Bảy Bước Giải Quyết Xung Đột Theo Kinh Thánh
Tất cả những người lãnh đạo hội thánh đều cần học cách xử lý xung đột. Đây là một trong những kỹ năng mục vụ quan trọng nhất mà bạn có thể phát triển nhưng lại hiếm khi được dạy trong các chủng viện và trường Kinh thánh.
Xung đột không được giải quyết sẽ gây tổn hại đến chức vụ của bạn. Bạn không thể có sự hòa hợp với Đức Chúa Trời nếu không hòa hợp với những người khác. 1 Giăng 4:20 nói với chúng ta rằng “Nếu có ai nói: ‘Tôi yêu thương Đức Chúa Trời” mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối.’”
Lần tới thấy mình vướng vào xung đột – dù là trong gia đình hay ngoài hội thánh – hãy thử dùng bảy bước này để giải quyết nó.
1. Chủ động giải quyết.
Đừng đợi người kia đến với bạn, và đừng phủ nhận xung đột. Hãy trở thành người hòa giải mà Chúa đã kêu gọi bạn trở thành.
Lúc mới kết hôn, tôi rất tệ trong điều này. Khi Kay là vợ tôi đặt vấn đề, tôi rất giỏi né tránh chúng. Nhưng qua nhiều năm, tôi nhận ra rằng xung đột không tự nhiên được giải quyết mà chúng ta phải chủ động làm điều đó.
Tất nhiên, dạng chủ động đó cần sự can đảm khi mọi điều bên trong bạn đều la lên rằng tốt nhất là nên lẩn tránh. Kinh thánh nói rằng tình yêu thương cho chúng ta sự can đảm đó. Phao-lô viết rằng “Không hề có sự sợ hãi trong tình yêu thương, nhưng tình yêu thương trọn vẹn thì loại bỏ sự sợ hãi.” (1 Giăng 4:18).
Khi tình yêu thương trong bạn lớn hơn sự sợ hãi thì bạn sẽ chủ động làm lành trong các mối quan hệ của mình.
2. Thừa nhận phần sai của mình trong xung đột.
Người kia có thể sai 99%, nhưng chúng ta nên khiêm nhường thừa nhận 1% của mình trước.
Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta trong Bài giảng trên Núi rằng tất cả chúng ta đều có những điểm mù. Chúng ta phải xử lý những điểm mù đó trước khi đi tiếp.
“Sao con thấy cái dằm trong mắt anh em, mà lại không thấy cây đà trong mắt mình? Sao con có thể bảo anh em: ‘Để tôi lấy cái dằm khỏi mắt anh,’ trong lúc cây đà vẫn còn nằm trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:3-4).
Các mối quan hệ thường bị ách tắc. Chúng ta bế tắc và cảm thấy bị mắc kẹt khi đợi người kia hành động trước. Có một câu nói có thể phá vỡ sự ách tắc đó: “Tôi xin lỗi.” Hãy thử xem.
3. Lắng nghe những thương tổn.
Nếu đã theo dõi các bài viết của tôi được một thời gian thì bạn sẽ đọc thấy câu này “Người tổn thương làm tổn thương người”. Tôi thường nói như vậy. Đó là một lẽ thật quan trọng cần nhớ. Nếu ai đó khiến bạn tổn thương thì ấy là bởi vì ai đó đã khiến họ bị tổn thương. Có thể là bạn hoặc một ai khác. Gia-cơ 1:19 nhắc chúng ta cách phản ứng với nỗi đau của những người khác: “Mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận”. Chúa ban cho chúng ta hai cái tai và một cái miệng là có lý do. Chúng ta cần lắng nghe gấp đôi so với nói. Đó là chìa khóa để xử lý xung đột.
Khi bạn lắng nghe những thương tổn của người khác, hãy tập trung vào hai khía cạnh cụ thể – những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của họ. “Chúng ta phải gánh “gánh nặng” của việc quan tâm đến những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của người khác” (Rô-ma 15:2, dịch từ bản The Living Bible). Khi động vào những nghi ngờ và tổn thương của ai đó, bạn thường gây ra xung đột.
4. Xem xét quan điểm của họ.
Để làm điều này, chúng ta cần thực hiện một thay đổi quan trọng trong cách đối đãi với những người khác. Thay vì cố làm cho người khác chú ý đến nhu cầu của chúng ta, chúng ta cần chú ý đến nhu cầu của người khác trước. Phao-lô viết trong Phi-líp 2:4-5 “Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa. Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Giê-su đã có”.
