Sự Rao Giảng Gây Biến Đổi
Bài nào cũng na ná nhau… tự mãn… không dám liều. Kiểu bài giảng nào – kiểu người giảng nào – có thể nâng cao mức xà cho những người nhảy thấp? Bài phỏng vấn Crawford Loritts, diễn giả đài phát thanh và phó giám đốc Campus Crusade Hoa Kỳ.
PreachingToday.com: Khi nghĩ về các thách thức từ bục giảng, ông có những kinh nghiệm ích lợi nào?
Crawford Loritts: Tôi cảm thấy bị thách thức khi nghe giảng là khi như thể Thánh Linh của Đức Chúa Trời nắm lấy vạt áo cảm xúc của tôi và nói: “Con cần phải lắng nghe điều này.” Tôi có biết một diễn giả vi phạm hầu như mọi nguyên tắc diễn thuyết trước công chúng, nhưng tay Chúa vẫn ở trên ông ta. Tôi nghĩ: lộn xộn quá, nhưng mỗi khi ông ấy giảng, Chúa đều nói với tôi qua ông ấy.
Đi kèm với việc rao giảng là cảm giác về thẩm quyền thiên thượng, khiến sự rao giảng khác với giỏi giao tiếp. Những người giảng đạo tốt là những người giỏi truyền đạt, nhưng những người giỏi truyền đạt chưa chắc đã là những người giảng đạo tốt. Sự khác biệt là ở thẩm quyền. Định nghĩa của tôi về việc rao giảng là lời từ Đức Chúa Trời dành cho con người tại một thời điểm trong lịch sử.
Điều gì có thể khiến một nhà giảng đạo thiếu hiệu quả trong việc thách thức người nghe?
Hai điều. Thứ nhất là tội lỗi.
Thứ hai, bị lệ thuộc vào quá trình, thay vì mục đích, của chức vụ. Tôi có thể bị cuốn vào những việc cần làm tiếp theo đến nỗi tôi có thể quên mất lý do cho công việc đó. Câu nói xưa rằng “bận rộn sinh thiếu hiệu quả” thật đúng; sự bận rộn có thể khiến tôi mất ý thức về bản thân mình.
Mỗi nhà truyền đạo cần ghi nhớ ba phương châm: (1) Đừng bao giờ dám đứng trước một nhóm người với cuốn Kinh thánh trong tay mà lại không mong đợi sự thay đổi. Chúng ta phải có một sự xác tín thiêng liêng— xác tín nơi Đức Chúa Trời và Lời của Ngài, tin quyết rằng Đức Chúa Trời sẽ thay đổi những cuộc đời bất cứ khi nào chúng ta nói ra từ Sách của Ngài. (2) Hãy nhớ rằng mục tiêu của tất cả các chức vụ là sự biến đổi. Vấn đề không phải là có được người khác thích hay không. Vấn đề không phải là có được người khác chấp nhận hay không. Mục tiêu cuối cùng của Đức Chúa Trời là thay đổi đời sống con người. (3) Suy cho cùng, hiệu quả của việc rao giảng của chúng ta sẽ phát sinh từ sự thánh khiết trong đời sống cá nhân của chúng ta.
Trong 2 Cô-rinh-tô 2:17, Phao-lô nói, “Vì, chúng tôi không buôn bán lời Đức Chúa Trời như nhiều người khác.” (BD 2010) Trong tiếng Hy Lạp, từ buôn bán (hay bán rong) dùng để chỉ những người làm rượu với chút lừa đảo. Họ sẽ pha loãng rượu và rao bán như thể đó là đồ thật. Phao-lô nói: “Không! Đừng vi phạm tính toàn vẹn trong chân lý của Lời Đức Chúa Trời. Đừng quá quan tâm đến “truyền đạt” khiến nội dung thuần khiết bị pha loãng.” Phao-lô nói tiếp: “Nhưng là người được Đức Chúa Trời sai phái, chúng tôi rao giảng một cách thành thật trong Đấng Christ, trước mặt Đức Chúa Trời.” Điều đó cho thấy chúng ta phải chân thật trong truyền đạt, phải giữ sự chính trực. Đừng hùng biện đến mức thành một diễn viên, chỉ mê mẩn sao cho được hoan hô nhiệt liệt. Đừng bận tâm đến việc nói sao cho có được tiếng cười và sự chấp thuận của mọi người.
Sân khấu có thể gây nghiện. Vậy nên càng được công nhận thì càng phải biết tan vỡ, để bạn không chỉ đùa giỡn với loài người. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang đề cập đến những vấn đề vĩnh cửu, với chân lý, với những điều đòi hỏi sự minh bạch và hoàn toàn chính trực.
Ông có nhớ câu chuyện nào minh hoạ điều đó không?
Có lần tôi được làm một trong những diễn giả tại một sự kiện lớn. Trước đó, các diễn giả đã có một cuộc họp, và một trong các diễn giả đã dẫn theo một người giảng đạo trẻ trong tư cách là khách mời. Anh bạn trẻ đó không biết tôi. Một số nhà lãnh đạo và diễn giả nổi tiếng trong giới Cơ đốc đã có mặt hôm đó, và tôi nghĩ chàng trai trẻ chỉ nhìn quanh thôi cũng vẹo cả cổ rồi. Miệng cậu ta há hốc. Nhưng khi tôi đến bắt tay cậu, cậu ấy làm ngơ tôi.
