giới kinh doanh.
Hơn nữa, người giàu không nên chỉ gặp người nghèo khi họ đi vài ba chuyến truyền giáo ngắn hạn. Gặp gỡ kiểu đó thường chỉ làm trầm trọng thêm động lực quyền lực của người giàu trên người nghèo. Thay vào đó, người giàu nên gặp gỡ người nghèo trong gia đình đức tin của họ, hiệp nhất dưới mối liên kết chung là dòng huyết thánh sạch của Đấng Christ.
Sự đa dạng về kinh tế là một trong những hình thức đa dạng mà cộng đồng khó đạt tới nhất. Cần có một điều đặc biệt để đưa những người thuộc các mức độ tài chính khác nhau xích lại gần nhau, một điều như Tin lành chẳng hạn.
13. Nhắc họ nhớ rằng họ cần – và luôn có – quyền năng kỳ diệu của Đức Chúa Trời
Mọi hy vọng dường như tiêu tan khi người thanh niên giàu có từ chối lời mời gọi đến với sự sống đời đời của Chúa Giê-su:
“Người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời thật khó biết bao!” Các môn đồ ngạc nhiên về những lời nầy. Nhưng Đức Chúa Giê-su lại phán: “Hỡi các con, những ai nương cậy vào sự giàu có để được vào vương quốc Đức Chúa Trời thật vô cùng khó khăn! Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời.” (Mác 10:23-24)
Đáp lại, các môn đồ bắt đầu tự hỏi liệu có hy vọng gì cho người giàu trong thế giới này không: “Các môn đồ vô cùng ngạc nhiên, nói với nhau: ‘Vậy thì ai có thể được cứu?’” (Mác 10:26)
Câu trả lời của Chúa Giê-su là điều chúng ta phải bám lấy, dạy dỗ và làm gương: “Đức Chúa Giê-su nhìn họ và phán: ‘Loài người không thể làm được việc nầy, nhưng với Đức Chúa Trời thì khác; vì Đức Chúa Trời làm được mọi sự.’” (Mác 10:27)
Ôi! Thật đáng buồn khi câu này thường được dùng như một lời hứa cho việc theo đuổi của cải đời này! Nhưng ngữ cảnh của nó đã rõ: Người giàu rất khó vào vương quốc Chúa. Rất khó.
Nhưng ai có thể đưa lạc đà chui qua lỗ kim? Đức Chúa Trời.
Chúng ta cần những mục sư đầy đức tin để làm công việc vất vả và chậm chạp là chăn lạc đà. Và chúng ta cần tin cậy Chúa sẽ khiến họ vừa với nó. Đó là hy vọng duy nhất của chúng ta.
Tác giả bài viết, Ross Lester là một mục sư và trưởng lão tại Hội thánh Austin Stone Community tại Austin, Texas, Hoa Kỳ. Trước đây ông là mục sư lãnh đạo của Hội thánh Bryanston Bible và giám đốc của mạng lưới của tổ chức Acts 29 – Công vụ 29 tại Nam Phi. Hiện ông thuộc đội ngũ lãnh đạo mạng lưới Công vụ 29 tại các khu vực mới nổi.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://www.thegospelcoalition.org/article/how-shepherd-camels-eye-needle/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!