Chúng ta vốn là những con người ích kỷ. Chúng ta muốn cho ai đó để ý đến nhu cầu của mình vì chúng ta thường sợ nhu cầu của mình không được đáp ứng. Nhưng Đức Chúa Trời luôn cập nhật những điều nhỏ nhất trong đời sống chúng ta. Không gì qua khỏi mắt Ngài. Kinh thánh chép rằng: “Chúa để ý đến mọi điều con làm và mọi nơi con đi” (Thi thiên 139:3, dịch từ bản Contemporary English Version). Khi nhận ra rằng Chúa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của bạn thì bạn có thể tự do tập trung vào nhu cầu của những người khác.
5. Nói ra sự thật một cách khéo léo.
Chỉ nói ra sự thật là chưa đủ. Trong một câu Kinh thánh mà chắc bạn đã nghe nhiều, Phao-lô bảo chúng ta “nói ra sự thật trong tình yêu thương” (Ê-phê-sô 4:15). Nếu không nói sự thật trong tình yêu thương thì chúng ta đã đứng sai phía trong cuộc xung đột.
Nói ra sự thật trong tình yêu thương không chỉ là chuyện đúng sai, mà còn phải xét đến cái gì hiệu quả nhất. Sự thật mà không có tình yêu thương sẽ bị cưỡng lại; sự thật được bọc trong tình yêu thương sẽ được tiếp nhận. Anh phải cho người ta thấy mình yêu họ rồi họ mới có thể nghe sự thật mà anh muốn chia sẻ.
6. Khắc phục vấn đề chứ đừng đổ lỗi.
Bạn chỉ có một lượng năng lượng cảm xúc nhất định. Bạn chỉ có thể giải quyết xung đột hoặc đổ lỗi chứ không thể làm cả hai. Cho nên bạn cần tự hỏi mình rằng “Điều gì quan trọng hơn?”
Để đảm bảo rằng mình không sa vào đổ lỗi, bạn cần đặt ra một số nguyên tắc cơ bản. Phải gạt đi một số hành động nhất định khi bạn ngồi lại với ai đó để giải quyết xung đột. Chẳng hạn như đừng dọa chấm dứt mối quan hệ, cũng đừng xem thường người kia.
Phao-lô cho chúng ta một danh sách những điều vượt quá giới hạn trong khi xung đột: “Nhưng bây giờ, hãy từ bỏ tất cả những điều ấy, tức là thịnh nộ, buồn giận, độc ác, phạm thượng, và lời nói tục tĩu từ miệng anh em.” (Cô-lô-se 3:8). Tất cả những hành động đó đều dẫn đến xung đột thêm hơn chứ không giảm đi.
7. Tập trung vào sự hòa giải chứ không phải cách giải quyết.
Hòa giải và giải quyết là hai điều rất khác nhau. Sự hòa giải xảy ra khi hai người thiết lập lại mối quan hệ. Giải quyết có nghĩa là hai bạn sẽ không còn có bất đồng nào nữa.
Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được cách giải quyết hoàn chỉnh vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đồng thuận về mọi thứ. Tất cả chúng ta đều có tính khí và những trải nghiệm cuộc sống khác nhau.
Nhưng chúng ta có thể có một mối quan hệ yêu thương ngay cả khi không thể đồng thuận về mọi điều. Chúng ta có thể bất đồng mà không khó chịu.
Là người lãnh đạo hội thánh, chúng ta cần trở thành những người hòa giải. Chúa Giê-su bảo chúng ta rằng “Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9).
Có vẻ như xung đột xuất hiện khắp mọi nơi trong cộng đồng của chúng ta. Chúng ta có thể chọn đứng ngoài và coi như không có xung đột. Thậm chí chúng ta có thể khiến xung đột trong thế giới của mình trở nên tệ hại hơn.
Hoặc chúng ta có thể để Chúa sử dụng mình trong việc giải quyết xung đột. Đó là quyết định khiến Chúa Giê-su được tôn cao.
Tác giả bài viết, Rick Warren là mục sư sáng lập Hội thánh Saddleback, một trong những hội thánh lớn và có tầm ảnh hưởng nhất tại Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn sách Sống Theo Đúng Mục Đích (The Purpose Driven Life) nằm trong danh sách các cuốn sách bán chạy của tờ New York Times và danh sách 100 cuốn sách Cơ Đốc đã thay đổi thế kỷ XX. Ông cũng là nhà sáng lập trang Pastors.com, một mục vụ nhằm trang bị và khích lệ các mục sư cùng lãnh đạo hội thánh bằng các nguồn lực để dẫn dắt những hội thánh lành mạnh.
– Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc –
*Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết: https://pastors.com/seven-biblical-steps-to-resolving-conflict/?fbclid=IwAR1KKEc99S2l5CRYkPC-N6a–vXbp8mOaU9PTwp0VHeg4crlQ8UQxM_Qa_0
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!