5 KHÁC BIỆT GIỮA TƯ DUY PHẢN BIỆN VÀ TINH THẦN PHÊ PHÁN
Có một sự khác biệt lớn giữa tư duy phản biện và tinh thần phê phán. Tư duy phản biện thì xây dựng, còn tinh thần phê phán thì phá hủy. Sở hữu tư duy phản biện là một điều tuyệt vời. Nó dẫn đến sự tự chiêm nghiệm, học hỏi và đánh giá về nguyên nhân và cách thức của sự việc. Ngược lại, sở hữu tinh thần phê phán là điều tồi tệ. Nó dẫn đến việc đẩy người khác ra xa, không tin tưởng vào bất cứ điều gì và bất cứ ai, và liên tục tìm lỗi thay vì vui mừng trong những điều tốt đẹp mà Chúa đã và đang làm. Sau đây là năm khác biệt giữa tư duy phản biện và tinh thần phê phán:
1. Tư duy phản biện thì khiêm nhường; tinh thần phê phán thì kiêu ngạo.
Cần một tâm thế khiêm nhường để có tư duy phản biện thật. Tâm thế ấy không giả định bạn có mọi câu trả lời và sẵn sàng suy nghĩ về sự việc thông qua cái nhìn sáng suốt và kinh nghiệm của người khác. Ngược lại, tinh thần phê phán thì kiêu ngạo và lầm tưởng rằng những người không có cùng quan điểm với mình về mọi vấn đề thì đều là đồ ngốc.
2. Tư duy phản biện thì ham học hỏi; tinh thần phê phán thì thờ ơ.
Tư duy phản biện thì ham học hỏi và tìm hiểu, luôn muốn hiểu cách áp dụng và truyền đạt chân lý. Sở hữu tư duy phản biện không có nghĩa là một người sẽ thay đổi hoặc nhượng bộ quan điểm của mình về một vấn đề quan trọng hay coi chân lý là tương đối. Nhưng người có tư duy phản biện thì liên tục đánh giá cách áp dụng chân lý vào hoàn cảnh vốn liên tục thay đổi. Ngược lại, tinh thần phê phán thì thờ ơ với con người và hoàn cảnh.
3. Tư duy phản biện có thể đoàn kết; tinh thần phê phán chỉ chia rẽ.
Một tư duy phản biện có thể đoàn kết khi người ta đến bên nhau và thảo luận về các chủ đề quan trọng với ý định học hỏi và phát triển. Tôi không ngây thơ nghĩ rằng một nhóm người có tư duy phản biện thì sẽ luôn nhất trí với nhau khi rời khỏi phòng họp. Một tư duy phản biện không đảm bảo sự đoàn kết nhưng một tinh thần phê phán thì chắc chắn gây chia rẽ. Khi những người có tinh thần phê phán đoàn kết vì một điều gì đó, thì thường đó là vì cùng coi thường và bực bội với điều mà họ phản đối. Tuy nhiên, chẳng bao lâu họ sẽ quay lại và chiến đấu lẫn nhau vì họ chỉ biết chiến tranh.
4. Tư duy phản biện biểu đạt cách nhẹ nhàng; còn tinh thần phê phán thì thể hiện cách giận dữ.
Những người có tư duy phản biện thường không đồng ý với người khác, nhưng họ biểu đạt sự không đồng ý của mình cách nhẹ nhàng. Cũng có thể họ chọn không bộc lộ chút nào vì không muốn dành cả đời để biểu đạt sự không đồng ý với mọi thứ! Ngược lại, những người có tinh thần phê phán thì giận dữ và luôn tìm kiếm điều gì đó để phản đối – và sự hoài nghi không ngừng của họ được thể hiện với sự giận dữ.
5. Tư duy phản biện thì thoả lòng; tinh thần phê phán thì đắng cay.
Những người có tinh thần phê phán là những người khốn khổ. Họ phun ra những lời đau buồn từ một chốn đau buồn. Ngược lại, một người có tư duy phản biện không cần chứng minh mình đúng trong mọi lúc, bởi vì nhân dạng của họ không lệ thuộc vào việc phải được coi là đúng trước loài người. Họ thoả lòng vì Đấng Christ đã khiến họ công chính trước Đức Chúa Trời, do đó họ không phải gồng lên để chứng minh mình đúng trong mọi vấn đề.
Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi tinh thần phê phán và giúp chúng con sở hữu một tư duy phản biện!
Tác giả: Eric Geiger
Chuyển ngữ: Đội ngũ Ba-rúc
Quan điểm bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của đội ngũ Ba-rúc
Link bài viết gốc:
https://ericgeiger.com/2019/11/5-differences-between-a-critical-mind-and-a-critical-spirit/
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!