Tối hôm đó đến phiên tôi giảng. Đức Chúa Trời đã hành động một cách mạnh mẽ, và người nghe đáp ứng rất tích cực với sứ điệp. Khi tôi chuẩn bị rời bục giảng, chàng trai trẻ này đến và nói: “Tôi cần phải gặp ông.” Tôi không muốn tỏ ra gay gắt, nhưng tôi muốn nói với cậu ta, “Hai giờ trước thôi tôi đâu đáng để cậu phí thời gian.”
Chúng ta dễ dựa vào sự khẳng định của người khác để xác định tầm quan trọng của việc chúng ta là ai và chúng ta làm gì. Nhưng bạn cần phải tránh việc đó.
Khuyên bảo là một cách rõ ràng để thách thức người nghe trong một sứ điệp. Có những cách khác để làm điều đó không?
Chúa Giê-su đã kể chuyện, tuy nhiên Ngài rất thắng thắn.
Cảm xúc của người giảng quan trọng đến mức nào?
Chúng ta cần nhiệt huyết. Tinh thần của chúng ta cũng được truyền đạt. Chúng ta không nên truyền đạt lẽ thật cách lạnh lùng. Nhưng hãy lưu ý tốc độ của mình. Nếu bạn là mục sư, hãy cẩn thận để không phải lúc nào bạn cũng “nhấn hết ga” vào mỗi Chủ Nhật.
Hai người giảng có thể nói cùng một điều, nhưng một người nói cách say mê, người kia lạnh lùng như đá, và chính người giảng đầy nhiệt huyết mới khuấy động lòng người.
Đúng vậy, bởi vì chúng ta thường có cảm xúc với những gì mà mình coi trọng.
Làm thế nào để chúng ta tránh chủ nghĩa luật pháp khi thách thức người nghe?
Điều đó bắt đầu với sự hiểu biết của chính bạn về ân điển. Bạn phải nói rằng bạn cũng chưa hoàn thiện, rằng dù đang truyền tải một thông điệp từ Chúa nhưng bạn cũng đồng cảm với mọi người. Chúng ta không nên ra vẻ mình là thành viên thứ tư của Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Cần có giãi bày phù hợp. Bạn cần phải chân thật. Mọi người cần hiểu rằng bạn đang tiến bộ, rằng bạn cũng cần ân điển của Chúa nhiều như họ. Khi bạn truyền đạt từ quan điểm đó, sẽ có sự tự do tuyệt vời. Bạn trở thành ống dẫn ân điển của Đức Chúa Trời.
Vấn đề không chỉ là chúng ta nói cái gì; mà còn ở cách chúng ta nói điều đó như thế nào. Chúng ta phải cẩn thận với lòng kiêu hãnh của mình. Mỗi người đã được Đức Chúa Trời trọng dụng đều có bốn điểm đặc trưng:
Đầu tiên là sự tan vỡ. Đức Chúa Trời không bao giờ sử dụng bất cứ ai đến với Ngài mà không chịu thay đổi. Hai người có thể truyền đạt cùng một lẽ thật với cùng một mức độ nhiệt huyết như nhau, nhưng một người lại tỏ ra trịch thượng, phán xét và theo chủ nghĩa kinh luật. Người kia trình bày lẽ thật với đầy ân điển và lòng thương xót, khiến bạn muốn đáp ứng. Sự khác biệt là gì? Sự khác biệt là ân điển, được truyền tải qua sự tan vỡ.
Thứ hai, sự tương giao liên tục. Đó là khả năng sống trước sự hiện diện của Chúa và nhận ra rằng việc rao giảng bắt nguồn từ mối tương giao ấy, như một phần của sự thờ phượng.
Thứ ba, sự phục tùng. Chúng ta là đầy tớ. Bục giảng không phải là một quyền lợi, mà là cơ hội để phục vụ thân thể Đấng Christ.
Thứ tư, sự vâng lời triệt để ngay lập tức. Chúng ta muốn vâng lời Đức Chúa Trời hơn bất cứ điều gì.
Điều gì cho chúng ta thẩm quyền đạo đức để thách thức người nghe?
Hãy chấp nhận nghịch lý này: Một mặt, chúng ta nhận ra mình không có bất kỳ thẩm quyền đạo đức nào, nhưng mặt khác, chúng ta bám lấy Đấng Christ. Tôi rất thích cuốn sách của Arturo Azurdia, Spirit Empowered Preaching (Sự Rao Giảng Được Thánh Linh Trao Quyền). Anh ấy thật biết cách kết hợp sự năng động của một đời sống đầy dẫy Thánh Linh với thời điểm rao giảng. Chúng ta không có thẩm quyền trong chính mình. Thẩm quyền duy nhất là dấu ấn siêu nhiên được viết trên thông điệp mà Chúa ban cho chúng ta.
Chúng ta không được sợ đứng lên và mở miệng rao giảng. Hãy giảng! Đừng sợ hãi trước những tiếng nói đang cố gắng kiểm soát bạn và làm bạn trở nên giống một người dẫn chương trình toạ đàm thông thường. Liệu có trường hợp người ta bịt tai không nghe? Chắc chắn có. Đó là lý do tại sao Phao-lô có nói tới sự rao giảng rồ dại.
Crawford Loritts
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!